GĐ Công an TP Hải Phòng: “Công an không phá nhà ông Vươn”
Đại tá Đỗ Hữu Ca cho biết đã nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) cho rằng thuỷ hải sản và hoa màu đã bị thu hoạch bất chính.
Trưa 1/2, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, Đại tá Đỗ Hữu Ca – Giám đốc công an TP. Hải Phòng cho biết: Công an TP. Hải Phòng đã nhận được đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) cho rằng thuỷ hải sản và hoa màu đã bị thu hoạch bất chính. “Tôi đã giao cho phòng CSĐT (công an TP. Hải Phòng) điều tra, làm rõ các nội dung tố cáo”.
Theo ông Ca, nếu coi căn nhà đã bị phá của ông Quý là nhà ở thì việc xây dựng căn nhà này là trái phép.
Nhận định về hành vi giết người, chống người thi hành công vụ của Đoàn Văn Vươn, ông Đỗ Hữu Ca đánh giá là rất nghiêm trọng. Trước khi cưỡng chế, bao giờ chính quyền cũng có thông báo, thương thuyết một thời gian.
Nhưng trong trường hợp nhà ông Vươn, khi lực lượng cưỡng chế mới tiến đến gần (còn cách khảng 100 m nữa mới tới) thì đã bị nổ mìn chống lại rồi. Sau khi vụ việc xảy ra, kiểm tra hiện trường thì thấy căn nhà đã được trang bị như một “pháo đài” được bao bọc bởi rơm với nhiều vũ khí.
Và ông Ca cũng khẳng định đây cũng không được gọi là nhà vì khu đất đó không được phép xây dựng nhà ở. Nếu xây dựng nhà ở thì tức là xây dựng trái phép. Căn cứ vào chức năng của công trình đó mà gọi là chòi trông cá (lều trông cá).
Video đang HOT
Khi được hỏi lý do có cả lực lượng công an và quân đội trong vụ cưỡng chế, Đại tá Đỗ Hữu Ca nói: Ban cưỡng chế là ban liên ngành. Trong ban cưỡng chế thường có nhiều thành phần khác nhau gồm: công an, quân đội, dân phòng, hội phụ nữ…
Các lực lượng này đến nhằm mục đích giám sát hành vi cưỡng chế đúng pháp luật và ngăn chặn bạo lực trái pháp luật nếu trong quá trình cưỡng chế nảy sinh.
Trước đó, đã có thông tin cho rằng, trong và sau vụ cưỡng chế, không chỉ có lực lượng cưỡng chế của huyện mà còn có cả một số đối tượng lạ mặt liên quan đến việc phá tài sản, rồi chính các đối tượng này thu hoạch hoa lợi từ đầm nhà ông Vươn và nhà ông Quý. Về vấn đề này, Đại tá Ca cũng khẳng định nếu phát hiện thấy có dấu hiệu hình sự trong việc này sẽ khởi tố vụ án.
Cùng về vấn đề dư luận nghi ngờ công an trong lực lượng cưỡng chế đã san phẳng căn nhà của gia đình ông Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế, ông Ca thêm một lần nữa khẳng định: Công an trong lực lượng cưỡng chế không được lệnh phá.
Và CBCS công an không phá căn nhà vì sau khi lực lượng cưỡng chế rút đi, có lực lượng công an khác đến ghi nhận hiện trường rồi cũng rút chứ không phá gì cả. Hiện trường còn lại thuộc trách nhiệm của huyện.
Theo Giáo Dục VN
Chính quyền thuê "người ngoài" trông coi đầm ông Vươn!
Ngay sau khi ông Đoàn Văn Vươn bị bắt, chính quyền huyện Tiên Lãng tuyên bố đã giao cho UBND xã Vinh Quang bảo vệ khu đầm, nhưng lãnh đạo xã Vinh Quang lại thuê người bảo vệ đầm để rồi sau đó, hàng chục tấn thủy sản trong đầm đã bị vét sạch.
Chiều 31.1, trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang, cho rằng: "Toàn bộ khu đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn sau khi bị cưỡng chế ngày 5.1, UBND huyện mới chỉ có thông báo giao cho xã quản lý chứ không có biên bản bàn giao cụ thể. Vì thế xã chưa giao cho bất kỳ ai làm gì ở đó mà chỉ giao cho lực lượng công an xã bảo vệ khu vực đầm đã cưỡng chế". Theo ông Liêm, công an xã phân công theo ca trực, mỗi ca có từ 3 đến 5 người.
"Xã có bàn bạc thuê thêm một người tên Vũ Văn Hội"
Trả lời câu hỏi, tại sao có nhiều người không thuộc lực lượng công an xã nhưng vẫn có mặt ở khu đầm và tại sao hàng chục tấn thủy sản (theo em vợ chủ đầm, gồm 7.000 con cá trắm nặng 3-4 kg/con, 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con) đã bị vét sạch?
Tài sản của anh em ông Vươn sau khi giao cho UBND xã quản lý đã trở thành đống gạch vụn hoang tàn - Ảnh: Lê Quân
Ông Liêm nói: "UBND xã giao công an xã bảo vệ. Tuy nhiên, do vào thời điểm tết Nguyên đán nên Thường vụ và lãnh đạo xã có bàn bạc thuê thêm một người tên Vũ Văn Hội, cũng ở xã Vinh Quang phối hợp cùng với công an xã trông coi, giữ nguyên hiện trạng khu đầm đã cưỡng chế trên từ ngày 15 đến 29.1. Hôm qua 30.1, xã đã thanh lý hợp đồng với ông này. Hiện công an xã vẫn đang quản lý khu vực đó".
