Gerd Muller – vinh quang và bi kịch của “vua dội bom” đội tuyển tây đức
Gerd Muller là một trong số ít cầu thủ được lịch sử bóng đá gọi là huyền thoại. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã đạt được vô số thành tích từ cấp câu lạc bộ cho đến đội tuyển Quốc gia bằng lối đá cống hiến và tài năng thiên bẩm.
Người ta gọi ông là “ vua dội bom” vì số lượng bàn thắng khủng khiếp ông khi được trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, cuộc đời ông có lẽ không được may mắn, khi phải giã từ bóng đá đỉnh cao quá sớm, lại còn bị phá sản và nợ nần, để rồi cuối đời mắc phải căn bệnh mất trí nhớ.
Vào những năm 1970, có một cái tên làm chấn động làng bóng đá thế giới với biệt danh ‘Kẻ dội bom’. Đó là Gerd Muller, người khiến các tiền đạo sau này phải chạy theo, tìm mọi cách để xô đổ kỉ lục của ông.
Danh thủ World Cup: Gerd Muller – ‘Kẻ dội bom’ huyền thoại
Gerd Muller (trái) trong đội hình ĐT Tây Đức thập niên 1970
Với pha lập công mở tỷ số trong trận thắng 3-0 trước Ghana ở vòng knock out World Cup 2006, Ronaldo đã trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử các kỳ World Cup (15 bàn). Kỉ lục này trước đó bị huyền thoại bóng đá Đức, Gerd Muller nắm giữ với con số 14 bàn thắng ghi được tại các kỳ World Cup.
Trước khi bị Messi vượt qua thành tích ghi 85 bàn trong một mùa ở năm 2012, Gerd Muller đã giữ kỉ lục đó trong suốt 40 năm, kề từ năm 1972. Trong năm đó, Gerd Muller đã ghi 72 bàn cho Bayern và 13 bàn cho đội tuyển Đức.
Gerd Muller là ai mà khiến cho các cầu thủ hậu bối cứ phải chạy theo ông, tìm mọi cách để phá vỡ kỉ lục của ông như vậy?
Người đàn ông Đức này hiện tại đã 68 tuổi, từng ghi 398 bàn thắng sau 453 trận khoác áo Bayern Munich và 68 bàn sau 62 trận khoác áo ĐT Tây Đức.
Khi còn thi đấu, ông mang áo số 13, số áo mà Michale Ballack và Thomas Muller mặc sau này. Nhưng khác với Ballack, Gerd Muller đã giành mọi vinh quang với Bayern và ĐT Đức trong thập kỷ 70 đầy huy hoàng. Ông giúp Hùm Xám giành 4 chức vô địch Bundesliga, 3 Cúp C1 liên tiếp và giúp Đức vô địch Euro 1972, World Cup 1974.
Phong cách thi đấu của ông trông qua thì chẳng có gì đặc biệt và đáng sợ, nhưng các bàn thắng cứ đến mà không ai có thể ngăn cản được. Kể cả Catenaccio của người Ý cũng bó tay trước ‘Oanh tạc cơ’ Gerd Muller. Ông cứ lởn vởn trong vòng cấm với dáng vẻ lừ đừ. Vóc người thấp đậm (1m72) cùng đôi chân vòng kiềng của ông khiến các đối thủ chủ quan. Rồi ở mọi tư thế dù khó đến mấy, ông vẫn đưa bóng vào lưới đối thủ trong sự ngỡ ngàng.
Tờ World Soccer sau này khi chứng kiến phong cách thi đấu của Pippo Inzaghi đã so sánh tuyển thủ Ý với Gerd Muller. Cả hai cùng có rất nhiều bàn thắng đơn giản, thậm chí là xù xì. Họ không chạy nhiều, không tham gia phối hợp với đồng đội là mấy nhưng vẫn luôn là kẻ tung nhát dao chí mạng kết liễu đối phương.
