Gia đình nhân viên cảng Beirut hy vọng vào phép màu
Trước khi mất tích, Ghassan Hasrouty, nhân viên kho thóc tại cảng Beirut 38 năm qua, từng nghĩ ông làm việc ở nơi an toàn nhất thành phố.
Những bức tường bêtông kiên cố và phòng làm việc dưới mặt đất là nơi ông Hasrouty từng trú ẩn suốt nhiều ngày trong cuộc nội chiến Lebanon 1975-1990. Ông hay nói với gia đình rằng ông lo lắng cho họ hơn mình mỗi sáng đi làm.
Vào 17h30 ngày 4/8, Hasrouty gọi cho vợ, Ibtissam, thông báo mình sẽ ngủ ở kho thóc tại cảng Beirut đêm nay vì có một lô thóc đang cập cảng và ông không thể rời đi. Ông còn bảo vợ gửi cho mình một cái chăn và một cái gối.
Kể từ đó, bà Ibtissam không còn nghe tin tức gì từ chồng.
Một bức ảnh của ông Hasrouty và vợ tại nhà ở Beirut. Ảnh: Reuters
Vụ nổ ở cảng Beirut ngay sau cuộc gọi của Hasrouty đã phá hủy hầu hết công trình xung quanh, trong đó có các nhà kho, khiến ít nhất 158 người chết, hơn 6.000 người bị thương và nhiều người mất tích. Thảm hoạ cũng khiến khoảng 300.000 người Lebanon mất nhà cửa khi sóng xung kích gây hư hại nhiều công trình trong phạm vi hàng km.
Giới chức cho hay vụ nổ xuất phát từ 2.750 tấn amoni nitrat được lưu trữ tại một nhà kho đối diện với kho thóc suốt 6 năm qua mà không có biện pháp an toàn thích hợp. Chính phủ Lebanon cam kết những người chịu trách nhiệm sẽ bị đưa ra công lý, nhưng người dân đã mất niềm tin và rất tức giận.
Bộ Y tế Lebanon hôm 8/8 cho biết 21 người vẫn mất tích. Gia đình của Hasrouty tin rằng ông và 6 đồng nghiệp đang ở nơi nào đó dưới các toà tháp và vẫn nuôi hy vọng họ còn sống sót. Họ cho rằng công tác cứu hộ diễn ra quá chậm và thiếu tổ chức, khiến cơ hội tìm kiếm người sống sót bị lãng phí.
Theo gia đình Hasrouty, dù giới chức đã được cung cấp chính xác vị trí của ông khi vụ nổ xảy ra, 40 tiếng sau cuộc cứu hộ mới bắt đầu.
Phát ngôn viên quân đội Lebanon ngày 9/8 tuyên bố kết thúc giai đoạn một của quá trình tìm kiếm cứu nạn và không còn khả năng tìm thấy người sống sót sau ba ngày thảm họa xảy ra.
Video đang HOT
Gia đình ông Hasrouty tập trung chờ đợi tin tức về ông tại nhà ở Beirut. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, tại căn nhà ở Bierut, gia đình Hasrouty hàng ngày vẫn tập trung chờ đợi tin tức về ông, hy vọng vào một phép màu.
“Những người mất tích không chỉ là những con số”, Elie, 35 tuổi, con trai của ông, nói. “Chúng ta cần nhấn mạnh sự yếu kém của việc quản lý trong thảm hoạ này, đừng bao giờ lặp lại một thảm hoạ khủng khiếp và sự quản lý tồi tệ như thế”.
Hasrouty, người có cha cũng đã làm việc ở cùng kho thóc 40 năm nay, rất tận tuỵ với công việc, gia đình ông cho hay.
“Chúng tôi thậm chí không có cơ hội để nói lời từ biệt cha”, Tatiana, con gái 19 tuổi của Hasrouty, nói. “Nhưng chúng tôi vẫn đang chờ đợi họ, chờ tất cả trở về”.
Con tàu như 'quả bom nổi' đưa thảm họa đến Beirut
2.750 tấn hàng hóa tàu Rhosus chở theo khi cập cảng Beirut năm 2013 là "thủ phạm" gây ra vụ nổ thảm họa ở Lebanon hôm 4/8.
Năm 2013, tàu Rhosus treo cờ Moldova rời khỏi cảng Batumi, Gruzia, lên đường tới Mozambique. Hàng hóa trên tàu là 2.570 tấn amoni nitrat, hợp chất thường được dùng để làm phân bón trong nông nghiệp hoặc thuốc nổ trong công nghiệp, theo nhật ký hành trình và lời kể của thuyền trưởng người Nga Boris Prokoshev, 70 tuổi.
