Gia cảnh khốn khó của dũng sĩ ngã ba Đồng Lộc
Hòa bình lập lại, di chứng một thời khói lửa khiến ông bị ảnh hưởng thần kinh nặng nề. Lập gia đình, nhưng người “dũng sĩ” một thời ấy chưa bao giờ biết đến một ngày vui.
Những năm chiến tranh ác liệt, ông là thành viên trong đội quân rà phá bom mìn lừng danh đất Hà Tĩnh, góp phần mở đường cho những chuyến xe chở hàng hoá vào chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, di chứng một thời khói lửa khiến ông bị ảnh hưởng thần kinh nặng nề. Lập gia đình, nhưng người “dũng sĩ” một thời ấy chưa bao giờ biết đến một ngày vui. Để nuôi sống tổ ấm của mình, hàng ngày ông chống gậy, bước khập khiễng đi khắp nơi làm kẻ hành khất. Giấc mơ được hưởng chế độ của ông, dù được chính quyền hết lòng tạo điều kiện cũng chẳng cách gì thực hiện được, khi hầu hết các giấy tờ chứng minh liên quan đều đã thất lạc.
Đời long đong cùng “bữa đói, bữa no”
Quá khứ của ông rất đỗi hào hùng. Nhớ thời trai trẻ, ông Nguyễn Thế Chương (xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) tình nguyện hy sinh tuổi thanh xuân để cầm vô lăng lái xe đường dài phục vụ cho công tác vận chuyển lương thực, đạn dược cho tuyền tuyến. Chính những tháng ngày công tác ở Hạt 4 của Phòng giao thông huyện Can Lộc đã rèn cho ông bản tính gan dạ, cương trực. Nhưng khoảng thời gian đáng nhớ hơn cả trong cuộc đời của chàng trai đặc biệt này là khi tham gia lớp rà phá, vô hiệu hóa bom mìn do công ty Giao thông Hà Tĩnh tổ chức. Nhờ sự thông minh, cộng với bàn tay huấn luyện đầy tài hoa của thầy giáo Vương Đình Nhỏ, ông Chương nhanh chóng gia nhập vào đội quân rà phá bom mìn nổi tiếng đất Hà Tĩnh, góp phần làm nên những chiến công lừng lẫy như ở bến đò Hạ Vàng, thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Năm 1966, ông được cấp trên điều về Ngã ba Đồng Lộc tiếp tục sứ mệnh quan trọng của mình. Đây là chiến trường ác liệt nhất nhưng cũng là khoảng thời gian đáng nhớ nhất đối với ông.
Vợ chồng ông Chương trong ngôi nhà của mình. (Ảnh: K. Long)
Vì phải chịu áp lực lớn của những lần rà phá bom mìn, nên ông bị ảnh hưởng nặng về hệ thần kinh. Chính bởi ảnh hưởng nặng nề này, nên dù được bố trí công tác tại Ban quản lý đường bộ Hà Tĩnh khi hòa bình lập lại, ông đã không có đủ sức khỏe để làm việc. Lo sợ sức khỏe của mình trở thành gánh nặng cho mọi người, một đêm mưa gió năm 1979, ông đột ngột bỏ đi mà không nói với bất kỳ ai. Từ đây, hành trình lưu lạc gian khổ của người đàn ông từng hiên ngang đối mặt với mưa bom bão đạn bắt đầu.
Thời gian đầu sau khi rời Ban quản lý đường bộ Hà Tĩnh, nơi ông đặt chân đến là thành phố Đà Nẵng. Không giấy tờ, không người quen thân thích, không đồng tiền lẻ trên người, ông đã chọn nghề nhặt ve chai để kiếm sống. Hàng ngày với chiếc bao trên tay, ông đi bộ khắp nơi từ ngoài đường cho đến những chiếc cống ẩm ướt hay những bãi rác hôi thối để nhặt ve chai. Đêm xuống, ông lại tìm đến những hầm cầu để tìm cho mình giấc ngủ. Cuộc sống như vậy cứ trôi qua cho đến một ngày ông gặp cô gái “đồng nghiệp” Nguyễn Thị Nguyện (SN 1955, quê Thanh Hóa – PV). Lúc đầu, tình cảm của họ chỉ đơn thuần là sự cảm thông của những con người đồng cảnh ngộ phải lam lũ kiếm sống nơi đất khách quê người. Dần về sau này, cô gái thương hoàn cảnh đã dọn đến ở với ông Chương dưới mái nhà… hầm cầu. Trong khoảng thời gian sống ở đó, họ đã kịp có với nhau mấy đứa con”.
Đến năm 2001, cả gia đình chuyển về thành phố Đông Hà (Quảng Trị) mưu sinh. Tại thành phố đầy nắng và gió này, họ vẫn chỉ biết tiếp tục “nghề gia truyền” của mình là đi nhặt ve chai. Với ông, những ngày mưa to gió rét phải nằm gầm cầu, xó chợ, những ngày đói phải ăn lá cây cầm hơi, sự xa lánh, hắt hủi của người đời… khi lang thang ở Quảng Trị sẽ là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Năm 2004, sau 3 năm vất vưởng, ông quyết định trở lại quê nhà Thượng Lộc. Những người dân xã, sau hơn 20 năm tưởng ông đã chết nơi đất khách, nay quá đỗi kinh ngạc, bởi ông Chương không những trở về một mình mà còn “đèo bòng” thêm vợ cùng con. Không có tấc đất cắm dùi, gia đình ông được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp cho 300m2 đất để làm chỗ nương thân. Khổ nỗi khi có đất rồi, họ cũng không có tiền để xây nhà. Cả gia đình cứ thế sống “màn trời chiếu đất” suốt hai tháng, cho đến lúc được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật quản lý bay (Sân bay Gia Lâm, Hà Nội) và chính quyền địa phương, bà con lối xóm đã đóng góp tiền, vật liệu, xây cho một ngôi nhà tình thương trên mảnh đất đó. Cuộc sống từ đây không còn lưu lạc. Nhưng “bám rễ” trên quê hương, không có nghĩa là ông Chương bớt cơ cực.
Hơn 10 năm sau khi trở về, gia đình ông vẫn thuộc diện khó khăn nhất của xã. Hàng ngày, ông Chương chống gậy đi bộ khắp nơi làm nghề hành khất. Ngày gặp may mắn, ông được người ta cho vài chục nghìn hay mớ rau, con cá, miếng thịt lợn mỡ về cho gia đình ăn. Nhưng có ngày, ông ra về với hai bàn tay trắng. Nhà không có đất sản xuất nông nghiệp, hàng ngày bà Nguyện đi bộ khắp nơi để đào rau má về bán kiếm tiền mua chút gạo. Ba đứa con của ông bà lớn lên, đứa nào đứa nấy đều phải bươn chải khắp nơi để tự nuôi sống mình mà vẫn chật vật.
Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc. (Ảnh: K. Long)
Video đang HOT
Hành trình dài mòn mỏi đi xin chế độ
Tự hào đã góp sức làm nên huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc Trong ngôi nhà nền đất sụt lở, khách đến chơi tìm đỏ mắt cùng chẳng thấy gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế người vợ ông mua cách đây 10 năm với giá 300 nghìn đồng. Thấy phóng viên đến nhà, ông lê từng bước nhọc nhằn rời khỏi chiếc giường ọp ẹp rồi nhanh miệng nói: “Nhìn tôi thế này chứ lúc trước phá biết bao quả bom ở ngã ba Đồng Lộc đó cô à. Cái thời khổ cực, nhưng oanh liệt lắm. Có sống thời đó mới biết quý giá cuộc sống hiện tại. Giờ, mọi người thường gọi tôi là “lão Chương ăn xin”, nhưng tôi không màng để ý vì tôi đã góp một phần nhỏ xương máu của mình làm nên huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc”.
