Giá cước 3G ở Việt Nam thật sự ‘rẻ bèo’?
Nếu so sánh về tốc độ, chất lượng dịch vụ và nhiều yếu tố khác thì cước 3G ở Việt Nam chưa hẳn là “siêu rẻ”.
Các nhà mạng di động ở Việt Nam lâu nay vẫn đồng ca điệp khúc “ Giá cước ở Việt Nam rẻ ơi là rẻ”. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Nếu xét chung nhiều khía cạnh thì cước 3G ở trong nước chưa phải như các nhà mạng tuyên bố.
Cước roaming data ‘đau hơn bò đá’
Thật ra, ai cũng hiểu rằng trong thời gian qua, các nhà mạng trong nước đã phải giảm giá (hay giữ giá cước) để cạnh tranh lẫn nhau nhằm đẩy số lượng thuê bao của mình lên. Mặc dù 3G có mặt ở Việt Nam từ cuối năm 2009 nhưng nó chỉ phổ cập sau khi các nhà mạng đua nhau giảm giá cước.
Bi kịch của họ là thay vì với giá cước 3G rẻ, người dùng sẽ bù đắp lại cho họ ở khoản cước gọi và nhắn tin thì người dùng lại sử dụng các dịch vụ viễn thông trên nền Internet (OTT – over the top), vừa chiếm băng thông vừa khiến nhà mạng thất thu. Theo số liệu tính toán của Viettel hồi năm 2013, nếu các thuê bao dùng 3G để gọi điện thoại và nhắn tin bằng OTT, doanh thu của nhà mạng giảm 40%-50%.
Cách tính giá của nhà mạng Việt Nam cũng khó hiểu. Chẳng hạn mạng MobiFone trước năm 2015 cung cấp dịch vụ gói dữ liệu không giới hạn (Unlimited Data Roaming) cho thuê bao khi ra nước ngoài với giá cố định 249.000 đồng/ngày (dịch vụ này đã bị ngừng từ 1/1/2015 theo quyết định của Bộ TT&TT). Giá cước đó quả là xử ép khách hàng vì quá cao so với giá cước mà họ mua SIM ở nước mình đến để dùng.
Bởi vậy, lời khuyên xương máu cho người Việt Nam khi có nhu cầu sử dụng 3G Data ở nước ngoài là hỏi thăm đầu dây mối nhợ và mua SIM 3G Data thích hợp của nước mình đang ở. Bạn sẽ phải trả giá không chỉ là đắt mà là quá đắt nếu sử dụng dịch vụ Roaming Data của các nhà mạng Việt Nam.
Nếu có nhu cầu phải roaming cuộc gọi khi ra nước ngoài, bạn cần tắt chức năng Mobile Data trên thiết bị di động của mình. Một người bạn của tôi sau chuyến đi Mỹ về, do có thói quen đi tới đâu mở bản đồ Google Maps theo dõi hành trình tới đó mà không tắt Mobile Data đã phải trả tiền cước cho nhà mạng Việt Nam gần 20 triệu đồng.
Video đang HOT
Bản thân tôi trong một chuyến qua Thái Lan ba ngày về phải trả hơn 1,5 triệu đồng. Nước tăng lực “Bò húc” thì ngon thiệt, còn cái vụ nạp mạng Roaming Data này thì đúng là đau hơn bò đá.
Chạy xìu xìu ển ển
Tất nhiên để so sánh đắt rẻ cần phải tính tới mặt bằng giá, mức sống, mức thu nhập của người dân mỗi nước, cũng như chất lượng dịch vụ của từng nhà mạng. Chỉ có điều cho dù so sánh cách nào đi nữa, giá cước 3G ở Việt Nam chưa hẳn là rẻ so với những nước chung quanh.
Đó là chưa kể chất lượng 3G ở Việt Nam lâu nay được mệnh danh là “3G Lết” vì chạy chậm. Không chỉ chất lượng kém ổn định mà cách tính cước 3G của nhà mạng Việt Nam cũng “trên trời dưới đất”.
Dù sao người tiêu dùng Việt Nam cũng cần sòng phẳng, biết nghĩ tới quyền lợi thật sự của nhà cung cấp dịch vụ cho mình. Đã kinh doanh họ cần phải có lợi nhuận để sinh tồn và phát triển. Cái mà người tiêu dùng cần là nhà mạng tính đúng, tính đủ để họ còn “liệu cơm mà gắp mắm”.
Thực tế phải chấp nhận là cho dù tính đúng tính đủ, giá cước hợp lý chắc chắn vẫn gây cảm giác không hài lòng cho mọi người do bao lâu nay nhờ các nhà mạng cạnh tranh lẫn nhau mà người tiêu dùng được hưởng “giá rẻ” như vậy. Người tiêu dùng chớ hề có lỗi. Và tình thế này chẳng phải chỉ có ở dịch vụ mạng 3G.
Chuyện xảy ra thì đã xảy ra. Vì thế cơ quan quản lý nhà nước cần phải giám sát chặt chẽ giá cả của các nhà cung cấp dịch vụ, từ giá thành cho tới giá bán, tất cả đều phải hợp lý và chấp nhận được. Cuối cùng, khi bắt buộc phải tăng giá, cần phải có lộ trình sao cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng ít nhất.
Giá cước 3G ở một số nước gần Việt Nam
- Giá cước 3G Data trả trước của nhà mạng Telkomsel ở Indonesia: 130.000 rupiah (221.000 đồng) dung lượng 2 GB với thời gian 30 ngày.
- Ở Thái Lan, nhà mạng AIS cung cấp 3G Data trả trước với giá 100 baht (67.700 đồng) dung lượng 1 GB trong bảy ngày và 399 baht (270.000 đồng) dung lượng 1,5 GB cho 30 ngày.
- Còn ở Singapore, giá 3G Data trả trước là 15 SGD (246.000 đồng) dung lượng 6 GB cho ba ngày và 25 SGD (410.000 đồng dung lượng 14 GB) cho bảy ngày; hay 20 SGD (328.000 đồng) dung lượng 1 GB cho 30 ngày.
- Ngay bên cạnh ta là Campuchia, giá cước 3G Data không giới hạn của nhà mạng lớn nhất Metfone là 1,5 USD (32.400 đồng) dung lượng 1GB cho bảy ngày và 3 USD (64.800 đồng) dung lượng 1,5 GB cho 30 ngày.
- Trong khi đó ở Việt Nam, vào thời điểm tháng 4-2015, gói cước 3G Data MIU90 của MobiFone có giá 90.000 đồng với dung lượng 1 GB và thời gian 30 ngày.
Theo Phạm Hồng Phước/Kỷ Nguyên Số
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: 'Tăng cước 3G là đúng quy định..."
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, việc tăng giá cước 3G là cần thiết và đúng quy định của pháp luật...
Kết quả khảo sát "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014" vừa được GfK công bố khẳng định có... 8% người dùng phản đối tăng giá cước 3G. Số người dùng được hỏi là 576 người tại 3 thành phố Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng.
Nói cách khác, 92% người dùng "đồng ý" với giả định nhà mạng sẽ tăng cước 3G do GfK đưa ra.
Thông tin này đang nhận được phản ứng từ dư luận. Nhiều người băn khoăn về tính khách quan của cuộc khảo sát. Bởi cả nước có hàng triệu thuê bao di động đang sử dụng 3G, trong khi đó GfK chỉ khảo sát 576 người.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm qua 25/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trả lời và cho biết, việc tăng giá cước 3G vào thời điểm này là phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, tăng giá cước 3G vào thời điểm này là hợp lý. Ảnh Viết Cường
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, tăng cước 3G là đúng quy định của pháp luật, tức là chúng ta không bán dưới giá thành. Theo ông Son, hiện nay tất cả các cước phí của chúng ta đều đang bán dưới giá thành. "Chắc chắn Việt Nam là một trong những nước có cước 3G rất rẻ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, chúng ta đầu tư rất nhiều hạ tầng nhưng chưa tăng giá cước. Do vậy, việc tăng giá là cần thiết để đầu tư chất lượng hạ tầng tốt hơn. Bộ trưởng nói: "Nếu tăng giá do cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá không đúng quy định của pháp luật thì rõ ràng là tăng giá bất hợp lý. Còn nếu tăng giá theo đúng quy định của pháp luật và tăng giá để góp phần đầu tư chất lượng tốt hơn là cần thiết và chúng ta cũng nên ủng hộ, tuyên truyền cho người dân, giải thích cho người dân thấy rằng việc tăng giá là cần thiết, bảo đảm cho người cung cấp dịch vụ có lãi và dùng lãi đó quay trở lại đầu tư cho hạ tầng".
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thông tin thêm, hiện nay chúng ta có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao cố định, 130 thuê bao di động.
"Chính vì vậy, vừa rồi có khảo sát mẫu để đánh giá chung, số người được khảo sát là rất nhỏ so với tổng số, nên kết quả sẽ không được chính xác. Tuy nhiên, việc tăng giá 3G này theo đúng quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là không bán dưới giá thành. Hiện nay, thị phần của Viettel là khoảng 50%, thị phần của VinaPhone khoảng 21%, MobiFone khoảng 18% và các nhà mạng khác nữa, tức là có sự cạnh tranh rất gay gắt.
"Chính vì cạnh tranh gay gắt nên các nhà mạng bán giá thấp, nên Chính phủ đã yêu cầu tăng giá, không bán dưới giá thành, xu hướng là chúng ta bán bằng giá thành để doanh nghiệp có tiền đầu tư. Vì sao thời gian qua doanh nghiệp vẫn có lãi, vì chúng ta vẫn sử dụng trên nền 2G, bây giờ phải mở rộng đầu tư hơn nữa, phải tăng giá để lấy thu bù chi. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa để làm sao có tăng giá nhưng tăng giá đúng quy định của pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Viết Cường
Theo_Vietq
Uber "tung chiêu" cước phí rẻ hơn xe buýt: Taxi Hà Nội nói gì? Đại diện Uber Việt Nam mới đây đã thông tin rằng, năm 2015 hướng phát triển của Uber là áp dụng dịch vụ UberPool nhằm giảm cước phí đối với khách hàng xuống thấp hơn xe buýt. Ảnh minh họa. Với những gì Uber đã làm trong thời gian gia nhập thị trường Việt Nam đã khiến các hãng taxi truyền thống lo...