‘Florence Foster Jenkins’ – Nữ ca sĩ hát dở nhất thế gian
Bộ phim tiểu sử có sự góp mặt của minh tinh Meryl Streep và tài tử Hugh Grant kể lại câu chuyện kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử dòng nhạc opera, diễn ra hồi thập niên 1940.
Trong giới thượng lưu và mộ điệu âm nhạc tại thành phố New York những năm đầu Thế chiến thứ II, Florence Foster Jenkins (Meryl Streep) là cái tên mà có lẽ ai cũng biết tới qua vai trò người chủ trì các cuộc hội ngộ người yêu nhạc, đồng thời sắm vai chính ở những hoạt cảnh mang đậm chất nhạc kịch.
Được thừa hưởng gia tài kếch xù từ cha – người hoàn toàn không muốn con gái theo nghiệp cầm ca, Florence quyết tâm đi ngược lại ý nguyện ấy, dành toàn toàn ý cho âm nhạc, cả với tư cách “Mạnh Thường quân” lẫn một ca sĩ opera nghiệp dư.
Florence Foster Jenkins là bộ phim tiểu sử về nữ ca sĩ opera sở hữu giọng ca dở tệ bậc nhất lịch sử, có sự góp mặt của Meryl Streep và Hugh Grant trong vai chính. Ảnh:Pathé.
Bà không hề cô đơn trên con đường theo đuổi giấc mơ âm nhạc. Bên cạnh Florence Foster Jenkins luôn là người chồng tận tụy St. Clair Bayfield (Hugh Grant) và anh chàng nghệ sĩ piano trẻ tuổi Cosmé McMoon (Simon Helberg).
Dù thường hay qua đêm cùng cô bạn gái bí mật Kathleen Weatherley (Rebecca Ferguson), ngài Bayfield vẫn luôn dành tâm sức chiều chuộng, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho bà vợ đam mê âm nhạc.
Còn về phần McMoon, tuy luôn nhút nhát và rụt rè vì xuất thân kém cỏi từ bang Texas xa xôi, nhưng anh chàng nhạc công trẻ tuổi với ngón đàn mềm mại lại là nguồn cảm hứng bất tận để Florence trau dồi giọng hát, chờ đợi cơ hội toả sáng.
Với đủ mọi điều kiện về cả vật chất lẫn tinh thần như thế, tưởng như ánh hào quang sân khấu chỉ còn cách Florence đúng một bài ca, một nốt nhạc, một buổi biểu diễn chật kín khán phòng.
Nhưng hoá ra đó lại chính là điều duy nhất mà bà không hề có. Không sở hữu khả năng thẩm âm, quý bà mê hát không nhận ra rằng những nốt cao vút vốn xuất hiện dày đặc trong các bản nhạc opera là hoàn toàn quá sức đối với cái cổ họng vô cùng yếu đuối của bản thân.
Lo sợ người vợ nhiều bệnh tật của mình bị sốc nếu biết rằng mình hoàn toàn vô vọng trong sự nghiệp âm nhạc, ngài Bayfield với sự giúp sức của McMoon không tiếc tiền của và công sức cách ly Florence khỏi sự thật, khỏi những lời gièm pha của người đời.
Ai cũng biết Florence Foster Jenkins có giọng ca dở tệ, ngoại trừ chính bản thân bà. Ảnh: Pathé.
Nhưng trớ trêu thay, càng che giấu bao nhiêu thì Florence Foster Jenkins lại càng muốn chia sẻ “tài năng” của bà với công chúng, đặc biệt là với những người lính Mỹ đang xung trận bên trời Âu.
Theo lẽ thường, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, liệu ngài Bayfield có thể mãi mãi bảo vệ vợ khỏi sự thật, và khi cái ngày định mệnh ấy xảy đến, tâm hồn đầy ắp những nốt nhạc của Florence sẽ phản ứng ra sao?
