Florentio Perez: ‘Nhiều CLB sẽ phá sản nếu không sớm hành động’
Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với nhật báo thể thao AS (Tây Ban Nha), Florentino Perez – Chủ tịch CLB Real, người đứng đằng sau dự án Super League – nhất mực bảo vệ giải đấu và không chịu khuất phục trước sự phản đối từ dư luận và UEFA.
Perez lãnh đạo Real hai giai đoạn, 2000-2006 và 2009 đến nay. Dưới triều đại của ông, đội bóng giành tổng cộng 26 danh hiệu, trong đó có 5 Champions League, 5 La Liga… Ảnh: AS.
Florentino Perez đã giữ ghế chủ tịch Real Madrid gần 20 năm. Ông từng giúp CLB thoát khỏi những vấn đề kinh tế nghiêm trọng khi lên nắm quyền ở Bernabeu vào năm 2000, và từ đó biến CLB Hoàng gia Tây Ban Nha trở thành một siêu cường bóng đá toàn cầu từ dự án Galacticos. Giờ đây, ông tiếp tục đưa ra một kế hoạch mới với suy nghĩ cứu nền bóng đá khỏi cơn khủng hoảng mà đại dịch đang gây ra. Perez bảo vệ những ý tưởng của ông một cách quyết liệt.
- Ông nói rằng dự án Super League vẫn chưa phá sản và nó vẫn sẽ tiếp tục. Vậy tình hình lúc nào sao rồi? Và những bước đi tiếp theo là gì?
- Super League vẫn tồn tại và các thành viên sáng lập giải đấu vẫn giữ nguyên tư cách. Các CLB chúng tôi đang tự cho bản thân mình một vài tuần lễ để phản ứng trước sự thù địch mà một số người nhất định – những người không muốn mất đi đặc quyền của họ – đang tìm cách thao túng dự án này.
“Chủ tịch UEFA chống lại quyền cạnh tranh tự do ở châu Âu”
- Ông có hối tiếc khi khởi xướng Super League theo cách vừa qua?
- Không. Vì cho dù bằng cách này hay cách khác, phản ứng của một số cá nhân nắm giữ đặc quyền vẫn sẽ không có gì thay đổi. Hồi tháng 1 năm nay, Chủ tịch UEFA từng gửi đi những lời cảnh báo gay gắt đối với Super League. Chúng tôi muốn trao đổi chi tiết với UEFA về dự án, nhưng họ không cho chúng tôi thời gian. Trong đời, tôi chưa từng chứng kiến một chiến dịch được dàn dựng và có sự thao túng nào như thế cả.
Thay vì nhiều lời, chúng tôi tìm tới Tòa án và một pháp lệnh được đưa ra. Lệnh từ Tòa án yêu cầu UEFA và FIFA, cũng như các giải đấu và các liên đoàn bóng đá không được phép có bất cứ biện pháp, hành động, tuyên bố hay thông báo nào ngăn cản sự chuẩn bị của Super League. Với cá nhân tôi, phán quyết đó của Tòa án là dấu chấm hết cho sự độc quyền của UEFA. Nhưng mặc cho phán quyết ấy, Chủ tịch UEFA vẫn tiếp tục đưa ra những lời đe dọa. Những hành động đó là đang vi phạm quyền tự do cạnh tranh trong Liên minh châu Âu và cho thấy mức độ hết sức nghiêm trọng.
Những sự chỉ trích chủ yếu nhắm vào Super League là việc nó sẽ gây thiệt hại cho các giải quốc nội, cũng như tạo ra cảm giác rằng giải đấu là sân chơi riêng của những CLB nhất định mà những đội bóng khác sẽ không thể bước vào bằng thực lực của họ. Ông nói sao trước ý kiến này?
Không một lập luần nào là sự thật cả. Tất cả đều đã bị thao túng. Super League không phải là một dự án loại trừ đi các CLB và cũng không gây bất lợi cho các giải vô địch quốc gia. Dự án Super League là phương án khả dĩ nhất lúc này và nó được tạo ra để giúp cả nền bóng đá thoát khỏi khủng hoảng. Bóng đá đã bị hủy hoại nghiêm trọng vì khủng hoảng kinh tế và bóng đá cần phải thích ứng trước một kỷ nguyên mới mà chúng ta đang sống.
