FPT Telecom được vinh danh Top 10 Doanh nghiệp Hạ tầng số hàng đầu Việt Nam
Ngày 14/12/2020, thương hiệu FPT Telecom được xướng tên trong danh sách Top 10 Doanh nghiệp CNTT Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam ( VINASA) đánh giá.
Cụ thể, FPT Telecom được vinh danh là 1 trong 10 doanh nghiệp Hạ tầng số xuất sắc nhất năm 2020. Đại diện FPT Telecom, Giám đốc Công nghệ – ông Trần Thanh Hải đã đến dự và nhận Danh hiệu tại Lễ vinh danh. Để đạt được giải thưởng này, trong những năm qua FPT Telecom đã dành nhiều đầu tư để đảm bảo Hạ tầng của mình đáp ứng được nhu cầu của Khách hàng và xu hướng số trên thế giới. Đó là công nghệ IP-MPLS/DWDM (chuẩn MEF 3.0) cho mạng Metro core và Metro Ethernet. Cung cấp băng thông tối đa cho hộ gia đình, doanh nghiệp dựa trên công nghệ GPON/10GPON.
Giám đốc Công nghệ FPT Telecom Trần Thanh Hải đại diện nhận Danh hiệu Top 10 Doanh nghiệp hạ tầng số hàng đầu Việt Nam 2020.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu theo chuẩn Uptime Tier III đảm bảo tỉ lệ duy trì dịch vụ đạt 99.982%/năm, nghĩa là ít hơn 1.6h mất dịch vụ/năm, bằng 1/2 so với 3h mất dịch vụ của Google Mail và Google Drive vào 20/8/2020. An ninh mạng luôn được bảo đảm từ ứng dụng cho tới tất cả các phân lớp mạng. Vận hành thông minh, chính xác, hiệu quả sử dụng công nghệ học máy và trí tuệ nhân tạo mang lại các trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.
FPT Telecom cũng áp dụng những công nghệ phân tích dữ liệu lớn, hiện đại, điều khiển tự động bằng robot trên mọi công nghệ truy cập có dây, không dây nhằm giám sát chất lượng trải nghiệm của người dùng. Từ đó tự động tối ưu và đưa ra khuyến nghị phù hợp nhu cầu thực tế của người dùng vào đúng thời điểm. Số hoá 100% hệ thống với các giao diện API mở theo chuẩn TMFORUM Open Digital Architecture (chủ động, hạn chế rủi ro).
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, FPT Telecom xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất và sản phẩm. FPT Telecom đã và đang tập trung phát triển, tạo các nền tảng SmartHome Platform, IoT Platform, Big Data Platform, AI Platform, v.v. cho các doanh nghiệp, cá nhân xây dựng và triển khai các sản phẩm giải pháp, đổi mới, sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Video đang HOT
Với hạ tầng viễn thông đồng bộ và rộng khắp, kết nối băng thông rộng đến từng người, phục vụ kết nối Internet cho vạn vật, với những công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 (Big Data, AI, IoT, Cloud…), FPT Telecom đã sẵn sàng cung cấp những sản phẩm dịch vụ thông minh nhất, sử dụng công cụ hỗ trợ CNTT trong việc điều hành tổ chức nhằm giúp cuộc sống của Khách hàng ngày một tốt đẹp hơn.
Lễ vinh danh Top 10 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2020 được tổ chức trang trọng vào tối ngày 14/12/2020 tại khách sạn InterContinental Landmark72 (Hà Nội) với sự tham dự và chứng kiến của lãnh đạo Cơ quan Nhà nước, các Bộ, ngành cùng hàng trăm doanh nghiệp CNTT trong nước và bạn bè, đối tác quốc tế.
Từ khóa "chuyển đổi số" đang len lỏi vào cuộc sống mỗi người dân
Tính từ tháng 3/2020 đến nay, từ khóa "chuyển đổi số" được tìm kiếm trên không gian mạng đã tăng gấp 10 lần.
Chiều nay (14/12), Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 chính thức khai mạc với chủ đề Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối". Đây là sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.
Diễn đàn là hoạt động thiết thực, đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 chiều 14/12.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nếu như hồi tháng 3/2020 trên toàn bộ không gian mạng, số lượt đề cập có chứa từ khóa "chuyển đổi số" chỉ khoảng 3.000 lượt thì đến tháng 11/2020 đã có 30.000 lượt. Điều này cho thấy khái niệm, sự thôi thúc "chuyển đổi số" đã và đang len lỏi vào cuộc sống của chúng ta, và diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 cũng nằm trong xu hướng này.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định "chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia". Điều này có nghĩa là công nghệ số, dịch vụ số "phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người".
Đại diện Bộ TT&TT cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang là lực lượng chủ lực nhằm phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh chuyển đổi số là sự dịch chuyển chưa có tiền lệ, và chỉ thành công nếu toàn dân tham gia.
Thứ trưởng chỉ đạo rằng các doanh nghiệp công nghệ lớn cần "tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian". Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ "hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo". Dựa trên sự kết hợp này, Thứ trưởng cho rằng sẽ tạo ra được hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau.
Theo Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, chuyển đổi số được xem như vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. "Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế, chuyển đổi số nhanh chóng, nắm bắt thời cơ nghìn năm có một sẽ giúp chúng ta tiến một bước dài trên trường quốc tế", ông Trương Gia Bình cho biết. "Hơn lúc nào hết, Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp... cần kết nối lại, chia sẻ để cùng nhau hành động."
Người đứng đầu VINASA cũng kỳ vọng, Ngày Chuyển đổi số Việt Nam sẽ tạo ra các không gian tri thức, kinh nghiệm thực tiễn sống động, và các giải pháp hiệu quả về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước, đồng thời tích cực kết nối hợp tác cung cầu về chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020.
Theo thống kê được ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) công bố tại Hội thảo, chỉ số đánh giá chung về phát triển xã hội số tại Việt Nam tăng 12 điểm, tương đương 2 bậc trong giai đoạn từ 2018 - 2019. Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng 21 điểm về định danh số, 15 điểm về Công dân số, gấp 2-3 lần mức tăng trung bình khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây đều là những con số cho thấy Việt Nam đang đi đúng lộ trình để bắt nhịp xu thế chuyển đổi số toàn cầu.
Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Chuyển đổi số Tập đoàn FPT cũng nhìn nhận rằng mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều tới doanh thu và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong năm 2020, nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đã nỗ lực hết mình vươn lên, sử dụng công nghệ số "như một chìa khóa" để vượt qua khủng hoảng, chuẩn bị sẵn đà, sẵn tâm lý để có thể tăng trưởng ngay sau khi dịch bệnh trôi qua.
Chia sẻ số liệu thực tế về tác động của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ông Ngô Diên Hy, Tổng Giám đốc Công ty CNTT VNPT cho biết trong bối cảnh đại dịch Covid-19, VNPT đã tận dụng để đạt nhiều thành tích đáng tự hào, như ứng dụng dạy học trực tuyến vnEdu Mobile App lọt top 1 trong hạng mục giáo dục tại Việt Nam, được sử dụng bởi hơn 20.000 trường học, 9 triệu tài khoản học sinh; VNPT eMeeting phục vụ hơn 1.000 cuộc họp của các Cơ quan Nhà nước; VNPT eKYC triển khai cho hơn 10 ngân hàng và công ty tài chính;...
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA cũng chia sẻ số liệu cho biết trong năm 2020 vừa qua, công ty đã mang giải pháp chuyển đổi số của mình tới 84% đơn vị HCSN, 80% xã phường, và hơn 19.000 trường học trên cả nước.
Theo chia sẻ tạo Hội nghị, hiện có 6 ngành, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm cho chuyển đổi số tại Việt Nam gồm: Y tế, Tài chính ngân hàng, Logistics, Nông nghiệp, Sản xuất công nghiệp và chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đây là những ngành kinh tế và đối tượng quan trọng, những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế, góp phần quan trọng trong việc tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cuộc vật lộn của tư duy đổi mới khi đưa Internet vào Việt Nam Tiền đề cho việc mở Internet đã được khởi động sớm, nhưng để có được thành tựu như ngày hôm nay là cả chặng đường dài 'vật lộn' về tư duy đổi mới. Bài học từ quá trình này là kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong chuyển đổi số. Nếu như các dịch vụ viễn thông, di động của Việt Nam mở...