Ở Gerd Muller có một khả năng thính nhạy với bàn thắng lạ kỳ. Ông chọn chỗ cực kì thông minh, khiến nhiều người có cảm giác đồng đội đã dọn cỗ cho ông xơi.
Ông được người Đức tôn vinh là huyền thoại bóng đá vĩ đại số 2 sau Hoàng đế Beckenbauer. Người Đức sẽ còn nhớ mãi về cái thời mà Cỗ xe tăng sở hữu bộ ba trứ danh Beckenbauer, Sepp Maier, Gerd Muller…
Thành tích cá nhân của Gerd Muller
Quả bóng vàng Châu Âu: 1970
Cầu thủ xuất sắc nhất năm của Đức: 1967, 1969
Cầu thủ xuất sắc nhất trong 40 năm thành lập Bundesliga(1963-2003)
Chiếc giày vàng châu Âu: 1970, 1972
Vua phá lưới Bundesliga: 1967, 1969, 1970, 1972, 1973, 1974, 1978
Vua phá lưới World Cup: 1970 (10 bàn)
Vua phá lưới EURO: 1972
Vua phá lưới Cúp C1 Châu Âu: 1973, 1974, 1975, 1977
Chân sút vĩ đại nhất mọi thời đại của bóng đá thế giới(trao giải trong năm 2000)
Có tên trong danh sách FIFA 100
Theo người nổi tiếng
Bobby Fischer - vua cờ nước mỹ và bi kịch cuối đời vì sự kiêu ngạo
Trong thời điểm cao trào Chiến tranh lạnh, khi cảm thấy sức mạnh bom đạn đã không thể giúp nước Mỹ chiếm ưu thế trước Liên Xô, người Mỹ đã có một nước đi đầy táo bạo: Sử dụng sức mạnh trí tuệ trên bàn cờ vua.
Và người đảm đương trọng trách ấy chính là vua cờ Bobby Fischer. Ông đã giúp nước Mỹ nở mày nở mặt và khiến cả thế giới phải thán phục. Tuy nhiên, với bản tính ngông cuồng và có phần quái đản, ông đã tự đẩy cuộc đời mình vào đường cùng, khi trở thành kẻ thù của nước Mỹ.
Năm 1972. Vào thời điểm mà cuộc chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn "nóng" nhất, Bobby Fischer đã bước lên đỉnh vinh quang sau khi hạ kỳ thủ Liên Xô Boris Spassky. Đối với nước Mỹ, chiến thắng này không chỉ giới hạn trong cái bàn cờ 64 ô mà còn mang một ý nghĩa lớn lao nào đó. Người đàn ông trong câu chuyện này là công dân Mỹ duy nhất từng vô địch cờ vua thế giới - ông là người hùng của nước Mỹ - thế nhưng, sau vinh quang ấy, ông đã trở thành người xa lạ của chính quê hương mình.
Tháng 10 năm 1956,
Trên con đường đầy lá rụng, Bobby Fischer đang lao nhanh đến câu lạc bộ cờ Marshall. Đây là nơi mà Frank J. Marshall - vô địch Mỹ 27 năm liền, sinh sống cùng gia đình, dạy học và thi đấu. Ông là người đứng đầu câu lạc bộ cho đến khi qua đời năm 1944, sau đó vợ ông là Caroline lên tiếp quản. Hầu hết những kiện tướng danh tiếng nhất thế giới đã từng đến đây. Tại đây Jose Raul Capablanca vĩ đại đã biểu diễn thi đấu đồng loạt lần cuối cùng, cũng là nơi nhà vô địch thế giới Alexander Alekhine đã đến thăm và thi đấu cờ nhanh...
Có một số nguyên tắc bất thành văn trong câu lạc bộ, kể cả trong cách ăn mặc. Bobby có thói quen mặc đồ thường, với áo thun, quần gấp nếp, giày bata khi đến đây, và bà Caroline Marshall xem cách ăn mặc này của cậu giống như một sự xúc phạm. Bà từng dọa nếu cậu không chịu ăn mặc cho nghiêm chỉnh hơn thì sẽ cấm cậu đến đây. Tuy nhiên Bobby không thèm quan tâm.
