Gam “màu xám” của kinh tế ASEAN, Ấn Độ năm 2020
Năm 2019, thế giới trải qua những biến động phức tạp khó lường. Năm 2020, kinh tế toàn cầu được dự báo có một vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục ảm đạm.
Màu xám có lẽ là gam màu chủ đạo bao trùm lên nền kinh tế khu vực châu Á trong năm 2019, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, cùng tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Bước sang năm mới 2020, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực châu Á được dự báo cũng sẽ chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng yếu.
Tốc độ tăng trưởng năm 2020 của 5 nền kinh tế lớn nhất khu vực ASEAN ( ASEAN5) được dự đoán sẽ tăng lên tới 4,2% so với dự báo năm 2019 là 3,9%, nhưng con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước năm 2018. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Ấn Độ cho năm tài khóa 2019/20 được dự đoán ở mức 5,0%, giảm mạnh so với mức 6,8% được ghi nhận trong năm tài chính trước đó.
Lý giải về việc nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể khởi sắc trong năm 2020, giới phân tích cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chính có thể kể đến vẫn là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, suy thoái kinh tế Trung Quốc và các vấn đề rủi ro địa chính trị. Đây được xem là những yếu tố chính gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) và hãng phân tích Nikkei vừa thực hiện một cuộc khảo sát đồng thuận trên phạm vi khu vực, thu thập 44 câu trả lời từ các nhà kinh tế và giới phân tích tại năm nền kinh tế lớn nhất ASEAN (ASEAN5) là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan và Ấn Độ.
Kết quả phân tích tình hình kinh tế khu vực ASEAN5 và Ấn Độ năm 2019 và dự báo năm 2020 của JCER và Nikkei
Theo đó, kết quả cho thấy, triển vọng tăng trưởng 2019 cho khu vực ASEAN5 đã được điều chỉnh giảm 0,2 điểm so với khảo sát trước đó vào tháng 9, xuống mức chỉ còn 3,9%, đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ sáu liên tiếp kể từ cuộc khảo sát tháng 9 năm 2018. Tại cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào tháng 6/2018, con số là 5,0%.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng năm 2020 của khu vực ASEAN5 không thay đổi so với kết quả khảo sát trước đó là 4,2%. Con số này cao hơn 0,3 điểm so với dự báo năm 2019, nhưng không mạnh bằng tốc độ tăng trưởng 5,0% trong năm 2017 và 4,8% trong năm 2018.
Video đang HOT
Đáng chú ý là sự giảm tốc của nền kinh tế Malaysia, Thái Lan và Singapore do các quốc gia này phát triển theo định hướng xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của Malaysia được dự báo sẽ giảm từ 4,7% trong năm 2018 xuống 4,5% vào năm 2019 và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,3% vào năm 2020.
Chuyên gia kinh tế Wan Suhaimie từ Ngân hàng Đầu tư Kenanga ở Malaysia dự kiến tăng trưởng của quốc gia này “ sẽ tiếp tục giảm nhẹ vào năm 2020 do những yếu tố tác động đến từ ngoài khu vực”.
Năm 2019, dự báo tăng trưởng của Thái Lan đã được điều chỉnh giảm 0,5 điểm xuống 2,4%, giảm 1,7 điểm so với năm 2018 và dự báo năm 2020 đã được điều chỉnh giảm 0,4% xuống 2,6%.
“ Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế của Thái Lan được dự báo sẽ chậm vào năm 2020 do suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như Thái Lan ít nhiều vẫn chịu sự tác động từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung“, chuyên gia kinh tế Amonthep Chawla của CIMB Thai Bank nhận định.
Trong bối cảnh giảm chung của các nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm 2019 của Singapore được dự báo sẽ giảm mạnh xuống 0,7%, từ mức 3,1% trong năm 2018. Nói về vấn đề này, chuyên gia Manu Bhaskaran tại Cent Century Asia của Singapore dự kiến tăng trưởng kinh tế của quốc đảo sư tử sẽ “ chưa thể được khôi phục vào năm 2020“, nhưng vị chuyên gia này dự đoán rằng “ sự giảm tốc sẽ diễn ra từ từ, chia đều vào các tháng”!
Nền kinh tế Indonesia dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2019 và 2020, mặc dù dự báo năm 2019 đã được điều chỉnh giảm nhẹ so với khảo sát trước đó. Mặc dù nhu cầu trong nước vẫn ổn định, nhưng “ nền kinh tế Indonesia đang chịu áp lực do tăng trưởng xuất khẩu thấp do giá hàng hóa tương đối thấp“, ông Dendi Ramdani tại ngân hàng Bank Mandiri của Indonesia nói.
