Giả danh Công an, lừa đảo hơn 6 tỷ đồng
Gần đây, nhiều người dân gửi đơn đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh tố cáo việc một số đối tượng gọi điện thoại giả danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, qua nghiên cứu, các đối tượng thường xưng là nhân viên bưu điện gọi thông báo có bưu phẩm để lâu không nhận; nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện chưa thanh toán; nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng đang thiếu nợ; CSGT, thông báo nộp phạt vi phạm giao thông…
Quá trình trao đổi trên điện thoại, nếu nạn nhân phủ nhận, cho rằng mình không có liên quan, chúng sẽ tiếp tục chuyển cuộc gọi cho một đối tượng khác, giả danh là lãnh đạo cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án, cán bộ cơ quan Nhà nước… thông báo nạn nhân vi phạm pháp luật, đang bị điều tra, khởi tố, bắt giam liên quan đến một vụ án ma tuý, rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia… hù dọa, yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng để tìm cách chiếm đoạt.
Ngày 8/11, chị T. (ngụ TP Tây Ninh) bị một số đối tượng tự xưng là cán bộ của Bộ Công an đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và mua bán trái phép chất ma tuý có liên quan đến số CMND và số tài khoản ngân hàng mà chị T. đang sử dụng.
Tiếp đó, chúng đe dọa, yêu cầu chị T. chuyển hết số tiền ở các tài khoản ngân hàng khác mà chị T. đang sử dụng về số tài khoản của Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Tây Ninh do T. đứng tên. Chúng yêu cầu chị T. cung cấp số mã OTP để các đối tượng kiểm tra, xác định có liên quan đến vụ án này hay không. Do sợ hãi và muốn chứng minh việc không liên quan đến vụ án mà các đối tượng đã đưa ra nên chị T. đã thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo. Đến ngày 9/11, chị T. kiểm tra thì hoảng hốt phát hiện bị các đối tượng rút, chiếm đoạt 6,3 tỷ đồng.
Các đối tượng còn sử dụng những hình thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến như mạo danh ngân hàng, gửi tin nhắn đến khách hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường, đang bị trừ phí… hướng dẫn khách hàng ấn vào đường link trong tin nhắn để cung cấp thông tin xác thực.
Video đang HOT
Thực chất, đây là đường link giả mạo, lừa đảo để khách hàng tiết lộ thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối tượng còn mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ATM, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ. Sau đó, thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu đọc mã 6 số trong tin nhắn (thực chất là OTP để thực hiện giao dịch trực tuyến).
Trường hợp khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng sẽ mất tiền trong tài khoản. Các đối tượng lừa đảo sử dụng những số ảo gọi qua mạng internet, từ nước ngoài có đầu số là dấu ( ) như: 0084…, 0068…, 078853478113, 088223145113… gọi đến thì người dùng không nên nhấc máy trả lời và cũng không nên gọi lại, vì như thế, người dùng sẽ bị mất tiền trong tài khoản.
Cơ quan thực thi pháp luật Nhà nước chỉ làm việc trực tiếp với người dân thông qua Công an xã, phường, thị trấn; không làm việc qua điện thoại. Đồng thời, cũng không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân như: Họ tên, số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP ngân hàng cho người không quen biết và ngay cả những người bạn quen qua mạng internet để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp này, người dân cần tắt máy ngay và trình báo cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự: 0276.3822001 của Phòng Cảnh sát hình sự để được hướng dẫn kịp thời.
Lật tẩy nhiều đối tượng giả danh Công an
Với nhiều mục đích khác nhau như ra oai, lừa tình, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản... các đối tượng đã lên mạng mua quân phục Công an khoác lên người.
Mặc quân phục, diễn giống như thật, chúng khiến nhiều người lầm tưởng và vào rơi vào bẫy...
