Foxconn dự kiến nhà máy tại Trịnh Châu sẽ hoạt động hết công suất trở lại
Foxconn, nhà cung cấp của Apple, dự kiến nhà máy tại Trịnh Châu (Trung Quốc) của hãng này sẽ trở lại hoạt động hết công suất vào khoảng cuối tháng 12/2022 đến đầu tháng Một.
Biểu tượng của tập đoàn Foxconn Technology Group. Ảnh: Reuters
Do chính sách kiểm soát nghiêm ngặt dịch COVID-19, việc sản xuất thiết bị của Apple tại nhà máy Trịnh Châu đã bị gián đoạn trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Tết Nguyên đán, khi nhiều công nhân phải cách ly để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 hoặc đã rời khỏi nhà máy.
Theo một nguồn tin thân cận, công suất hoạt động đang dần khôi phục với việc tuyển dụng thêm nhân viên mới. Nếu việc tuyển dụng diễn ra suôn sẻ, có thể mất khoảng ba đến bốn tuần để nhà máy hoạt động hết công suất trở lại.
Giá cổ phiếu của Foxconn đã tăng 0,5% trong phiên giao dịch sáng 5/12.
Foxconn cho biết lợi nhuận ròng trong quý III/2022 đã tăng 5% lên 38,8 tỷ TWD (1,22 tỷ USD) so với mức 36,98 tỷ TWD cùng kỳ năm trước. Nhà lắp ráp điện thoại iPhone này dự kiến doanh thu trong quý IV sẽ không đổi.
Video đang HOT
Foxconn là nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, khi đóng góp 70% lượng iPhone xuất xưởng trên toàn cầu. Doanh nghiệp này có các địa điểm sản xuất khác nhỏ hơn ở Ấn Độ và miền nam Trung Quốc.
Quý IV theo truyền thống là “giai đoạn nóng” đối với các công ty công nghệ của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) khi họ chạy đua để cung cấp điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác cho kỳ nghỉ lễ cuối năm bận rộn cho các thị trường phương Tây./.
Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc
Theo WSJ, giới phân tích dự đoán phải mất tới 8 năm để Apple chuyển 10% sản lượng ra khỏi Trung Quốc.
Theo Wall Street Journal, Apple gần đây đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc - nơi từ lâu đã chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp này.
Cụ thể, gã khổng lồ công nghệ đã yêu cầu các đối tác đẩy mạnh sản xuất ở những quốc gia khác thuộc châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Việt Nam. Đáng chú ý hơn, Apple cũng đề cập đến việc giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn công nghệ Foxconn - đối tác sản xuất iPhone chính cho Apple.
Trên thực tế, tập đoàn công nghệ này đã lên kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Tuy nhiên, cuộc biểu tình tại Foxconn Trịnh Châu mới đây đã trở thành một hồi chuông cảnh báo, rằng chuỗi sản xuất của Apple sẽ bị đứt gãy bất cứ khi nào nếu còn tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các vấn đề liên tục xảy ra với nhà máy Foxconn tại Trung Quốc khiến Apple phải đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất ra các quốc gia khác. Ảnh: WSJ.
Các cuộc biểu tình tại nhà máy của Foxconn cùng với các biện pháp chống dịch khắc nghiệt tại Trung Quốc đã khiến nhiều chuyên gia đưa ra dự đoán xấu về tương lai của Apple.
Theo phân tích của Wedbush, sản lượng iPhone sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay, còn TFI Asset Management thì cho rằng số lượng iPhone được sản xuất sẽ giảm tới 20% - tương đương 15 hoặc 20 triệu chiếc - so với dự kiến.
Ngoài ra, các công ty phân tích này cũng cho rằng phải đến tháng 3 năm sau thì nguồn cung của Apple mới có thể ổn định trở lại, trong điều kiện không xảy ra thêm bất kỳ cuộc biểu tình hay sự kiện nào khiến nhà máy đóng cửa.
Các chuyên gia hiện ước tính rằng tỷ lệ cầu hiện gấp 3 lần cung, và tất cả cửa hàng bán lẻ, kho hàng hay kênh trực tuyến của Apple đều sẽ hết hàng các mẫu Pro cho đến tháng 1 năm sau.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi chuỗi cung ứng của Apple cũng được nhiều người đánh giá là khó khăn. Theo WSJ, giới phân tích dự đoán phải mất tới 8 năm để Apple chuyển 10% sản lượng ra khỏi Trung Quốc, và nếu muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào quốc gia này thì có lẽ cần chuyển ít nhất là 40% sản lượng.
Nguyên nhân chính là tại Trung Quốc, mật độ dày đặc các nhà cung cấp và các kỹ sư sản xuất sẽ giúp việc triển khai các bản thiết kế và nguyên mẫu sản phẩm của Apple nhanh hơn.
Để phát triển ở các quốc gia khác, Apple sẽ phải xây dựng lại từ đầu quy trình này. Tuy nhiên, tình hình thị trường lao động đang thu hẹp lại và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn sẽ khiến Apple gặp nhiều khó khăn.
Apple sẽ phải xây dựng lại hoàn toàn chuỗi cung ứng nếu muốn chuyển sang các nước khác. Ảnh: Reuters.
Hiện tại một số trung tâm sản xuất của Apple đã mở rộng sang Việt Nam và Ấn Độ, nhưng công ty còn rất nhiều điều cần phải làm để thực hiện những thay đổi lớn hơn và mang lại hiệu quả cao hơn.
Được biết, Apple có mục tiêu dài hạn là chuyển khoảng 40-45% sản lượng iPhone sang sản xuất tại Ấn Độ, tăng mạnh so với mức dưới 10% hiện tại. Trong khi đó, Việt Nam dự kiến đảm nhận thêm việc sản xuất các dòng sản phẩm khác như AirPods, Apple Watch và các mẫu MacBook.
Đầu tuần vừa qua, cổ phiếu của Apple đã giảm gần 2,6% sau khi Bloomberg đưa tin rằng công ty này có thể thiếu hụt sản lượng khoảng 6 triệu chiếc iPhone Pro do tình trạng bất ổn. Nếu tính từ đầu năm, giá cổ phiếu của công ty đã giảm khoảng 17%.
Vai trò đặc biệt của Việt Nam trong kế hoạch của Apple Sắp tới, Việt Nam có thể sản xuất nhiều AirPods, Apple Watch và MacBook hơn cho Apple. Nguồn tin của Thời báo Phố Wall tiết lộ, trong vài tuần gần đây, Apple đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Công ty thông báo cho nhà cung ứng chuẩn bị chủ động lắp ráp các sản phẩm ở châu...