Gadhafi tung xe tăng chống đỡ quân nổi dậy
Trong tình thế chỉ còn kiểm soát khoảng 20% thủ đô Tripoli, đại tá Muammar Gadhafi hôm nay quyết định huy động xe tăng để chặn vòng vây đang khép chặt của phe đối lập.
Xe tăng quân đội chính quyền Libya. Ảnh tư liệu: China Daily
BBC cho hay một số xe tăng đi ra từ “sào huyệt” Bab al-Azizia của ông Gadhafi tại Tripoli vào rạng sáng hôm nay theo giờ địa phương. Các chiến xa này khai hỏa dữ dội trong nỗ lực bảo vệ nhà lãnh đạo Libya và những người thân cận.
Khu vực quanh dinh thự Bab al-Azizia hiện là nơi có giao tranh ác liệt nhất tại Tripoli, dù hiện chưa rõ nhà lãnh đạo này có mặt tại đây hay không. Các chiến binh nổi dậy cho rằng khu vực quanh Bab al-Azizia và phía nam thủ đô Tripoli là những cứ điểm cuối cùng của lực lượng trung thành với Gadhafi. Tiếng nổ từ vũ khí hạng nặng và tiếng súng trường tự động liên tục vang lên ở các khu vực này.
Khu dinh thự Bab al-Aziziya đã liên tục bị oanh tạc kể từ khi liên quân Mỹ và NATO mở cuộc không kích vào các mục tiêu ở Libya từ ngày 19/3. Hiện hầu hết các tòa nhà ở khu này bị san phẳng. Tuy nhiên, AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao cho hay ông Gadhafi vẫn còn có nhiều boongke trong khu Bab al-Aziziya để ẩn náu.
Nhà lãnh đạo 69 tuổi hôm qua thậm chí còn tung ra 3 đoạn thông điệp được phát trên sóng phát thanh. Trong một thông điệp được đưa ra cuối ngày hôm qua, Gadhafi thúc giục những người ủng hộ ông bảo vệ thủ đô Tripoli trước sự tấn công của quân nổi dậy. “Tại sao các bạn có thể cho phép thủ đô bị xâm chiếm?” Gadhafi nhấn mạnh.
Video đang HOT
Trong khi đó, Bộ trưởng Thông tin Lybia Moussa Ibrahim tuyên bố với CNN rằng, chính quyền Gadhafi vẫn còn trong tay khoảng 65.000 binh sĩ trung thành sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu. Tuy nhiên, thực tế là có một số đơn vị trong lực lượng này đã đầu hàng quân nổi dậy, trong đó có cả tiểu đoàn tinh nhuệ nhận nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Tripoli.
Ông Ibrahim còn cho biết thêm rằng giao tranh tại Tripoli từ trưa chủ nhật khiến 1.300 người thiệt mạng và khoảng 5.000 người bị thương. Tuy nhiên, các số liệu này chưa được xác nhận.
Dù đã kiểm soát được phần lớn thủ đô nhưng phe đối lập vẫn tỏ ra khá thận trọng. Chủ tịch Hội đồng Chuyển giao Quốc gia (NTC) Mustafa Mohammed Abdul Jalil hôm nay cảnh báo rằng vẫn còn nhiều “ổ kháng cự” trong và quanh thủ đô Tripoli. BBC cho hay giao tranh đẫm máu vẫn xảy ra tại nhiều khu vực ở thành phố này.
Bản đồ cho thấy vị trí khu dinh thự Bab al-Azizia của Gadhafi tại thủ đô Tripoli. Đồ họa: Microsoft
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Thông tin Libya tuyên bố chính quyền Gadhafi sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Hội đồng Chuyển giao Quốc gia. Tuy nhiên, Chủ tịch NTC khẳng định quân nổi dậy chỉ ngừng bắn nếu đại tá Gadhafi tuyên bố từ bỏ quyền lực và rời khỏi Libya.
Ông Jalil cho biết thêm rằng con trai Saif al-Islam Gadhafi hiện được giữ tại một nơi an toàn, dưới sự canh gác nghiêm ngặt, trước khi được giao cho tòa án quốc tế. Người đứng đầu phe đối lập cũng khẳng định cha con nhà Gadhafi có thể được rời Libya một cách an toàn nếu có thái độ hợp tác.
Quân nổi dậy bắt đầu tiến vào Tripoli từ 20/8. Theo lời ông Jalil, một nhóm chiến binh tinh nhuệ tới Tripoli bằng đường biển sau đó một ngày, để phối hợp với các chiến binh nằm vùng ở đây phát động cuộc tấn công quyết định mang tên “Nàng tiên cá”. Khoảng 80% diện tích thủ đô Tripoli hiện nằm trong sự kiểm soát của phe đối lập. Chế độ Gadhafi hiện không còn nhiều cơ hội tồn tại.
Theo VNExpress
Ngày tàn của chế độ Gadhafi đang điểm
Phe nổi dậy tràn vào trung tâm Tripoli ngày 21/8, đẩy cuộc khủng hoảng Libya vào bước ngoặt khi họ lần lượt bắt sống các con trai của Gadhafi và đập tan dần lực lượng quân sự ủng hộ chế độ tồn tại 40 năm qua.
Phe đối lập ăn mừng sắp chiếm được Tripoli. Ảnh: AFP.
Cuộc nội chiến Libya vốn lình xình gần nửa năm qua với phần phía đông có thủ phủ Benghazi thuộc phe nổi dậy và nửa phía tây với thủ đô Tripoli do phe Gadhafi kiểm soát. Nhưng chỉ trong vài ngày cuối tuần qua, các cánh quân nổi dậy đã tiến như vũ bão lần lượt chiếm các thành phố cửa ngõ Tripoli là Zawiya và Zlitan, để chọc thẳng vào trung tâm thủ đô trong sự chào đón của người địa phương.
Quảng trường Xanh ở trung tâm Tripoli, khu vực biểu tượng cho quyền lực của đại tá Muammar Gadhafi trong suốt 40 năm cầm quyền, đổi màu từ hôm qua, khi người dân thành phố vẫy cờ ba màu thay cho lá cờ xanh chào đón từng đoàn xe của phe nổi dậy tiến vào. Lực lượng ủng hộ Gadhafi đang vỡ vụn, còn bản thân đại tá chỉ còn chiến đấu "bằng mồm" qua những lời lẽ tức giận gửi tới đài phát thanh và truyền hình quốc gia.
Hai con trai của Gadhafi, trong đó có người con nổi tiếng nhất được báo chí quốc tế quen mặt và từng du học tại Anh là Saif al-Islam cũng bị phe đối lập bắt sống từ hôm qua. Toà án hình sự quốc tế (ICC) tại Hà Lan đang chuẩn bị liên lạc với phe nổi dậy Libya để bàn về việc dẫn độ Saif về xét xử các tội danh chống lại loài người mà người này bị cáo buộc cùng với cha.
Một kỹ sư 50 tuổi có tên Nour Eddin Shatouni hoà trong đám đông người ủng hộ phe đối lập ở Quảng trường Xanh cho biết: "Giờ chúng tôi không gọi là Quảng trường Xanh nữa mà gọi là Quảng trường Tử vì đạo". Hàng nghìn người vỗ tay và bắn súng chỉ thiên để ăn mừng, một số khác đốt lá cờ xanh là quốc kỳ của Libya dưới chế độ Gadhafi và bắn vào các bức hình đại tá.
Kể từ khi cuộc nổi dậy bùng nổ từ tháng 2 vừa qua, chính quyền Gadhafi hàng đêm tổ chức các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ tại Quảng trường Xanh. Toà nhà lịch sử Red Fort nằm đối diện quảng trường cũng là nơi Gadahfi thường chọn để phát biểu trước những người trung thành. Nay những nơi này đều đã thuộc về phe đối lập, đánh dấu thời gian tồn tại của chế độ Gadhafi chỉ còn tính bằng giờ.
Trong khi đó, không ai biết tung tích của đại tá Gadhafi trong thời điểm Tripoli sắp thất thủ. Nhưng hôm qua ông vẫn "bền bỉ chiến đấu" bằng cách gửi đi hàng loạt thông điệp mang giọng tức giận và thách thức gửi tới đài phát thanh và truyền hình quốc gia. Ông hô hào những người ủng hộ tuần hành trên đường phố thủ đô để "diệt chuột", ám chỉ những người nổi dậy chống chính phủ.
Cánh cổng tiến vào Tripoli của lực lượng nổi dậy từ phía tây đã mở toang khi các đơn vị quân đội bảo vệ Gadhafi và thủ đô tại đây lần lượt đầu hàng. Trong khi đó từ phía đông, khoảng 200 chiến binh nổi dậy đi bằng tàu biển từ Misrata cũng đổ bộ Tripoli và mang theo nhiều vũ khí, đạn dược để trang bị cho những người dân địa phương tham gia cuộc chiến chống chế độ Gadhafi.
Chiến binh nổi dậy tràn vào trung tâm Tripoli. Ảnh: AP.
Thời điểm Tripoli có hai triệu dân thất thủ hoàn toàn không còn xa và sự sụp đổ của chế độ Gadhafi là điều chắc chắn, nhưng điều này sẽ diễn ra không dễ dàng. Phát ngôn viên chính quyền Gadhafi tuyên bố họ vẫn có "hàng nghìn chiến binh" và thề chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Chính quyền đã phân phát vũ khí cho những người dân trung thành và trong bối cảnh quân đội chính quy dần tan rã thì các tay súng nghiệp dư này sẽ là chỗ dựa cuối cùng của Gadhafi.
Ngay cả khi đã chiếm được Tripoli và lật đổ thành công chế độ Gadhafi, Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) của phe nổi dậy cũng không dễ điều hành đất nước vì cái bóng của Gadhafi tồn tại trong suốt 4 thập kỷ qua chưa thể xoá sạch trong ngày một ngày hai. NTC đã được nhiều nước công nhận là chính quyền hợp pháp của Libya, nhưng với không ít người Libya sống ở phía tây đất nước thì lực lượng từ phía đông này vẫn chỉ là những kẻ nổi loạn.
Đó là chưa kể sẽ có khả năng xuất hiện những nhóm khác NTC cũng nhân đà chế độ Gadhafi sụp đổ để "dây máu ăn phần" và tự lập chính phủ. Các chiến binh Hồi giáo cũng có thể "đánh cắp" cuộc cách mạng tại Libya để hoành hành bằng chủ nghĩa khủng bố và đây là điều các nước phương Tây đặc biệt lo ngại. Các nhóm Hồi giáo đang sát cánh cùng NTC chiến đấu, nhưng sau khi thống nhất đất nước thì việc tước vũ khí của các nhóm này không hề đơn giản.
Đây sẽ là những thách thức thực sự cho chính phủ lâm thời sắp ra đời tại Libya, thay cho chế độ Gadhafi chuẩn bị sụp đổ hoàn toàn.
Theo VNExpress
Libya nói Tổng thống Pháp là tội phạm chiến tranh Theo AFP và THX, ngày 14/7, nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi đã cáo buộc Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy là "tội phạm chiến tranh," người làm vấy bẩn lịch sử của Paris. Nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi (phải) tại Tripoli, hồi tháng 5/2011. (Ảnh: AFP/TTXVN) Trong một thông điệp gửi tới những người ủng hộ ở quận phía Đông thủ đô Tripoli,...