Màn trình diễn xuất sắc của Meryl Streep và Hugh Grant
Từ trước khi theo dõi Florence Foster Jenkins, nhiều người hẳn lập tức để ý tới ngôi sao gạo cội Meryl Streep – minh tinh có 19 lần nhận đề cử diễn xuất của Oscar, người sắm vai chính của bộ phim.
Không phụ lòng trông đợi của khán giả, Streep thêm một lần nữa chứng tỏ khả năng nhập vai hiếm thấy trong vai diễn người phụ nữ sở hữu tâm hồn nghệ thuật đẹp đẽ, nhưng lại có giọng hát khiến tất thảy phải kinh hoàng.
Video đang HOT
Đặc biệt, những ai từng chứng kiến tài nghệ ca hát và nhảy múa tuyệt vời của Meryl Streep ở Mamma Mia! (2008), họ hẳn không thể ngờ bà có thể “lột xác”, hoá thân thành một người phụ nữ vụng về, xập xệ, với những nốt hát kinh khủng.
Meryl Streep không bất cứ khó khăn nào trong việc khắc họa nhân vật phức tạp Florence Foster Jenkins. Ảnh: Pathé.
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc khắc hoạ vẻ bề ngoài và cách ứng xử lập dị của Florence Foster Jenkins, Meryl Streep còn thành công trong việc giúp khán giả dần dần cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ yêu âm nhạc, yêu cuộc sống, yêu những người xung quanh bằng tấm lòng chân thành, không giả dối, không vụ lợi tính toán.
Tuy không khí chủ đạo của Florence Foster Jenkins là sự hài hước mang đậm chất châm biếm, chua cay, nhưng chính nhờ diễn xuất dị biệt mà vẫn đầy chất nội tâm của Meryl Streep đã giúp bộ phim trở nên giàu cảm xúc và đáng suy ngẫm.
Cuộc đời nhiều phần viên mãn của Florence Foster Jenkins không thể không kể tới đóng góp tận tụy đến từ người chồng St. Clair Bayfield. Bên cạnh Meryl Streep, thành công của bộ phim có công không nhỏ của Hugh Grant.
Từng thành danh qua hình tượng người đàn ông lịch lãm, đa tình và lãng mạn trong hàng loạt tác phẩm nổi tiếng như Four Weddings and a Funeral (1994), Bridget Jones’s Diary (2001) hay Love Actually (2003), tài tử người Anh là lựa chọn không thể tốt hơn cho vai Bayfield.
Hugh Grant trở thành “một nửa” hoàn hảo của Meryl Streep trong bộ phim Florence Foster Jenkins. Ảnh: Pathé.
Với ánh mắt luôn chứa đầy sự trìu mến và lo lắng dành cho vợ, cùng diễn xuất kìm nén trong vai trò của người luôn đứng trong bóng tối nơi cánh gà, Hugh Grant đã khắc hoạ thành công sự đa chiều về tính cách và cảm xúc của Bayfield, nhưng đồng thời không lấy đi chút ánh sáng sân khấu nào của nhân vật trung tâm do Meryl Streep thể hiện.
Điều đáng tiếc là ngoại trừ hai nhân vật chính, tuyến nhân vật phụ củaFlorence Foster Jenkins chưa thực sự gây ấn tượng. Kịch bản phim không có nhiều tình tiết chăm chút cho việc phát triển tính cách nhân vật, và dành cho các ngôi sao như Rebecca Ferguson hay Simon Helberg rất ít đất diễn để thể hiện.
Câu hỏi về định nghĩa của thành công
Trong thế giới phim Hollywood, nơi nữ quyền chưa thực sự chiếm ưu thế, một tác phẩm lấy phụ nữ làm trung tâm như Florence Foster Jenkinskhó có thể thành công nếu như không có bàn tay của một đạo diễn am hiểu và trân trọng phái đẹp.