Cậu đến câu lạc bộ Marshall vào tối tháng 10 hôm đó để đấu vòng 7 của một giải mời, giải tưởng niệm Rosenwald, mang tên người tài trợ của giải, Lessing J. Rosenwald, một nhà sưu tập tranh và tài trợ cờ vua. Bobby được mời nhờ thành tích vô địch giải trẻ Mỹ cách đây 3 tháng, và Rosenwald là giải mời đầu tiên mà cậu tham gia, gồm toàn các kiện tướng. 11 kỳ thủ bao gồm một số kỳ thủ giỏi nhất của Mỹ, cùng với các thành viên của câu lạc bộ cờ Marshall. Đối thủ của Bobby tối hôm đó là giáo sư đại học Donald Byrne, một kiện tướng quốc tế, cựu vô địch giải Mỹ mở rộng, một tay cờ với lối đánh tấn công dữ dội. Tóc đen, từ lời nói đến cách ăn mặc đều rất lịch lãm, Byrne 25 tuổi lúc nào cũng kẹp một điếu xì gà giữa hai ngón tay, thể hiện phong thái của một nhà quý tộc.
Bobby Fischer và mẹ ông - Bà Regina Fischer
Kiện tướng quốc tế Donald Byrne
Regina (mẹ Bobby) đưa Bobby đến câu lạc bộ, nhưng khi cậu bắt đầu thi đấu thì bà đến một hiệu sách cũ gần đó để đọc sách, vì biết ván cờ của cậu sẽ kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Trước khi ván cờ kết thúc bà sẽ quay lại.
Cho đến thời điểm đó Bobby chưa thắng được ván nào tại giải, nhưng cậu hòa 3 ván, và dường như mạnh lên sau mỗi vòng đấu, có lẽ nhờ học hỏi từ các kiện tướng đã gặp trước đó. Đối với các kỳ thủ thì việc cầm Trắng luôn có được một lợi thế nhất định, nhưng rủi thay cho Bobby, hôm nay cậu phải cầm Đen khi gặp Byrne, một kỳ thủ với lối chơi công sát rất mãnh liệt.
Đã từng nghiên cứu những ván cờ trước đây của Byrne trong các sách cờ và tạp chí, Bobby biết một chút về cách chơi của đối thủ và chiến lược mà anh ta thường sử dụng. Vì vậy cậu chọn một khai cuộc không quen thuộc với Byrne, và với cậu cũng là để thử nghiệm. Cậu đưa vào một thế cờ gọi là Phòng thủ Gruenfeld. Bobby biết những thứ cơ bản của khai cuộc này, nhưng những tinh vi ảo diệu bên trong thì cậu chưa nắm được hết. Đặc điểm là Trắng sẽ chiếm trung tâm, nhưng các quân sẽ trở thành những mục tiêu dễ bị tấn công.
Vì không nhớ rõ thứ tự các nước đi nên Bobby phải suy tính mỗi khi đến lượt mình đi và cậu bắt đầu lâm vào tình trạng thiếu thời gian. Lo lắng, cậu cắn móng tay, nghịch tóc, quỳ lên ghế, đặt khuỷu tay lên bàn, chống cằm trên tay này rồi lại đến tay khác. Byrne vừa đánh bại Samuel Reshevsky, tay cờ mạnh nhất tại giải. Trình độ của Byrne không cần phải bàn cãi nữa. Bobby không hoảng sợ, nhưng rõ ràng không dễ dàng cho cậu chút nào.
