Gần 95 triệu ca Covid-19, cơ quan hàng không cảnh báo khó khăn năm 2021
Thế giới ghi nhận hơn 94,8 triệu người nhiễm, hơn hai triệu người chết vì nCoV, ICAO dự đoán nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn giảm trong năm nay.
Thế giới đã ghi nhận 94.842.776 ca nhiễm và 2.028.481 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 628.166 và 12.920 ca so với 24 giờ trước. 67.673.578 người đã bình phục sau khi nhiễm virus, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), cơ quan hàng không của Liên Hợp Quốc, ngày 16/1 ra báo cáo cho biết đi lại bằng hàng không giảm 60% vào năm 2020, khi các quốc gia đóng biên và hạn chế đi lại để làm chậm sự lây lan của nCoV. Với chỉ 1,8 tỷ lượt hành khách đi máy bay so với 4,5 tỷ năm 2019, thiệt hại của các hãng hàng không lên tới 370 tỷ USD.
ICAO đánh giá rằng về ngắn hạn, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vẫn sẽ thấp trong quý I năm 2021. Triển vọng phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc triển khai vaccine có thành công hay không.
Nhân viên y tế tiêm vaccine tại Mumbai, Ấn Độ ngày 16/1. Ảnh: AFP .
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 209.168 ca nhiễm và 7.460 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số người nhiễm lên 24.264.339 trong đó 404.782 người chết.
Để đối phó với biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn, giới chức hôm 12/1 thông báo những người muốn bay tới Mỹ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trước khi khởi hành.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Mỹ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn với mong muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế. Nhưng các nỗ lực này không đạt được mong muốn, khi tính đến ngày 15/1, Mỹ mới tiêm chủng được cho 12,3 triệu người, thấp hơn nhiều mục tiêu 20 triệu người đã đề ra từ năm 2020.
Biden từng nhiều lần tuyên bố ưu tiên hàng đầu sau khi nhậm chức là giải quyết đại dịch. Ông cam kết phân phối 100 triệu liều vaccine Covid-19 đủ cho 50 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng.
Tổng thống đắc cử ngày 15/1 công bố kế hoạch thúc đẩy triển khai vaccine, bao gồm huy động bác sĩ đã nghỉ hưu tiêm chủng cho người dân tại hàng nghìn trung tâm, kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tăng cường sản xuất các thiết bị cần thiết để phân phối vaccine, như ống nghiệm, kim và ống tiêm.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 15.051 ca nhiễm và 181 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.558.710 và 152.311.
Ấn Độ bắt đầu một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới từ ngày 16/1. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới này đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 300 triệu trong số 1,3 tỷ dân trước tháng 7 – tương đương gần như toàn bộ dân số Mỹ. Nhóm người được ưu tiên tiêm trước là nhân viên y tế, những người trên 50 tuổi và những người được coi là có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, mạng lưới giao thông chất lượng thấp và hệ thống y tế xuống cấp có thể khiến nỗ lực tiêm chủng toàn quốc gặp nhiều trở ngại.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 1.005 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 209.296. Số người nhiễm nCoV tăng 60.806 ca trong 24 giờ qua, lên 8.455.059.
Bang Amazonas của Brazil ngày 16/1 ban bố lệnh giới nghiêm từ 19h đến 6 giờ sáng hôm sau, khi hệ thống y tế ở thủ phủ Manaus của bang này đang có nguy cơ “ngã quỵ”. Khu chăm sóc đặc biệt của các bệnh viện trong thành phố đã hoạt động hết công suất trong hai tuần qua, trong khi các nhân viên y tế đang phải chiến đấu với tình trạng thiếu oxy và các thiết bị thiết yếu khác. Không quân Brazil ngày 15/1 phải chuyển nguồn cung oxy khẩn cấp đến bang này.