Thật may mắn cho ê-kíp sản xuất khi Stephen Frears là cái tên hoàn toàn xứng đáng cho chiếc ghế đạo diễn bộ phim. Trong quá khứ, ông từng rất thành công trong nhiều tác phẩm lấy đề tài số phận người phụ nữ độc lập như The Queen (2006) – phim về Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị, hayPhilomena (2013) – phim giành đề cử Oscar cho Phim truyện xuất sắc.
Lấy dư vị hài hước, châm biếm làm chủ đạo là quyết định tương đối mạo hiểm của Stephen Frears, bởi nếu Florence Foster Jenkins chứa đựng quá nhiều chi tiết hài hước xoay quanh hình ảnh dị biệt của nhân vật chính, khán giả khó lòng có thể cảm nhận những thông điệp ngầm ý nghĩa của tác phẩm.
Từ câu chuyện về người phụ nữ dị biệt, đạo diễn Stephen Frears muốn đặt ra câu hỏi thú vị về định nghĩa của thành công. Ảnh: Pathé.
Về bản chất, Florence Foster Jenkins kể lại số phận của một người phụ nữ phải cố hết sức chiến đấu bên bờ ảo vọng. Đứng ở ranh giới giữa một bộ phim hài thông thường và một tác phẩm bi hài nhiều lớp nghĩa, Stephen Frears đã tinh tế gợi mở dần các lớp màn che phủ con người thực sự của nhân vật chính, để rồi khiến khán giả từ chỗ bối rối sang khâm phục bà ở cuối phim.
Thêm nữa, nhà làm phim còn thành công tạo dựng hình ảnh và không khí lịch sử đầy màu sắc của thành phố New York vào những năm đầu Thế chiến thứ II, khi mà công chúng Mỹ tuy rất yêu thích nghệ thuật và sân khấu, nhưng cũng hề quên rằng con em họ đang phải chiến đấu một mất một còn với quân Phát xít.
Mới trong năm 2015, điện ảnh Pháp và đạo diễn Xavier Giannoli trình làng Marguerite – một bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của Florence Foster Jenkins. Tác phẩm mang về cho nữ diễn viên gạo cội Catherine Frot giải César (Oscar của nước Pháp) cho Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Câu chuyện trong Marguerite cũng xoay quanh số phận một người phụ nữ đam mê nghệ thuật và âm nhạc, nhưng lại sở hữu giọng ca gây ác mộng cho khán thính giả. Bộ phim được đặt trong bối cảnh đậm màu ảo mộng, chất chứa nhiều bi thương và cay đắng hơn Florence Foster Jenkins.
Tuy nhiên, cả hai bộ phim đều có một điểm chung, khi đặt ra cho khán giả câu hỏi đáng suy ngẫm rằng: thành công là đủ khả năng biến giấc mơ thành sự thật, hay chỉ đơn giản là dám mơ ước, dám chiến đấu đến cùng để theo đuổi giấc mơ đó?
Chứng kiến nụ cười thanh thản luôn nở trên môi của Florence Foster Jenkins, chắc nhiều người sẽ tìm ra câu trả lời thoả đáng cho bản thân.
Zing.vn đánh giá: 4/5
Theo Zing
Sau một thập kỷ rưỡi, tại sao phụ nữ vẫn mê đắm Nhật ký tiểu thư Jones?
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao một phụ nữ béo ú, kém xinh lại hậu đậu như tiểu thư Jones lại được đàn ông yêu quý và mọi phụ nữ thay vì ghen ghét với cô ta lại ngưỡng mộ?
Bridget Jones thực sự là một người phụ nữ "kì lạ" vì nếu như bạn đã tình cờ theo dõi cô nàng từ trước thì sẽ không tài nào hiểu nổi tại sao nàng luôn được các "soái ca" theo đuổi giành giật. Và điều càng không hiểu hơn nữa là ngay cả bạn dù có bất bình vì đời nàng quá "hư cấu" nhưng chị em xung quanh bạn vẫn phát cuồng. Tất nhiên, không phải kiểu cuồng tín dành cho Twilight (Twilight nói trắng ra cũng có nhiều chi tiết phát triển từ Bridget Jones đấy), nhưng phim vẫn có số lượng khán giả hùng hậu và luôn đứng đầu danh sách những phim Chick-flick đáng xem nhất mọi thời đại.