Trí não không được minh mẫn như những người bình thường, trong khi đó vợ con lại không ai biết chữ, nên tất cả mọi thủ tục liên quan đến giấy tờ xin chế độ cho ông Chương đều do người em ruột Nguyễn Thế Lương đảm nhận. Khi chúng tôi tìm đến gia đình ông Lương, bà vợ cho biết vì mắc bệnh nan y, nên ông đang điều trị ngoài Hà Nội. Bà đã đưa ra hàng loạt giấy tờ chứng thực thời chiến tranh, ông Chương tham gia ra phá bom mìn như: Giấy chứng thực của đồng đội Nguyễn Văn Tú, trú xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc được viết ngày 1/3/1998; Ông Hoàng Xuân Lý (SN 1940) xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nguyên Giám đốc công ty xây dựng và quản lý đường bộ số 4 (Hà Tĩnh) cũng đã viết giấy chứng thực ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có công trong chiến đấu, hay giấy làm chứng của ông Lê Văn Lúa, từng ông tác với ông ở phân khu quản lý đường bộ 474 từ năm 1964 – 1969.
Được biết, cách đây hơn 10 năm, nhân dịp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Thị Tám có mặt tại địa phương, ông Lương đã đưa cho bà một bộ hồ sơ có đầy đủ giấy tờ để xét duyệt chế độ cho người anh trai, vậy nhưng đợi mãi họ vẫn không thấy hồi âm. Sau đó, ông Lương mới nghe mọi người nói bà Tám thuộc bên thanh niên xung phong, trong khi đó ông Chương lại ở đội giao thông vận tải vì vậy hồ sơ đó đã nộp sai đơn vị. Sau lần đó, không hiểu vì lý do gì, đại diện gia đình ông Chương cũng không đi làm lại giấy tờ để xét chế độ. Mấy năm gần đây, người em trai lại đổ bệnh nặng khiến mọi công việc đành phải gác lại. “Ông ấy sức khỏe yếu lắm, lỡ chẳng may ông ra đi thì không biết ai sẽ làm tiếp công việc xin chế độ cho bác Chương đây”, bà vợ thở dài nói.
Cũng theo những thông tin từ phía gia đình, thì ngoài những giấy tờ nói trên, trong hai năm 1967 – 1968, ông Chương còn được phong tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, nhận hai huân chương chiến công, một bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tất cả đều giữ tại nhà em trai, thế nhưng sau một trận cháy bất ngờ, toàn bộ giấy tờ, bằng khen đó hiện không còn nữa. Bà Nguyện (vợ ông Chương – PV) thở dài bảo: “Những chuyện về quá khứ của ông ấy, tôi không hiểu rõ. Hỏi chuyện, nhưng nhiều lúc ông không được tỉnh táo nên chẳng biết đâu mà lần. Hàng xóm láng giếng cũng bảo tôi nên xin chế độ cho ông, nhưng khổ nỗi, giấy tờ quan trọng giờ không còn nên đành chấp nhận vậy”.
Trao đổi chúng tôi về trường hợp ông Nguyễn Thế Chương, ông Võ Xuân Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Lộc cho hay: “Gia đình ông Chương thuộc dạng khó khăn của xã, cả gia đình không có nghề gì ngoài đi ăn xin và làm thuê, chúng tôi rất muốn ông được hưởng các chế độ của Nhà nước. Nhưng cho đến hiện tại, toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến quy trình xét duyệt để hưởng các chế độ ông ấy không có đầy đủ, nên chính quyền xã cũng đành bất lực”.
Đã nhiều năm qua, anh em họ hàng, người thân trong gia đình đã cầu cứu khắp nơi chỉ mong ông nhận được sự trợ cấp ít ỏi của xã hội. Vậy nhưng, xem ra điều đó lại chỉ là giấc mơ xa vời khi ông không có đủ giấy tờ để làm hồ sơ (?).
Theo 24h
Căn hầm chiến tranh dưới lòng khách sạn Hà Nội trên báo Pháp
Hãng thông tấn AFP đã có bài viết về căn hầm bí mật dưới lòng khách sạn ở Hà Nội, từng là nơi trú ẩn cho các quan khách, từ ngôi sao Hollywood cho đến các phái đoàn thương mại. Căn hầm đã phác họa đôi chút về những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Tổng giám đốc khách sạn, ông Kai Speth đang kiểm tra cửa thông gió của căn hầm dưới lòng khách sạn (ảnh Metropole)
Bị niêm phong và bị lãng quên sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc vào năm 1975, căn hầm ngầm ẩm ướt đã được đào thấy trong một lần tu sửa gần đây của khách sạn, hiện là nơi lui tới yêu thích của khách du lịch nước ngoài cùng những người giàu có.
