Giá dừa khô nguyên liệu giảm thấp
Nhà vườn trồng dừa tại Bến Tre lo lắng giá dừa khô nguyên liệu xuống thấp.
Hiện tại, giá dừa được thương lái thu mua tại vườn từ 30.000-40.000 đồng/chục (12 trái), giảm hơn 50.000-60.000 đồng/chục so với cùng kỳ năm 2021.
Phân loại, tách bóc vỏ dừa khô tại Bến Tre. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN
Vì chờ giá lên nên gần 3 tháng qua bà Võ Thị Mỹ, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, cho neo trái dừa trên cây không hái bán. Tuy nhiên, do dừa để lâu trên cây khô rụng nên bà Mỹ đành phải thu hoạch.
Bà Mỹ cho biết, sau Tết Nguyên đán giá dừa xuống thấp, trong khi dừa đang vào nghịch vụ, sản lượng ít. Mỗi năm đến thời điểm mùa khô dừa treo trái giá dừa tăng, nhưng chỉ riêng năm nay giá dừa giảm hơn 50.000 đồng/chục.
Video đang HOT
Bà Mỹ chia sẻ, tuần trước bà Mỹ thu hoạch 1,6 ha đất thu được hơn 2.000 trái dừa bán với giá 45.000 đồng/chục, nhưng phải năn nỉ thương lái mới vào thu mua. Hiện nay giá dừa tiếp tục xuống thêm 10.000 đồng/chục.
Bà Mỹ cho hay, đang chuẩn bị vào mùa mưa, cần nhiều chi phí để đầu tư cho cây dừa như bón phân, bồi phù sa cho cây dừa. tuy nhiên với giá phân bón tăng cao, giá nhân công lao động tăng, nhưng giá dừa giảm người dân không đủ chi phí để đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, mỗi năm vào thời điểm nắng nóng, dừa vào nghịch vụ giá luôn tăng cao hơn 100.000 đồng/chục. Tuy nhiên năm nay lại giảm sâu gây lo lắng cho nông dân vì đang chuẩn bị vào mùa mưa, cây dừa cần có chi phí đầu tư chăm sóc. Với giá phân bón tăng cao như hiện nay, xem như người trồng dừa không có lợi nhuận.
Theo các thương lái thu mua dừa, hiện nay nguồn tiêu thụ dừa khô nguyên liệu trong nước giảm. Bên cạnh đó, xuất dừa khô nguyên liệu đi thị trường Trung Quốc giảm do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Anh Nguyễn Văn Bằng, thương lái thu mua dừa tại huyện Giồng Trôm cho hay, thị trường dừa lột bỏ vỏ (dừa hột) để xuất các tỉnh và Trung Quốc đang chững lại, giá giảm mạnh còn hơn 3.000 đồng/kg (dừa hột). Hiện các bãi thu mua dừa tại xã Châu bình, các xã lân cận quá tải. Do vậy thương lái thu mua trực tiếp dừa của nhà vườn như anh Bằng không có đầu ra để tiêu thụ dừa cho người dân.
Bến Tre có trên 78.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, ngành chức năng tỉnh đang hướng người dân sản xuất dừa theo hướng hữu cơ và xây dựng chuỗi giá trị cho cây dừa để người dân có thu nhập ổn định và bền vững hơn.
Hiện người dân sản xuất dừa hữu cơ có liên kết tiêu thụ giá dừa luôn cao hơn giá thị trường từ 10.000-15.000 đồng/chục. Bên cạnh đó, Bến Tre đã xây dựng được vùng nguyên liệu dừa hữu cơ với hơn 14.000ha bao gồm dừa khô nguyên liệu, dừa uống nước để cung cấp nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp trong tỉnh.
Trong thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục khuyến cáo người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa hữu cơ để nhân rộng vùng nguyên liệu này phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến sâu từ cây dừa. Đồng thời, khuyến khích nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết doanh nghiệp thu mua. Qua đó, giúp nâng cao giá trị cho cây dừa, tăng thu nhập cho người nông dân.
Nông dân trồng dừa Bến Tre mừng vì giá dừa trái tăng lên gấp đôi
Từ đầu tháng 3-2022 đến nay, giá dừa xiêm tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) tăng cao. Thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 100 - 120 ngàn đồng/chục (12 trái) tùy khu vực, tăng hơn 60 ngàn đồng/chục so với thời điểm trước đó.
Bà Võ Thị Kim Loan ở ấp Hưng Chánh, xã Châu Hưng (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết, gia đình bà có hơn 1,5ha dừa xiêm xanh lùn trên 5 năm tuổi, đang cho trái ổn định, trung bình mỗi tháng, bà bán trên 2.000 trái. Với giá bán 100 ngàn đồng/chục, sau khi trừ chi phí, bà Loan thu lãi hơn 8 triệu đồng.
Bà Võ Thị Kim Loan, nông dân trồng dừa xiêm xanh lùn xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phấn khởi vì giá dừa tăng cao.
Bà Loan cho biết: Vào thời điểm thuận mùa, hàng tháng vườn dừa gia đình bà cho thu hoạch trên 3.000 trái, nhưng giá bán chỉ từ 4 - 6 ngàn đồng/chục, lãi không cao.
Thời điểm này, mặc dù sản lượng dừa giảm khoảng 25% nhưng bù lại giá cao. Gia đình bà đang tập trung chăm sóc, bón phân định kỳ để vườn dừa phát triển tốt, cho trái ổn định.
Toàn huyện Bình Đại có trên 8.000ha dừa các loại, trong đó hơn 7.460ha đang cho trái, tập trung nhiều ở các xã tiểu vùng I, II và khu vực ngọt hóa xã Thạnh Trị. Hiện huyện đã xây dựng được vùng trồng dừa hữu cơ hơn 1.502ha. Trong 3 tháng đầu năm 2022, sản lượng dừa các loại đạt 26 triệu trái, trong đó dừa hữu cơ trên 1,1 triệu trái.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất dừa cho bà con ở các địa phương, từ đó, người dân mạnh dạn phát triển diện tích dừa theo mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; theo chuỗi giá trị bền vững và canh tác dừa hữu cơ, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến dừa, nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dừa, tạo thêm nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường, giúp nông dân tăng thêm thu nhập.
Bỏ lúa, bỏ cây tràm, chuyển sang trồng những loại cây này, nông dân xã biên giới Long An thu lời "khủng" Những năm trước, nông dân các xã biên giới thuộc huyện Thạnh Hóa (Long An) chuyên canh trồng lúa nước cùng với trồng rừng tràm bạt ngàn. Nhưng khổ nỗi, lợi nhuận từ hai loại cây này chỉ đủ sống. Nông dân xã Tân Hiệp chọn cây chanh, cây bưởi và cây mít để chuyển đổi cây trồng và kết quả thu lợi...