Trở lại sau 12 năm kể từ phần 2 Edge Of Reason, Bridget Jones's Baby đã chứng minh bà cô U50 vẫn làm thế giới đảo điên một lần nữa và còn thu hút hơn bọn gái trẻ. Sau đây sẽ là những lí do sẽ giúp bạn hiểu tại sao hội chị em gái vẫn cứ "hoài thương" Jones:
1. Bridget Jones - Nàng là nàng nhưng cũng có thể là bất kì ai trong chúng ta
Khác hẳn hoàn toàn với các nữ chính hoàn hảo khác, búng tay một cái là mọi chuyện hoàn thành, Bridget Jones từ phần 1 đã là cô nàng chả giỏi gì ngoài giỏi gây rắc rối; luôn vật lộn với cân nặng và đau đầu tìm kiếm tình yêu. Nàng còn giỏi uống rượu và hút thuốc, tuy nhiên đàn ông nào mê nổi một bà cô ngoài 30 béo ú, nhan sắc không có lại còn có thói hư tật xấu thế chứ?
Tuy nhiên, Bridget Jones có ưu điểm riêng. Nàng không xinh nhưng hài hước, lúc nào nàng cũng làm cho người khác cười nhờ điệu bộ, cách phát ngôn rất... bất thường, vừa vì những vấn đề củ tỉ âm ti trong đời nàng đã là một màn hài kịch. Khi ở bên nàng, từ luật sư khó tính Mark Darcy đến gã sếp phong lưu Daniel đến tỷ phú Mỹ Jack Qwant đều cảm thấy thoải mái, tự nhiên. Đó là cái duyên không phải ai cũng có được.
Thêm nữa, Bridget rất thẳng thắn. Công việc xuất bản không như ý? Gặp vấn đề với ex - sếp? Nàng đập bàn tuyên bố bỏ việc, nhảy qua mảng truyền hình và gắn bó ở đây luôn. Nàng cũng hết sức xông pha khi nhận nhiệm vụ mới, chả nề hà gì. Trong tình yêu, Bridget cũng rất chủ động anh nào làm Bridget phật ý thì thôi rồi đấy, nàng là người tuyên bố chia tay anh trước dù sao đó cũng khóc lóc sụt sùi.
Và mỗi lần có tình yêu Bridget lại hạnh phúc và thoải mái hơn vì dù sao đến cuối cùng thì tình yêu cũng là thứ mà mọi người phụ nữ muốn hướng tới. Tất cả những gì ở cô dường như là rất đúng tâm ý chung của đối tượng khán giả xem phim và họ có thể dễ dàng tìm thấy mình trong cô nàng này.
2. Khán giả thay đổi sau 10 năm, nàng Bridget cũng phải thay đổi
Cách đây hơn một thập kỉ, Bridget Jones cho ra mắt phần hai Edge Of Reason, phần này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi lẽ khán giả không tìm được những thứ "quen quen" và rất đời thường như phần 1 nữa. Tự dưng nàng Jones lại dễ dàng bay thẳng từ London đến nhà tù ở Thái Lan và ở đây vài hôm vì lỡ vận chuyển hàng cấm. Sáng tạo hơn nhưng lại mất đi linh hồn tác phẩm: chuyện của Jones cực kì tẹp nhẹp nhưng lại rất gần gũi!
Tuy vậy với dàn diễn viên không đổi gồm Renée Zellweger, Colin Firth, Hugh Grant và những màn tình tứ quá ngọt ngào giữa Bridget Jones và Mark Darcy, mọi lỗi lầm của bộ phim đều ở thứ cấp. Phim vẫn thu được 262 triệu USD trên toàn cầu, chỉ thấp hơn 19 triệu USD so với phần 1 (281 triệu USD).