"Tôi có cảm giác gần giống như Indiana Jones khi phát hiện ra ngôi đền Doom vậy", Kai Speth, tổng giám đốc khách sạn Metrople, nhớ lại khi lần đầu tiên tiến vào căn hầm có 7 ô nhỏ bị ngập nước đến đầu gối.
Ông cho biết từ trước đã có nhiều lời đồn về căn hầm rộng chưa đầy 20m này nằm dưới quầy bar của bể bơi. "Vì vậy tôi nói với đội sửa chữa khi họ tu sửa lại nền móng quầy bar rằng: "Cứ đào sâu xuống chút nữa".
Căn hầm được xây dựng vào năm 1968 khi khách sạn, khi đó được gọi là Thống Nhất, là nơi nghỉ của các quan khách, phái đoàn đến thăm Hà Nội. Trong số những quan khách đó, có hàng loạt các nhà hoạt động chống chiến tranh người Mỹ nổi tiếng.
Nữ diễn viên Jane Fonda và ca sỹ nhạc đồng quê Joan Baez đều từng ở trong căn hầm này. Thậm chí ca sỹ Baez còn thu âm một bài hát trong căn hầm, khi Hà Nội bị ném bom ác liệt vào dịp Giáng sinh, tháng 12/1972. Trong suốt 11 ngày đó, Mỹ đã ném khoảng 20.000 tấn bom.
Hơn 1.600 dân thường đã thiệt mạng trong đợt dội bom và bản thu dài 21 phút của ca sỹ Baez "Where Are You Now My Son" (Tạm dịch Giờ con ở đâu hỡi con trai) đã được ra đời trong những bức tường bê tông chật hẹp đó, thu giữ được một số âm thanh của Hà Nội thời chiến.
"Con có thể nghe thấy tiếng bom rơi. Con có thể nghe thấy tiếng súng máy phòng không đặt trên Nhà hát lớn văng vẳng" gần khách sạn, Speth đã viết như vậy.
Còn diễn viên Fonda đến sau đợt ném bom Giáng sinh đó, phiên dịch viên của bà khi đó, Trần Minh Quốc, cho biết. Tuy nhiên bà đã bị mắc kẹt trong rất nhiều cuộc không kích trong chuyến đi đầy tranh cãi ở Việt Nam, mà sau này trở về Mỹ, bà có biệt danh là "Jane Hà Nội".
"Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bom từ ở xa và chúng tôi cùng nhau xuống hầm...Không quân Mỹ chưa bao giờ ném trúng khách sạn. Fonda rất bình tĩnh...Bà không hề tỏ ra sợ hãi", phiên dịch của bà cho hay.
Dấu tích chiến tranh ở khắp nơi
Căn hầm ở khách sạn Metropole là một trong hàng ngàn căn hầm tránh bom được đào ở khắp Hà Nội trong thời chiến. Hầu hết các căn hầm này đã bị lấp sau chiến tranh. Tuy nhiên, một trong những căn hầm nổi tiếng còn sót lại là căn hầm đằng sau các bức tường thành Thăng Long, nơi các nhà lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trú ẩn tránh bom.
Khách du lịch tới thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể thăm bảo tàng chiến tranh và địa đạo Củ Chi nổi tiếng, những dấu tích cụ thể về thời chiến tranh.
Hay một tấm bảng nhỏ cạnh Hồ Trúc Bạch ở Hà Nội ghi dấu địa điểm nơi thượng nghị sỹ Mỹ John McCain từng bị bắn hạ trong thời gian tham chiến ở Việt Nam với tư cách là phi công hải quân. Ông đã được kéo vào bờ và trở thành tù binh chiến tranh. Chiếc máy bay của ông là một trong 10 chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ chỉ trong một ngày của năm 1967.