Thuyền trưởng Prokoshev lên tàu tại Thổ Nhĩ Kỳ sau một cuộc nổi loạn về tiền lương chưa được thanh toán của thủy thủ đoàn đời trước. Tàu Rhosus thuộc sở hữu của công ty Teto Shipping của doanh nhân người Nga Igor Grechushkin.
Tàu Rhosus. Ảnh: Shipspotting.com
Theo lời thuyền trưởng Prokoshev, Grechushkin đã nhận một triệu USD để đưa số amoni nitrat đến cảng Beira, Mozambique. Số hàng này do Ngân hàng Quốc gia Mozambique mua cho Fábrica de Explosivos de Moambique, một công ty sản xuất thuốc nổ thương mại, Baroudi and Partners, công ty luật Lebanon đại diện cho thủy thủ đoàn tàu Rhosus, ngày 5/8 cho biết.
Trên đường đi, tàu ghé vào cảng Hy Lạp để tiếp nhiên liệu. Đó là lúc Grechushkin gọi điện cho Prokoshev từ đảo Cyprus, thông báo rằng ông ta không có đủ tiền để trả phí qua kênh đào Suez, nên họ phải chở thêm hàng hóa để trang trải chi phí. Vì vậy, Grechushkin chuyển hướng tàu đến cảng Beirut của Lebanon nhận thêm số hàng hóa bổ sung là máy móc hạng nặng.
Con tàu đến Beirut vào tháng 11/2013, hai tháng sau khi nó khởi hành. Nhưng ở Beirut, họ nhận ra số máy móc hạng nặng này không vừa với con tàu đã 30-40 năm tuổi, thuyền trưởng Prokoshev cho hay.
Giới chức Lebanon nhận thấy con tàu không đủ độ tin cậy và họ đã giữ tàu lại vì nó không thể trả phí cập cảng cùng những khoản phí dịch vụ khác. Khi các nhà cung cấp dịch vụ tại cảng cho con tàu liên lạc với Grechushkin để đòi phí nhiên liệu, thực phẩm và những nhu yếu phẩm khác, họ không thể kết nối với ông ta.
Dường như Grechushkin đã quyết định từ bỏ con tàu. Rhosus trở thành "con tin" bị giữ vô thời hạn ở cảng Beirut.
6 thành viên thủy thủ đoàn được phép rời tàu trở về nhà, nhưng các quan chức Lebanon ép thuyền trưởng và ba thuyền viên người Ukraine ở lại tàu cho tới khi các khoản nợ được giải quyết. Những hạn chế nhập cư của Lebanon khiến thủy thủ đoàn không thể lên bờ và họ phải vật lộn để có được thực phẩm cùng những nhu yếu phẩm khác.
Prokoshev cho biết giới chức cảng Lebanon cảm thấy thương hại những thuyền viên đói khát trên tàu nên đã cung cấp số thực phẩm cần thiết. Nhưng họ không tỏ ra lo ngại về số hàng hóa cực kỳ nguy hiểm trên tàu. "Họ chỉ muốn thu tiền mà chúng tôi nợ họ", ông nói.
Hoàn cảnh của thủy thủ đoàn tàu Rhosus đã thu hút được sự quan tâm ở Ukraine. Truyền thông Ukraine mô tả thuyền trưởng Prokoshev và các thuyền viên là những "con tin" mắc kẹt trên một con tàu bị bỏ rơi.
Ngày càng tuyệt vọng, Prokoshev bán bớt số nhiên liệu còn lại của tàu và dùng số tiền đó để thuê một đội luật sư giải quyết tranh chấp. Những luật sư này đã cảnh báo chính quyền Lebanon rằng con tàu có nguy cơ "chìm và nổ tung" bất cứ lúc nào, theo thông báo từ công ty luật Baroudi and Partners.
Một thẩm phán Lebanon sau đó ra lệnh thả thủy thủ đoàn với lý do nhân đạo vào tháng 8/2014. Grechushkin lúc này mới xuất hiện, trả tiền cho họ trở về Ukraine.
Việc các thuyền viên còn lại rời tàu buộc chính quyền Lebanon phải nhận trách nhiệm xử lý lô hàng hóa chất nguy hiểm trên "quả bom nổi" này. Số amoni nitrat trên tàu sau đó được chuyển đến lưu tại nhà kho số 12 ở bến cảng mà không có bất cứ biện pháp bảo quản đặc biệt nào. Đến ngày 4/8, thảm họa cuối cùng cũng xảy ra, khi 2.750 tấn amoni nitrat phát nổ, tạo ra cơn chấn động khiến ít nhất 135 người chết và 5.000 người bị thương.
Sức tàn phá của vụ nổ tại Beirut.
"Tôi đã rất kinh hãi", thuyền trưởng Prokoshev từ Sochi nói về vụ nổ trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo New York Times.
Tại Lebanon, công chúng chủ yếu phẫn nộ vì sự bất cẩn của chính quyền khi họ biết lô hàng nguy hiểm như thế nào nhưng lại không có hành động phù hợp.
Các quan chức hải quan cấp cao đã viết thư cho tòa án Lebanon ít nhất 6 lần từ năm 2014 đến 2017, nhằm tìm kiếm những hướng dẫn về cách xử lý số hóa chất amoni nitrat, theo hồ sơ do nghị sĩ Lebanon Salim Aoun đăng lên mạng xã hội.
"Do việc giữ lô hàng tại kho trong điều kiện thời tiết không phù hợp tạo ra mối nguy hiểm nghiêm trọng, chúng tôi một lần nữa yêu cầu cơ quan hàng hải tái xuất chúng ngay lập tức", Shafik Marei, giám đốc hải quan Lebanon viết trong thư hồi tháng 5/2016.
Cơ quan hải quan đề xuất một số giải pháp như quyên góp số amoni nitrat cho quân đội hay bán nó cho Công ty Thuốc nổ Lebanon thuộc sở hữu tư nhân. Một năm sau, Marei lại gửi đi bức thư tương tự, song cơ quan tư pháp không trả lời bất kỳ lá thư nào của ông.
Trực thăng dập một đám cháy sau vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon, ngày 4/8. Ảnh: AFP.
Tổng giám đốc cảng vụ Beirut Hassan Koraytem cho hay các quan chức an ninh và hải quan đã không ít lần gửi yêu cầu lên tòa án Lebanon yêu cầu di dời số hàng nguy hiểm "nhưng không có gì xảy ra".
"Họ báo với chúng tôi rằng số hàng sẽ được bán đấu giá, nhưng không có buổi đấu giá nào được tổ chức và cơ quan tư pháp không có bất kỳ hành động nào", Koraytem nói thêm.
Koraytem, người đã quản lý cảng 17 năm qua, cho biết khi nghe thấy tiếng nổ, ông tưởng đó là một cuộc không kích. 4 nhân viên của ông đã thiệt mạng sau vụ nổ. Ông không biết thảm kịch được kích hoạt như thế nào. "Đây không phải lúc để đổ lỗi. Chúng ta đang đương đầu với một thảm kịch quốc gia", Koraytem nói.
Nhưng với đại bộ phận người dân Lebanon, tai họa vừa xảy ra là một bằng chứng nữa cho thấy sự quản lý hời hợt, yếu kém của giới lãnh đạo, những người đã đẩy đất nước vào khủng hoảng kinh tế suốt nhiều năm qua.
Thuyền trưởng Prokshev thì đổ lỗi cho doanh nhân Grechushkin và giới chức Lebanon vì đã kiên quyết bắt con tàu và giữ số amoni nitrat tại cảng thay vì "rải chúng trên những cánh đồng của họ".
"Họ đáng nhẽ sẽ có những mùa màng bội thu thay vì một vụ nổ khủng khiếp", ông nói.
Về con tàu Rhosus, Prokoshev nghe từ bạn bè, những người từng đến Beirut, rằng nó đã chìm tại cảng vào năm 2015 hoặc 2016 do bị nước tràn vào khoang. Ông chỉ bất ngờ là vì sao nó không chìm sớm hơn.
Y tá cứu ba trẻ sơ sinh khỏi vụ nổ Beirut Nữ y tá ôm ba em bé ra khỏi đống đổ nát của bệnh viện Al Roum, nơi chịu thiệt hại nặng nề do vụ nổ ở cảng Beirut. Phóng viên ảnh Bilal Jawich cho biết anh đang ở ngoại ô Beirut khi kho chứa amoni nitrat ở cảng phát nổ hôm 4/8. Jawich đi theo hướng khói bốc lên đến cảng Beirut...