Gặp chàng trai từng “gây bão” vì tâm thư tới Bộ trưởng
Là nhân vật “hot” mùa tuyển sinh năm 2012 vì bức tâm thư gửi cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về lỗi sai trong đề thi môn tiếng Anh, Nguyễn Trung Dũng – cựu SV Học viện Ngoại giao hiện tại đã là DHS tại Kazakhstan…
Trở thành sáng lập viên Quỹ từ thiện khi mới 19 tuổi
Chào Dũng, cuộc sống của bạn có thay đổi nhiều sau câu chuyện bức tâm thư vào năm 2012 đã tốn không ít giấy mực của báo chí không?
Thú thực là cuộc sống và việc học tập của mình cũng không có gì xáo trộn sau quãng thời gian 2 tháng “ồn ào” trên mặt báo vào thời điểm đó. Mình vẫn trở thành sinh viên của Học viện Ngoại giao, vẫn vừa học tập và vừa tham gia các hoạt động xã hội hiệu quả.
Sự việc theo thời gian cũng dần lắng xuống, và từ một nhân vật “nổi tiếng” mình cũng dần trở thành một cậu sinh viên bình thường như các bạn khác. Có những người không hài lòng ra mặt với mình, nhưng cũng có nhiều bạn bè, thầy cô luôn ủng hộ tính cách của mình. Mình nghĩ đó cũng là điều bình thường của cuộc sống.
Mình không phải người dễ bị tác động bởi dư luận, vì thế dù bố mẹ luôn lo lắng rằng mình sẽ bị ảnh hưởng về tâm lí sau những “ồn ào” đó, nhưng mình lại cảm thấy may mắn vì đã có được một trải nghiệm sống rất quý báu như vậy.
Nguyễn Trung Dũng – chàng trai từng “gây bão” với bức tâm thư gửi Bộ trưởng bộ GD-ĐT giờ là du học sinh tại Kazakhstan.
Phải chăng việc đối mặt với dư luận ở tuổi 18 đã khiến bạn giờ đây chín chắn hơn trong hành động của mình?
Không hẳn là như vậy, vì hành động viết tâm thư của mình lúc đó không phải là sự bồng bột nhất thời mà là một quyết định được cân nhắc kĩ càng. Tuy nhiên, mình đã không lường trước được phản ứng từ dư luận lại mạnh mẽ như vậy, và mình đã học được rất nhiều điều từ việc vượt qua dư luận để đi đến cùng với quyết định của mình.
Trước đó, mình luôn nghĩ rằng, tại sao chúng ta hay than thở mà không hành động, chúng ta luôn lo sợ một thế lực nào đó mà không dám làm những điều đúng đắn, tại sao xã hội luôn là kẻ có lỗi mà không phải là mình?
Và giờ thì mình vẫn tin tằng nếu mỗi chúng ta hành động bằng tình yêu và thiện chí, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp. Sự lo sợ vô hình chỉ càng làm cho xã hội thêm xám xịt mà thôi.
Nếu tìm từ khóa “sinh viên Nguyễn Trung Dũng” thì không chỉ có những tin bài về bức tâm thư mà còn là những hoạt động thiện nguyện, bạn có thể chia sẻ về những chương trình này không?
(cười) Thật là may mắn nếu đúng như bạn nói. Đó là điều mà mình mong muốn nhất hiện giờ. Từ ước mơ được thực hiện những chương trình thiện nguyện ấp ủ từ những năm học phổ thông, sau khi vào đại học, tháng 8/2012 mình đã thành lập Quỹ từ thiện Thắp sáng niềm tin (tên tiếng anh BILF – Belief In Life Foundation).
Tính đến nay, Quỹ đã thực hiện được 6 chương trình kêu gọi giúp đỡ cho các bạn sinh viên nghèo và các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, chương trình lớn nhất là liveshow ca nhạc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như MC Thanh Vân, ca sĩ Thanh Duy Idol, Tạ Quang Thắng, Phương Anh, Bảo Trâm Idol, Trung Quân, …
Sau chương trình này, mình đã dự định tổ chức tiếp liveshow thứ hai nhưng rất tiếc là mình phải chuẩn bị cho việc du học nên không thể hoàn thành dự án được.
