Games Tester – Chơi game ăn tiền liệu có phải là sướng?
Liệu có gamer nào chưa từng mơ về nghề này? Một công việc tuyệt vời, một bước khởi đầu không thể hoàn hảo hơn khi đặt chân vào nền công nghiệp games. Nhưng sự thật tỏ ra phũ phàng hơn thế rất nhiều. Lắng nghe câu chuyện của họ, nhìn vào đồng lương và điều kiện làm việc của họ, có thể bạn sẽ phải nghĩ lại.
Bài viết dưới đây (dịch từ IGN) hy vọng sẽ gửi đến bạn đọc một cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống của những games-testers, về công việc được coi là rẻ mạt nhất trong thế giới games lộng lẫy và hào nhoáng. Thông tin được cung cấp bởi các games-tester đến từ nhiều hãng sản xuất khác nhau, và danh tính đều được thay đổi nhằm mục đích bảo vệ họ.
Tẻ nhạt và buồn chán
Games-tester không đồng nghĩa với việc trả tiền để được chơi games. Hãy thử tưởng tượng về bộ phim mà bạn yêu thích. Chọn ra một đoạn cắt nào đó dài khoảng 30 giây, xem đi xem lại nó 12 tiếng/ngày, 30 ngày/ tháng. Liệu bạn có còn thấy chút hứng thú?
Với những games-testers, đây thực sự là một cực hình. Bạn bị ném vào một vùng nào đó trên game-map, việc của bạn là phải test từng thứ một trên khu đất nhỏ hẹp đó trong suốt nhiều tháng trời.
Tệ hại hơn nữa, bạn không được quyền lựa chọn. Đừng vội đập đầu vào màn hình nếu như bạn “được” giao cho một game thiếu nhi nào đó. Đây là công việc của bạn. Đây là cuộc sống của bạn.
“Tôi đã thấy nhiều người bỏ việc vì phải chơi đi chơi lại một games mà anh ta vô cùng căm ghét. Bạn sẽ chẳng nhận được gì khác ngoài sự chán chường và mệt mỏi.” – một games-tester cho biết.
Công việc này thậm chí còn có phần tệ hại hơn khi đặt nó bên cạnh những cái tên khác: Giao báo, đứng quán… Bạn không hề có quyền đàm phán, bạn cũng chẳng nhận được sự bảo vệ từ công đoàn hay pháp luật. Lý do rất đơn giản: công việc này không hề đòi hỏi chuyên môn hay nghiệp vụ gì cao siêu, và nếu như bạn nghỉ việc, sẽ có tới hàng trăm hàng nghìn con thiêu thân ngoài kia sẵn sàng nhảy vào thế chỗ.
Mức lương trung bình của một games-tester vào khoảng 20$ một giờ., và con số thấp nhất được ghi nhận là 7$ một giờ. Một cái giá quá rẻ mạt cho những người có kiến thức và kinh nghiệm trong việc đánh giá một trò chơi.
Bạn có thể cho rằng, “Vạn sự khởi đầu nan”, và những người mới chập chững bước vào nghề nên chấp nhận sự bạc đãi như trên. Hãy cùng lắng nghe những gì Danny, một games-tester tâm sự, “Tôi từng làm việc với một chàng trai có bản lý lịch hoàn hảo trong suốt 8 năm qua. Chưa bao giờ tranh cãi với sếp, hoàn thành tốt bất cứ thứ gì được giao, và sau 8 năm, mức lương của anh ta vẫn chỉ là 14$ một giờ”. Một sự thật quá phũ phàng.
Video đang HOT
Đối xử thiếu tôn trọng
Games-tester lẽ ra phải được công nhận như một phần, thậm chí là một phần vô cùng quan trọng trong hàng ngũ phát triển và sản xuất games. Họ là những con người có kiến thức, có kinh nghiệm, họ đủ khả năng để tìm ra những thiếu sót và giúp đội ngũ sản xuất biến một trò chơi trở nên hoàn hảo. Và họ nhận lại được những gì? Sự đối xử lạnh nhạt và hờ hững, con mắt look-down đầy kkinh bỉ từ những người đồng nghiệp?
Một games-tester tâm sự, “Chúng tôi xứng đáng được đối xử như những nhân viên khác, chứ không phải những con người vô danh trong studio. Thay vì lời mời đến những buổi tiệc giáng sinh, chúng tôi được đặt chỗ ở đây – một tòa nhà hay một đường hầm u tối trong một game nào đó.”
“Hẳn là không chỉ mình tôi có cảm giác này. Nhưng sẽ chẳng ai lên tiếng, vì nỗi lo mất việc. Những người dám có ý kiến hẳn là đã đứng ngoài cuộc chơi này.”
Điều kiện làm việc khủng khiếp
Không như những công việc 8 giờ/ngày thông thường khác, những tháng cuối cùng trước khi một trò chơi được ra mắt thật sự là một cơn ác mộng đối với những games-tester. Pete, một games-tester cho biết, “Họ bắt chúng tôi phải làm thêm giờ mỗi ngày, nhưng họ không bao giờ trả thêm tiền. Việc làm thêm giờ này là bắt buộc, và có nhiều người trong số chúng tôi đã thực sự đổ gục trên bàn phím sau 19-20 tiếng liên tiếp chỉ chơi và chơi.”
Quãng thời gian làm việc đầy khắc nghiệt này mang lại cho bạn rất nhiều hệ quả tai hại. Mất ngủ có thể được kể đến đầu tiên, tiếp đó là thói quen ăn uống vô cùng tai hại. Việc làm quen với thực đơn McDonalds trong suốt nhiều năm trời có thể làm những bác sỹ tài giỏi nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán khi nhìn vào quả tim, gan hay bất cứ cơ quan nội tạng nào trong cơ thể bạn.
Duy trì một thời gian biểu lành mạnh khi bước chân vào công việc này dường như là điều không thể. “Một khi công việc đã bắt đầu, dường như nó không có kết thúc. Tôi đã trải qua một dự án kéo dài 7 tháng trời, và trung bình tôi phải làm việc trên 70 giờ/tuần, có những tuần lên đến 92 giờ.” – Reuben, một games-tester khác cho biết.
Và có thể bị sa thải bất cứ lúc nào
Cùng với những căng thẳng về thể chất và tinh thần mà games-tester phải cắn răng chịu đựng, tương lai của họ cũng vô cùng u ám. “Việc họ sa thải bạn chỉ là vấn đề thời gian” – Keith cho biết. “Họ nói thẳng ra rằng, số bugs bạn tìm ra sẽ chẳng có tác dụng gì trong việc giữ chân bạn lại, và bạn cũng sẽ chẳng bao giờ có tên trong biên chế của dự án.”
Tìm kiếm việc làm sau khi bị sa thải là một thử thách thực sự. Games-testers thường được tuyển thông qua một công ty nhân sự trung gian, và họ không hề có tên trong danh sách nội bộ. Các hãng phát triển games sẽ không đưa ra một yêu cầu tuyển dụng cụ thể nào, và do đó, họ – những games-testers, thực chất hoàn toàn không phải là nhân viên trong biên chế.
“Đa số trong số họ đến, từ bỏ cuộc sống của mình trong suốt nửa năm trời, và sau đó bị đá đi không thương tiếc. Họ đã dồn hết thời gian và tâm huyết của mình cho công việc, nhưng những gì bạn phải chứng kiến thường không phải là những cái kết có hậu” – một games-tester cho biết.
Kết
Games-tester, đó có thể đã từng là mơ ước và đích đến của bất kỳ game thủ nào. Một công việc cho phép bạn cắm đầu chơi games 24/24, nơi bạn được tận hưởng những games mới nhất, đó có thể là những viễn cảnh bạn đã phác thảo ra về công việc-trong-mơ này. Hoàn toàn sai lầm và ảo tưởng. Bức tranh nghề nghiệp vừa được sơ bộ phác thảo qua bài viết trên hi vọng sẽ giúp bạn tỉnh lại và có cái nhìn thực tế hơn về games-tester – những người được xếp vào tầng lớp thấp nhất trong ngành công nghiệp games.
Theo Game Thủ
"Tắc đường là do chúng ta thiếu tôn trọng nhau"
"Tắc đường là do những người tham gia giao thông, kể cả người đi bộ lẫn người điều khiển các phương tiện giao thông khác đều không tôn trọng nhau".
Mỗi người chúng ta đều ít nhiều đã gặp những tình huống gây ức chế nặng khi tham gia giao thông: có việc gấp gặp tắc đường. "Nhẹ nhàng" hơn có thể là buổi sáng vội đi học, đi làm hoặc chiều mệt mỏi về nhà gặp tắc đường. Mỗi khi đó, hẳn mọi người đều mong muốn không bị tắc đường hoặc chí ít là ai đó có ý thức hơn một chút để không quay xe hay sang đường một cách thiếu ý thức để rồi tất cả cùng đi chậm lại.
