G20 bế mạc: Ưu tiên tăng trưởng, chống trốn thuế và tham nhũng
Tuyên bố chung hội nghị tập trung các điểm: thúc đẩy cải cách để tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ủng hộ tự do thương mại, cải cách và củng cố các thể chế tài chính toàn cầu, chống các hoạt động trốn thuế toàn cầu, và chống tham nhũng.
7 giờ 10 tối 5-9 (giờ Trung Quốc) tại TP Hàng Châu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố bế mạc hội nghị thượng đỉnh G20.
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết hội nghị đã góp phần khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Theo ông, theo các thỏa thuận hợp tác giữa các nước trong tương lai, các tội phạm kinh tế sẽ không còn đường thoát.
Ông Tập Cận Bình nhận định đây là hội nghị mang tính bước ngoặt khi chuyển đổi nhóm G20 từ một cơ chế quản lý khủng hoảng – G20 thành lập sau đợt khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 – trở thành một cơ chế quản lý dài hạn kinh tế toàn cầu.
Các lãnh đạo G20 tham dự hội nghị tại Hàng Châu (Trung Quốc). Ảnh: BUSINESS INSIDER
Tuyên bố chung hội nghị thể hiện rõ tham vọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói tới khi gọi hội nghị G20 là diễn đàn cao cấp nhất của hợp tác kinh tế.
Các điểm chính trong tuyên bố chung hội nghị gồm: thúc đẩy cải cách để tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ủng hộ tự do thương mại, cải cách và củng cố các thể chế tài chính toàn cầu, chống các hoạt động trốn thuế toàn cầu, và chống tham nhũng.
Các lãnh đạo G20 hứa sẽ tăng trưởng toàn diện để có thể mở rộng lợi ích ra toàn cầu, giúp giảm thiểu căng thẳng chính trị vì bất ổn kinh tế.
Video đang HOT
Nhà kinh tế học Rajiv Biswas thuộc công ty phân tích IHS (Mỹ) nhận định, dù lời lẽ trong tuyên bố chung có vẻ tích cực, nhưng không có nhiều khả năng G20 sẽ làm được nhiều để thúc đẩy thương mại hay tăng trưởng. Tiến trình thương lượng giữa Mỹ và các nước châu Á-Thái Bình Dương để gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn đang rất chậm. Trong khi đó Anh thì đang chịu ảnh hưởng của quyết định rời EU, nhiều nền kinh tế trong đó có Nga đang trong quá trình suy thoái.
“Về vấn đề tăng trưởng toàn cầu, tôi nghĩ các nước G20 sẽ khó mà phối hợp hành động cùng nhau vì nhiều nước đang phải chật vật với các vấn đề của riêng mình.” AP dẫn lời nhà phân tích Rajiv Biswas.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm nay. Dự đoán này ở Quỹ Tiền thế thế giới là 3,1%.
Chủ tịch Tập Cận Bình (phải, hàng trước) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái, hàng trước) tại hội nghị G20. Ảnh: REUTERS
Theo tuyên bố chung, vấn đề sản lượng thép cung vượt cầu là vấn đề toàn cầu, không đề cập cụ thể tên Trung Quốc. Theo AP, đây là một bước nhượng bộ Trung Quốc. Mỹ và châu Âu cho rằng ngành công nghiệp thép Trung Quốc – chiếm một nửa sản lượng thép toàn cầu – là nguồn cơn của vấn đề dư thừa thép trên thế giới. Mỹ đã tăng đánh thuế nhập khẩu thép Trung Quốc 500% để hạn chế thép Trung Quốc và Mỹ, chống lại sự trợ giá của chính phủ Trung Quốc.
Tuyên bố chung kêu gọi thành lập một diễn đàn về thép thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế để nghiên cứu về sản lượng thép thế giới.
Ngày 5-9, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa lặp lại lời hứa của Trung Quốc hồi tháng 1 vừa rồi là sẽ giảm sản lượng thép bớt 100-150 tấn vào năm 2020, tương đương 50% sản lượng hiện tại.
THIÊN ÂN
Theo PLO
Quan chức Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục cãi nhau
Hết vụ ì xèo tại sân bay Hàng Châu đón tiếp tổng thống Mỹ, quan chức Mỹ và Trung Quốc tiếp tục "lời qua tiếng lại" tại nhà khách chính phủ Tây Hồ.
Fox News đưa tin các quan chức Mỹ dường như đã có cuộc trao đổi "căng thẳng" với an ninh Trung Quốc hôm 3-9 trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến nhà khách chính phủ Tây Hồ ở Hàng Châu. Đây là nơi Tổng thống Obama gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trước thềm diễn ra Hội nghị G20.
Tại đây, quan chức Mỹ và nước chủ nhà Trung Quốc tranh cãi về số lượng thành viên trong phái đoàn Mỹ được phép đi vào trong.
Cụ thể, nhân viên Nhà Trắng và mật vụ Mỹ đã cố gắng vào trong nhà khách chính phủ Tây Hồ theo lối riêng biệt so với các phóng viên đã bị phía Trung Quốc chặn lại tại cửa an ninh. Hai bên tranh luận về số thành viên phái đoàn Mỹ được phép vào trong.
"Tổng thống sẽ tới đây một giờ nữa" - một nhân viên Nhà Trắng nói với giọng bực tức.
Tổng thống Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình uống trà tại nhà khách chính phủ Tây Hồ. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, cuộc tranh cãi nảy lửa nhất lại xảy ra giữa một quan chức an ninh Trung Quốc và một quan chức Trung Quốc phụ trách hỗ trợ phái đoàn Mỹ. Người này đã rất tức giận về cách các vệ sĩ Trung Quốc đối xử với nhân viên Nhà Trắng.
"Các anh không được đẩy người khác" - quan chức Trung Quốc hét lên bằng tiếng Trung - "Không ai cho các anh quyền chạm vào hoặc đẩy bất cứ ai xung quanh".
Một quan chức Trung Quốc khác bước vào giữa hai người để can ngăn, khi quan chức an ninh dường như sắp "tung ra cú đấm".
"Bình tĩnh đi. Xin hãy bình tĩnh nào" - quan chức Nhà Trắng nói.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói bằng tiếng Trung: "Xin hãy dừng lại, có các phóng viên ở đây".
Nhưng chỉ vài phút sau đó, một cuộc tranh luận khác lại tiếp tục xảy ra giữa các nhân viên báo chí của Nhà Trắng và quan chức Trung Quốc về chuyện có bao nhiêu phóng viên Mỹ được phép vào bên trong tòa nhà.
Mâu thuẫn tiếp diễn và chỉ kết thúc khoảng 20 phút trước khi Tổng thống Obama đến nơi. Cuối cùng, chỉ có 10 phóng viên Mỹ được phép vào trong mặc dù các quan chức Nhà Trắng cho rằng còn rất nhiều không gian trống ở phía sau căn phòng. Các cuộc cãi vã này xảy ra ngay sau khi vụ lùm xùm việc quan chức Trung Quốc quát tháo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tại sân bay TP Hàng Châu chưa kịp lắng xuống.
THÁI LAI
Theo PLO
Vấn đề biển Đông tại hội nghị G20 Trung Quốc không muốn Tokyo đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra hội nghị G20. Chiều 4-9, hội nghị thượng đỉnh G20 đã khai mạc tại Hàng Châu (miền đông Trung Quốc). Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi các nước G20 thúc đẩy kinh tế thế giới đạt đến tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững,...