Viện Butantan, nhà sản xuất dược phẩm nổi tiếng của Brazil hợp tác với công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, cho biết vaccine Coronavac của công ty này đã đạt mức hiệu quả 50,4% trong các thử nghiệm ở Brazil.
Tổng thống Jair Bolsonaro ngày 13/1 nói rằng ông đã đúng khi chỉ trích độ đáng tin cậy của vaccine Trung Quốc. Tuy nhiên, Bolsonaro cho biết ông không có vai trò gì trong việc “bật đèn xanh” cho Coronavac vì cơ quan quản lý y tế liên bang Anvisa mới là bên quyết định xem có chấp thuận sử dụng nó hay không. Chính phủ Brazil đầu tháng một ký thỏa thuận với Viện Butantan để mua tới 100 triệu liều vaccine của Trung Quốc.
Video đang HOT
Nga , vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 24.092 ca nhiễm nCoV và 590 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.544.623 và 65.085.
Nga sẵn sàng triển khai tiêm chủng đại trà vaccine Sputnik V từ 18/1. Trước đó, nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người già từ hồi đầu tháng 12/2020. Giới chức Nga cho biết 1,5 triệu công dân đã tiêm vaccine.
Làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu ở nước này vào tháng 9 nhưng giới chức không áp đặt phong tỏa diện rộng như đợt bùng phát đầu tiên. Giới chức Nga ngày 15/1 nói rằng đỉnh dịch thứ hai có thể đã qua và thông báo mở lại tất cả trường học từ tuần tới.
Hôm 16/1, giới chức Nga thông báo các chuyến bay giữa Moskva với các thủ đô Phần Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Qatar sẽ khởi động lại từ ngày 27/1, vì đây là những quốc gia ghi nhận chưa đến 40 ca mới trên 100.000 người trong hai tuần.
Anh , vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận 3.357.361 ca nhiễm và 41.346 ca tử vong, tăng lần lượt 41.346 và 1.295 ca.
Anh đã tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca và Pfizer cho người dân trong chương trình tiêm chủng lớn nhất lịch sử đất nước, với ưu tiên dành cho người cao tuổi, những người chăm sóc họ và nhân viên y tế. Chính quyền đang chạy đua nhằm bảo vệ càng nhiều dân càng tốt, do biến thể nCoV mới tại Anh được cho là dễ lây lan hơn nhiều.
Trên toàn nước Anh có 15 triệu người thuộc nhóm ưu tiên cao nhưng chỉ 4 triệu người được tiêm cho đến nay, vì vậy, chính phủ cần hơn hai triệu lượt tiêm chủng mỗi tuần để đạt được mục tiêu tiêm hết cho nhóm này trước giữa tháng hai. Thủ tướng Boris Johnson ngày 13/1 hứa hẹn sẽ triển khai tiêm vaccine 24/7, 7 ngày một tuần “sớm nhất có thể”.
Anh yêu cầu từ 18/1, tất cả hành khách đến nước này phải có kết quả âm tính với nCoV trong thời gian gần đây và phải cách ly trong 10 ngày.
Pháp , vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 21.406 ca nhiễm và 193 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.894.347 và 70.142. Số bệnh nhân cần chăm sóc tích vực vẫn tiếp tục tăng, trong khi gần 390.000 người đã được tiêm chủng. Tốc độ triển khai vaccine của Pháp bị chỉ trích chậm hơn nhiều nước châu Âu khác.
Chính phủ Pháp từ 16/1 áp lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Từ 18/1, bất kỳ ai đến Pháp từ bên ngoài Liên minh Châu Âu phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV gần đây và tự cách ly một tuần khi đến nơi.
Đức là vùng dịch lớn thứ 10 thế giới với 2.038.645 ca nhiễm và 47.121 ca tử vong vì Covid-19, tăng lần lượt 14.844 và 584 ca so với một ngày trước đó.
Thủ tướng Angela Merkel hôm qua cảnh báo Đức có nguy cơ cần kéo dài lệnh phong tỏa đến đầu tháng 4.
“Nếu không ngăn chặn được chủng virus mới ở Anh, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng gấp 10 lần cho tới lễ Phục sinh”, bà phát biểu trong một cuộc họp.Đức tuần trước tăng cường lệnh phong tỏa toàn quốc và gia hạn tới cuối tháng 1, do lo ngại biến chủng nCoV được phát hiện ở Anh có thể lây lan mạnh và gây quá tải cho các bệnh viện ở nước này.
Nhật ghi nhận 315.910 ca nhiễm và 4.380 người chết, tăng lần lượt 6.696 và 65 so với hôm trước.
Nhật ngày 13/1 áp đặt thêm tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh gồm Osaka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka, Aichi, Gifu và Tochigi từ 14/1 đến 7/2. Trước đó, họ đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo cùng ba tỉnh lân cận là Kanagawa, Saitama và Chiba.
Người dân ở các tỉnh này được yêu cầu ở nhà sau 20h. Nhà hàng, quán rượu và quán cà phê phục vụ đồ uống có cồn được yêu cầu chỉ hoạt động từ 11-19h và đóng cửa trước 20h. Nếu doanh nghiệp từ chối tuân thủ, chính quyền tỉnh có thể yêu cầu họ đóng cửa và bêu tên, hành động cứng rắn nhất trong khuôn khổ pháp lý hiện hành. Người làm theo hướng dẫn sẽ được hỗ trợ tới 60.000 yen mỗi ngày.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 896.642 ca nhiễm, tăng 14.224, trong đó 25.767 người chết, tăng 283.
Nước này ngày 13/1 bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. CoronaVac, vaccine Covid-19 do hãng công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac phát triển, đã được Indonesia phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 11/1.
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới đối mặt với thách thức khổng lồ là tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tức 2/3 dân số. Chính quyền cho hay sẽ ưu tiên 1,5 triệu nhân viên y tế và 17,4 triệu công chức trong vòng đầu tiên dự kiến kéo dài tới tháng 4. Phần cư dân còn lại sẽ được tiêm vaccine đến tháng 3/2021.
Tuy nhiên, vaccine Trung Quốc vẫn còn gây nghi ngờ do các thử nghiệm lâm sàng ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp rất ít dữ liệu nghiên cứu và có sự khác nhau về mức độ hiệu quả. Indonesia cho hay thử nghiệm tại nước này cho thấy CoronaVac hiệu quả 65%, nhưng các nhà nghiên cứu Brazil nói hôm 12/1 rằng tỷ lệ này chỉ là 50,4%. Hồi tháng 12, các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hiệu quả của CoronaVac lên tới 91,25% dựa trên phân tích sơ bộ.
Philippines báo cáo 498.691 ca nhiễm và 9.884 ca tử vong, tăng lần lượt 2.058 và 8 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Giới chức Philippines hôm 10/1 cho biết nước này đã bảo đảm tiếp nhận 30 triệu liều vaccine Covid-19 do hãng dược Mỹ Novavax phát triển, đồng thời hy vọng tập trung được 148 triệu liều vaccine từ 7 công ty trong năm nay, đủ cho khoảng 70% dân số.
Trung Quốc ngày 16/1 cam kết tặng cho Philippines 500.000 liều vaccine. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ gửi loại nào, Philippines trước đó đã đồng ý mua 25 triệu liều Coronavac của công ty Sinovac. Campuchia hôm 15/1 cho biết họ sẽ nhận được một triệu liều vaccine miễn phí từ Bắc Kinh trong khi Myanmar dự kiến nhận 300.000.
Malaysia , một vùng dịch đang diễn biến phức tạp khác ở Đông Nam Á, ghi nhận thêm 3.211 ca nhiễm và 8 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 151.066 và 586. Công ty Top Glove Corp của Malaysia, nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới, ngày 16/1 thông báo phát hiện ổ dịch Covid-19 tại 4 nhà máy.
Malaysia ngày 12/1 ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc đến ngày 1/8, nhưng có thể được dỡ bỏ sớm hơn nếu tỷ lệ gia tăng ca nhiễm mới chậm lại. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin trước đó công bố những quy định mới nghiêm ngặt trên hơn nửa đất nước, gồm lệnh cho người dân ở nhà và đóng cửa hầu hết doanh nghiệp. Ông cũng cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế của đất nước đang trên bờ vực nguy hiểm.
Malaysia năm ngoái kiểm soát được dịch bệnh bằng các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau khi biện pháp hạn chế được nới lỏng, ca nhiễm tăng nhanh và liên tục ở mức kỷ lục trong những ngày gần đây.
Gần 932.000 người chết vì nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận hơn 29,4 triệu người nhiễm, gần 932.000 người chết do nCoV, đại dịch tại một số nước nguy cơ bùng phát trở lại.
213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 29.415.168 ca nhiễm và 931.934 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 260.130 và 4.225 ca sau 24 giờ, trong khi 21.260.789 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV cho một người dân ở Mumbai, Ấn Độ, ngày 12/9. Ảnh: Reuters.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 6.745.613 ca nhiễm và 198.897 người chết, tăng lần lượt 39.091 và 423 ca so với một ngày trước đó. Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington cảnh báo 410.000 người Mỹ có thể chết vì nCoV vào đầu năm sau, tức hơn 220.000 người chết trong 4 tháng tới nếu xu hướng không đeo khẩu trang vẫn tiếp diễn.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, tuần trước bày tỏ lo ngại tình hình Covid-19 trong nước. Ông nói không đồng tình với quan điểm của Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ "đang đi đúng hướng".
Bất chấp quy định chống dịch của bang Nevada, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/9 vẫn tổ chức một buổi vận động tranh cử trong nhà với hàng nghìn người ủng hộ. Những người tham gia sự kiện không thực hiện giãn cách xã hội và ít đeo khẩu trang. Trước khi buổi vận động tranh cử diễn ra, Thống đốc bang Nevada Steve Sisolak chỉ trích Tổng thống Trump có "hành động liều lĩnh và ích kỷ, khiến nhiều người dân ở bang Nevada gặp nguy hiểm".
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 81.911 ca nhiễm và 1.054 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 4.926.914 và 80.808.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ lạc quan khi cho biết tỷ lệ người nhiễm nCoV hồi phục ở Ấn Độ cao, đạt khoảng 75%. Ấn Độ nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế để giảm bớt áp lực kinh tế. Tàu điện ngầm tại một số thành phố hoạt động trở lại từ 7/9.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 343 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 132.006. Số người nhiễm nCoV tại Brazil tăng 15.155 trong 24 giờ qua, lên 4.345.610.
Bộ Y tế Brazil nhận định số ca nhiễm nCoV ở nước này gần đây giảm nhẹ và hy vọng đã đạt đỉnh dịch sau những tháng ghi nhận ca tử vong trung bình hàng ngày hơn 1.000 người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình hình dịch ở Brazil có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm và không siết các biện pháp cách biệt cộng đồng.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 57 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 18.635. Số ca nhiễm tăng 5.509, lên 1.068.320.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga cho biết 55.000 người đã đăng ký thử nghiệm vaccine Sputnik V tại thủ đô Moskva, vượt xa con số yêu cầu là 40.000.
Sputnik V được Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển, là loại vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt và đưa vào sản xuất, dù chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba. Giới chức Nga cho hay khoảng 20 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm về vaccine Covid-19 của họ.
Bộ Y tế Nga tuần trước thông báo lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được đưa vào lưu hành. Nước này có kế hoạch tăng cường sản xuất vaccine lên đến 200 triệu liều vào cuối năm nay, trong đó 30 triệu liều phục vụ tiêm chủng trong nước.
Nam Phi, vùng dịch lớn thứ tám thế giới và là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 650.749 ca nhiễm và 15.499 ca tử vong, tăng lần lượt 956 và 52.
Bất chấp tình hình Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cảnh báo nước này có thể đối mặt với đợt bùng phát thứ hai như nhiều nước. Tổng thống Cyril Ramaphosa cảnh báo ca nhiễm có thể tăng trở lại nếu dân chúng lơ là cảnh giác.
Pháp ghi nhận thêm 6.158 ca nhiễm, nâng tổng số lên 387.252, trong đó 30.950 người chết, tăng 34 trường hợp. Ca nhiễm ở Pháp tăng trở lại sau một quãng thời gian Covid-19 được kiềm chế. Các ca nhiễm chủ yếu là người trẻ tuổi với triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên không gây ra áp lực cho hệ thống bệnh viện.
Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 11/9 nói rằng nước này sẽ không tái áp đặt phong tỏa toàn quốc để kiềm chế dịch mà thực hiện các biện pháp khác như đẩy nhanh xét nghiệm cho các trường hợp ưu tiên để giảm thời gian chờ đợi kết quả, áp đặt hạn chế tại các khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Iran báo cáo 23.313 người chết, tăng 156, tổng số ca nhiễm là 404.648, tăng 2.619. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV tại Iran có xu hướng tăng trở lại từ cuối tháng 6. Chính quyền đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những không gian công cộng kín, các tỉnh cũng được trao quyền để cân nhắc tái áp đặt các biện pháp giới hạn và phong tỏa.
Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 265.888 ca nhiễm và 4.630 ca tử vong, tăng lần lượt 4.699 và 259 ca. Thủ đô Manila và các tỉnh lân cận vẫn áp đặt các hạn chế cho đến cuối tháng 9, hạn chế việc di chuyển không thiết yếu và cấm tụ tập đông người.
Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 221.523 ca nhiễm, tăng 3.141 so với hôm trước, trong đó 8.841 người chết, tăng 118 ca.
Tổng thống Joko Widodo ngày 1/9 nói dịch ở Indonesia nhiều khả năng đạt đỉnh vào tháng này, đồng thời cho biết "rất tự tin" về khả năng tiếp cận vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay. Bộ trưởng Nghiên cứu Indonesia Bambang Brodjonegoro cho biết nước này đang phát triển vaccine cải tiến của riêng mình.
Thủ đô Jakarta tái áp đặt hạn chế từ ngày 9/9 khi ca nhiễm tăng trung bình 1.000 ca mỗi ngày vào tháng này. Giao thông công cộng bị hạn chế, người dân không được ăn uống trong nhà hàng và phải làm việc tại nhà từ hôm nay.
Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 57.454 người nhiễm, tăng 48, và 27 người chết. Phần lớn các ca nhiễm mới vẫn là người lao động nhập cư sống trong các khu ký túc xá.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 10/9 cho biết 6 tháng sau khi tuyên bố đại dịch, sự thiếu đoàn kết và lãnh đạo của các cường quốc trong cuộc chiến chống Covid-19 là điều ông lo lắng nhất.
"Khi thiếu đoàn kết và bị chia rẽ, đó sẽ là cơ hội rất tốt cho nCoV và cũng là lý do tại sao nó vẫn lây lan. Chúng ta cần đoàn kết và cần sự lãnh đạo toàn cầu, đặc biệt là từ các cường quốc thế giới. Đó là cách chúng ta có thể đánh bại virus này", Tedros khẳng định.
Phòng thí nghiệm hàng đầu Ấn Độ: Có thể 1/4 dân số Ấn Độ đã mắc COVID-19 Ít nhất 1/4 dân số Ấn Độ có thể đã nhiễm virus corona, cao hơn nhiều so với thống kê chính thức của chính phủ. Đây là quan điểm của người đứng đầu một phòng thí nghiệm lớn tại nước này. Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ xem điện thoại trong khi đang làm nhiệm vụ thuộc chiến dịch kiểm...