Ngày 26/11, Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết đã làm rõ động cơ giả danh Thượng úy Công an của Nguyễn Hoàng Tuấn (SN 1988, quê Bến Tre, tạm trú TP Thủ Đức). Công an quận 11 đã hoàn tất hồ sơ tạm giữ hình sự Tuấn để xử lý về về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".
Tuấn bị bắt vào trưa 24/11 khi đang cầm số tiền 1,7 triệu đồng của Nguyễn Năng Tiến (SN 1993, quê Thanh Hóa), đối tượng chuyên chăn dắt người ăn xin ở khu vực đường Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành (quận 11). Đây là số tiền gồm 1,5 triệu Tiến trả hàng tháng cho Tuấn để bảo kê cho nhóm của mình ăn xin ở khu vực quận 11, 200 ngàn còn lại là tiền "bồi dưỡng". Khi cả 2 được mời về trụ sở, Tiến mới bất ngờ khi biết Tuấn chỉ là Công an "dỏm".
Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai lên mạng đặt mua bộ quân phục Công an mang hàm Thượng úy và mua biển số xanh rồi gắn vào xe của mình. Bước đầu Tiến mua chỉ để ra oai với mọi người, mặc quân phục để chụp hình, quay video đăng tải trên mạng xã hội, tik tok... Khoảng tháng 3/2021, Tuấn biết Tiến chăn dắt những người lang thang, ăn xin trên địa bàn quận 5, 10, 11... nên Tuấn mặc trang phục Công an tiếp cận Tiến, xưng là Thượng úy Công an, công tác trong tổ liên ngành thuộc Công an TP Hồ Chí Minh, chuyên xử lý người lang thang, ăn xin. Thấy Tuấn đi xe biển xanh 80, Tiến lo lắng và tìm cách đưa tiền để mong Tiến bỏ qua.
Các đối tượng giả danh Công an bị bắt giữ trong thời gian qua.
Tuấn đặt vấn đề chung chi hàng tháng, yêu cầu mỗi tháng Tiến phải nộp cho mình từ 1,5 đến 2 triệu đồng, nếu không Tuấn sẽ lập hồ sơ đưa hết những người lang thang, ăn xin vào trung tâm bảo trợ. Công việc đang "trôi chảy" thì dịch bùng phát, cả 2 cắt liên lạc. Đến đầu tháng 10, Tuấn phát hiện Tiến "chăn dắt" tại khu vực quận 11 và quận 5 nên tiếp cận bắt Tiến chung tiền bảo kê vì hoạt động ở địa bàn mới.
Sau một vài lần lấy được tiền, cả trực tiếp lẫn qua chuyển khoản, ngày 24/11, Tuấn tiếp tục đến tìm Tiến để lấy tiền "bảo kê" thì bị Công an quận 11 phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ. Ngoài Tuấn, Công an quận 11 đang hoàn tất hồ sơ xử lý Tiến về hành vi chăn dắt người lang thang, ăn xin.
Theo Công an quận 11, đây là lần thứ 2 trong tháng, Công an quận 11 phát hiện việc giả danh Công an để thực hiện các hành vi bất chính. Trước đó Vũ Quang Bắc Hải (SN 1988, ngụ quận 10) bị tổ Cảnh sát hình sự - Công an quận 11 phát hiện trong cốp xe có một bộ trang phục Công an mang quân hàm Thiếu tá, một mũ kêpi An ninh nhân dân, 1 biển số xe giả. Hải khai mua trang phục CAND trên mạng với ý định ra oai và dùng để lừa tình một số phụ nữ.
Công an quận Tân Phú cũng đã ra quyết định tạm giữ hình sự Phan Thành Tín (SN 1996, ngụ Tân Phú), Nguyễn Văn Khôn (SN 1998, ngụ Tân Bình) và Nguyễn Văn Lượng (SN 1993, ngụ Bình Chánh) để điều tra về hành vi giả danh Công an. Thông qua mạng Zalo, Tín và Lượng quen biết nhau. Lượng giới thiệu mình đang công tác tại Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh.
