Gia đình nén đau hiến tạng bệnh nhân cứu 5 người, hiến xác phục vụ y học
Khi biết người thân không thể qua khỏi, gia đình đã nén nỗi đau và quyết định hiến tạng lẫn hiến xác bệnh nhân, để vừa cứu được 5 cuộc đời khác, vừa góp phần phục vụ sự phát triển của y học.
Tối 20/12, trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Lê Ngọc Long, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị vừa có lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não.
Trước đó, vào trưa 17/12, anh P.V.B.A. (47 tuổi) được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện tỉnh Bình Dương trong tình trạng xuất huyết não, hôn mê sâu nguy kịch.
Lập tức, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành hồi sức, áp dụng mọi biện pháp can thiệp có thể. Nhưng trước tình trạng quá nặng, một ngày sau, người bệnh diễn tiến chết não.
Dù các bác sĩ cố hết sức, bệnh nhân không thể cứu chữa (Ảnh: BV).
Dưới sự chỉ đạo của Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện cùng các thành viên Ban giám đốc, các bác sĩ đã động viên tinh thần gia đình, giải thích rõ về tình trạng của người bệnh, đồng thời vận động gia đình về việc hiến tạng cứu người.
Trong hoàn cảnh trên, gia đình người bệnh đã nén đau thương, đồng ý hiến tạng sau khi chết não, để cứu giúp những người đang chờ được cấy ghép tạng.
Ngay sau đó, Bệnh viện tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng liên hệ với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đồng thời thành lập khẩn Hội đồng chuyên môn chẩn đoán chết não, với các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực hồi sức, thần kinh, gây mê, chẩn đoán hình ảnh, giám định pháp y.
Hội đồng chuyên môn đánh giá, chẩn đoán tiêu chuẩn chết não cho bệnh nhân kỹ lưỡng (Ảnh: BV).
Video đang HOT
Các chuyên gia đã họp khẩn cấp để đánh giá về tiêu chuẩn lâm sàng, cận lâm sàng và loại trừ các bệnh lý ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chết não, bởi đây là sinh mệnh người bệnh. Qua 3 lần hội chẩn, hội đồng đã xác định bệnh nhân chết não hoàn toàn.
Song song đó, Trung tâm Điều phối quốc gia đã nhanh chóng khởi động quy trình, khẩn trương liên hệ đến các cơ sở có người bệnh đang chờ được ghép tạng, đồng thời cử các chuyên gia đến Bình Dương ngay trong đêm, để trực tiếp hướng dẫn bệnh viện thực hiện quá trình lấy mô tạng hiến.
2h ngày 20/12, Ban Giám đốc Bệnh viện tỉnh Bình Dương cùng hơn 40 chuyên gia của các đơn vị lấy tạng đã thực hiện một lễ tri ân người hiến tạng, ngay trước khi tiến hành phẫu thuật lấy tạng.
Các bác sĩ cúi đầu tri ân người bệnh trước khi phẫu thuật lấy tạng (Ảnh: BV).
Một lá gan khỏe mạnh đã được lấy ra đầu tiên lúc 5h56 cùng ngày và được chia đôi, để ghép cho hai trường hợp tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.
Ngay sau đó, hai thận cũng được lấy ra từ ổ bụng, nhanh chóng di chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 2 và ra sân bay để vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương – Hà Nội, ghép cho bệnh nhi bị suy thận giai đoạn cuối.
Cuối cùng, một phần giác mạc từ người hiến đã được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy, tiến hành ghép ngay cho người bệnh.
Tiếng còi dẫn đường của đoàn cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương và TPHCM, hòa cùng tiếng còi hú vội vàng của xe cứu thương vận chuyển tạng, là âm báo cho nghĩa cử cao đẹp của gia đình anh A., để mang đến hy vọng cải thiện sức khỏe cho người được nhận tạng hiến.
Bệnh nhân không chỉ hiến tạng cứu 5 cuộc đời khác, mà còn để lại cả thân xác cho y học (Ảnh: BV).
Chưa dừng lại đó, theo bác sĩ Long, vào trưa 20/12, gia đình anh A. cũng hoàn tất thủ tục hiến xác bệnh nhân cho Học viện Quân y, để phục vụ cho y học. Xác bệnh nhân sau khi lấy tạng đã được gia đình bàn giao ngay cho bệnh viện, để tiến hành các thủ tục bảo quản theo quy định.
“Qua đây, toàn thể nhân viên bệnh viện và ekip phẫu thuật xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước quyết định cao cả của gia đình. Mặc dù nỗi đau mất mát vẫn còn đó, nhưng hành động của họ đã mang lại ánh sáng hy vọng cho những người đang đối mặt với cánh cửa sinh tử.