Những người xem bắt đầu tụ tập quanh bàn của Bobby, và mỗi lần cậu muốn vào nhà vệ sinh thì lại phải vất vả chen lấn qua đám đông. Điều đó làm cậu mất tập trung, vì thông thường khi rời khỏi bàn thì cậu vẫn tiếp tục suy nghĩ về ván cờ. "Những người xem ngồi ngay bên cạnh bạn và nếu bạn yêu cầu họ rời đi hay yên lặng thì họ sẽ bị tổn thương ghê gớm", Bobby hồi tưởng. Cậu cũng nói rằng thời tiết nóng nực và có đông người xem khiến căn phòng rất ngột ngạt. Bobby phàn nàn với ban tổ chức nhưng đã quá muộn để có thể làm gì vào tối hôm đó. Vào mùa hè năm sau câu lạc bộ Marshall mới lắp chiếc điều hòa đầu tiên.
Dù không thoải mái nhưng Bobby vẫn tiếp tục suy nghĩ về ván cờ. Thật ngạc nhiên, sau 11 nước, cậu đã có ưu thế về thế trận. Sau đó, cậu bất ngờ di chuyển Mã đến một ô có thể bị đối phương tấn công. "Cậu ta làm gì thế?", ai đó hỏi. "Đó là một sai lầm hay là một đòn thí quân?". Khi những người xem nhìn kỹ lại thế trận, ý đồ của Bobby trở nên rõ ràng: Dù không quá sắc sảo, nhưng nó rất mưu trí, tài tình, và thậm chí tài hoa nữa. Byrne không dám ăn Mã; dù anh ta có thể hơn một quân nhưng sẽ dẫn đến thua cờ. Trọng tài của giải mô tả không khí trong phòng sau nước cờ táo bạo của Bobby: "Những tiếng thì thầm bàn tán xuất hiện sau nước cờ này, và người xem ngày càng tụ tập đông hơn quanh bàn của Fischer". Họ như dính chặt vào ván cờ của Bobby.
Ván cờ tiếp tục diễn ra. Bobby còn 20 phút để thực hiện đủ 40 nước đi, trong khi cậu chỉ mới đi được 16 nước. Suy nghĩ thật sâu, Bobby nhận ra một khả năng đặc biệt có thể làm thay đổi hoàn toàn thế trận. Nếu cậu cho Byrne ăn Hậu, quân cờ mạnh nhất trên bàn thì sao? Thường chơi thiếu Hậu là rất khó khăn, gần như là thua luôn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Byrne ăn Hậu? Thế trận sẽ bị suy yếu và thiếu khả năng phòng vệ trước những đợt tấn công của Bobby chăng?
Thế cờ ngay trước khi Bobby thí Hậu
Nước cờ này đến với Bobby giống như một bản năng. Cậu không chắc mình nhìn thấy hết mọi diễn biến sau khi Byrne ăn Hậu, nhưng cậu vẫn lao vào.
Nếu đòn hi sinh Hậu của Bobby không được Byrne chấp nhận, cậu phỏng đoán, Byrne sẽ thua; nhưng nếu anh ta chấp nhận, anh ta cũng sẽ thua. Bất cứ Byrne làm gì, anh ta cũng đều sẽ thất bại theo lý thuyết, dù ván cờ vẫn còn kéo dài. Một tiếng thì thầm của một khán giả có thể nghe thấy được: "Không thể tin được! Byrne đang thua một cậu bé 13 tuổi chứ không phải ai khác".
Byrne ăn Hậu.
Bobby, bây giờ tập trung đến mức hầu như không nghe thấy gì từ đám đông nữa, cậu thực hiện nước tiếp theo vừa nhanh vừa mạnh mẽ, như phóng ra một mũi phi tiêu độc. Cậu đã có thể nhìn thấy kết cuộc của ván cờ trong khoảng 20 nước hoặc nhiều hơn thế nữa. Bobby thể hiện rất ít cảm xúc. Cậu vẫn ngồi đó, yên lặng như một ông Phật, dẫn dắt người xem đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Ở nước thứ 41, sau 5 giờ đồng hồ thi đấu, Bobby nhấc quân Xe lên rồi nhẹ nhàng hạ xuống, đặt đúng ô cần đặt và hô: "Chiếu hết!". Đối thủ của cậu rất thân thiện đứng dậy, và họ bắt tay nhau. Cả hai đều mỉm cười. Byrne biết rằng dù kết quả thật tệ, nhưng anh đã thua một trong những ván cờ tuyệt vời nhất từng được chơi, và đã trở thành một phần của lịch sử. Vài người vỗ tay, làm phiền những kỳ thủ vẫn còn đang thi đấu - những người không hề biết rằng một trong những trang đẹp nhất của lịch sử cờ vua đã được viết nên chỉ cách đó vài bước chân. Họ vẫn còn đang lo cho ván cờ của mình. "Suỵt! Yên nào!". Đã nửa đêm rồi.