Video đang HOT
Giành được 4 học bổng chính phủ
Bạn đã giành được học bổng du học tại Hungary, Kazakhstan, Áo và Thổ Nhĩ Kì, tại sao bạn lại chọn đất nước Kazakhstan là nơi sẽ theo học trong 5 năm tới?
Việc du học tại Kazakhstan cũng là một quyết định “gây bão” nho nhỏ với gia đình và thầy cô, bạn bè của mình. Nhưng như mình đã chia sẻ, các quyết định của mình đều đã được suy nghĩ chín chắn và tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm.
Đất nước Kazakhstan không như mọi người vẫn thường nghĩ là một đất nước không ổn định, có xung đột vũ trang. Ngược lại, Kazakhstan là số ít trong những quốc gia “stan” nhưng vô cùng yên bình và có tốc độ phát triển cao. Đất nước này có sự giao thoa văn hóa Á-Âu rất đặc trưng. Đây là điều lôi cuốn mình nhất.
Mình muốn chọn một đất nước du học có nền văn hóa mà mình chưa từng được biết đến và trải nghiệm, những tòa nhà hiện đại ẩn mình trong bức tranh thiên nhiên nên thơ hùng vĩ. Và Kazakhstan là một đất nước như thế. Mình đã được đọc, nghe, xem về văn hóa phương Tây nhưng văn hóa Nga thì thực sự là “lỗ hổng” văn hóa của mình, và mình muốn đến Kazakhstan để phần nào lấp đầy nó.
Bạn có chia sẻ gì dành cho các bạn đang nộp đơn xin học bổng du học sau thành công của mình?
Bên cạnh việc có một bảng điểm “xuất sắc”, chứng chỉ ngoại ngữ tốt thì những bạn muốn xin học bổng du học nên chú trọng tới các hoạt động ngoại khóa và các hoạt động xã hội.
Sự năng động và đa dạng của bạn ở các vị trí khác nhau sẽ là một điểm cộng trong mắt những người xét tuyển. Hãy cứ tham gia những cuộc thi kĩ năng thuyết trình, kĩ năng viết luận, kĩ năng lãnh đạo, … hay các cuộc thi thể thao mà bạn ưa thích, dù bạn không dành được giải cao, nhưng những chứng nhận sau các cuộc thi đó sẽ tăng khả năng thuyết phục trong hồ sơ xin học bổng của bạn.
Thêm một điều nữa, đó là các bạn cần phải thể hiện rõ mình là ai, và mình mong muốn điều gì ở học bổng. Bạn hãy chia sẻ thật chân thành con người của mình, cuộc sống của mình và ước mơ của mình trong bài luận xin học bổng. Chỉ có sự chân thành mới làm nên nét riêng – thứ làm bạn nổi bật hơn những hồ sơ khác.
Mong muốn trở thành “công dân có ích”
Cuộc sống hiện tại của một du học sinh có nhiều mới lạ cho bạn không?
Mình đã bắt đầu cuộc sống tự lập khi còn là chàng sinh viên Ngoại giao cách đây 2 năm nên cũng không gặp nhiều khó khăn khi trải nghiệm cuộc sống của một du học sinh ở Kazakhstan.
Nhưng không giống ở Việt Nam, sinh viên Kazakhstan bắt đầu ngày học từ 8h30 và kết thúc lúc 1h30. Vì vậy, mình phải làm quen với việc ăn trưa muộn (tầm 2-3h chiều). Ban đầu không quen, mình thường hoa mắt chóng mặt ở lớp vì đói nên phải mua đồ ăn kèm, nhưng giờ thì đã bắt nhịp được với đồng hồ sinh học ở bên này.
Ở thành phố Almaty- nơi mình đang theo học, vì khí hậu lạnh nên rau xanh rất ít và đắt đỏ, mình phải tập làm quen với những bữa ăn chỉ có bắp cải, khoai tây và cà rốt. Cộng đồng người Việt ở Kazakhstan rất ít (chỉ khoảng 30 người) nên cũng không có chợ cho người Việt, vì thế thực phẩm là một trong những thách thức lớn nhất với cuộc sống của mình ở đây. Mình phải làm quen dần với sự vắng mặt của món ăn Việt trong bữa cơm hằng ngày.
Thế còn môi trường học tập ở Kazakhstan thì thế nào, có nhiều điểm khác biệt với Việt Nam không?
Ở Kazakhstan, hệ thống giáo dục phổ thông không phân thành cấp 1,2 và 3 mà chỉ có một bằng tốt nghiệp phổ thông sau 11 năm học. Chương trình đại học thì không mấy khác biệt với Việt Nam, nhưng nội dung học thì ít lí thuyết và nhiều thực hành, nghiên cứu hơn.
Những giáo viên người Nga thì rất tận tụy và yêu thương sinh viên như chính con của mình. Họ luôn quan niệm rằng: “cô giáo nghĩa là mẹ”, vì thế có bất cứ chuyện gì, dù không liên quan đến học tập, họ cũng sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ hết mình đối với sinh viên như mình. Điều này khiến mình rất cảm động.
Ước mơ và dự định của bạn trong năm 2015 là gì?
Dự định trong năm nay của mình rất nhiều nhưng cho phép mình chưa tiết lộ vội vì mình không muốn “nói trước bước không qua”. Nhưng sớm nhất là vào tháng 3 tới, mình sẽ đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn chương trình biểu diễn chào mừng Tết dân tộc Kazakhstan tại khoa dự bị đại học của mình. Và sau đó sẽ cố gắng để hoàn thành tốt kì thi chứng chỉ tiếng Nga.
Còn về ước mơ, mình luôn chỉ có một hi vọng duy nhất rằng, từng ngày từng giờ có thể là một công dân có ích, không phải là một cá thể thừa thãi của xã hội. Được học tập, làm việc và đóng góp cho xã hội là hạnh phúc lớn nhất của mình. Điều mình sợ nhất là một sáng mai thức dậy, chẳng ai còn nhớ đến mình, cần mình vì mình không có giá trị gì.
Cảm ơn bạn đã tham gia cuộc trò chuyện này, chúc bạn năm mới thành công!
Hoàng Lân
Theo Dantri
Những đại gia Việt tiêu tiền "gây sốt" nhất năm 2014
Trong thế giới tỷ phú, có những đại gia Việt đã khiến dư luận "phát sốt" vì kiểu tiêu tiền không giống ai.
Định mua cả tháp Eiffel
Cách đây không lâu, dư luận được dịp xôn xao vì thông tin triệu phú gốc Việt mua tháp Eiffel. Thông tin được lan truyền từ tờ báo Le Monde của Pháp.
Theo Le Monde, triệu phú gốc Việt Chuc Hoang đang muốn mua lại Société de la Tour Eiffel (Công ty Tháp Eiffel). Công ty này đúng là do kỹ sư Gustave Eiffel thành lập năm 1889 để quản lý tháp Eiffel.
Tháp Eiffel vốn là công trình nổi tiếng toàn thế giới, là biểu tượng của nước Pháp nên việc một tư nhân đòi sở hữu tháp Eiffel đã gây sự chú ý không nhỏ. Và tên tuổi của Chuc Hoang bỗng dưng được nhắc tới nhiều.
Thậm chí, có tờ báo của Pháp còn dành hẳn một bài báo viết về chân dung triệu phú gốc Việt này. Theo đó, ông Chuc Hoang sinh ra tại tỉnh Thái Bình (miền Bắc Việt Nam) vào thời Đông Dương. Cha ông là thẩm phán, có thời gian làm chủ tọa tòa án quân sự.
Hồi thời thiếu niên, ông Chuc Hoang đã sang Pháp học Trường Trung học Saint-Louis, rồi Trường Bách khoa Paris. Sau khi rời ghế trường, ông miệt mài làm việc và trở thành doanh nhân thành đạt.
