Gánh đậu hũ dung dị gợi nhớ miền ký ức tuổi thơ
“Ai đậu hũ khôn…” tiếng reo đó thỉnh thoảng vẫn vọng về trong tâm hồn tôi, khắc khoải, gợi nhớ những năm tháng tuổi thơ yên bình nơi xứ Huế thân thương.
Ngày còn thơ bé, có những chiều mùa hè không ngủ, tôi cùng chúng bạn lang thang từ con hẻm này sang con hẻm khác, chơi từ trò này sang trò khác, hết đuổi bắt lại đến ô làng, nhảy dây… Cũng trong những buổi chiều rực rỡ, đầy nắng và gió ấy, từ xa hiện lên đôi quang gánh với tiếng reo quen thuộc, cả đám nhanh nhảu chạy mỗi đứa một ngã, về nhà xin tiền bố mẹ để được ăn đậu hũ.
Ngày đó đậu hũ rẻ lắm, đâu chừng khoảng 500 đồng một chén, đủ cho một thức quà chiều thơm ngon. Một gánh đậu hũ thường có hai đầu: một đầu là ghè đựng đậu hũ, đầu còn lại là thùng đựng những đồ khác. Ghè đựng đậu là một cái chum được làm bằng đất nung, xung quanh bọc thêm xốp và ni lông để giữ độ nóng cho đậu. Thùng còn lại có 4 tầng: ở trên cùng là những chiếc chén sứ trắng phau ngay ngắn, tầng thứ hai là hộp đựng tiền, tiếp theo là chỗ của chanh, đường, nước gừng và muỗng, còn tầng cuối cùng để đựng thau nước rửa chén. Thau nước rửa chén luôn có thêm lá dứa và được vắt vài lát chanh. Khi nước trong thau bị bẩn quá thì các o các mệ lại ghé vào nhà của ai đấy gần đó, xin ít nước để thay.
Người Huế ăn đậu hũ nóng, chứ không thêm đá, ăn lạnh như tào phớ của miền Bắc. Từ trong các ghè đậu hũ, các o các mệ nhanh tay múc ra chén sứ từng miếng đậu hũ mỏng, trắng mịn, thêm vào đó ít nước gừng, đường và vắt thêm tí chanh. Cầm chén đậu hũ trên tay, hơi nóng tỏa ra từ nước gừng và đậu hũ, kết hợp với vị chua của chanh, ngọt của đường khiến cho món ăn trở nên đậm đà hơn. Món ăn nóng, ăn trong những chiều nắng nóng mà lại vô cùng dịu ngọt và thanh mát.
Video đang HOT
Đậu hũ vốn là chế phẩm của đậu nành nên nó mang trong mình những nét tinh hoa bổ dưỡng của hạt đậu nành: thanh đạm, thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Làm đậu hũ không khó, nhưng cần có tay nghề. Đậu nành sau khi vò sạch sẽ được mang đi xay, lọc nhiều lần để lấy nước. Nước đậu nành, pha thêm tí nước lạnh, đun sôi bỏ vào ghè rồi chờ cho đậu đông lại. Tỉ lệ giữa nước đậu và nước lạnh phải hợp lý thì đậu hũ làm ra mới ngon, mới trắng mịn và thơm được. Cái tỉ lệ này bao nhiêu thì tùy vào kinh nghiệm của mỗi người. Để đậu hũ thơm, các o các mệ thường tước một ít lá dứa mỏng, bó thành bó nhỏ, cho nào nồi nước đậu đang đun sôi.
Có những ngày xa nhà, tôi nhớ quay quắt những món ăn dân dã mà thơm ngon của quê nhà. Ngày nay, khi mọi thứ trở nên tiện lợi hơn, khi mà chỉ cần một cái vuốt tay là bạn có thể mua rất nhiều món ăn nhanh và ngon, thỉnh thoảng tôi lại nhớ về những gánh đậu hũ vất vả trong nắng chiều, rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, nhớ về những quang gánh dung dị chứa đầy ký ức tuổi thơ. Những lúc đó, tôi lại thèm được lót dép ngồi bệt nơi vỉa hè, tay cầm chén đậu hũ, vừa ăn vừa nghe kể chuyện, những câu chuyện về một đời vất vả, những câu chuyện giữ gìn truyền thống và văn hóa của mảnh đất quê hương.
