Game online Casual tại Việt Nam, ảm đạm cảnh “chợ chiều”
Mặc dù là một thể loại quan trọng của thị trường game online nhưng MMO-casual tại Việt Nam vẫn “dậm chân tại chỗ” suốt một thời gian dài.
MMO-casual là thể loại game online giải trí rất phổ biến tại Việt nam cũng như trên thế giới. Đúng như tên gọi của mình, đặc điểm chung của các game thuộc thể loại này là game ít hoặc thậm chí là không có việc “cày kéo”. Nhân vật phụ thuộc rất ít vào cấp độ và item, đặc biệt là tính giải trí rất cao. Với những đặc điểm này, MMO-casual luôn thu hút được một lượng người chơi rất lớn và đa dạng.
Khởi đầu tốt nhưng càng ngày casual Việt Nam càng tụt lùi.
Nếu chỉ nhìn qua, tưởng chừng như thị trường MMO-casual tại Việt Nam đang phát triển đúng hướng với việc các game như Audition, Boom… luôn có những vị trí vững vàng trong cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Thế nhưng, sự thật có phải vậy không? Con đường của casual có thật sự được như mọi người nghĩ hay không? Câu trả lời có lẽ là không!
Video đang HOT
Trầm lắng và “lười vận động”
Có khởi đầu mạnh mẽ ngay từ thời điểm thị trường game online Việt còn đang chập chững với game “không ai không biết” như Gunbound và ngay sau đó là “bà hoàng Casual” Audition. Khi đó, ngoại trừ VLTK, không một game online nào khác có thể so sánh với tốc độ phát triển chóng mặt của các đại diện thuộc dòng game giải trí này.
Nguyên nhân một phần là do MU (sever lậu) thời điểm đó đang xuống dốc đồng thời các game như PTV, Cửu Long Tranh Bá… không tạo được nhiều sức hút. Ngoài ra, tâm lý chuộng cái mới và ưa thích giải trí nhẹ nhàng cũng khiến giới trẻ nước nhà coi Casual game như một món ăn quý giá.
Sau Boom Online, khó kiếm được một MMO-casual hấp dẫn thực sự.
Khởi đầu tốt dường như đã gây ra khó khăn trong bước tiến của dòng game này. Điểm dễ nhận thấy nhất trong suốt nhiều năm qua là nhắc đến Casual, người ta chỉ ngay lập tức nhớ đến: Audition, Boom Online trong khi các cái tên khác không mấy được để ý cũng như không có những bước đi đột phá.
Nếu như các thể loại khác, đặc biệt là “đối thủ truyền kiếp” MMORPG, ngày càng có những bước chuyển mình mạnh mẽ thì Casual dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Đâu là nguyên nhân của vẫn đề này?
Casual vì đâu không tiến?
Một phần nguyên nhân trong đó là bởi các đại diện của dòng game này thời điểm đầu quá hoàn hảo. Thật khó có thể tìm được sự thay thế nào hợp lý cho Gunbound hay “nữ hoàng” Audtion.
Khi Gunbound ra đi, các fan của tựa game này mong muốn sẽ có một tựa game vượt trội hoặc chí ít thay thế được sản phẩm cũ. Thế nhưng ngay cả khi có hai tựa game cùng thể loại là TAAN & Gunny thì cộng đồng vẫn chưa tìm ra người kế tục xứng đáng cho khoảng trống mà Asiasoft để lại, cả về mặt đồ họa lẫn gameplay.
Thật khó để các “đàn em” vượt qua Audition nếu không có những sự đột phá mạnh mẽ.
Tương tự với trường hợp của các game Sành Điệu Online, Hot step… Nếu ra mắt riêng biệt thì chắc hẳn chúng sẽ thu được những thành công nhất định nhờ sở hữu gameplay, đồ họa cũng như các yếu tố khác khá hay. Tuy nhiên, khi đặt lên bàn cân với Audition thì mọi người lại không thấy bất cứ điểm gì nổi bật và vượt trội. Thế nên các sản phẩm này đã “cay đắng” thất bại.
Thêm nữa, các NPH sau thất bại tại lĩnh vực Casual dần mất hứng thú với thể loại này. Từ đó dẫn đến việc sản phẩm mới tuy vẫn về Việt Nam đều đặn nhưng không mấy được quan tâm và tập trung phát triển khiến để gây ra đột phá trên thị trường.
Cũng phải nói thêm rằng, trừ những ông lớn như Audition hay Boom Online thì doanh thu các game khác cũng khó đạt được như MMORPG, đơn giản vì thị trường đồ ảo không sôi động bằng (đối với các game thủ casual, đồ đạc không mấy ảnh hưởng đến quá trình chơi của họ).
Điều cuối cùng đúng như cái tên của mình, game casual chủ yếu là để giải trí nên các game thủ phần đông chủ chọn các game này như một hình thức “tiêu khiển”, họ ít khi gắn bó hay ham thích mà không thể rời ra được như VLTK, Kiếm Thế… Điều này làm cho cộng đồng casual khó tự phát triển mà luôn phải phụ thuộc vào các sự kiện “làm ấm” không khí ít ỏi từ phía NPH.
Dĩ nhiên, rất khó để đưa ra nguyên nhân chính yếu dẫn tới cảnh “chợ chiều” của lĩnh vực casual tại Việt Nam, nhưng rõ ràng là càng ngày cộng đồng casual đang thực sự đứng trước nguy cơ đánh mất vị thế của mình trên thị trường. Phải chăng đã đến lúc các doanh nghiệp phát hành cần nhìn nhận nghiêm túc và thẳng thắn hơn về vấn đề này?