Super League ra đời không phải để chống lại các giải bóng đá nội địa ở các quốc gia. Mục tiêu của nó là đảm bảo mang đến nhiều tiền hơn cho mọi mặt của bóng đá. Ý tưởng là giúp các trận đấu nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Tôi không cho rằng những thay đổi mà UEFA đã thực hiện là một giải pháp thực sự cho vấn đề mà chúng ta đang đối mặt, bởi lẽ những đề xuất cải cách của họ thậm chí còn không mang lại cải tiến nào nếu so sánh với mô hình hiện tại. Ngoài ra, chúng ta không thể đợi đến tận năm 2024 được.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, có lẽ chúng tôi đã có những động thái sai lầm. Chúng tôi sẽ tìm cách xoay chuyển tình hình và bổ sung thêm nhiều ý tưởng mới. Có thể giải pháp sẽ là trao suất tham dự cho 4 đội dẫn đầu ở mỗi giải vô địch quốc gia. Tôi cũng không biết chắc nữa, nhưng rõ ràng là chúng ta cần phải làm một điều gì đó ngay tức thì, vì thế hệ trẻ ngày nay – những người trong độ tuổi từ 14 đến 25 – đang dần từ bỏ bóng đá, khi mà họ cảm thấy bóng đá trở nên nhàm chán nếu so với những hình thức giải trí khác. Thế giới có khoảng 4 tỷ người hâm mộ bóng đá và một nửa trong số đó là những người hâm mộ của các CLB ở Super League. Bóng đá chính là môn thể thao toàn cầu duy nhất.
- Ông nói tình hình đang trở nên nguy cấp. Có phải vì kinh tế của các CLB đang ngày càng tồi tệ và bóng đá đang chết dần?
- Hãy nhìn vào các số liệu thông qua một báo cáo gần đây của KPMG. Chỉ trong 3 tháng chịu ảnh hưởng từ đại dịch ở mùa giải trước, 12 CLB Super League đã công bố mức thiệt hại 650 triệu euro. Đến hết mùa giải này, với hoàn cảnh đại dịch vẫn còn tiếp diễn, thiệt hại của các CLB sẽ từ 2 đến 2,5 tỷ euro. CLB Girodins Bordeaux (Pháp) mới đây cũng đã được đặt dưới sự bảo hộ của Tòa án thương mại vì sắp phá sản. Nhiều CLB sẽ phá sản nếu chúng ta không làm gì đó thật sớm.
- Dự án của ông đưa ra một giải pháp đơn giản nhằm thúc đẩy gia tăng doanh thu, đó là biến các trận đấu trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn. Nhưng làm sao mục tiêu ấy có thể thành sự thật nếu các CLB nhỏ vẫn cảm thấy bất bình?
- Thực tế là những trận đấu hấp dẫn hơn, giải trí hơn và cạnh tranh hơn sẽ mang đến nhiều tiền hơn. Và tiền đấy dành cho tất cả, chứ không chỉ cho một số CLB, vì các giải vô địch quốc gia sẽ trở nên có giá trị hơn. Chúng tôi còn dành ra một khoản đóng góp – hỗ trợ lớn cho các CLB và những giải quốc nội của châu Âu, đây là một phần quan trọng trong dự án Super League.
- Vậy các ông có nhận được sự ủng hộ nào từ các mạng lưới truyền hình?
- Chúng tôi đã chuẩn bị cho dự án này suốt ba năm và mọi vấn đề liên quan đều được nghiên cứu chi tiết. Dự án được lập ra nhằm lôi kéo trở lại sự quan tâm từ người hâm mộ và tự đó tạo ra nhiều tiền hơn cho tất cả: các CLB lớn, các CLB vừa và các CLB nhỏ.
Video đang HOT
Perez trả lời phỏng vấn độc quyền tờ AS. Ảnh: AS.
- Ông nghĩ vì sao Bayern Munich và PSG không tham gia Super League?
- Vì nhiều lý do khác nhau. Với trường hợp của Bayern, họ đang trong quá trình thay đổi bộ máy ban lãnh đạo. Còn PSG là vì chúng tôi sẽ bàn bạc với họ sau. Nhóm 12 CLB vốn đã được thành lập và hoạt động trong vài năm. Nhưng cả hai CLB đó rồi sẽ được mời.
- Nếu những thông tin hiện tại là chính xác, 12 CLB Super League không chỉ ký vào một bản hợp đồng ràng buộc, mà họ còn không thể rút khỏi dự án đến năm 2025 nếu không chấp nhận đóng phạt hàng trăm triệu euro. Có thật là vậy không?
- Tôi sẽ không muốn mất thời gian để đi giải thích hợp đồng ràng buộc là như thế nào. Nhưng thực tế chưa một CLB nào lúc này rút lui khỏi dự án cả. Một số vì phải chịu áp lực nên buộc phải nói rằng họ sẽ rời khỏi dự án. Song, dự án này, hoặc một dự án nào đó tương tự, rồi cũng sẽ diễn ra. Và tôi hy vọng là nó sẽ bắt đầu trong tương lai gần.
- JP Morgan, ngân hàng tài trợ cho dự án Super League, cũng đã rút lui?
Không đúng, họ cũng không rời khỏi dự án. Họ đang dành thời gian để đánh giá lại tình hình, giống như 12 CLB. Nếu có điều gì đó cần thay đổi, chúng tôi sẽ tiến hành, nhưng quả thực Super League là dự án tốt nhất rồi. Thứ chúng tôi cần làm là thu hút người hâm mộ trở lại, nhất là những người trẻ. Và để làm được như vậy, cần có những sự thay đổi. Nếu UEFA cũng muốn điều tương tự với dự án mà họ thông báo hồi đầu tuần, ừ thì… thật sự tôi cũng không hiểu thể thức mới mà họ đưa ra, cũng như tôi không cho rằng đó là một giải pháp tốt. Hơn nữa, họ muốn bắt đầu vào năm 2024, hãy chờ xem các đội bóng nào sẽ tìm cách trì hoãn.
- Một số ý kiến cho rằng động thái hiện tại của các bên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Real Madrid, cả trên sân lẫn hậu trường. Quan điểm của ông thế nào?
- Trong một nền dân chủ châu Âu mà chúng ta đang sống hiện tại, chuyện đó sẽ không xảy ra.
- Điều gì làm ông lo lắng hơn: 12 CLB sáng lập Super League sẽ chịu thiệt hại vì đại dịch ở mức khoảng 2 tỷ euro, hay một nửa người trẻ trên thế giới từ độ tuổi 14 đến 24 sẽ hết hứng thú với bóng đá?
- Cả hai đều đáng lo như nhau. Vì vậy mà chúng ta cần phải tìm ra giải pháp. Và cũng từ lý do đó là chúng tôi nghĩ ra Super League.
- Vậy giải pháp cho tương lai nền bóng đá là gia tăng doanh thu? Thế còn việc cắt giảm chi phí, hoặc áp dụng quy định mức lương trần…? Nếu trong vòng vài năm tới đây, để chiêu mộ được Mbappe, số tiền một CLB cần là đến 1 tỷ euro – từ 300 triệu euro chuyển nhượng cho đến mức lương 60 triệu euro/năm chưa tính thuế – lấy đâu ra được ngần ấy tiền?
- Trước tiên, nếu không có doanh thu, sẽ chẳng có gì hết. Tiếp đến, chúng ta cần thiết phải có một giải đấu mang tính ổn định và bền vững, dựa trên Luật Công bằng Tài chính nghiêm ngặt. Nếu mọi thứ vận hành y như thế, mức độ cạnh tranh trên sân cỏ sẽ được nhìn thấy, chứ không phải như hiện tại khi chúng ta phải đối đầu trước những CLB được nhà nước tài trợ (như Man City hay PSG).
Ví dụ như Real có ba nguồn doanh thu chính: tiền bán vé, bản quyền truyền hình và các nhà tài trợ. Lúc này, tôi càng cảm thấy lo lắng hơn, khi mới đây, Chủ tịch UEFA còn phát biểu rằng: “Chúng ta cần giải phóng các nguồn đầu tư và bảo vệ những người đang hỗ trợ kinh tế cho các CLB, xuất phát từ đam mê bóng đá và tình yêu dành cho cộng đồng địa phương của CLB…”. Họ có thể làm ơn giải thích với tôi là làm sao Real, một CLB được sở hữu bởi các hội viên, có thể cạnh tranh lại các CLB được nhà nước chống lưng tài chính?
- Ông lập luận rằng khả năng sống còn của nền kinh tế bóng đá phụ thuộc vào Super League, một giải đấu đề cao tính cạnh tranh. Nhưng Real lại đang trong quá trình nâng cấp Bernabeu thành một cầu trường lộng lẫy, Atletico Madrid cũng có một cầu trường mới và hiện đại… Ông giải thích thế nào với người hâm mộ? Liệu đang có gì đó mâu thuẫn ở đây à?
- Cả hai dự án đều được khởi động trước khi đại dịch bùng phát, điều mà không một ai ngờ tới. Nhưng trên hết, Atletico đã đạt được một thỏa thuận với Tòa thị chính Madrid. Còn Real đã đầu tư cho công cuộc nâng cấp Bernabeu trong hơn 30 năm. Các hội viên CLB đã phê chuẩn cho dự án đó vì một cầu trường mới sẽ mang lại doanh thu hàng năm từ 150 triệu đến 200 triệu euro. Nghĩa là mang lại mức lợi nhuận cao.
“Nếu không cải tổ, các CLB sẽ sớm phải bán những cầu thủ hay nhất!”
- Ông rút ra kết luận gì từ thực tế là ba trong số bốn đội vào bán kết Champions League mùa giải hiện tại (Man City, Chelsea và PSG) đều từng bị UEFA điều tra vì vi phạm Luật Công bằng Tài chính?
- Tôi không muốn phán xét một ai cả. Nhưng tôi sẽ nói với các bạn rằng, đúng, chúng tôi cảm thấy quan ngại. Nhưng không phải vì những gì đã diễn ra, mà là vì những gì sẽ có thể diễn ra. Chúng ta đã nghe Chủ tịch UEFA nói rồi đấy thôi. Nếu một nhà nước tài trợ cho một CLB hay một ông chủ giàu có nào đó bơm tiền không giới hạn vào các CLB, làm sao còn cạnh tranh bình đẳng được. Do đó, sự minh bạch là yếu tố cần thiết, chúng ta phải nắm rõ nguồn doanh thu của các CLB xuất phát từ đâu.
- Ông có ngạc nhiên trước phản ứng của Ceferin và Tebas, khi họ phản đối dự án Super League? Ông nghĩ vì sao mà họ lại phản ứng gắt gao như vậy và vì sao ông tin rằng đang có một chiến dịch được dàn dựng để chống lại Super League?
- Hành vi của Chủ tịch UEFA là không đúng mực, càng đáng trách hơn khi đó lại là người đứng đầu của một tổ chức thúc đẩy phát triển bóng đá cùng những giá trị của nó. Phản ứng của họ toàn là oán trách, xúc phạm và cả đe dọa. Sức nặng trong những hành động đó khiến tôi bất ngờ. Tất cả những ý tưởng mà tôi đã trình bày về dự án trong cuộc phỏng vấn này, tôi hoàn toàn có thể tự mình giải thích với họ.
- Theo một số nguồn tin, chính Laporta đã tiết lộ về ngày ra mắt dự án Super League cho Tebas trong một bữa ăn. Và sau đó Tebas báo cho Ceferin, giúp UEFA có thể kịp thời ứng phó trả đũa. Ông có thấy chạnh lòng không?
- Thú thật là tôi không tin vào câu chuyện đó. Laporta biết Super League là giải pháp tối ưu nhất, vì nó giúp mang lại niềm đam mê bóng đá cho người hâm mộ cũng như mang đến nguồn doanh thu lớn cho các CLB. Nền kinh tế tồi tệ sẽ không buông tha cho bất kỳ CLB nào.
- Ông nghĩ các CLB có thể cầm cự được bao lâu nếu không cải tổ Champions League, bằng một giải đấu như Super League hay một giải đấu nào đó khác?
- Không lâu nữa đâu. Các CLB sẽ buộc phải bán đi những cầu thủ hay nhất của họ và rõ ràng điều đó chẳng hề hay ho một chút nào. Hệ quả của đại dịch không chỉ là những gì chúng ta đang trải qua, mà còn là những tác động của nó đến nền kinh tế.
- Nhưng nếu cho rằng UEFA đang độc quyền bóng đá ở châu Âu, làm sao họ có thể dễ dàng để Super League diễn ra?
- Vì luật pháp ở châu Âu cấm độc quyền. Và còn có một phán quyết từ Tòa án khẳng định rõ điều đó.
Perez vẫn mạnh mẽ bảo vệ Super League, bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của CĐV, chính quyền và UEFA. Ảnh: AS.
- Tất cả những rắc rối với UFEA hiện tại có thể được giải quyết thông qua những cuộc đàm phán trực tiếp giữa các CLB với mạng lưới các đài truyền hình được không?
- Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Nó cũng được ghi trong hợp đồng ràng buộc của các CLB Super League. 12 CLB đều đồng ý, nhưng những CLB khác thì dường như tìm cách chống lại dự án, trong khi bản thân đội bóng rổ của họ lại đang tham gia EuroLeague.
Đã đến lúc bắt tay vào công việc và tìm cách giải thích dự án cho mọi người, giải thích cho họ hiểu rằng Super League mang tính độc quyền là hoàn toàn sai. Chúng tôi muốn làm điều tương tự như giải bóng rổ EuroLeague. Nhưng cứ mỗi lần có sự thay đổi, kể cả là thay đổi để hướng đến điều tốt đẹp, thì y như rằng luôn vấp phải sự phản đối. Trong quá khứ, những câu chuyện tương tự đã từng diễn ra khi các giải vô địch quốc gia được thành lập, trong khi bấy giờ chỉ toàn các giải đấu mang tính khu vực, địa phương. Hay như khi Cup C1 châu Âu được ra đời vào năm 1955.
Song, thời thế đã đổi, con người và thế giới không ngừng phát triển và tất cả buộc phải thích nghi. Không chỉ là điều bức thiết mà còn là vì những gì tốt đẹp nhất. Tôi không nói UEFA cần phải làm gì, nhưng tôi nghĩ họ nên thay đổi, vì tạo ra một giải đấu giàu tính cạnh tranh hơn và giàu tính khốc liệt hơn là điều cần làm.
- Vậy việc thực hiện những thương vụ quan trọng trong tương lai có tùy thuộc vào viễn cảnh của Super League? Nếu giải đấu không được diễn ra, phải chăng chúng ta sẽ chứng kiến các CLB được nhà nước chống lưng ngày càng hùng mạnh, trong khi phần còn lại thì tụt dần phía sau?
- Điều quan trọng là mọi thứ phải được minh bạch hóa và nguồn gốc của những nguồn tài trợ cần được làm rõ. Ví dụ như một CLB nhận được hợp đồng tài trợ, thì đó là tài trợ gì, phải rõ ràng chứ không mập mờ. Mọi thứ tốt dần lên thì tất cả đều có lợi. 12 CLB sáng lập, không ít CLB có những ông chủ tỷ phú, nhưng chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ vấn đề đó.
- Dựa trên bối cảnh đó, liệu Real có thể giữ chân được Vinicius, hay Barca có thể giữ chân được Pedri, hay họ sẽ ra đi giống như cái cách Ferran Torres sang Man City từ Valencia?
- Vấn đề không nằm ở khả năng chiêu mộ, mà ở khả năng giữ chân các cầu thủ cần thiết trong đội hình. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu các CLB có buộc phải bán đi những ngôi sao quan trọng của họ hay không. Rất có thể những cầu thủ ấy sẽ lại sang những CLB với nguồn lực vô hạn, những CLB có nhiều hơn ba nguồn doanh thu mà tôi đã đề cập.
- Thứ Năm vừa qua, Tebas đã gặp mặt tất cả các CLB La Liga, ngoại trừ Real, Barca và Atletico Madrid. Ông có thấy tức không?
- Chuyện đó không quan trọng. Tôi chỉ muốn giải thích là phần lớn nguồn thu của La Liga đến từ sức hút của Real, Barca và Atletico. Sự thật là vậy. Tìm cách chống lại ba CLB đóng góp nhiều nhất cho giải đấu xem ra chẳng bình thường chút nào. Nhưng vì một số người được hưởng đặc quyền dựa trên dòng chảy của lịch sử, thế nên họ cảm thấy “nhột”.
- Cá nhân ông sẽ đặt ra khoảng thời gian bao lâu dành cho Super League để giải đấu hoặc tiếp tục hoặc bị hủy bỏ – kiểu như 4 năm như trong nhiệm kỳ Chủ tịch Real của mình chẳng hạn?
- Càng sớm càng tốt. Chúng tôi cần phải gấp rút trước khi quá trễ. Chúng tôi không thể chịu đựng được thêm 4 năm nữa, nếu mọi thứ cứ tiếp diễn như hoàn cảnh hiện nay… Tôi sẽ cho các bạn biết bản báo cáo của KPMG đối với các CLB. Nền bóng đá đang dần bị phá hủy.
- Ở giải vô địch quốc gia Italy, bản quyền truyền hình mới được ký kết có giá trị thấp hơn 300 triệu euro so với trước. Đó phải chăng là một lời cảnh báo?
- Điều tương tự cũng sẽ diễn ra ở Tây Ban Nha và ở Anh thôi. Giai đoạn tiếp theo của hợp đồng bản quyền truyền hình sẽ thấp hơn trước, trừ khi chúng ta khắc phục tình hình bằng cách gia tăng tính cạnh tranh và gia tăng sự quan tâm từ các trận đấu. Bằng không, thế hệ trẻ sẽ chuyển sang những nền tảng giải trí khác hấp dẫn hơn, những nền tảng mà vốn dĩ đang thay đổi từng ngày để tìm cách mang đến cho các khán giả những gì họ muốn và thu hút họ trở thành những khách hàng mới. Hệ quả là lượng khán giả bóng đá sẽ tiếp tục giảm.
Perez có mặt trên khán đài sân Di Stefano để chứng kiến Real thi đấu với Betis ở La Liga tối 24/4. Ảnh: Reuters.
- Rõ ràng là ông không hề cảm thấy thuyết phục trước dự án cải cách Champions League của UEFA cho năm 2024…
- Thật sự là không. Từ thể thức – mà chẳng một ai hiểu, cho đến thời gian tiến hành – tận năm 2024… hoặc chúng ta tìm cách sửa chữa, hoặc tất cả các CLB sẽ phá sản. Và một khi phá sản, sẽ có một cuộc binh biến của các CLB. Vì những CLB duy nhất sống sót lại chính là những CLB được nhà nước cấp vốn hoặc những CLB được sở hữu bởi những tỷ phú, những người sẵn sàng ném hàng trăm triệu euro mỗi mùa giải cho thú tiêu khiển của họ.
MU và các đội tháo chạy Super League phải đền 1,2 tỷ euro
European Super League chưa hết chao đảo khi MU và 7 CLB khác đã tháo chạy được tiết lộ phải đền một khoản lên tới 1,2 tỷ euro.
Giải đấu 'ly khai' European Super League do 'bố già' Florentino Perez - Chủ tịch Real Madrid làm 'chủ mưu' lôi kéo 11 CLB khác bắt tay thực hiện, không chỉ nói rút là rút.
Mỗi CLB rút khỏi Super League được cho phải nộp phạt 150 triệu euro
Tờ Der Spiegel (Đức) đã rò rỉ lệnh trừng phạt cho các đội bóng tự ý rút lui khỏi con tàu Super League được phủ bởi tiền và tiền.
Chủ tịch Perez không phải tay mơ, ông thậm chí đi trước người khác không chỉ một mà hai, thậm chí ba bước.
Cụ thể hơn trong điều lệ của European Super League được cho có quy định rõ ràng, bất cứ CLB nào rút lui sẽ phải trả 150 triệu euro cho những người sáng lập giải đấu.
Ông trùm Perez nổi tiếng là cáo già
Điều này có nghĩa, 8 CLB đã chính thức tuyên bố rút khỏi Super League là Man City, MU, Liverpool, Chelsea, Arsenal, Tottenham, Inter Milan và Atletico sẽ phải nộp phạt tạo nên con số tới 1,2 tỷ euro.
Số tiền này quá đủ để nói về cái tên của nó Super League hoặc để phân chia giữa 4 CLB vẫn còn bám trụ (Real Madrid, Barca, Juventus và Milan).
Nếu thông tin của tờ Der Spiegel là chính xác thì đây là cái giá quá đắt cho Big Six Ngoại hạng Anh cùng Inter và Atletico, không chỉ bị người hâm mộ phản đối dữ dội mà còn mất khoản lớn (150 triệu euro) giữa thời buổi kinh tế khó khăn.
Florentino Perez: Tham vọng của nhà vua và những thách thức khổng lồ Khi các CLB hàng đầu châu Âu từ bỏ dự án Super League, nó chẳng khác nào sự sỉ nhục với vị đạo diễn của giải đấu này: ông Florentino Perez, chủ tịch Real Madrid. Ảnh: Getty Images Tham vọng của Florentino Perez là sử dụng Super League để tăng doanh thu cho các CLB tham gia, chặn dòng tiền đã bị đổ...