Gặp thống tướng Myanmar, ASEAN ném đá dò đường
Các chuyên gia không kỳ vọng thay đổi lớn khi ASEAN họp với lãnh đạo quân đội Myanmar nhưng xem đây là bước đi cần thiết đầu tiên cho đối thoại.
Cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo ASEAN được lên kế hoạch diễn ra tại thủ đô Jakarta, Indonesia, do Vua Brunei Hasssanal Bolkiah chủ trì vào ngày 24/4. Một số quan chức các nước thành viên, gồm cả người trong chính quyền quân sự Myanmar, đã xác nhận trọng tâm cuộc họp là về tình hình nước này.
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 21/4 cũng khẳng định thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, sẽ xuất hiện tại sự kiện cuối tuần. Thông tin tương tự cũng được Nikkei Asia đăng tải với trích dẫn từ người phát ngôn quân đội Myanmar Zaw Min Tun.
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính phủ quân sự Myanmar sau cuộc chính biến ngày 1/2, duyệt đội hình diễu binh ngày 27/3 ở Naypyitaw. Ảnh: Reuters.
“Cho đến nay, vẫn chưa có cuộc đối thoại chính thức nào giữa lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar với cộng đồng quốc tế. Có thể nói, cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt của ASEAN chính là cơ hội đầu tiên để hai bên dò thái độ qua lại và xem xét đối phương có khả năng chấp nhận nhượng độ đến đâu”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, nói với V nExpress.
Ông đồng ý với những nhận định cuộc họp thượng đỉnh chính là “phép thử cần thiết” cho cả hai phía, để ASEAN và chính phủ quân sự Myanmar xem xét mức độ sẵn sàng đối thoại từ bên còn lại .
Alistair Cook, nghiên cứu viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore và là chuyên gia về các vấn đề Myanmar, lưu ý rằng ASEAN “ràng buộc bởi cơ chế ra quyết sách dựa trên đồng thuận” và cộng đồng quốc tế không nên kỳ vọng tổ chức khu vực giữ vai trò “cơ chế thực thi” trong cuộc khủng hoảng.
Sự khác biệt lập trường giữa thành viên ASEAN về vấn đề Myanmar đã được thể hiện trong gần 3 tháng qua. Singapore và Indonesia chỉ trích cuộc chính biến ngày 1/2 và tình trạng bạo lực ở Myanmar. Trong khi đó, một số nước như Thái Lan giữ lập trường không can thiệp vào vấn đề nội bộ của thành viên khác. Những khác biệt này có thể khiến khu vực khó đưa ra hành động chung.
Video đang HOT
Dù vậy, Cook vẫn đánh giá cao tầm quan trọng của cuộc họp thượng đỉnh sắp tới. Theo ông, cơ chế họp thượng đỉnh đặc biệt “giúp tập hợp thành viên ASEAN để đưa những vấn đề an ninh và hòa bình khu vực ra tìm hướng giải quyết”. Cơ chế này còn cho phép những thành viên cuộc họp dần “hình thành sự phản ứng tập thể đối với tình hình tại Myanmar”.
Người biểu tình tại Yangon trang bị súng hơi tự chế đối đầu lực lượng an ninh Myanmar vào ngày 3/4. Ảnh: Reuters.
” Các thành viên ASEAN cần hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để đàm phán một bộ khung hành động . Toàn bộ ASEAN đang dần nhận ra tổ chức khu vực cần tìm được tiếng nói chung nhằm hỗ trợ người dân ở Myanmar”, Alistair Cook nói .
Một trong những vấn đề có cơ hội đối thoại hiệu quả chính là tiếp cận hỗ trợ nhân đạo ở Myanmar.
“ASEAN có thể vận động tiếp cận hỗ trợ nhân đạo. Đây là một điểm rất quan trọng. Một số thành viên ASEAN cũng có cơ hội để lên tiếng mạnh mẽ hơn ở phương diện này”, Hunter Marston, nghiên cứu viên tiến sĩ ngành quan hệ quốc tế, Trường Các vấn đề Thái Bình Dương Coral Bell thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết .
Ông Marston cho rằng “kịch bản lý tưởng” có thể là “lời lời kêu gọi khôi phục nền dân chủ và công nhận kết quả tổng tuyển cử năm 2020″. “Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế, điểm thảo luận quan trọng nhất chính là quyền tiếp cận hỗ trợ nhân đạo, qua đó hình thành được cơ chế đặc phái viên hay đại diện ASEAN phối hợp cùng quân đội Myanmar và có thể là cả Liên Hợp Quốc”, ông đánh giá.
“Điểm tích cực là dường như cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều mong muốn ASEAN giữ vai trò dẫn dắt trong vấn đề này. Đây chính là cơ hội để ASEAN thể hiện vai trò trung tâm”, Marston bổ sung thêm.
Cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt tại Jakarta diễn ra sau gần 3 tháng căng thẳng leo thang ngày một nghiêm trọng ở Myanmar. Chính quyền quân sự đã sử dụng vũ lực nhằm trấn áp các cuộc biểu tình liên tiếp trên cả nước.
Các tổ chức quốc tế ước tính hơn 700 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh. Trong khi đó, truyền thông nhà nước Myanmar ngày 22/4 khẳng định chỉ có 258 trường hợp tử vong và phần lớn nạn nhân là “thành viên bạo loạn”.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức ngày 2/3 có sự tham gia của đại diện Myanmar. Ảnh: AFP.
Tình trạng bạo lực đã thúc đẩy Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây ra hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào giới tướng lĩnh và các lợi ích kinh tế của quân đội. Ngày 21/4, Mỹ tiếp tục áp lệnh trừng phạt lên hai công ty quốc doanh ở Myanmar có quan hệ với quân đội. Áp lực từ cộng đồng quốc tế dù vậy vẫn chưa tạo ra thay đổi đáng kể với cục diện khủng hoảng.
“Chúng ta đều biết quân đội Myanmar không lạ gì với tình trạng bị thế giới phương Tây cô lập”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung lưu ý.
Theo ông, với bài học quá khứ về căng thẳng phương Tây – Myanmar cũng như tính cấp thiết của tình hình hiện nay, cuộc họp thượng đỉnh ở Jakarta càng đòi hỏi một sự khôn khéo trong cách tiếp cận từ cả ASEAN và Myanmar.
“Đây là một cơ hội. Hiển nhiên ASEAN không thể giữ vai trò gây sức ép hữu hiệu lên Myanmar như kỳ vọng của các quốc gia khác, đặc biệt là phương Tây. Tuy nhiên, những diễn đàn mà ASEAN giữ vai trò trung tâm lại có thể là môi trường mà chính quyền quân sự Myanmar cảm thấy thỏa mái, mở ra tâm lý an toàn cho đối thoại”, ông nhận định. “Nếu họ không cảm thấy thoái mái ở các diễn đàn đa phương, chính quyền quân sự Myanmar vẫn sẵn sàng tiếp tục đóng cửa với thế giới. Để tạo sức ép hữu hiệu với Myanmar, điều kiện cần thiết là tạo một môi trường khuyến khích chính quyền quân sự bước vào bàn đàm phán và nhượng bộ một vài vấn đề”.
Theo ông Trung, sự kiện ở Jakarta có thể giữ vai trò bước đệm cho những cơ hội tiếp theo ở Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM ). Các diễn đàn do ASEAN tổ chức nhưng có sự tham gia của một số cường quốc trong khu vực và đối tác phương Tây là cơ hội để chính quyền Myanmar “phá băng quan hệ”.
Tiến sĩ Alistair Cook cũng chia sẻ cùng quan điểm về vai trò của ASEAN trong câu chuyện Myanmar. Theo ông, mọi ý tưởng ASEAN dẫn dắt hành động chung đều cần có sự tham gia của cộng đồng quốc tế, đơn cử là một cơ chế hợp tác với Liên Hợp Quốc.Nhiều nước trên khắp thế giới đã có những cách phản ứng riêng.