Nghe thấy vậy, Tín nhờ Lượng bắt giữ đối tượng lừa đảo trên mạng tên là "Khôn lì lợm" (tức Nguyễn Khôn), một kẻ giả danh Công an lừa gạt tình cảm của em gái Tín. Khi hẹn gặp được Khôn tại chung cư Sơn Kỳ, quận Tân Phú, Tín liền lấy còng số 8 ra còng tay Khôn lại và cùng Lượng bắt Khôn đi. Đúng lúc này, lực lượng Công an quận Tân Phú tuần tra ngang qua, phát hiện vụ việc và đưa cả 3 đối tượng về trụ sở làm việc.
Tại đây, Lượng vẫn xưng là cán bộ Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Lượng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến ngành Công an. Khôn khai nhận giữa năm 2021, Khôn lên mạng mua trang phục Cảnh sát Cơ động, cấp hàm Thượng úy và 1 còng số 8 với mục đích mặc vào chụp đăng hình Zalo để làm quen và lừa gạt tình cảm các cô gái.
Trong tháng 8, thời điểm dịch bệnh COVID-19 lên cao điểm, Công an TP Thủ Đức cũng bắt giữ Phan Phi Toàn (SN 1988, nghề nghiệp lái xe, ngụ Tân Bình) về hành vi giả danh Công an, sử dụng tài khoản cá nhân (facebook) đăng tải các bài viết với nội dung sai sự thật. Qua công tác nắm bắt tình hình trên không gian mạng, Công an TP Thủ Đức phát hiện tài khoản facebook "Không Tên" đăng tải bài viết trên nhóm facebook "Chợ Tăng Nhơn Phú A" với nội dung kích động về vấn đề hỗ trợ người nghèo trong dịch COVID-19. Công an TP Thủ Đức nhanh chóng tìm ra người đăng tải nội dung sai sự thật này là Toàn.
Khám xét nhà Toàn, Công an TP Thủ Đức thu giữ một bộ trang phục của lực lượng An ninh nhân dân với cấp hàm Thượng uý; chức vụ Phó Đội trưởng Công an quận 3 cùng nhiều công cụ hỗ trợ. Toàn khai nhận mình là chủ nhân của tài khoản facebook "Không Tên" và chính là người đã đăng tải trạng thái trên trong ngày 11/8. Toàn khai đặt mua bộ trang phục trên mạng với giá 1 triệu đồng. Việc mặc trang phục chụp ảnh đăng tải, Toàn khai là để lừa gạt người xem trang cá nhân của mình, để họ hiểu lầm Toàn là Công an chính quy, bất mãn nhằm thực hiện mưu đồ cá nhân.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian qua có rất nhiều đối tượng mua trang phục Công an, giả danh người trong ngành. Phần lớn để lừa đảo tình, tiền. Chúng giả bộ quen biết nhiều người để chạy án, chạy trường, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản hay dùng hình ảnh trong trang phục Công an để ra oai và thực hiện các mục đích riêng gây nhiễu loạn an ninh trật tự. Có cả một số đơn vị bị các đối tượng giả mạo Công an gọi điện đến để ép mua sách PCCC.
Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này. Khi có dấu hiệu đáng nghi, người dân cần gọi điện báo ngay với Công an ở khu vực mình đang sống hay khu vực gần nhất để kịp thời xác minh điều tra, làm rõ, tránh bị rơi vào bẫy.
Hai sinh viên đi tù vì mở thuê 70 tài khoản ngân hàng Nguyễn Đình Vân rủ bạn cùng lớp mở hơn 70 tài khoản ngân hàng và rút tiền cho nhóm lừa đảo giả danh công an. Sáng 2/6, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Vân, 25 tuổi và Nguyễn Mạnh Hiền, 24 tuổi lần lượt 10 năm và 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản , theo...