Facebook – nhà giàu keo kiệt
Không chỉ không có tên trong danh sách 5 công ty có chính sách lương thưởng tốt nhất Silicon Valley, Facebook còn bị đánh giá là khá keo kiệt.
Facebook giàu nhưng “keo kiệt”.
Khi nhắc đến những nơi làm việc lý tưởng nhất tại Silicon Valley, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Facebook, với hình ảnh văn phòng trẻ trung, hiện đại, đi kèm đó là chính sách lương thưởng hậu hĩnh. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Facebook thậm chí còn không đứng trong top 5 công ty ở Silicon Valley trả lương cao nhất hiện nay. Hãng này chỉ đứng thứ 8 trong danh sách do Glassdoor xếp hạng.
Juniper Networks là công ty công nghệ trả lương cao nhất tại Silicon Valley.
Glassdoor là website đánh giá về công việc và lương thưởng do các nhân viên và cựu nhân viên làm việc tại Silicon Valley đưa ra. Số liệu của Glassdoor dựa trên các đánh giá và bảng lương trong giai đoạn từ tháng 3/2015 đến 3/2016 và được cho là rất đáng tin cậy.
Top 5 công ty trả lương cao nhất
Đứng đầu danh sách là Juniper Networks, công ty chuyên cung cấp các giải pháp mạng hiệu suất cao cho nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân. Các nhân viên ở đây được hưởng mức lương trung bình khoảng 135.000 USD/năm, nhưng nếu tính cả những khoản khác thì có thể lên tới 157.000 USD/năm (bao gồm lương và lợi ích).
Google có môi trường làm việc và chế độ lương thưởng rất tốt.
Công ty trả lương hậu hĩnh thứ 2 chính là Google, với 123.300 USD/năm. Nếu tính cả các khoản khác, thù lao trung bình một nhân viên Google nhận được là 153.750 USD/năm. Google nổi tiếng với môi trường làm việc thúc đẩy sáng tạo, các văn phòng hiện đại, đa phong cách, bữa ăn miễn phí kèm theo nhiều dịch vụ phục vụ “tận răng” cho nhân viên.
VMware làm ăn khá tốt và “rộng rãi” với nhân viên.
Tiếp theo là VMware, hãng cung cấp các giải pháp ảo hóa và đám mây cho khách hàng lớn. Tuy không mấy nổi trội trên các phương tiện truyền thông nhưng VMware làm ăn tương đối tốt, và không ngạc nhiên khi nhân viên ở đây hưởng mức lương trung bình 130.000 USD/năm, tổng cộng có thể lên tới 152.130 USD/năm.
Lương cao với công việc nghiên cứu và phát triển tại Amazon Lab126.
Với mức lương trung bình của nhân viên là 138.700 USD/năm (tổng lên tới 150.100 USD/năm), Amazon Lab126 chứng tỏ là môi trường làm việc khá hấp dẫn. Tuy nhiên, phạm vi công việc của Amazon Lab126 chỉ giới hạn trong lĩnh vực R&D nên việc tuyển dụng khá khắt khe.
Đứng áp chót danh sách top 5 những công ty trả lương hậu hĩnh nhất tại Silicon Valley là Guidewire, chuyên cung cấp phần mềm “back-end” cho các hãng bảo hiểm tài sản và trách nhiệm (P&C) ở Mỹ và toàn cầu. Lương trung bình ở đây là 135.000 USD/năm, và tổng thu nhập có thể lên tới 150.020 USD/năm.
Facebook – nổi tiếng nhưng keo kiệt
Facebook nổi tiếng tới mức trẻ em, người già, thậm chí các bà bán thịt, bán cá ở chợ cũng biết nếu họ chơi “Phây”. Chỉ tính riêng năm 2015, Facebook đã kiếm về 17 tỷ USD doanh thu, nhưng nhân viên ở đây chỉ được hưởng mức lương trung bình 127.400 USD/năm (tổng cộng có thể đạt 150.000 USD).
Video đang HOT
Nhân viên Facebook có tuổi đời rất trẻ.
Đứng trước Facebook là công ty cung cấp phần mềm thiết kế Cadence Design Systems với mức lương trung bình 140.000 USD/năm (mức tổng có thể là 150.010 USD/năm).
Theo sau Cadence Design Systems là tập đoàn dịch vụ tài chính Visa với lương trung bình 130.000 USD/năm, tổng thu nhập là 150.000 USD/năm.
Mặc dù quy mô và doanh thu chỉ bằng phần nhỏ Facebook nhưng mạng xã hội Twitter có chính sách lương thưởng rất hậu.
Trong danh sách còn có thêm mạng xã hội Twitter. Tuy có số người dùng không bằng Facebook và doanh thu năm 2015 chỉ khoảng 2,21 tỷ USD, nhưng Twitter có chính sách lương thưởng rất cao. Lương nhân viên trung bình đạt 133.000 USD/năm (tổng thu nhập 150.000 USD/năm), nghĩa là ngang ngửa và cao hơn Facebook.
Nói chung, lương và tổng thu nhập của nhân viên các công ty trên không mấy cách biệt. Chẳng hạn, dịch vụ lưu trữ đám mây Box cũng nằm trong danh sách với lương nhân viên trung bình 130.000 USD/năm và tổng thu nhập 150.000 USD/năm.