“Các bên cần phối hợp phản ứng để hỗ trợ người dân Myanmar hiệu quả hơn. ASEAN đang có tiềm năng trở thành một nền tảng cho sự phối hợp này”, ông Cook nhận định.
Malaysia nêu giải pháp cho khủng hoảng Myanmar
Ngoại trưởng Malaysia cho rằng thiết lập cơ chế ba bên giữa Myanmar với ASEAN và cường quốc ngoài khu vực là một trong ba cách giải quyết khủng hoảng.
"Chúng tôi kêu gọi Myanmar cân nhắc trở lại bàn đàm phán để tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng chính trị và tránh leo thang căng thẳng, có nguy cơ mời gọi sự can thiệp nước ngoài vào khu vực ASEAN", Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu trong cuộc họp bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN hôm nay.
Cuộc họp khẩn giữa các ngoại trưởng ASEAN bắt đầu từ 17 giờ, kéo dài khoảng 2 tiếng theo hình thức trực tuyến. Đại diện của Myanmar là ông Wunna Maung Lwin, người vừa được chính quyền quân sự bổ nhiệm làm tân ngoại trưởng sau cuộc chính biến ngày 1/2.
Cảnh sát chống bạo động Myanmar bắt người biểu tình tại Yangon ngày 2/3. Ảnh: Reuters .
Cuộc họp không ra thông cáo chung sau khi kết thúc, mà từng ngoại trưởng có thông điệp riêng. Trong phát biểu được Bộ Ngoại giao Malaysia công bố, Ngoại trưởng Hishammuddin nhấn mạnh đối thoại giữa quân đội Myanmar và phe bà Aung San Suu Kyi là con đường khả thi nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ngoại trưởng Malaysia đưa ra ba đề xuất để ASEAN và Myanmar cùng xem xét, gồm thành lập nhóm "người có ảnh hưởng" để xem xét cáo buộc gian lận bầu cử do quân đội Myanmar đưa ra với chính quyền của bà Aung San Suu Kyi; Myanmar chấp thuận để Tổng thư ký ASEAN Jim Jock Hoi và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah đến thăm và làm việc; thiết lập cơ chế đối thoại ba bên giữa ASEAN, Myanmar và các cường quốc bên ngoài khu vực.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự khi trả lời truyền thông về tình hình Myanmar. Ông đồng thời phản đối ý tưởng để nước ngoài can thiệp trực tiếp vào khủng hoảng Myanmar, đặc biệt là kịch bản can thiệp quân sự.
"Tôi hy vọng rằng sự khôn ngoan sẽ chiến thắng, như lần trước", Thủ tướng Singapore nói, đề cập việc tiến trình dân chủ tại Myanmar được khởi động vào đầu thập niên 2010 sau nhiều thập kỷ quân đội nắm quyền. Ông Lý cho rằng quân đội Myanmar cuối cùng sẽ nhận ra rằng "theo đuổi con đường quân sự sẽ không đi đến đâu cả, và họ cần tìm ra cách dàn xếp với chính phủ dân sự đã được bầu lên một cách dân chủ".
Thông điệp ủng hộ đối thoại cũng được Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi chia sẻ. Bà nhấn mạnh thiện chí của khu vực "sẽ trở nên vô nghĩa nếu Myanmar không mở cửa với ASEAN". Tuy nhiên, bà lưu ý tôn chỉ không can thiệp của ASEAN phải được tôn trọng và "không có bất kỳ quốc gia nào trong ASEAN có ý định vi phạm nguyên tắc này".
Duterte không dự hội nghị ASEAN về Myanmar Tổng thống Philippines Duterte sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo ASEAN cuối tuần này để bàn về khủng hoảng Myanmar, song không công bố lý do. "Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không đích thân tham dự, nhưng tôi chắc chắn đại diện Bộ Ngoại giao của chúng tôi sẽ xuất hiện", Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống...