G-20 cam kết thúc đẩy tăng trưởng
Các nhà lãnh đạo G-20 cam kết làm tất cả để cứu đồng euro và kích thích tăng trưởng toàn cầu. Nhưng chưa có dấu hiệu gì cho thấy khủng hoảng sẽ lắng dịu.
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại hội nghị G-20 – Ảnh: AFP
Theo báo Wall Street Journal, tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Los Cabos (Mexico), các nhà lãnh đạo liên tiếp đưa ra những cảnh báo xấu về khủng hoảng nợ châu Âu. Chủ tịch Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Jose Angel Gurria mô tả đó là “nguy cơ lớn nhất với nền kinh tế thế giới”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng các thách thức mang tầm toàn cầu chứ không giới hạn ở châu Âu.
Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ bức xúc về việc khối đồng euro chưa đưa ra được giải pháp gì cụ thể để ngăn chặn khủng hoảng nợ lan rộng. “Chúng tôi vẫn chờ châu Âu giải thích xem chuyện gì đang xảy ra” – chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick nói. Trước tình hình đó, G-20 đã tìm cách trấn an các thị trường bằng tuyên bố khẳng định quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng.
Làm tất cả
Video đang HOT
Theo AFP, dự thảo thông cáo chung của hội nghị G-20 khẳng định G-20 sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp chính trị cần thiết” để bảo vệ sự ổn định của đồng euro. G-20 cũng tuyên bố đồng lòng thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Các nhà lãnh đạo sẽ thông qua kế hoạch hành động vì tăng trưởng và việc làm Los Cabos để thực hiện mục tiêu này. Dự thảo nhấn mạnh tăng trưởng bền vững và cân bằng là ưu tiên hàng đầu của G-20.
Đáng chú ý là việc dự thảo khẳng định các thành viên G-20 thuộc Liên minh châu Âu (EU) có nền tài chính lành mạnh “sẵn sàng hành động” để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó vực dậy tăng trưởng dù vẫn phải thực hiện nghiêm túc các cam kết thắt lưng buộc bụng. Trong thời gian qua, dư luận Hi Lạp luôn chỉ trích các quy định cắt giảm chi tiêu ngặt nghèo mà EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) buộc Athens áp dụng để nhận cứu trợ đã giết chết mọi cơ hội tăng trưởng của nước này.
Giới quan sát bình luận tuyên bố của G-20 cho thấy có khả năng EU sẽ phải cho phép tăng cường chi tiêu nếu các nền kinh tế khối đồng euro tiếp tục suy thoái trong thời gian tới. “Chúng ta đang chứng kiến một bước chuyển dịch của châu Âu khi xét đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng việc làm” – AFP dẫn lời quan chức Bộ Tài chính Mỹ Lael Brainard bình luận.
Tại hội nghị G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi EU cho Hi Lạp thêm thời gian để trả nợ, đặc biệt sau khi các đảng ủng hộ gói giải cứu 130 tỉ euro của EU và IMF giành thế đa số tại quốc hội. Tuy nhiên Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn tỏ ra rất cứng rắn: “Châu Âu và Hi Lạp không thể lùi bước trước quá trình cải tổ mà chúng ta đã đạt thỏa thuận”. Do đó giới quan sát cho rằng chưa có dấu hiệu cho thấy Đức sẽ đồng ý với việc khối đồng euro cùng phát hành trái phiếu chung để giảm áp lực thị trường.
Tây Ban Nha trong tầm ngắm
Vẫn chưa rõ tuyên bố của G-20 có thể trấn an thị trường hay không. Báo New York Times dẫn lời một số nhà đầu tư khẳng định các vấn đề của châu Âu quá phức tạp và sâu rộng, do đó không giải pháp tức thời nào có thể đem lại hiệu quả. Bằng chứng là ngay sau kết quả thuận lợi của cuộc bầu cử Hi Lạp, thị trường đã lập tức đưa Tây Ban Nha vào “tầm ngắm”.