Hans Kmoch, trọng tài của giải, sau này đánh giá về ván cờ: "Một kiệt tác về đòn phối hợp đã được trình diễn bởi cậu bé 13 tuổi trước một đối thủ rất lợi hại, xứng đáng là ván cờ hay nhất trong lịch sử của những thần đồng cờ vua... Màn trình diễn của Bobby lấp lánh với sự sáng tạo kỳ diệu".
Và Hans Kmoch đã gọi ván cờ tuyệt diệu đó là "Ván cờ thế kỷ".
Ván cờ của Bobby xuất hiện trên các tờ báo khắp đất nước cũng như trên toàn thế giới, với vô số mỹ từ ca ngợi. Đại kiện tướng Yuri Averbach, người Liên Xô đã nói: "Sau khi xem qua ván cờ, tôi bị thuyết phục rằng cậu bé này là một tài năng vô cùng lớn". Còn Mikhail Botvinnik, đương kim vô địch thế giới thì "Chúng ta cần phải chú ý đến cậu bé này!".
Cậu bé Bobby Fischer trên bìa tạp chí Chess Review
"Ván cờ thế kỷ" đã được nhắc đến, phân tích và ngưỡng mộ trong suốt hơn 50 năm qua. Nó chỉ có thể so sánh với "nước đi vàng" của Frank Marshall - một kỳ thủ Mỹ khác, tại giải Breslau năm 1912, cũng là một đòn thí Hậu tuyệt đẹp và đánh bại Levitsky. Khi nhớ lại ván cờ này, Bobby khiêm tốn: "Tôi chỉ đi những nước mà mình cho là tốt nhất. Tôi chỉ may mắn thôi!".
Kmoch, vị trọng tài, cảm nhận được hình bóng của nhà vô địch thế giới từ Bobby, nên đã cẩn thận lưu giữ biên bản gốc do chính thần đồng ghi chép như một kiệt tác của danh họa Rembrandt. Và David Lawson, một nhà sưu tập, bằng cách nào đó - có lẽ là trả tiền, đã có được bản gốc của "Ván cờ thế kỷ" từ Kmoch, với ghi chú của chính Kmoch bằng cây bút chì đỏ: 0-1 (Byrne thua, Fischer thắng). Sau khi Lawson chết, tờ biên bản được một nhà sưu tập khác mua lại, và cứ thế trong nhiều năm nó đã qua tay khá nhiều nhà sưu tập. Ngày nay trong các cuộc bán đấu giá, nó được định giá 100,000 USD.
Còn tiền thưởng của Bobby từ Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ cho kiệt tác này thì sao? Chỉ có 50 đô la.
Biên bản gốc của "Ván cờ thế kỷ", do chính Bobby ghi chép
Bên trong marshall chess club nơi diễn ra "Ván cờ thé kỷ"
Theo người nổi tiếng, thaivumanhlinh
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân - số phận buồn của chuyên gia ẩm thực nổi tiếng nhất Việt Nam Vượt qua bi kịch và nắm trong tay gần như tất cả nhưng Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân chưa một lần sống vì bản thân mình. Một cuộc đời vay mượn trong bấy nhiêu năm ấy với bà là quá đủ, đã đến lúc bà chọn đi theo con đường mình mong muốn: xuất gia để sống những tháng năm an lạc trong chốn...