Khách du lịch cũng có thể thăm "Hilton Hà Nội", nơi những tù binh chiến tranh Mỹ như McCain từng bị giam giữ. Hầu hết nhà tù Hỏa Lò trước kia đã bị phá hủy. Hiện chỉ còn một số phần như cổng nhà tù, và trở thành bảo tàng.
Tuy nhiên không phải tất cả các tàn tích chiến tranh của Hà Nội đều được ghi nhớ. Bên bờ Hồ Tây, một gia đình đã chuyển kho vũ khí của Pháp trước kia thành quán café. "Quán café này có phong cách đặc biệt bởi giá trị lịch sử của nó. Khi mọi người đến đây, họ tò mò về lịch sử", chủ quán café cho biết.
Ở những nơi khác trong thành phố, quá khứ chiến tranh thấm đẫm khung cảnh. Một ngôi chùa nhỏ ở phố Yên Ninh-Hàng Bún được ghi dấu là địa điểm lính Pháp đã nã đạn vào chợ, khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Và vụ việc được cho là đã châm ngòi cho cuộc chiến Đông Dương đầu tiên vào năm 1946.
Tên của ngôi chùa có nghĩa là "căm thù" và đây là từ phổ biến được dùng trong chiến tranh. Ngày nay, ngôi chùa nổi tiếng vì một lý do khác nữa: nơi có hàng bún ngon.
Bữa ăn thấm đẫm quá khứ
Các chủ cửa hàng khác cũng hi vọng kiếm được tiền nhờ kiểu ẩm thực gợi nhớ thời chiến như thế này. Một quán tại Hà Nội, với tên gọi "Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37" cũng đưa thực khách trở lại thời kỳ tem phiếu.
Với khoảng 25 đô la, thực khách có thể có một bữa ăn cho 6 người theo đúng kiểu những năm 1970 trong không gian nhuốm sắc màu hoài chiến. Thực khách được đội ngũ nhân viên mặc đồng phục đúng như trong các cửa hàng nhà nước thời đó phục vụ.
"Một nơi tuyệt vời để người già nhớ lại thời kỳ khó khăn và cho người trẻ hiểu về một thời kỳ lịch sử, mặc dù tất cả các món ăn đều không ngon lắm", một bài đánh giá của TTXVN hồi tháng 9 cho biết.
Với Bob Devereaux, nhà ngoại giao Australia đã ở Hà Nội năm 1975, dấu tích chiến tranh đóng vai trò quan trọng giúp thế hệ trẻ hiểu về quá khứ, bởi khoảng 60% dân số Việt Nam là dưới 35 tuổi.
Devereaux từng ở khách sạn Thống Nhất, do sứ quán Australia được đặt ở đây vào thời kỳ đó. Ông đã dùng căn hầm ngầm làm nơi chứa đồ, thậm chí còn khắc tên ông trên bức tường xi-măng ướt và dấu tích đó vẫn còn đến tận ngày nay.
"Nếu bạn tìm thấy chai rượu nào, thì chúng là của tôi đấy", ông cười nói. Ông đã dẫn phóng viên AFP đi quanh căn hầm vào đầu năm nay, sau khi hầm được mở cửa cho công chúng. Ông cũng rất vui mừng khi khách sạn bảo quản căn hầm đúng như nguyên trạng.
"Tôi là người hoài cổ vì vậy tôi thấy căn hầm thật tuyệt. Nó nhắc tôi nhớ lại khoảng thời gian quanh năm 1975. Chiến tranh thật đau đớn và tàn ác", ông nói.
Ở Việt Nam "những người trẻ hơn 40 tuổi hoặc tầm đó không có ký ức chiến tranh", ông nói. "Vì vậy tôi nghĩ căn hầm có ý nghĩa lớn với họ, để họ thấy được cuộc sống trước đây như thế nào."
Theo Dantri
Đức Hải: 'Coi thường tiền là coi thường chính bản thân' "Bản thân tiền không có tội, tuy nhiên con người làm ra đồng tiền như thế nào mới là điều đáng phải suy nghĩ...", nam nghệ sĩ xứ Bắc chia sẻ. - Nếu ai đó nói rằng tiền không phải là tất cả, thì đó chỉ là lý luận biện hộ của một kẻ thất bại, vì muốn làm bất kỳ điều gì...