Lần đầu tiên sau 8 năm, tốc độ tăng trưởng năm 2019 của Philippines đã được dự kiến giảm xuống dưới 6%. Điều này, một phần được cho là do sự chậm trễ trong việc thực hiện đầu tư công. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này dự kiến sẽ trở lại mức 6,5% vào năm 2020. Jonathan Ravelas của BDO Unibank mong đợi một “ điều kỳ diệu“, chẳng hạn như tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và chính sách tiền tệ dễ dàng “ giúp thúc đẩy đà tăng trưởng.“
Tại Châu Á, Ấn Độ được xem là một ngôi sao mới nổi, mặc dù vậy nhưng năm 2019 nền kinh tế của quốc gia Nam Á này đã chậm lại đáng kể. Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ lần lượt ở mức 5,0% và 4,5% trong giai đoạn Quý II và Quý III/2019, do ảnh hưởng chung từ sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cùng những rắc rối trong lĩnh vực tài chính nội tại của Ấn Độ.
Dự báo năm tài khóa 2019/20 của Ấn Độ đã giảm 1,1 điểm xuống còn 5,0%. “ Niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vào sự điều hành của Chính phủ không nhiều, cùng với đó là điều kiện tài chính eo hẹp, có khả năng khiến quỹ đạo tăng trưởng của Ấn Độ bị kìm nén trong hai năm tới”, ông Tirthankar Patnaik đến từ Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ nhận xét.
Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cho năm tài khóa 2019/20 có thể sẽ giảm xuống dưới mức tăng trưởng của Trung Quốc vào năm 2019, ước tính khoảng 6% theo một số dự báo của các tổ chức và viện nghiên cứu quốc tế.
Trong cuộc khảo sát của mình, JCER và Nikkei đã hỏi các nhà kinh tế về các vấn đề hoặc sự kiện được cho là sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như khu vực châu Á nói riêng.
Nói về vấn đề này, nhiều nhà kinh tế ghi nhận tác động toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: “ Triển vọng cho một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tiếp tục siết chặt các vòng thuế quan áp lên Trung Quốc như một phần trong nỗ lực tái tranh cử vào năm tới“, ông Donald Hanna của Ngân hàng CIMB tại Malaysia bình luận.
Bên cạnh đó, bầu cử Tổng thống Mỹ là một vấn đề lớn khác. “ Nói chung, vấn đề lớn nhất tác động đến nền kinh tế thế giới trong năm tới chủ yếu xoay quanh việc ai sẽ trở thành tổng thống Mỹ trong kỳ bầu cử tới đây” chuyên gia Carlo Asuncion tại Ngân hàng Liên minh Philippines chia sẻ.
Vị chuyên gia này cho biết thêm, việc tranh cãi nảy lửa giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà liên quan tới việc luận tội Tổng thống Trump, rủi ro địa chính trị, hay các vấn đề khác nhau liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế thế giới cũng là những vấn đề trọng tâm trong năm tới.
Như vậy, năm 2020 được dự báo tiếp tục là một năm ghi dấu ấn của chính sách “Nước Mỹ trên hết” và tham vọng “Ngôi vị số một thế giới của Trung Quốc”, cùng với sự điều chỉnh chiến lược và chính sách của các cường quốc thế giới, khu vực..
Tình hình này khiến cho nền kinh tế toàn cầu tiếp tục “ảm đạm và bấp bênh”. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng, an ninh kinh tế toàn cầu sẽ diễn biến hết sức phức tạp và sự bất ổn có thể còn kéo dài sang cả năm 2021 là có cơ sở.
An Chi
Theo Enternews.vn
Kinh tế thế giới đối mặt nhiều "rào cản"
Kinh tế thế giới chuẩn bị khép lại năm 2019 với nhiều lo âu và kết quả tăng trưởng không mấy khả quan ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Tình hình năm 2020 cũng không lạc quan khi một loạt nguy cơ và những rào cản tăng trưởng vẫn ngổn ngang phía trước.
Vào những tuần cuối cùng của năm 2019, các số liệu thống kê cho thấy "bức tranh kinh tế toàn cầu" không mấy sáng sủa với tốc độ tăng trưởng suy giảm ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Tại Nhật Bản, kinh tế nước này trong quý III đã tăng trưởng quý thứ tư liên tiếp, song tốc độ chậm hơn dự kiến làm dấy lên quan ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Cụ thể, GDP của Nhật Bản trong quý III tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% của quý II cũng như mức dự báo tăng 1% của giới phân tích. Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tình trạng xuất khẩu giảm sút, những căng thẳng thương mại tiếp diễn đã làm chậm đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Số liệu thống kê từ hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, hay Liên hiệp châu Âu (EU) cũng cho thấy bức tranh u ám của kinh tế thế giới. Kinh tế Mỹ đã khởi sắc vào những tháng cuối năm khi các báo cáo cho thấy sản lượng công nghiệp ở Mỹ phục hồi mạnh, trong khi giấy phép xây dựng nhà mới ở nước này đạt mức kỷ lục trong 12 năm. Chỉ số chứng khoán của Mỹ cũng tăng cao những phiên gần đây. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại vào năm 2020. Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ tại Mỹ trong tháng 11 chỉ tăng 0,2%, thấp hơn dự báo tăng 0,5% trong cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành trước đó. Trong khi đó, lĩnh vực chế tạo đã rơi vào suy thoái, đầu tư kinh doanh sụt giảm, xuất khẩu yếu đi và số liệu tạo việc làm và hoạt động chi tiêu sau khi được điều chỉnh cũng giảm đáng kể. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, áp lực buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải tiếp tục cắt giảm lãi suất có thể quay trở lại. Dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ có thể giảm xuống dưới 2% vào cuối năm 2019 và vào quý I-2020.
Tại châu Âu, nền kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) gần như chững lại trong tháng 12, đưa quý cuối cùng của năm 2019 trở thành quý có hoạt động kinh tế yếu kém nhất kể từ năm 2013. Tại Đức, hoạt động kinh doanh đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Eurozone chịu ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và nhu cầu trong lĩnh vực ô-tô sụt giảm. Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2019 và 2020, song kỳ vọng vào sự khởi sắc trong những năm tiếp theo.
Tại Trung Quốc, số liệu thống kê cũng như nhận định của giới phân tích đều cho rằng, kinh tế nước này đang khó khăn hơn dự báo do căng thẳng thương mại với Mỹ. Kinh tế Trung Quốc trong quý III chỉ đạt mức tăng trưởng 6%, mức yếu nhất trong gần 30 năm. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố một loạt số liệu kinh tế cho thấy sự giảm sút mạnh về chi tiêu tiêu dùng, sản xuất của các nhà máy cũng như đầu tư của nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng 11. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998.
Trong suốt năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và các tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và các đối tác khác đã "phủ bóng đen" lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm giảm kim ngạch xuất khẩu, đầu tư ở nhiều nền kinh tế. Dù trong tháng cuối cùng của năm 2019, hai nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn một và tiến trình Brexit của Anh đang dần về đích, tạo cú huých cho nền kinh tế thế giới, nhưng bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn "xám xịt" và triển vọng tăng trưởng không khả quan. Bên cạnh đó là gánh nặng nợ công và các nguy cơ tài chính, đe dọa nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và một số nước thành viên EU.
Trong bối cảnh những rào cản tăng trưởng vẫn lớn nêu trên, phần lớn giới chuyên gia và các định chế tài chính giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm tới. Trong báo cáo về kinh tế thế giới năm 2019 mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay xuống 3%, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 còn khoảng 2,9%. OECD dự báo năm 2021, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm còn 2%; kinh tế Nhật Bản và Khu vực Eurozone lần lượt dự báo tăng ở mức 0,7% và 1,2%, trong khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống còn khoảng 5,5%.
IMF cho rằng, ưu tiên chính sách hiện tại của các quốc gia là dỡ bỏ rào cản thương mại bằng các thỏa thuận bền vững và kiềm chế căng thẳng địa - chính trị. Tuy nhiên, đây đều là những vấn đề không dễ giải quyết trong "một sớm, một chiều".
VIỆT TÙNG
Theo Nhandan.vn
Diễn biến khó lường từ kinh tế thế giới khiến vàng tiếp tục tăng Phiên sáng nay 12/12/2019, giá vàng thế giới giao dịch ở ngưỡng 1,474 USD/ounce, tương đương 41,25 triệu đồng/lượng. Dự báo, diễn biến khó lường từ kinh tế thế giới khiến vàng tiếp tục tăng. Giá vàng thế giới biến động liên tục trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới diễn biến khó lường Tại thị trường thế giới, sáng nay,...