AFP cho biết lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha tăng vọt lên trên 7%, mức cao chưa từng thấy trong 18 năm qua. Lãi suất Ý cũng tăng lên cao hơn ngưỡng 6%. Giới quan sát nhận định diễn biến này cho thấy gói giải cứu 100 tỉ euro (126 tỉ USD) dành cho các ngân hàng Tây Ban Nha là không đủ. Báo Anh Guardian dẫn lời chuyên gia Marc Otswald của Hãng Monument Securities nhận định có thể Chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải cần một gói giải cứu tương đương.
Theo Bloomberg, nợ công của Tây Ban Nha trong ba tháng đầu năm 2012 đã tăng lên tương đương 72,1% GDP, cao hơn nhiều so với mức 63,6% GDP cùng kỳ năm 2011. Chính phủ Tây Ban Nha dự báo nợ công của đất nước này sẽ lên tới 79,8% GDP vào cuối năm 2012. Trong khi đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service dự báo nợ của Tây Ban Nha sẽ chạm mức 90% GDP trong năm nay. Vấn đề là việc giải cứu một nền kinh tế lớn tới 1.100 tỉ euro (1.390 tỉ USD) là quá sức đối với EU và IMF, dù tại hội nghị G-20 IMF công bố năng lực cho vay đã tăng lên đến 456 tỉ USD.
Theo Tuổi Trẻ
Dân Hy Lạp vẫn muốn dùng đồng euro
Hy Lạp nhiều khả năng sẽ tiếp tục là thành viên của khối eurozone sau khi các đảng thân Liên minh châu Âu (EU) tại nước này đã giành được thắng lợi sít sao trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai hôm 17.6 vừa qua, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy các đảng thân EU tại Hy Lạp đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử lần hai - Ảnh: Reuters
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ do Bộ Nội vụ công bố ngay sau cuộc bầu cử cho thấy đảng bảo thủ Tân Dân chủ giành được 29,5% số phiếu bầu, trong khi đối thủ chính của họ trong cuộc bầu cử lần này là đảng cánh tả Syriza về nhì với tỷ lệ 27,1%.
Đảng Xã hội Pasok, vốn là đồng minh thân cận của đảng Tân Dân chủ, chiếm 12,3% số phiếu bầu.
Như vậy, cùng với 50 ghế được thưởng do là đảng dẫn đầu cuộc bầu cử, liên minh hai đảng Tân Dân chủ và Pasok đã có được 161 trên tổng số 300 ghế tại Quốc hội. Được biết, liên minh này đã cam kết sẽ thỏa hiệp với EU để nhận gói giải cứu tài chính trị giá 130 tỉ euro nhằm cứu đất nước khỏi bị phá sản.
Số liệu thống kê trên do Bộ Nội vụ Hy Lạp đưa ra dựa trên kết quả kiểm phiếu trực tiếp tại khoảng 12% số phòng phiếu trên cả nước.
Giới phân tích nhận định kết quả cuộc bầu cử lần này đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại khối eurozone.
Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo cách biệt mong manh về số phiếu bầu cho thấy sự chia rẽ của người dân Hy Lạp và đảng Syriza có khả năng tiến hành các cuộc biểu tình phản đối chính phủ liên hiệp sắp thành lập với sự tham dự của rất đông những cử tri phản đối gói viện trợ từ EU.
Ông Evangelos Venizelos, lãnh đạo đảng Pasok, đã mời đảng Syriza cùng tham gia vào nội các mới, nhưng đảng này đã từ chối. Thủ lĩnh Alexis Tsipras của đảng cánh tả Syriza đã từng thề sẽ hủy bỏ thỏa thuận giải cứu ký kết với EU trước đây, vốn đem lại cho Hy Lạp một khoản viện trợ kèm theo điều kiện là nước này phải siết chặt chi tiêu ngân sách mạnh mẽ.
Theo Thanh Niên
"Ý tưởng Italy nên rút khỏi Eurozone chỉ là trò đùa" Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi ngày 2/6 nói rằng ông chỉ đùa khi trước đó gợi ý Italy nên rút khỏi khu vực đồng euro (Eurozone) trừ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đồng ý bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế nước này. Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. (Nguồn: AP) Trước đó, hôm 1/6, ông Berlusconi viết...