Giá cà phê hôm nay 18/9: Cao nhất trong 12 tháng qua, nguồn cung toàn cầu sẽ trở lại trong niên vụ 2022-2023
Theo Bloomberg, khoảng 3,5 triệu bao cà phê đã không được giao lên tàu trong vài tháng qua vì các vấn đề có tính hệ thống về vận tải biển hiện nay.
Điều này khiến xuất khẩu cà phê trong tháng 8 đã giảm tới 25,7% so với cùng kỳ năm trước – tồi tệ nhất kể từ năm 2017 và mức giá cà phê hiện tại là cao nhất trong 12 tháng qua.
Giá cà phê trong nước tăng mạnh 500 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm trong ngày hôm qua 17/9. (Nguồn: Businessstandardnews)
Cập nhật giá cà phê hôm nay 18/9
Giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn trong phiên giao dịch cuối tuần này tăng giảm trái chiều. Giá cà phê robusta tiếp tục tăng mạnh, trong khi arabica đảo chiều giảm. Các vùng trồng cà phê lớn ở miền Nam Brazil đã có những cơn mưa đầu mùa có thể là nguyên nhân kéo giá cà phê arabica quay đầu giảm.
Giá robusta trước thách thức từ nguồn cung vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, các nhà quan sát cho rằng, mức tăng chỉ nhằm bù đáp phần nào cho giá cước vận tải biển đang quá cao.
Ghi nhận của TG&VN trước phiên đóng cửa phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe – London kỳ hạn giao tháng 11/2021 tiếp tục tăng mạnh 44 USD (2,09%), giao dịch tại 2.151 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng tăng 31 USD (1,48%), lên 2.121 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với hôm trước.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US – New York quay đầu giảm. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 giảm 1,75 Cent (0,93%), giao dịch tại 186,4 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng giảm 1,7 Cent (0,89%), xuống 189,2 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng khá mạnh.
Video đang HOT
Thông tin thị trường cà phê
Việc thực hiện giãn cách xã hội để chống Covid-19 ở Việt Nam đã khiến nguồn cung cà phê toàn cầu thắt chặt và giá cà phê thế giới có thể giữ ở mức “tương đối cao” trong năm 2022.
Hãng tin CNBC đã dẫn một dự báo của Fitch Solutions về tình hình giá cà phê thế giới và nhắc tới Việt Nam với lợi thế là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì thế giới.
Theo số liệu hải quan, trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% so với tháng 7, còn 111.697 tấn. 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch tăng 2%, đạt khoảng 2 tỷ USD.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm và sản lượng đi xuống tại các nước sản xuất cà phê hàng đầu khác đã đẩy giá cà phê thế giới tăng mạnh. Giá cà phê arabica giao sau đã tăng khoảng 45,8% trong năm nay, trong khi giá cà phê robusta tăng 52,2%, theo dữ liệu từ Refinitiv .
Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đã trải qua những đợt thời tiết cực đoan gây thiệt hại cho các nông trại trồng cà phê. Thời tiết xấu cũng làm giảm sản lượng cà phê ở Colombia.
“Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, ít nhất ở Mỹ và châu Âu, nhu cầu sẽ tăng trong những tháng sắp tới khi việc dỡ bỏ các hạn chế chống Covid cho phép các cửa hiệu cà phê mở cửa trở lại”, báo cáo của Fitch Solutions nhận định.
Công ty tư vấn này nâng dự báo giá bình quân của cà phê arabica năm 2021 từ 1,35 USD/pound lên 1,6 USD/pound. Dự báo giá bình quân cà phê arabica năm 2022 được nâng từ 1,25 USD/pound lên 1,5 USD/pound.
Fitch Solutions cho rằng, các hạn chế chống Covid ở Việt Nam sẽ được nới từ từ, nên gián đoạn xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể chỉ là vấn đề tạm thời. Bên cạnh đó, sản lượng cà phê của Brazil có thể sẽ phục hồi “khá nhanh” miễn là thời tiết cực đoan không quay trở lại.
Điều này có nghĩa là nguồn cung cà phê toàn cầu có thể bắt đầu tăng trở lại trong niên vụ 2022-2023, với giá bình quân cà phê arabica trong năm 2023 có thể hạ về 1,2 USD/pound – Fitch Solutions dự báo.
“Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đang được triển khai sẽ giúp cải thiện sản lượng cà phê ở nhiều nước sản xuất cà phê chủ chốt ở Mỹ Latin và châu Á, bao gồm Colombia và Việt Nam”, báo cáo viết. “Ngoài ra, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cà phê có vẻ sẽ đạt đỉnh ở nhiều nước tiêu thụ cà phê lớn nhất, như châu Âu và Nhật Bản”.
Giá cà phê hôm nay 17/9: Giá robusta vượt 2.100 USD/tấn, triển vọng tăng vẫn còn sáng?
Khối lượng thương mại trên cả hai sàn cà phê phái sinh đều khá thấp, chứng tỏ giới đầu cơ vẫn còn khá thận trọng với mức giá hiện hành, báo hiệu khả năng xuất hiện những biến động mới trong những phiên sắp tới.
Giá cà phê trong nước tăng tiếp 200 đồng/kg tại một số địa phương trọng điểm trong ngày hôm qua 16/9. (Nguồn: Newtimes)
Cập nhật giá cà phê hôm nay 17/9
Giá cà phê robusta vẫn còn nguyên mối lo nguồn cung từ Đông Nam Á vẫn chưa thể cải thiện với tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Cấu trúc giá nghịch đảo vẫn được duy trì trên sàn London.
Giá cà phê arabica đã đảo chiều tăng khi Cơ quan dự báo khí tượng Somar Meteorologia báo cáo lượng mưa tuần qua ở Minas Gerais, bang trồng arabica chính của Brazil, thấp hơn 20% so với mức trung bình tháng hàng năm, có thể làm lá cà phê rụng nhiều hơn, ảnh hưởng tới sản lượng vụ mới. Trong tuần này và tuần sau đều có mưa nhưng chỉ là những cơn rải rác, cục bộ nên nền nhiệt vẫn còn cao.
Bảng giá cà phê giao dịch trên cả hai sàn tiếp tục đà tăng từ phiên hôm trước. Ghi nhận của TG&VN trước phiên đóng cửa giao dịch gần nhất, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 11/2021 tiếp tục tăng mạnh 22 USD (1,06%), giao dịch tại 2.104 USD/tấn; Trong khi, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 1/2022 cũng tăng 19 USD (0,92%), lên 2.087 USD/tấn. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với hôm trước.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York tiếp tục tăng nhẹ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 12/2021 tăng 0,3 Cent (0,16%), giao dịch tại 187,65 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng 0,35 Cent (0,18%), lên 190,5 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng khá ở kỳ hạn tháng 12.
Thông tin thị trường cà phê
Đồng Real tăng đưa tỷ giá lên ở mức 1 USD = 5,2360 Real do lo ngại kinh tế toàn cầu sụt giảm vì đại dịch covid-19 biến chủng mới và những bất ổn trong kịch bản tài khóa trong nước.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), cà phê đang là mặt hàng có mức tăng trưởng giao dịch mạnh nhất trong quý III/2021, với giá trị giao dịch trung bình đạt trên 1.200 tỷ đồng mỗi phiên, tốc độ tăng hơn 20% mỗi tháng.
So với giá cà phê arabica vốn đang bị tác động bởi các tin tức về thời tiết ở Brazil, giá robusta được hỗ trợ tốt hơn nhờ những số liệu xuất khẩu có phần kém khả quan ở Việt Nam - quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới.
Tình hình dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê và hỗ trợ cho giá robusta trong thời gian gần đây. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên, để kiểm soát dịch, các tỉnh sẽ vẫn duy trì các biện pháp giãn cách, và việc lưu thông hàng hóa trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và không thể phục hồi trong ngắn hạn.
MXV đánh giá triển vọng tăng giá của cà phê robusta vẫn còn rất sáng sủa. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch giữa hai sàn giao dịch đang liên tục được thu hẹp trong 2 tuần gần đây, có thể khiến giá robusta giảm mạnh hơn nếu thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Theo dữ liệu báo cáo của Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 8 đạt 111.697 tấn (tương đương 1,86 triệu bao), giảm 8,7% so với tháng trước, đưa xuất khẩu 8 tháng đầu năm lên đạt tổng cộng 1.077.434 tấn (khoảng 18 triệu bao), giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cà phê hôm nay 16/9: Trở lại xu hướng tăng; Xuất khẩu cà phê toàn cầu tiếp tục nới rộng? Giá cà phê arabica sụt giảm khi dự báo thời tiết Brazil sẽ có nhiều mưa hơn trong tuần này, tuy nền nhiệt vẫn còn ở mức cao. Trái lại, giá cà phê Robusta tiếp tục tăng nhẹ do giá cước vận tải biển đang quá cao. Cấu trúc giá nghịch đảo trên sàn London được nới rộng để gia tăng sức hút...