Sự hy sinh này không chỉ cứu sống những cuộc đời khác mà còn truyền tải thông điệp về sự tiếp nối yêu thương giữa người với người, thể hiện tinh thần cho đi là còn mãi…”, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Phổi 4 nạn nhân vụ cháy quán cà phê đen kịt, 2 ca thở máy
Hình ảnh chụp cắt lớp phổi và X-quang phổi, nội soi của các nạn nhân vụ phóng hỏa tại quán cà phê ở Hà Nội, có nhiều muội đen bám dính.
Các bệnh nhân tổn thương phổi nghiêm trọng, 2 ca phải thở máy.
Tối 20/12, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện đã tiếp nhận 4 bệnh nhân trong vụ phóng hỏa quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), từ Bệnh viện E chuyển sang. Hiện Bệnh viện dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân.
Bệnh nhân nữ phải thở máy tại Trung tâm Hồi sức tích cực (Ảnh: Nguyên Hà).
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân được đánh giá ở tình trạng tổn thương ngộ độc hỗn hợp các khí độc, bít tắc đường thở do muội than từ đám cháy, bỏng nặng niêm mạc toàn bộ đường hô hấp, tổn thương phổi lan tỏa hai bên, tổn thương cơ tim, tiêu cơ vân, thậm chí có biểu hiện rối loạn ý thức.
PGS Cơ cho biết, hình ảnh chụp cắt lớp phổi và X-quang phổi cũng như kết quả nội soi của các nạn nhân cho thấy rất nhiều muội đen bám dính cùng với những giả mạc viêm, bong tróc niêm mạc thanh quản, khí quản, phế quản, tổn thương hai bên phổi.
Nước rửa phổi các bệnh nhân ra nhiều muội đen (Ảnh: Nguyên Hà).
Hiện tại, các bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, thở ô xy, chăm sóc hô hấp, đặt nội khí quản, thở máy, thủ thuật đảm bảo thông khí, nội soi phế quản bơm rửa phế quản, phế nang, khí dung nhiều loại thuốc, dùng thuốc phòng tránh các biến chứng muộn về thần kinh, tâm thần...
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết các nạn nhân có biểu hiện tổn thương đường hô hấp từ trên xuống dưới, hầu họng, thanh quản, phổi, ngộ độc do hít phải bụi than, khí độc các loại, nhiệt nóng sinh ra từ đám cháy.
Bên cạnh đó, còn nhiều tổn thương các cơ quan khác như tiêu cơ vân, cơ tim do các khí độc như khí CO và khả năng nhiều cả các khí độc khác.
"Bệnh nhân được thực hiện các biện pháp loại bỏ đờm khỏi cơ thể, bơm hút rửa thông thoáng đường thở, giảm các tổn thương cấp tính và dự phòng, tránh tối đa di chứng các cơ quan, đặc biệt đối với não.
Hiện tình trạng các nạn nhân đã khả quan, ổn định hơn tuy nhiên cũng chưa thể nói trước được các biến chứng tiếp theo của phổi, di chứng về nhận thức, tinh thần sau này. Việc điều trị của các nạn nhân cháy thường kéo dài từ vài tuần đến hàng tháng", TS Nguyên thông tin.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trung tâm Cấp cứu A9, đánh giá các nạn nhân vụ phóng hỏa quán cà phê đều hít phải khí độc và lượng khói lớn, gây nhiều tổn thương nghiêm trọng các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng các nạn nhân được đánh giá tương tự như vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân hồi tháng 9/2023.
"Đến nay, hai bệnh nhân nặng nhất đã có những cải thiện tích cực, dự kiến sắp tới có thể cai thở máy", PGS Chi cho biết.
Như Dân trí đã đưa tin, khoảng 23h ngày 18/12, tại căn nhà cao 3 tầng, một tum, kết hợp kinh doanh quán cà phê (ở số nhà 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) xảy ra hỏa hoạn.
Sau khi nhận tin báo, cảnh sát PCCC&CNCH điều hàng chục xe chữa cháy cùng khoảng 6 xe cứu thương tới hiện trường, để dập lửa, tìm kiếm cứu nạn.
Liên quan vụ hỏa hoạn, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can C.V.H. (51 tuổi, ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội) về tội giết người.
Tại cơ quan công an, H. khai nhận từng đến quán để uống bia rồi phát sinh mâu thuẫn với nhân viên quán. Do đó, tối 18/12, đối tượng đã mua xăng đổ vào khu vực tầng một của quán cà phê, nơi có nhiều xe máy, rồi châm lửa đốt. Khi thấy ngọn lửa bùng lên, người đàn ông bỏ đi.
Bắt kẻ chuyên lẻn vào phòng bệnh nhân trộm tài sản Lợi dụng bệnh nhân và người nuôi bệnh sơ hở, Dũng lẻn vào các phòng bệnh nhiều lần trộm tài sản, chủ yếu là ĐTDĐ và tiền mặt... Ngày 26/11, Công an TP Tân An, tỉnh Long An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt Nguyễn Văn Dũng (SN 1993, quê Lâm Đồng) để xử lý về tội "trộm cắp...