Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Doanh nghiệp chưa “mặn mà”
Chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được cho là “liều thuốc” trợ lực tài chính, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai, mới có hơn 12% doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đến cơ quan thuế. Điều này cho thấy doanh nghiệp còn chưa “mặn mà” với sự hỗ trợ này.
Cơ quan thuế tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất của cá nhân, doanh nghiệp.
Mới có 27.935 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn
Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đã được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 8-4-2020 nhằm hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo tính toán, có khoảng 98% tổ chức, doanh nghiệp (khoảng 740.000 đơn vị) và hầu hết hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất 5 tháng, với giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, sau hơn một tháng triển khai chính sách này, mới có hơn 12% doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Số liệu của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho thấy, tính đến ngày 18-5, có 105.083 đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được gửi đến cơ quan thuế, trong đó có 92.988 doanh nghiệp; 12.095 cá nhân, hộ kinh doanh.
Cũng tính đến thời điểm trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất gia hạn là 27.935 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 24.499 tỷ đồng; gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân 125 tỷ đồng; gia hạn tiền thuê đất của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân là 3.311 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ (Tổng cục Thuế) Nguyễn Đức Huy cho hay, để doanh nghiệp, người nộp thuế được hưởng quyền lợi từ chính sách trên, ngành Thuế đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ và hướng dẫn người nộp thuế. Tại nhiều chi cục thuế, cán bộ thuế gọi điện đến từng doanh nghiệp trên địa bàn thông báo về chính sách, giải đáp thắc mắc và đôn đốc doanh nghiệp gửi giấy đề nghị gia hạn. Vì vậy, cơ bản giấy đề nghị gửi đến cơ quan thuế là được phê duyệt, rất ít doanh nghiệp gửi đề nghị mà không đáp ứng điều kiện.
Đi tìm những nguyên nhân chính
Giải thích tình trạng mới có hơn 12% doanh nghiệp đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, ông Nguyễn Đức Huy cho rằng, nguyên nhân chính là do thời hạn gửi giấy đề nghị còn dài nên nhiều doanh nghiệp chưa vội làm.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho rằng, thủ tục gửi giấy gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhanh gọn, doanh nghiệp chỉ cần gửi một lần đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng cho 4 tháng (tháng 3, 4, 5, 6) và thuế thu nhập doanh nghiệp của quý I, quý II-2020. Trong khi đó, thời hạn gửi giấy đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất là đến hết ngày 30-7-2020. Vì thế, nhiều doanh nghiệp có thể đến gần cuối thời hạn mới triển khai.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nằm trong diện được gia hạn thuế chưa làm thủ tục đề nghị còn vì đang tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện N.V.H (quận Hoàng Mai) cho biết, công ty chưa làm thủ tục đề nghị gia hạn nộp thuế vì tập trung chuẩn bị đơn hàng giao cho một dự án lớn tại miền Trung, dù biết rằng doanh nghiệp có lợi nếu được gia hạn tiền thuế hay tiền thuê đất.
Ngoài ra, có một nguyên nhân khác, đó là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp không có doanh thu nên không “mặn mà” làm thủ tục gia hạn. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hanoi Redtours (quận Hoàn Kiếm), dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề. Những tháng qua, Hanoi Redtours hầu như không có doanh thu. Vì vậy, chính sách gia hạn thuế quý I, quý II-2020 không có nhiều ý nghĩa. “Với doanh nghiệp lữ hành như Hanoi Redtours, việc gia hạn thuế nếu được kéo dài đến hết năm 2020 và nửa đầu năm 2021, thay vì 5 tháng như hiện nay, mới thực sự có tác dụng”, ông Nguyễn Công Hoan kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Đức Huy, hiện ngành Thuế tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc người nộp thuế làm thủ tục gia hạn thuế và tiền thuê đất. Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khác, như rà soát, thống kê mức độ ảnh hưởng do dịch Covid-19 của từng doanh nghiệp; ghi nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, từ đó báo cáo, đề xuất cơ chế phù hợp, hiệu quả vừa để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phục hồi, vừa để nuôi dưỡng nguồn thu trong thời gian tới.
Khoảng 60% doanh nghiệp du lịch tại TPHCM hoạt động trở lại
Hiện có khoảng 60% doanh nghiệp du lịch tại TPHCM đã mở cửa trở lại sau thời gian tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19.
Đa số doanh nghiệp ngành này đang cần hỗ trợ về chính sách tài chính để duy trì hoạt động. Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM trao đổi với phóng viên VOV.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, các doanh nghiệp hoạt động trở lại chủ yếu tập trung vào thị trường du lịch nội địa. Số doanh nghiệp du lịch vẫn còn tạm ngưng chủ yếu hoạt động trong phân khúc thị trường inbound và outbound. Dự kiến, quý 4 năm 2020, số doanh nghiệp này sẽ mở cửa trở lại do còn nhìn nhận về tình hình kiểm soát dịch trên thế giới, cũng như chờ động thái chính thức của Nhà nước về việc đón khách quốc tế.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến TPHCM sụt giảm mạnh.
Hiện Sở Du lịch TPHCM đang tập trung triển khai những chính sách về giãn thời gian nộp thuế, nộp tiền thuê đất, chính sách hỗ trợ giá tiền điện, chính sách tín dụng... đến doanh nghiệp; làm cầu nối để kết nối các doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ chính sách.
Đa số doanh nghiệp hiện tại đang cần hỗ trợ về chính sách tài chính để xoay vòng vốn, trả lương nhân viên, trả những chi phí cần thiết để duy trì hoạt động trở lại. Sở Du lịch TPHCM cũng đã tiếp nhận khoảng 50 doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ về các gói tín dụng. Danh sách này đã được chuyển tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM để từ đó triển khai đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp ngành du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, qua dịch Covid-19 có thể thấy sức đề kháng của doanh nghiệp du lịch chưa cao. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chủ yếu vẫn có quy mô vừa và nhỏ, tính liên kết, hoạt động chuỗi vẫn chưa chặt chẽ để đứng vững trước đại dịch.
"Thời gian này là rất cần thiết để doanh nghiệp tái cơ cấu, xây dựng lại những liên minh, liên kết và chọn lọc lại những phân khúc sản phẩm nào là thế mạnh của mình. Đồng thời cơ cấu lại nhân sự, cơ cấu lại thị trường khách để có uy tín, có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường du lịch nội địa và quốc tế" - bà Hoa nói./.
Nghị định 41: Nỗ lực của Chính phủ và "phép thử" năng lực cho các doanh nghiệp BĐS Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Mặc dù vậy, có nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang bày tỏ mong muốn kéo dài thời gian gia hạn lên 1 năm. Đứng góc nhìn chuyên gia, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam đã có những...