Facebook và chuẩn mực ứng xử đời thường
Thay vì giết thời gian vào những mối quan hệ ảo thì hãy vun đắp, củng cố và xây dựng những mối quan hệ không bao giờ rời bỏ ta đi.
Không biết từ khi nào Facebook trở thành người bạn “tâm giao” của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn cập nhật Facebook mọi lúc mọi nơi. Cứ ngỡ như đó là những điều làm ta cảm thấy vui và hạnh phúc; nhưng trong một phút giây tĩnh lặng nhìn lại thì mạng xã hội này đã lấy đi rất nhiều thứ mà bản thân chúng ta không hay biết.
Facebook đang chi phối rất lớn đời sống của con người. (Ảnh minh họa: Internet)
Giao tiếp ảo lấn giao tiếp thật
Quả thực Facebook đã ảnh hưởng đến đời sống của mỗi chúng ta rất nhiều. Điểm đầu tiên có thể nhìn thấy đó là về mặt giao tiếp xã hội. Facebooker “nhiệt tình” với những người bạn trên Facebook, sẵn sàng nhấn Like khi thấy một trạng thái hay hình ảnh mình thích thú, họ viết những lời động viên hay cảm nhận cá nhân. Nhưng trong cuộc sống thực, họ lại chưa bao giờ hoặc rất ít khi chia sẻ, tâm tình, động viên người khác bằng lời nói, nhất là với những mối quan hệ thân thuộc.
Trước đây, về đến nhà cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm, con cái thủ thỉ cho cha mẹ nghe những câu chuyện về trường lớp và những người bạn. Hiện nay thì sao? Trong bữa cơm gia đình, các thành viên thay vì nói chuyện lại nhìn vào chiếc điện thoại, con cái chat với bạn bè, cha mẹ bận bàn chuyện cùng đối tác. Và cứ thế những mối quan hệ giãn ra, khoảng cách giữa mọi người ngày một lớn.
Việc lạm dụng Facebook cho việc giao tiếp trực tiếp đã dẫn đến sự hạn chế về ngôn ngữ ở ngay chính trong gia đình. Cha mẹ không biết phải nói chuyện với con như thế nào, chưa kể con sử dụng những ngôn ngữ “teen” mà cha mẹ không thể nào hiểu được. Cứ thế, từ hạn chế về ngôn ngữ dẫn tới khoảng cách về thế hệ ngày một rộng hơn.
Video đang HOT
Chưa hết, ngày nay người ta dễ nhấn Like một cách quá vô tư, dễ chửi mắng vô cảm. Cứ nghĩ mình biết tất cả nên không ít người cứ thoải mái làm “thánh phán”… Không ít sai lầm giới trẻ thường mắc phải khi sử dụng mạng xã hội là vô tư công khai quá nhiều thông tin cá nhân, tin tưởng mù quáng vào các thông tin chia sẻ cũng như những lời đường mật nên gặp phải “đai già lừa” hay giới trẻ còn gọi vui là “sói ca thời hiện đại”. Đó là chưa kể vì sống ảo và tin vào những cái ảo nên nhiều Facebooker dễ bị “dắt mũi” bởi các thông tin sai lệch, không thực tế. Chính kiểu gửi trao niềm tin nhầm địa chỉ làm cho không ít người dở khóc dở cười.
Cái tôi trong thế giới ảo
Có thể nói, Facebook là thế giới mà người ta tin năng lực của mình được người khác kính nể trước một nút Like, càng nhiều Like đồng nghĩa với việc mình đang được yêu mến và tôn trọng. Nhưng chỉ là một cái nhấn chuột, ngay cả một đứa trẻ cũng có thể làm được. Có khi họ chẳng quan tâm chủ tài khoản Facebook đang nghĩ hay làm gì, mà họ chỉ cần thấy là Like. Họ thường xuyên Like để mong nhận lại một sự trao đổi, đơn giản chỉ vậy thôi!
Những con số màu đỏ trên Facebook rất ma lực. (Ảnh minh họa: Internet)
Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận cá nhân nhìn thấy lượt Like của mình tăng lên mỗi ngày nên không ngừng cập nhật tin tức, có khi đang đi ăn, uống nước với bạn bè, hôm nay mâu thuẫn với ai, làm bài thi không được…, tất cả được gói gém và nhờ Facebook chuyển giùm tới mọi người. Sau khi nhận được vô số lượt Like và bình luận thì họ tự xây nên một “ốc đảo” mà bên trong đó, họ trở thành trung tâm của sự chú ý.
Bên ngoài họ xềnh xoàng nhưng khi bước vào thế giới ảo, họ trở thành một vì sao sáng, một con người để người khác ngưỡng mộ. Trong lúc bản chất bên trong không có mà cứ tạo nên những hào nhoáng bên ngoài như vậy sẽ được bao lâu? Đến nỗi một số cá nhân xung quanh phát ngán nhưng “nể” nên chẳng nói. Một thời gian sẽ dẫn tới chuyện bỏ lơ vì chỉ cần nhìn là biết bạn mình sắp đưa hình gì lên Facebook.
Hãy tưởng tượng bỗng một ngày tất cả công nghệ không còn. Những người bạn hàng ngày Like và chia sẻ trên mạng có chạy đến và hỏi han bạn không? Chỉ một cú nhấn chuột để nổi tiếng trên thế giới ảo nhưng tiếc rằng, trong thế giới thực không có “cú click” nào biến cá nhân từ một người lười biếng trở thành chăm chỉ.
Facebook đã kết nối những người trên thế giới mạng với nhau nhiều hơn, nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại trong cái ảo của nó. Có những cảm xúc là ảo, có những lời nói chia sẻ không xuất phát từ trái tim mà từ thói quen. Ngược lại, những tổn thương trong tâm hồn nếu xảy ra là có thực. Đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo nhận ra đâu là những giá trị ảo và đâu là những giá trị vĩnh hằng. Họ tung hô bạn trên thế giới ảo, nhưng đến lúc cuộc sống bạn gặp khó khăn và trở ngại thì chỉ có gia đình và những người thân yêu bên cạnh.
Vậy nên, thay vì giết thời gian vào những mối quan hệ ảo thì hãy vun đắp, củng cố và xây dựng những mối quan hệ không bao giờ rời bỏ ta đi. Và hãy nhớ rằng, giềng mối của sự ứng xử vẫn còn dựa trên những giá trị làm người dù xã hội có phát triển đến mức nào đi nữa.
Theo Danviet.vn
Càng vào Facebook, càng dễ thất vọng
Những người thường xuyên truy cập Facebook, Instagram... sẽ khó tránh khỏi nỗi ghen tị trước những niềm vui, sự thành công mà bạn bè họ đang chia sẻ lên mạng xã hội.
Tâm trạng này càng dễ xảy ra khi bạn ngồi một mình trong một buổi tối nhàm chán, không có ai bên cạnh trong khi dường như cả thế giới đang tiệc tùng hoặc tận hưởng kỳ nghỉ lễ ở những nhà hàng sang trọng, dưới ánh nến lung linh trên bãi biển...
Ảnh minh họa: Lifehack
Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Mỹ cho thấy có "một mối liên kết mạnh mẽ và rõ rệt giữa mức độ sử dụng mạng xã hội và sự thất vọng, chán nản" dựa trên khảo sát một nhóm người dùng trẻ ở Mỹ.
Nghiên cứu khẳng định, mức độ thất vọng tăng cao tỷ lệ thuận với thời gian và số lần truy cập các trang mạng xã hội mỗi tuần.
Kết quả này cũng tương đồng với một số khảo sát trước đây. Năm 2013, nghiên cứu được Đại học Humboldt và Đại học kỹ thuật Darmstadt (Đức) thực hiện cho thấy cứ ba người tham gia khảo sát thì có một người cảm thấy chán chường sau khi truy cập Facebook. Những người có thói quen đọc thông tin hơn là chia sẻ nội dung bị tác động nhiều nhất.
"Tham gia Facebook thụ động (chỉ đọc không đóng góp nội dung) là một trong những thủ phạm chính của sự ghen tị, dù họ không nhận ra", nghiên cứu khẳng định. Người ở độ tuổi 30 dễ so bì với hạnh phúc gia đình khác trong khi phụ nữ lại hay chạnh lòng khi thấy người khác đẹp hơn, dùng đồ đắt tiền... hơn họ.
Tương tự, khảo sát cùng thời điểm này của VnExpress cũng cho thấy gần 30% số độc giả tham gia cảm thấy ghen tị với bạn bè trên Facebook và cho rằng họ đang hạnh phúc hơn mình.
Nội dung gây "ức chế" nhất chính là ảnh du lịch khi hơn một nửa số người tham gia thừa nhận họ thấy sự thất vọng nổi lên khi click vào các album mô tả cảnh bạn bè họ đi chơi, nghỉ mát... Chính những cảm giác này khiến không ít người tích cực khoe trên Facebook để tự huyễn hoặc bản thân hoặc khiến người khác cũng phải ghen tị với họ. Chẳng hạn, đàn ông "đánh bóng" bản thân bằng cách kể những thành tích mà họ đạt được trong công việc, sắm nhà cửa, xe hơi... trong khi phụ nữ thích khoe họ xinh đẹp, được nhiều người khen, được tặng những món quà xa xỉ...
Các nhà nghiên cứu cho hay tuy khảo sát chỉ diễn ra ở Đức hoặc Mỹ, kết quả lại mang tính toàn cầu dù mức độ mỗi nơi có thể chênh lệch nhau.
Đầu năm 2012, Jake Reilly, 24 tuổi ở Chicago (Mỹ), cũng quyết định không truy cập Facebook, Twitter hay gửi e-mail, SMS... trong ba tháng. "Facebook là trò vô bổ vì người ta chỉ đưa lên đó những ảnh đẹp nhất, chỉ khoe khi vào nhà hàng xịn nhất. Trên đó, bạn luôn thấy những người có công việc tốt hơn, đi du lịch nhiều hơn, có vợ xinh hơn và rất nhiều thứ khác hay ho hơn của bạn. Bạn chẳng bao giờ hiểu được những góc khuất trong cuộc sống của họ", Reilly khẳng định.
Châu An
Theo VNE
Bạn có phải là người trung thành với Facebook? Nếu như ứng dụng Facebook bị sập, bạn có cố gắng truy cập chúng vài phút một lần? Nếu có, bạn là con nghiện của mạng xã hội này. Theo nguồn tin riêng của tờ The Information, để kiểm tra mức độ trung thành của người dùng, thỉnh thoảng, Facebook tự làm treo, tắt ứng dụng Android của mình trong nhiều giờ liền....