Bánh bột lọc: Món ăn gói gọn cả tâm tình xứ Huế
Đặt chân đến Huế nghĩa là bạn đang tìm về với những an yên, nhẹ nhàng sau quãng thời gian làm việc căng thẳng. Thưởng thức các món ăn xứ Huế bạn sẽ cảm nhận được tâm tình nồng sâu gói gọn trong đó, đặc biệt là món bánh bột lọc.
Bánh bột lọc xứ Huế tuy giản dị, bình dân nhưng lại có khả năng "chinh phục" tình cảm ngay cả với những vị khách khó tính nhất. Với người dân xứ Huế mà nói thì bánh bột lọc đơn thuần chỉ là một thức quà ăn vặt quen thuộc. Thế nhưng, trong mắt các du khách phương xa thì đây quả thực là một món đặc sản mang đậm dấu ấn Huế, khiến họ thích mê và nhớ mãi hương vị.
Thông thường, bánh bột lọc có hai loại, đó là bánh bột lọc gói bằng lá chuối và bánh lọc trần. Có nhiều người ví von rằng, bánh bột lọc trần tựa một cô gái hiện đại, cởi mở và dễ gần, còn bánh bột lọc gói lại bằng lớp lá chuối như thiếu nữ e ấp, dịu dàng.
Đến xứ Huế, sau khi thơ thẩn dạo quanh sông Hương mộng mơ, rong ruổi khắp các địa danh, con phố ươm đầy nắng gió, người ta thường ghé qua những hàng quán để thưởng thức cho bằng được món bánh bột lọc nổi danh khắp ba miền.
Tuy được làm bằng những nguyên liệu bình dị nhưng không vì thế mà bánh trở nên kém hấp dẫn trong mắt thực khách. Nguyên liệu bao gồm bột năng, thịt ba chỉ, tôm và một phần không thể thiếu đó chính là lá chuối xanh. Người ta cắt nhỏ thịt ba chỉ; tôm tươi làm sạch, cắt bỏ phần đầu và đuôi rồi mang đi rim khô.
Sau khi xong phần nhân bánh sẽ tiến hành nhào nặn vỏ bánh. Để làm nên những chiếc vỏ bánh đúng điệu, người ta nhào bột trước với một ít muối, đường và dầu ăn, lúc nào cũng phải thật đều tay để bột mịn, dẻo. Rồi bằng một cách điêu luyện, người ta gói bánh rồi đem hấp, khi chín bánh tỏa ra mùi thơm nồng nàn khó cưỡng.
Khi thưởng thức bánh bạn sẽ cảm nhận được vị mát thanh thanh của bột lọc, thơm ngọt của thịt và tôm khiến bạn muốn dừng chân ở Huế thật lâu mà thôi. Nhiều người cũng chọn món bánh dân dã này mang về làm quà sau chuyến đi. Bạn có thể đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tô Hiến Thành, Võ Thị Sáu... để dễ dàng tìm thấy món bánh đặc sản này.
Bánh bột lọc dân dã nhưng dư vị mà nó để lại thì không gì có thể sánh được. Bởi thế nếu có cơ hội du lịch xứ Huế thì bạn đừng bỏ qua món bánh tuyệt vời này. Xứ Huế bình dị, thân thương luôn có sức hấp dẫn khiến du khách thương nhớ.
Tuyệt kỹ bún bò Huế tại gia ngon nức nở Ăn bún bò Huế, thứ em thích nhất là miếng chả cua giòn ngọt thơm sực mùi tiêu, đưa đẩy cùng thìa nước dùng thơm đượm vị mắm ruốc. Và thứ em ít khoái nhất chính là giò heo, gặm cứ lổn hết cả nhổn. Sẵn tiện vớ được 2 khay đuôi bò ngon nuột nà trong Aeon, em nảy ra sáng kiến...