Về việc thủy sản trong đầm của gia đình ông Vươn bị "bốc hơi", ông Liêm, nói: "Hôm nay các anh nói tôi mới biết việc này. Tôi sẽ yêu cầu trưởng công an xã báo cáo ngay, nếu có sẽ bàn trong lãnh đạo xã và có hướng điều tra cụ thể".
Ông Vũ Đức Bốn, Trưởng công an xã Vinh Quang, cũng xác nhận với Thanh Niên: "Đúng là công an xã được UBND xã giao cho bảo vệ an ninh trật tự khu đầm đã cưỡng chế. Gần tết UBND xã có hợp đồng một người trông coi, người được thuê là ai tôi cũng không nhớ. UBND xã cũng đứng ra làm hợp đồng chứ công an xã không biết". Trả lời về việc ngoài công an xã, có rất nhiều người lạ mặt ở tại khu đầm trên, ông Bốn đáp: "Tôi chỉ phân công anh em trong công an xã ra hiện trường chứ tôi không ra ngoài đó nên không biết việc này và cũng không thấy anh em báo cáo".
Ông Bốn xác nhận công an xã Vinh Quang có một người tên Lâm, anh này được cử ra bảo vệ khu đầm, trong khi theo ghi nhận của PV, công an xã tên Lâm chính là người đã cùng nhóm đối tượng của Phường "tố", Chương "sực" ngăn cản các phóng viên tác nghiệp, thậm chí còn chửi bới, lao vào giằng máy ảnh của một phóng viên vào chiều ngày 10.1.
Một chủ đầm gần đầm nhà ông Vươn bức xúc: "Chính quyền xã đã được huyện giao bảo vệ khu đầm, họ lại thuê cả người ngoài vào bảo vệ. Người ta tháo cạn đầm để bắt hàng chục tấn thủy sản, trị giá hàng tỉ đồng. Chính quyền xã phải chịu trách nhiệm về việc này, chứ không thể nói là không biết?".
Chủ đầm Kết là ai?
Trở lại vụ việc chủ đầm Kết, người bị một số người dân quanh khu vực đầm nhà ông Vươn tố cáo đã đưa "đàn em" xuống tiếp quản khu đầm, đánh bắt thủy sản của gia đình ông Vươn. Ông Lê Thanh Liêm nói: "Theo danh sách hành chính, Kết không thuê đầm của xã Vinh Quang. Nếu ông Kết có thuê đầm nhưng không thông báo với xã thì tôi không biết".
Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, ông Kết có quan hệ khá thân mật với Vũ Văn Hội, người được xã thuê tham gia trông coi khu vực trên. Về việc trông coi đầm nhà ông Vươn cùng với công an xã, theo như ông Liêm là có hợp đồng thuê trông coi. Ông Hội cũng từng khẳng định, việc đưa người ra trông đầm không phải vì làm kinh tế mà là "do lãnh đạo xã, huyện đã có lời nhờ".
PV Thanh Niên đã điện thoại cho ông Kết theo số điện thoại 0912923... (số điện thoại do nhiều chủ đầm ở Tiên Lãng cung cấp). Tuy nhiên ngay khi vừa xưng là phóng viên thì chủ máy là ông Kết đã tuôn ra những lời nói rất tục tĩu: "Tôi chơi đ. gì các ông, đ.m các ông, kệ m. các ông, tôi ảnh hưởng đ. gì đến các ông, tôi đ. nói chuyện với các ông", sau đó cúp máy. Lần thứ hai PV tiếp tục gọi hỏi về việc có liên quan gì đến khu đầm của gia đình ông Vươn thì người xưng là Kết tiếp tục buông lời thách đố: "Mày làm sao đủ tuổi nói chuyện với tao, việc đó là của chính quyền, dân thì phải tuân theo chính quyền...".
Tất cả đều từ chối trả lời
Chiều 31.1, đoàn cán bộ của Bộ TN-MT do ông Lê Văn Lịch, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai đã có buổi làm việc với UBND huyện Tiên Lãng về việc giao đất, thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Đoàn làm việc từ 15 giờ cho đến 18 giờ mới kết thúc. Không được tham gia cuộc họp, hàng chục phóng viên các báo đã chờ cả buổi chiều để phỏng vấn thành viên công tác của Bộ TN-MT nhưng tất cả đều từ chối trả lời. Thậm chí, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng còn không cho PV đứng ở tầng 2 trụ sở UBND huyện.
Theo Thanh Niên
Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng - Hải Phòng: Có bàn tay của giang hồ? Nhiều người dân ở huyện Tiên Lãng khẳng định một nhóm giang hồ ở quận Kiến An, TP Hải Phòng có liên quan đến việc thu hồi đất của hộ ông Đoàn Văn Vươn Dù chỉ thực hiện cưỡng chế thu hồi 19,3 ha trong tổng số 40,3 ha đầm do gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang quản lý nhưng ngôi nhà...