Tạp chí Challenges (Pháp) đã phát hiện ra ông, tính toán giá trị cổ phiếu của ông và đưa ông vào danh sách 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp. Trong danh sách này, ông Chuc Hoang đứng thứ hạng 176 với tài sản ước tính 290 triệu euro.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi ông Chuc Hoang gây ồn ào với thông tin muốn mua tháp Eiffel, đã có bài báo phủ nhận thông tin này.
Chi 6 tỷ mua giường ngủ
Trong số các đại gia gây sốt, không thể không nhắc đến đại gia Lê Ân. Không chỉ nổi tiếng về việc cưới nhiều vợ, đại gia Lê Ân còn nổi tiếng ở phong cách tiêu tiền rất xa xỉ, chơi xế hộp đắt tiền, mua giường trị giá 6 tỉ đồng với mục đích "để cho người nước ngoài biết đại gia Việt Nam cũng chịu chơi".
Hồi giữa tháng 8/2013, đại gia Lê Ân tuyên bố đã mua mua chiếc giường Hoàng gia với giá hơn 6 tỷ đồng, sản xuất trong hơn 3 tháng và sẽ vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam.
Giải thích về việc bỏ ra một khoản tiền lớn để mua giường, ông Ân khẳng định: "Giá của chiếc giường với tôi không phải là cao. Trung Quốc mua được thì người Việt Nam cũng mua được. Tôi tìm cách đặt mua không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền".
Không dừng lại ở đó, đại gia Lê Ân còn cho tạc 3 bức tượng 3 người vợ từng phụ bạc, ôm tài sản của ông ra đi, gây cho ông cảnh tù tội trong khuôn viên Làng du lịch Chí Linh, Vũng Tàu.
Sắm 2 thuỷ phi cơ trị giá 45 tỉ
Một đại gia khác gây sự chú ý của dư luận và nhanh chóng nổi tiếng khi bỏ tiền túi ra mua 2 chiếc thủy phi cơ thuộc hàng hiếm ở Việt Nam. Đại gia này là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh - ông Trần Trọng Kiên.
2 chiếc thủy phi cơ Cessna Grand Caravan EX từ nhà chế tạo máy bay Cessna (Mỹ) đã được bàn giao cho hãng hàng không Hải Âu (Hai Au Aviation, thuộc tập đoàn Thiên Minh vào hồi tháng 6 vừa qua. Giá của mỗi chiếc thủy phi cơ này khoảng 3,2 triệu USD (tương đương 45 tỷ đồng). Số tiền trên chỉ bao gồm giá phi cơ và giá phao theo hợp đồng ký kết, chưa tính các chi phí khác như thuế, phí, lệ phí thông quan. Như vậy, hai chiếc thủy phi cơ này đã "ngốn" gần trăm tỷ đồng của đại gia Thiên Minh.
Bỏ nghìn tỉ tậu hàng trăm tàu thuỷ, máy bay để... đánh cá
Mới đây nhất, dư luận xôn xao khi ông Phạm Ngọc lâm - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải, một đại gia Sài Gòn nói rằng sẽ bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để sắm 100 chiếc tàu thuỷ và máy bay trực thăng ra Hoàng Sa đánh cá.
Ông này cho biết, do căm tức trước sự việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam nên muốn sử dụng 95 chiếc tàu có công suất từ 500 - 1.500 mã lực, được trang bị hiện đại để khai thác thủy hải sản ở 5 ngư trường lớn gồm: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định và Khánh Hòa.
5 chiếc còn lại dùng trong công việc cứu hộ, cứu nạn, hậu cần. Ngoài ra, vị đại gia này còn tính mua 2 chiếc máy bay trực thăng (giá mỗi chiếc khoảng 30 tỷ đồng) để phục vụ việc cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp cho các ngư dân trên biển.
Lê Tú (tổng hợp)
Theo Dantri
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Cổng TTĐT Chính phủ cần vào top 100 website truy cập cao Ngày 17/12, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà...