Gần 7.000 tỷ đồng làm sân bay Sapa
Sân bay Sapa sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), với tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.
Ngày 21/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa ủy quyền Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sapa ( Lào Cai). Dự án sẽ chia 2 giai đoạn đầu tư, dự kiến sử dụng 371 ha đất (giai đoạn 1 là 295,2 ha và giai đoạn 2 75,8 ha).
Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021 gồm hạng mục xây dựng sân bay Sapa đạt chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và là sân bay quân sự cấp II, có công suất 1,5 triệu hành khách mỗi năm.
Giai đoạn 2 xây dựng đầu tư từ năm 2028, sẽ hoàn thành các hạng mục để nâng công suất lên 3 triệu hành khách mỗi năm.
Theo quyết định của Thủ tướng, thời gian đầu tư xây dựng và khai thác dự án sân bay Sapa là 50 năm, trong đó xây dựng 4 năm và khai thác, thu hồi vốn 46 năm.
Do đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nên toàn bộ dự án sẽ chia thành 2 dự án thành phần, gồm dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công và xây dựng sân bay theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Ước tính tổng mức đầu tư dự án này là 6.948 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 chiếm 60% vốn (4.183 tỷ đồng); 40% vốn còn lại ở giai đoạn 2, 2.765 tỷ đồng.
Video đang HOT
Nhà nước sẽ “góp” khoảng 2.730 tỷ đồng vào dự án này ở hạng mục giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng… Số còn lại 4.218 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động vốn.
Phối cảnh sân bay Sapa. Nguồn: Báo Lào Cai
Vốn góp giữa Nhà nước và nhà đầu tư sẽ được phân bổ đều trong 2 giai đoạn đầu tư dự án. Theo đó, ở giai đoạn 1 của dự án, Nhà nước góp 1.193 tỷ đồng (gồm 600 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, 593 tỷ ngân sách địa phương) và vốn của nhà đầu tư huy động 2.990 tỷ đồng. Còn giai đoạn 2, nhà đầu tư rót 1.228 tỷ đồng, Nhà nước rót 1.537 tỷ.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Lào Cai chịu trách nhiệm toàn diện về các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Sapa. Tỉnh cũng chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực làm dự án này, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và đúng tiến độ.
Trước đó, theo quy hoạch phê duyệt, cảng hàng không nội địa Sapa có công suất 3 triệu khách mỗi năm, đón được các máy bay tương đương Airbus A320, Boeing 737. Sân bay có một nhà ga hành khách 2 cao trình. Phía nam có đất dự trữ để có thể xây thêm một nhà ga hành khách giai đoạn sau năm 2030.
Tới giữa năm 2020, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP. Bộ Kế hoạch & Đầu tư sau đó đã thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án này.
'Nghẽn' tiến độ 'siêu' dự án sân bay Long Thành
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án sân bay Long Thành hiện mới đạt khoảng 50,7% kế hoạch, với diện tích đất đã thu hồi được 1.284,57 ha (gồm 1.810 ha giai đoạn 1 và phần đất dự trữ), còn lại trên 1.247,453/2.532 ha dự kiến bàn giao trong năm 2021.
Thực tế này đang ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
"Điểm nghẽn" mặt bằng
Về lũy kế giải ngân cho GPMB của dự án từ năm 2018 đến nay chỉ đạt 10.660/22.850 tỷ đồng (tương đương 46,65%) kế hoạch. Mặc dù, Bộ GTVT đã thường xuyên, định kỳ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai quyết liệt giao ban, kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chậm so với tiến độ được phê duyệt.
Cụ thể, vẫn còn khoảng 1.000 hộ dân gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường, nên vướng GPMB giai đoạn 1 theo đúng tiến độ, ảnh hưởng dây chuyền đến biện pháp thi công tổng thể dự án. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân vùng giải tỏa không đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất; giá trị bồi thường, hỗ trợ vườn cây, hỗ trợ chuyển đổi việc làm... Các nội dung vướng mắc này đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ để kịp thời tháo gỡ.
Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn được tỉnh Đồng Nai xây dựng để tái định cư phục vụ Dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: Công Phong/TTXVN.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 được chia 4 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 xây dựng các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước như: Công an cửu khẩu, Hải quan, Cảng vụ hàng không (dự kiến thi công trong khoảng 24 tháng sau khi có mặt bằng, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025). Dự án thành phần 2 và 3 xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay và các công trình thiết yếu trong cảng hàng không về cơ bản đang đảm bảo tiến độ theo dự kiến. Dự án thành phần 4 gồm các các công trình: Nhà ga hàng hoá số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh (Express cargo), kho giao nhận hàng hoá, khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất, khu cung cấp suất ăn trên tàu bay, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu từ cảng đầu nguồn tới 5 đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, 7 ranh giới cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm điều hành của các hãng hàng không, khu bảo trì tàu bay (Hangar), bệ thử động cơ, khu công nghiệp hàng không, khu logistics hàng không...
Bộ GTVT sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025.
"Hàng tháng, Bộ GTVT duy trì họp chỉ đạo các chủ đầu tư Dự án thành phần 2 và 3 để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc (các vướng mắc về công tác thiết kế; công tác phối hợp, làm việc và đôn đốc địa phương GPMB; công tác bố trí vốn...), nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng vào cuối quý I/2025, kịp thời vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác cuối năm 2025", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Tiến độ triển khai
Qua tìm hiểu, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai các hạng mục dự án thành phần 3 (các công trình thiết yếu trong cảng hàng không) như: Rà phá bom mìn (được khoảng 30%); xây dựng hàng rào (được khoảng 20%); đang triển khai thiết kế kỹ thuật các hạng mục chính như: Nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh. Dự kiến, san nền trong tháng này và bắt đầu xây dựng Nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh từ đầu năm 2022.
Với Dự án thành phần 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước), Bộ GTVT đã có văn bản gửi các cơ quan liên quan (Bộ Công an, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Đồng Nai...) khẩn trương chuẩn bị và thực hiện đầu tư theo quy định pháp luật; kịp thời trình các cơ quan chủ quản bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở thực hiện. Hiện nay, Bộ Công an có văn bản phối hợp triển khai, còn các bộ, ngành khác chưa có ý kiến phản hồi.
Liên quan dự án thành phần 2 (các công trình phục vụ quản lý bay) do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư đang triển khai thủ tục đấu thầu tư vấn quốc tế. Bộ GTVT cũng đang tích cực chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục triển khai xây dựng trong năm 2022 và hoàn thành xây dựng trong quý I/2025 để đưa vào khai thác vào cuối năm 2025.
Với dự án thành phần 4 (các công trình khác bao gồm: Xây dựng nhà để xe; nhà ga hàng hóa; khu cung cấp suất ăn hàng không; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh tàu bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải...), Bộ GTVT đang khẩn trương chỉ đạo xây dựng để sớm ban hành thông tư về lựa chọn nhà đầu tư tại cảng hàng không, làm hành lang pháp lý để Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư các hạng mục, đảm bảo hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ cuối năm 2025.
Dự án sân bay Long Thành được triển khai thực hiện bởi nhiều cơ quan liên quan phê duyệt đầu tư, chủ đầu tư và sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau. Do vậy, để đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội quan tâm, xem xét bố trí nguồn vốn trung hạn 2021-2025 để các cơ quan quản lý Nhà nước có đủ nguồn vốn thực hiện; đồng thời, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác GPMB, đặc biệt là giải quyết các vướng mắc của 1.000 hộ dân nằm trong phạm vi giai đoạn 1.
Hải Phòng kiến nghị xây sân bay vùng thủ đô ở Tiên Lãng UBND TP Hải Phòng đề xuất Bộ GTVT bổ sung sân bay Tiên Lãng vào quy hoạch tổng thể sân bay trên toàn quốc đến năm 2050. Trong công văn vừa gửi Bộ GTVT, UBND TP Hải Phòng cho biết Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn 2050 (đang được Bộ Xây dựng thẩm định)...