Ghé tiệm bánh bèo trứ danh của Bảo Lộc
Sau nhiều năm “kinh qua” hàng loạt thương hiệu bánh bèo nổi tiếng của Huế, Quy Nhơn, Quảng Ngãi… khi thưởng thức đĩa bánh bèo ở Bảo Lộc, trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc của lần đầu thưởng thức món bánh ấy trong cái se lạnh giữa trưa.
Không chỉ người Bảo Lộc mà du khách, nhất là những người được bạn bè hay người thân mời về vùng đất này đều biết đến tiệm bánh bèo trứ danh toạ lạc ở con đường Bế Văn Đàn, nằm bên hông ngôi nhà thờ được vinh danh lớn nhất Việt Nam – nhà thờ Bảo Lộc. Nghe có vẻ dễ tìm vì địa điểm được xác định chính xác, nhưng có đi mới biết việc tìm một ngôi nhà giữa hàng trăm ngôi nhà trong hàng chục hẻm lớn, nhỏ như mê cung ở khu vực ấy không đơn giản.
Chẳng biết quán mở vào năm nào, chỉ biết cách đây 12 năm, lần đầu tiên tôi đến, quán chỉ là một căn nhà gỗ lụp xụp với vài chiếc bàn nhựa và chỉ bán duy nhất một món bánh bèo. Còn bây giờ là căn nhà hai gian bề thế, với những bộ ghế sa lông thấp bằng gỗ mang đến cảm giác sang trọng, tinh tế cùng thực đơn phong phú hơn với bún măng, bún vịt. Tuy vậy, có một thứ không đổi là tạo hình và hương vị của món bánh làm nên thương hiệu của quán – bánh bèo.
Đĩa bánh bèo của quán sẽ làm bạn ngạc nhiên khi giấu tất cả cái ngon dưới những chiếc bánh phồng tôm – một sự kết hợp vừa độc, vừa lạ thay cho những miếng da heo chiên giòn béo ngậy. Sau cảm giác ban đầu đó, bạn sẽ nhận thấy sự thú vị của việc lần giở từng chiếc bánh phồng tôm, khám phá màu vàng của đậu xanh, màu đỏ của cháy tôm, màu xanh của hành hoa nổi bật trên những chiếc bánh bèo trắng nõn, bé xinh.
Ngoài bánh phồng tôm, bạn cũng sẽ ngạc nhiên với sự xuất hiện của một nguyên liệu lạ không kém – những hạt đậu xanh chỉ được hấp vừa chín tới, đủ để đãi vỏ, đầy vun trên đĩa. Cả những chiếc bánh bèo tạo hình như chiếc nón cụt chóp với lớp vỏ bánh khá dày. Hai loại bánh, một dày một mỏng ấy vừa mềm, mịn như tan trên đầu lưỡi vừa mang cái dai nhẹ tạo cảm giác thích thú. Dọn kèm đĩa bánh là đĩa chả Huế nhỏ xinh cùng nước mắm nhạt chứa những cọng cà rốt, củ cải thanh thanh.
Với đĩa bánh như thế có rất nhiều cách thưởng thức, có người nhấm nháp cùng lúc cái mềm mịn của bánh bèo với vị thơm ngọt của chấy tôm, cái cưng cứng, tươi ngọt của đậu xanh, cái giòn lẫn chua nhẹ của cà rốt, củ cải, nhấn nhá với nước mắm pha lạt, cả việc thỉnh thoảng lại đưa đẩy miếng bánh phồng tôm thơm giòn, miếng chả thơm mềm. Có người cho hẳn bánh cùng tất cả gia vị lên phồng tôm, rồi cứ thế cảm nhận một lượt các hương vị trên. Riêng tôi, tôi dùng cả hai cách ấy để nhớ lại cảm xúc của lần đầu tiên thưởng thức loại bánh này 12 năm trước, cảm nhận hương và vị của món ăn không thay đổi theo năm tháng.
Video đang HOT
Địa chỉ: Tiệm Bánh Bèo, hẻm 52 Bế văn Đàn, P. Blao, Bảo Lộc, Lâm Đồng.
HUỲNH HẰNG
Theo Infonet
Dân dã, lạ miệng bánh bèo Hà Tĩnh
Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà.
Bánh bèo là một loại bánh dân dã và không phải là đặc sản riêng của vùng nào mà có ở khắp các miền đất nước như Huế, Nghệ An, Quảng Bình.... Khác với bánh bèo ở các nơi khác, bánh bèo Hà Tĩnh mang một sắc thái ẩm thực riêng.
Nguyên liệu và cách làm bánh bèo khá đơn giản, nguyên liệu chính là bột lọc và nhân tôm thịt, cộng thêm chút rau thơm, hành.... Gạo phải được vo sạch xay thành bột nhỏ, bột xay ra phải là bột lọc, đem ngâm nước để bột có độ dẻo vừa phải. Sau khi bột đã dẻo thì lấy ra nặn thành hình bánh bèo, cắt thành từng miếng nhỏ, lăn đều sao cho các miếng bánh thành hình thon dài và đường kính khoảng từ 2 đến 3 cm. Tùy mỗi người thích miếng bánh to hay nhỏ mà cắt bột đã lăn theo ý mình.
Nhân thịt nạc xắt thành miếng mỏng, băm nhỏ, tôm phải chọn những con tôm đồng tươi rửa sạch, luộc chín, bóc vỏ rồi giã nhuyễn, hành tỏi xắt mỏng bằm nhỏ.
Chảo mỡ nóng cho hành tỏi vào xào cho thơm sau đó cho thịt nạc rồi tôm đã giã nhuyễn vào trộn đều, nêm thêm chút nước mắm cho vừa ăn.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ thì cho tôm thịt vào giữa những miếng bột đã được cắt nhỏ và cuộn lại thả bánh vào nồi nước đun sôi. Khi bánh nổi lên, trong veo là chín, vớt ra bát nước sôi để nguội để bánh khỏi dính.
Khi bánh chín cho thêm gia vị như tôm giã thật nhỏ, hành tươi, một ít dầu béo tưới lên chén bánh trước khi ăn.
Trên những miếng bèo trắng trong nổi lên phần nhân đo đỏ của tôm thịt, của gia vị vô cùng hấp dẫn người ăn.
Cuối cùng là công đoạn pha nước chấm cho bánh bèo đủ vị. Cũng giống như một số lại bánh khác, bánh bèo cần có nước chấm, thiếu nó bánh bèo sẽ kém hấp dẫn và trở nên nhạt nhẽo hơn, vô vị và nói như người nhà quê là... lãng nhách.
Cách làm nước chấm bánh bèo cũng đặc trưng khác với cách làm nước chấm thông thường. Để làm nước chấm bánh bèo thì cần lấy nước luộc tôm khô hòa với nước mắm ngon, đường, tỏi và ớt bằm thật nhuyễn, thêm vào một ít chanh hoặc giấm, khuấy đều. Nước chấm cần làm sao cho thật vừa và có đủ vị chua cay mặn và hơi ngọt một chút. Thậm chí nếu muốn đậm đà hơn thì cho hẳn tôm khô đã băm nhuyễn vào chén nước chấm, ngọt đậm và thơm thoang thoảng.
Vị bánh bèo ngọt giòn dai, trộn lẫn với vị bùi của tôm, của thịt. Xen vào chút cay cay nồng nồng của ớt, vị chua ngọt của chanh đường. Thêm vào đó là vị thơm của hành tươi cộng với rau mùi làm cho món bánh bèo hấp dẫn và ngon lạ.
Bánh bèo dù ăn nóng hay nguội đều ngon và hấp dẫn. Khi ăn nóng, kèm nước mắm cay trong những ngày trời se se lạnh sẽ thấy ấm lòng. Còn khi ăn nguội, bánh hơi dai, giòn mang vị đậm đà.
Theo VNE
Lạ miệng bún nghệ xứ Huế Vài năm trở lại đây bún nghệ xứ Huế được coi là một đặc sản, thu hút nhiều sự chú ý của nhiều du khách bên cạnh những món ăn đã trở thành thương hiệu như bánh bèo, bánh xèo, bánh khoái... Bún nghệ chế biến đơn giản nhưng để có được bát bún ngon thì đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo...