Gia hạn tạm giam 2 phóng viên
Hai phóng viên của báo Pháp Luật TP.HCM và báo Thanh Niên vừa được gia hạn tạm giam thêm 3 tháng để phục vụ điều tra mở rộng vụ án.
Nguồn thông tin từ Viện KSND Tối cao cho hay, chiều 3/12 cơ quan này đã ký quyết định đồng ý với đề nghị của cơ quan CSĐT Bộ công an về việc gia hạn tạm giam với 2 bị can Võ Thanh Tùng (SN 1981, là phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, bút danh Võ Tùng, Duy Đông) và ông Nguyễn Kim Cương (SN 1979, là phóng viên báo Thanh Niên, cùng ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Theo đó 2 bị can bị tạm giam thêm 3 tháng để mở rộng điều tra vụ án “cưỡng đoạt tài sản” và “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” xảy ra ở Đồng Nai.
Phóng viên Duy Đông bị bắt vì liên quan tới hành vi “cưỡng đoạt tài sản” chủ một quán bar ở Đồng Nai. Ảnh minh họa
Hai bị can khác gồm: Nguyễn Văn Tài (SN 1992, là sinh viên của trường đại học Đồng Nai) và Dương Văn Minh (SN 1989, cùng ngụ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), được cho là cộng tác viên của ông Võ Thanh Tùng trong một số hoạt động tác nghiệp báo chí, cũng bị tạm giam thêm để điều tra về hành vi liên quan.
Như VietNamNet đã thông tin, đầu tháng 8/2013 ông Tùng bị bắt quả tang khi đang nhận số tiền 50 triệu đồng từ ông T.T.D.T, là chủ quán bar M đóng ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau đó công an tiếp tục bắt giữ 2 đồng phạm của ông Tùng trong vụ này, là ông Tài và ông Minh.
Video đang HOT
Cả 3 sau đó bị khởi tố để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Ông Tùng có khai, đã cùng các cộng tác viên của riêng mình viết bài điều tra về các quán bar, vũ trường ở địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có bar M, để đăng nhiều kỳ trên báo Pháp Luật TP.HCM. Từ những thông tin tác nghiệp, ông Tùng và các cộng sự đã dùng để tống tiền chủ quán bar M.
Mở rộng điều tra, đầu tháng 10/2013 cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Kim Cương – phóng viên báo Thanh Niên để điều tra về hành vi “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Ngay sau đó ông Tùng và ông Tài cũng bị tống đạt các quyết định khởi tố bổ sung về hành vi này.
Công an xác đinh ông Tùng và ông Kim Cương thuộc 2 cơ quan báo chí khác nhau, nhưng cùng là phóng viên thường trú, hoạt động tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Bước đầu công an tình nghi, ông Tùng và ông Kim Cương đã lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để trục lợi cá nhân.
Cụ thể, ngoài vụ tống tiền chủ quán bar M như đề cập, công an nghi ngờ 2 ông Tùng và Cương còn thực hiện một số phi vụ khác; trong đó có hoạt động buôn lậu gỗ có giá trị lớn, tàng trữ tại nhà riêng của ông Tùng và từng bị công an địa phương phát hiện vào cuối năm 2012.
Liên quan đến vụ án, nguồn thông tin của VietNamNet cho hay, công an đã mời một số người có liên quan đến các hoạt động của ông Võ Thanh Tùng, ông Nguyễn Kim Cương, để làm việc, phục vụ công tác mở rộng điều tra.
Theo Vietnamnet
Không trả lời báo chí là vi phạm luật
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia luật tại hội thảo 'Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí', do Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC - thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN) và Đại sứ quán Anh tổ chức tại TP.HCM sáng 18.10.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hội 4 năm trời khiếu nại tranh chấp mà Báo Thanh Niên phản ảnh trong số báo ngày 10.7.2013, đến nay vẫn chưa được giải quyết - Ảnh: Thanh Đông
Trả lời chiếu lệ
Theo báo cáo của đại diện một số tờ báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật TP.HCM, hằng năm lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo... của người dân do báo chí chuyển đến các cơ quan nhà nước (CQNN) để xử lý giải quyết rất nhiều, nhưng tỷ lệ phản hồi chỉ chiếm khoảng 30%. Báo Thanh Niên trong năm 2012 đã chuyển 1.050 đơn thư của bạn đọc nhưng chỉ nhận được 510 trường hợp phản hồi của các cơ quan chức năng, đạt 48,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2013, số lượng đơn thư chuyển đi là 889 nhưng số lượng công văn trả lời nhận được chỉ 247 trường hợp (chiếm 27,8%). Báo Tuổi Trẻ năm 2012 chỉ nhận được phản hồi 33% trường hợp đơn thư chuyển đi; qua 9 tháng đầu năm 2013 giảm xuống còn hơn 22%. Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết trong số đơn thư của bạn đọc chuyển đi năm 2012 chỉ nhận được 25% trường hợp trả lời của các CQNN...