Trước vấn đề nan giải tắc đường, Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi tiếp xúc với một số tài xế lái xe buýt tại bến xe Mỹ Đình - những người bị khống chế về mặt thời gian chặt chẽ khi tham gia giao thông. Các ý kiến và kiến nghị của những bác tài xế này hẳn sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Những lượt xe buýt chậm đến... 40 phút
Ông Nguyễn Đức Thắng (50 tuổi, tài xế xe buýt tuyến 16 : Bến xe Mỹ Đinh - bến xe Giáp Bát) cho biết: "Tuyến xe buýt 16 nối giữa hai đầu bến lớn, dù đường không phải thuộc loại dài nhưng chạy qua trung tâm thành phố từ quận nọ sang quận kia và đường rất nhỏ.
Trong khi đó, lưu lượng xe trên đường này thì nhiều. Đặc biệt, đường rất đông vào giờ cao điểm. Trên trục đường, có nhiều điểm giao thông hay bị tắc đường như đường Trường Chinh, các nút ngã ba, ngã tư trên trục đường Láng.
Nhìn cảnh này, ai chẳng sợ!
Lần tắc đường lâu nhất trên đường Trường Chinh tôi phải chờ là gần 20 phút và có lần để qua ngã tư Láng - Láng Hạ - Lê Văn Lương thì phải chờ qua 6 - 7 lượt đèn đỏ thì mới vượt qua được.Bản thân là một lái xe buýt bị khống chế thời gian lưu thông phương tiện, hơn ai hết chúng tôi cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng của tắc đường và tác hại của nó đến mọi người tham gia giao thông. Tắc đường là 1 vấn đề lớn đối với chúng tôi.
Khi xảy ra tắc đường chúng tôi không thể đi đúng giờ như quy định về giờ của Xí nghiệp xe buýt Hà Nội (Tổng công ty vận tải Hà Nội) được".
Cùng chung nỗi niềm đó, ông Phạm Khắc Vỹ - một tài xế lái xe buýt tuyến 34 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm) cho biết: "Vấn đề tắc đường ở Hà Nội là một vấn đề nan giải. Các cơ quan chức năng đều tập trung giải quyết vấn đề này nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề này.
Trong nội thành, đường thì không mở rộng ra thêm mà phương tiện tham gia giao thông thì ngày càng nhiều. Ai cũng chen nhau đi thì tắc đường là điều đương nhiên sẽ xảy ra thôi. Trên tuyến tôi đi tắc đường có thể bắt đầu từ đường Xuân Thủy - điểm trung chuyển ĐH Giao thông vận tải - ngã tư Khách sạn Deawoo - cửa Nam.
Theo lịch trình, tuyến của tôi đi là 1 giờ đồng hồ. và để đi từ Bx Mỹ Đình đến phố cửa Nam chúng tôi chỉ được đi trong 30 phút. Tuy nhiên nhiều hôm, để đến ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã chúng tôi đã mất 30 phút rồi. Có những chuyến, chúng tôi bị âm gần 40 phút".
Không tôn trọng nhau
Lý giải về một số nguyên nhân tắc đường, ông Thắng cho biết: "Số lượng người tham gia giao thông quá lớn. Khi hạ tầng cơ sở giao thông chưa tốt trong khi đó tần suất tham gia giao thông của các phương tiện quá cao nên tôi nghĩ đó là nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường.
Mặt khác, ý thức của người tham gia giao thông thì chưa có. Khi xảy ra tắc đường, người tham gia giao thông (chủ yếu người điều khiển xe máy) lại đi từ làn đường nọ tràn sang làn đường đối diện hoặc làn đường dành cho các phương tiện khác dẫn đến 1 sự hỗn loạn và gây ách tắc thêm. Hở ra chỗ nào lách lên chỗ ấy, sẵn sàng lách lên đỗ uỵch một cái trước đầu xe người khác.
Đặc biệt, tại các ngã tư lớn, ai cũng cố đi cho bằng được kể cả khi đèn báo tín hiệu giao thông màu vàng rồi nhưng vẫn cố đi để rồi thường xuyên tạo ra sự ì ạch cho tất cả những người từ hướng đường khác".
Được coi là một trong những tuyến xe buýt lớn, tuyến xe buýt số 34 (Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Gia Lâm) đi qua nhiều trục đường lớn và nhiều trường đại học. Ông Vỹ chia sẻ những bức xúc: "Trên đường Xuân Thủy đoạn từ ĐH Quốc gia HN đến siêu thị Pico Plaza (Tòa nhà Xuân Thủy) có hai cái đèn tín hiệu dành cho người đi bộ sang đường.
Đôi khi tắc đường chỉ xuất phát đơn giản từ sự thiếu tôn trọng nhau như thế này
Tuy nhiên ý thức của những người tham gia giao thông rất kém. Ở đây thường xuyên xảy ra hiện tượng giao thông hỗn loạn, các phương tiện ì ạch lăn bánh. Điều này xuất phát từ việc những người tham gia giao thông qua đây kể cả người đi bộ lẫn người điều khiển các phương tiện giao thông khác đều không tôn trọng nhau.
Họ đi vào phần đường của nhau ngay cả khi đèn tín hiệu báo họ phải dừng lại. Nhất là sinh viên, khi đèn báo không được đi bộ qua nhưng vẫn có hàng chục sinh viên "rồng rắn" đi qua.
Và hậu quả của những việc này có thể nghiêm trọng đến mức xảy ra tai nạn giao thông. Như hôm kia là một ví dụ, tôi dừng lại chỗ đèn tín hiệu dành người di bộ sang đường thấy có 1 phụ nữ ngoài 30 tuổi đi qua. Ngay lúc đó có 2 người đi xe máy vẫn cố tình đi lên không chú ý đã đâm luôn vào người phụ nữ này khiến chị ấy bị gẫy chân".
Cần hạn chế phương tiện cá nhân và xử phạt nặng hơn...
Để góp phần giải quyết vấn đề nan giải này, ông Thắng góp ý: "Tôi thấy ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh -Láng mà bịt vào như hiện nay là không ổn. Nói đúng ra một ngã tư thì phải có phần giao cắt.
Bịt ngã tư liệu có là giải pháp triệt để khi vẫn ùn tắc như thế này?
Tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có nghiên cứu để có thể điều chỉnh theo tín hiệu đèn thì ngã tư đó sẽ "thoát": có thể là một chiều nhanh một chiều chậm tùy theo thời điểm lưu lượng xe trên đường nào tham gia nhiều hay ít.Khi lái xe vào giờ cao điểm tôi thấy, tất cả các xe dồn vào một đoạn vòng sang bên kia đường như thế không thể nào nhúc nhích được. Bình thường, khi lượng người tham gia giao thông ít thì một chiếc xe buýt quay vòng tại đây là dễ dàng nhưng khi đông người thì việc quay đầu xe buýt trở nên rất khó khăn và rất dễ gây tắc đường vì những người điều khiển xe máy sẽ tận dụng mọi chỗ hở có thể để lách lên" .
Chúng ta đang thiếu văn hóa xếp hàng trong giao thông?
"Theo tôi, hạ tầng của mình cần phải được được thay đổi theo hướng cải thiện. Nhưng tôi nghĩ đó cũng chỉ là một phần mà quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Bởi vì ý thức tham gia giao thông là quan trọng nhất.
Xem qua truyền hình tôi thấy đường xá của nước ngoài cũng không hơn gì mình nhiều nhưng theo tôi điểm làm nên sự khác biệt đó chính văn hóa xếp hàng". Ông Thắng nói.
Trước thông tin phân làn đường cho các phương tiện tham gia giao thông trên đường Kim Mã trong thời gian tới đây, ông Vỹ kiến nghị: "Tôi nghĩ nên để phần đường dành cho ô tô lớn hơn 1 chút và của người đi xe máy và phương tiện thô sơ nhỏ hơn 1 chút.
Cái đích cuối cùng của việc này là để cải thiện tình hình giao thông hiện nay. Vì vậy tùy vào thời điểm mà các phương tiện giao thông có thể đi sang phần đường của phương tiện một chút để tránh tắc đường".
Tuy nhiên, cũng giống như ông Thắng, theo ông Vỹ nói: "Theo tôi, đề khắc phục hiện tượng tắc đường thì phải làm sao hạn chế được các phương tiện giao thông cá nhân. Thứ hai là phải thay đổi cho được ý thức của người tham gia giao thông".
"Chế tài xử lý những đối tượng vi phạm phải mạnh tay hơn. Nếu không xử lý mạnh thì chỗ này ra chỗ kia thì không ăn thua". Ông Vỹ chia sẻ trước khi bắt đầu một lượt xe mới.
Theo Giáo Dục VN
"Chuyện ấy" - Nên và không nên... Tình dục cần tình yêu, và nhiều hơn thế! Tình yêu cần tới sự đồng điệu, thấu hiểu và bao dung. Những lời khuyên này của chuyên gia tâm lý thực sự bổ ích cho các đôi bạn trẻ. 1- Không nên tự ti Bạn thiếu tự tin vì vết sẹo nhỏ ở eo, vòng một xồ xề, hay những vết rạn ở...