Trở lại sau 10 năm, những khán giả ngày xưa từng mê đắm tiểu thư Jones hẳn không còn ở lứa tuổi 20 - 30. Họ giờ đây đã ở lớp 30 - 40 hoặc còn hơn. Thấy được điều đó và quyết không phạm lại sai lầm ở phần hai, đạo diễn Sharon Maguire, người làm nên phần 1 đình đám đã trở lại và tạo cho "gái ế quốc dân" những sự thay đổi đáng chú ý.
Bước vào phần 3 Bridget Jones's Baby, cô nàng hậu đậu ngày nào không còn điên cuồng chạy theo tình yêu dù giờ đây vẫn đi về lẻ bóng. Tuy nhiên cô lí trí hơn và biết lấy sự nghiệp làm trọng tâm. Với sự thay đổi tích cực này, lớp khán giả khi xưa gặp lại cô bạn cũ một cách vừa quen vừa lạ. Họ trưởng thành dần thì Bridget Jones cũng phải lăn lộn với những vấn đề to hơn.
3. Lựa chọn gia đình hay công việc?
Xác định rõ đối tượng khán giả của mình, Bridget Jones mạnh dạn nhắm thẳng vào lứa phụ nữ đang điên đầu lựa chọn hoặc là công việc, hoặc là con cái (càng khó tợn và bứt rứt khi con của họ còn rất nhỏ). Trong bối cảnh đó, họ còn gặp khó khăn từ lớp đồng nghiệp trẻ hơn, nhiều tham vọng hơn và cũng... láo lếu hơn.
Và lại chuyện tình cảm, đối tượng mà Bridget Jones's Baby vẫn ưu ái chính là những người phụ nữ đang từng ngày nhìn bạn bè mình kết hôn, có con và luôn chối đây đẩy rằng chưa tìm được Mr. Right. Đúng, đây chính là bộ phim dành cho họ.
Với lớp khán giả trẻ hơn thì sao? Có thể nói thế này: những ai đã đi làm vài năm, đã nếm đủ chua cay nơi làm việc cũng như bạn bè rủ nhau cưới, mình mãi đi về lẻ bóng cũng hiểu thấu vấn đề thôi.
3. Hãy sống một cuộc đời như Bridget Jones
Bridget Jones's Baby mang cái tên rất gần gũi với các "bà mẹ bỉm sữa" nhưng song song bên chủ đề mẹ và con thì bộ phim còn dành tặng cho tất cả phụ nữ trên trái đất này.
Mang lại sự ấm áp và quen thuộc như những phần đầu, Bridget Jones's Baby đưa ra thông điệp: độc thân và không xinh đẹp chưa bao giờ là vấn đề. Bridget Jones cổ vũ tất cả phụ nữ, đồng thời chỉ ra cho họ thấy rằng phải ra ngoài tận hưởng cuộc sống, như Jones đã bước đến lễ hội âm nhạc thì mới tìm thấy điều kì diệu.
Cuộc sống luôn có khó khăn, một mình gặm nhấm nó thì tốt, rất động lập và cá tính. Tuy nhiên đôi lúc cũng phải buông nó ra để vui vẻ hơn, để sống trọn một khoảnh khắc vui vẻ.
Theo Harley / Trí Thức Trẻ
Kỷ niệm 10 năm ra mắt "The Devil Wears Prada": Những câu chuyện chưa kể Thấm thoát đã 10 năm trôi qua từ khi "The Devil Wears Prada" tạo nên cơn sốt thời trang trên toàn thế giới. Được đánh giá là một trong những bộ phim chuyển thể thành công nhất, The Devil Wears Prada kể về Andy Sachs, một cô sinh viên vừa tốt nghiệp trường đại học Northwestern may mắn nhận được một công việc...