Có trường hợp, một tờ báo mạng mà chúng tôi khảo sát đã phải đăng tải đến 30 lần mà cơ quan nhà nước vẫn giữ thái độ im lặng
Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM
Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, cho biết theo kết quả khảo sát của các chuyên gia MEC được thực hiện với 268 nhà báo, phóng viên của nhiều tờ báo thuộc 19 tỉnh thành trên cả nước thì chỉ có 26% CQNN phản hồi theo đúng luật định (trong thời hạn 30 ngày). Trong đó, đến 78% phản hồi của CQNN chỉ có thông tin "vỏ", tức không có thông tin cụ thể về vấn đề báo chí quan tâm. Đối với những tờ báo có lượng bạn đọc ít hoặc các trang báo mạng thì tỷ lệ phản hồi càng khiêm tốn. "Thậm chí, có trường hợp, một tờ báo mạng mà chúng tôi khảo sát đã phải đăng tải đến 30 lần mà CQNN vẫn giữ thái độ im lặng", ông Lợi kể. Nguyên nhân của tình trạng này, theo hầu hết các chuyên gia, là do hệ thống pháp luật còn thiếu chế tài xử lý việc CQNN chậm hoặc không trả lời cơ quan báo chí, dẫn đến thái độ "nhờn luật", nhất là khi nội dung vụ việc báo chí đề cập đến có liên quan đến tiêu cực của CQNN.
Cần bổ sung ngay biện pháp chế tài
Tiến sĩ - luật sư Phan Đăng Thanh cho rằng để quyền lợi người dân được đảm bảo giải quyết thì cần phải có sự công khai minh bạch thông tin. Hiện nay, luật Báo chí năm 1989 đã không còn phù hợp. Tuy Nghị định 51/2002 hướng dẫn thi hành luật Báo chí - Nghị định 02/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản có những bổ sung nhưng vẫn không đảm bảo được tính minh bạch này bởi không có quy định chế tài buộc CQNN phải trả lời cơ quan báo chí. Đồng quan điểm này, luật sư Dương Phi Anh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng luật chỉ đưa ra quy định mà không có biện pháp chế tài thì cũng chỉ là "khẩu hiệu" mà thôi. "Không trả lời cơ quan báo chí về các đơn thư khiếu nại của dân khi báo chí chuyển đến là vi phạm luật và nghị định, nhưng ai có thẩm quyền xử phạt các CQNN khi vi phạm luật thì vẫn chưa có quy định cụ thể. Điều này khiến người khiếu nại rất bức xúc", luật sư Dương Phi Anh nói.
Tại hội thảo, nhiều nhà báo, chuyên gia có chung nhận định hiện nay các quy định về trách nhiệm trả lời của CQNN đối với cơ quan báo chí còn rất chung chung. Nhà báo Minh Cường (Báo Pháp Luật TP.HCM) nói quy định hiện nay là "khi hết thời hạn luật định mà CQNN không trả lời thì cơ quan báo chí có quyền chuyển đơn lên cấp trên hoặc viết bài phản ánh trên mặt báo" nhiều khi không có tác dụng, bởi nhiều trường hợp đơn chuyển lên cơ quan cấp trên lại được chuyển về chính CQNN đó giải quyết lại từ đầu, gây mất thời gian và phiền phức. Hơn nữa, không phải vụ việc nào cũng có thể đăng báo được.
"Cần nhanh chóng sửa đổi luật Báo chí theo hướng đưa vào những quy định về biện pháp chế tài để xử lý các CQNN không trả lời hoặc chậm trả lời cơ quan báo chí đối với những kiến nghị, phê bình, khiếu nại của người dân", tiến sĩ Phan Đăng Thanh đề xuất.
Theo TNO
"Xã ung thư" bị bỏ quên 10 năm, một xã có tới gần 100 người mắc bệnh ung thư, trong đó 70 người đã chết, hơn 20 người còn lại hoặc đang xạ trị hoặc nằm chờ chết do bị bệnh viện trả về. Xã Duy Tân (huyện Kinh Môn, Hải Dương), nơi vừa xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến hàng trăm hộ dân...