Danh sách còn thêm một số cái tên nữa như Walmart eCommerce, Synopsys, Altera, LinkedIn, Cloudera, Salesforce và Adobe.
Tất nhiên, lương lậu không phải là tất cả. Được làm đúng công việc mình yêu thích, lương cao cộng với môi trường làm việc dễ chịu, cọ xát nâng cao tay nghề và có cơ hội thăng tiến vẫn là lựa chọn hàng đầu của các ứng viên hiện nay.
Gia Nguyễn
Theo Zing
Những bóng hồng quyền lực tại Thung lũng Silicon
Những vị trí đặc biệt quan trọng như CEO của Yahoo, YouTube, Facebook, Oracle hay HP đều đang được nắm giữ bởi các lãnh đạo nữ.
Meg Whitman, nữ lãnh đạo nắm giữ nhiều chức vụ nhất tại Silicon Valley.
Họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, những vị trí lãnh đạo quan trọng trong các tập đoàn công nghệ lớn không chỉ dành cho nam giới.
Safra Catz - đồng CEO của Oracle
Trong năm đầu tiên kể từ khi Larry Ellison, sáng lập kiêm chủ tịch Oracle, "xuống chức" làm giám đốc công nghệ, hai nhân vật mới là Mark Hurd và Safra Catz đã được đưa lên giữ chức CEO. Cả hai CEO này đã giúp mang lại làn gió mới cho Oracle.
Safra Catz, CEO Oracle.
Dưới sự điều hành của Safra Catz và đồng nghiệp, Oracle đang cố vươn lên đạt mục tiêu là công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đầu tiên trên thế giới cán mốc doanh thu 10 tỉ USD. Safra Catz là một trong số các lãnh đạo được trả lương cao nhất tại Silicon Valley năm 2015. Thu nhập năm ngoái của nữ CEO này là gần 57 triệu USD.
Thương vụ sáp nhập gần đây nhất (2016) của Oracle là mua lại công ty Opower, một công ty quản lý năng lượng dựa trên nền tảng đám mây, với giá 532 triệu USD. Hơn một nửa các công ty năng lượng lớn nhất thế giới đang là khách hàng của Opower. Trước đó, Oracle đã chi 663 triệu USD mua lại công ty cung cấp dịch vụ đám mây Textura hoạt động trong ngành công nghiệp xây dựng.
Angela Ahrendts - Phó chủ tịch cao cấp phụ trách bán lẻ và cửa hàng trực tuyến Apple
Kể từ khi rời bỏ vị trí CEO của Burberry năm 2014 để đảm nhận chức vụ mới tại Apple, Ahrendts đã cải tổ đáng kể mảng bán lẻ và cửa hàng trực tuyến của "quả táo". Dưới thời Ahrendts, các sản phẩm Apple luôn được định vị là mặt hàng cao cấp, chẳng hạn như đôi loa do Apple sản xuất cũng có giá ngất ngưởng gần 2.000 USD.
Angela Ahrendts - Phó chủ tịch cao cấp của Apple.
Ahrendts đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa bán hàng trực tuyến và bán hàng trực tiếp. Chính bà là người đưa ra ý tưởng tạo không gian họp 24h, Wi-Fi miễn phí và trang hoàng lộng lẫy cho các cửa hàng bán lẻ, như từng làm ở San Francisco.
Ahrendts hy vọng sẽ biến cửa hàng Apple thành một phần tất yếu của cộng đồng nơi đó, cũng giống như triết lý hòa nhập với cuộc sống hiện đại của các sản phẩm Apple hiện nay.
Susan Wojcicki - CEO của YouTube
Kể từ khi là CEO YouTube năm 2014, Wojcicki đã tạo ra vô số các thay đổi. Dưới sự lãnh đạo của bà, YouTube đã chia thành các mảng: thực tế ảo, chương trình trực tiếp và dịch vụ tính phí 10 USD/tháng (không bị quảng cáo làm phiền). Động thái này được cho là giúp tiếp cận và cung cấp dịch vụ video cho khách hàng hiệu quả hơn.
Susan Wojcicki - CEO YouTube.
YouTube cũng gặt hái được nhiều hợp đồng quảng cáo "khủng", chẳng hạn vụ ký hợp đồng 200 triệu USD với công ty mua quảng cáo Magna Global. YouTube cũng đồng thời thử nghiệm phát quảng cáo video cho các doanh nghiệp nhỏ. Gần đây, Wojcicki còn nâng cấp tính năng cho phép các thương hiệu tự động chèn nội dung vào các video được xem nhiều nhất của YouTube.
Marissa Mayer - CEO của Yahoo
Trách nhiệm của Marissa Mayer hiện rất nặng nề. Yahoo đang trong quá trình tái cơ cấu, doanh thu giảm, các nhà đầu tư bất an, trong khi bản thân công ty vẫn vung tiền cho những vụ sáp nhập không mang lại lợi nhuận thực sự.
Marissa Mayer - CEO của Yahoo - đang đối mặt với nhiều lời kêu gọi từ chức.
Trong mớ bòng bong đó, nhiều người đã đổ lỗi cho Mayer vì bà giữ cương vị CEO Yahoo đã 4 năm nhưng vẫn chưa vực dậy được công ty. Yahoo được xem như canh bạc cuối của Mayer. Liệu có tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm" hay "đánh đắm con thuyền Yahoo", tất cả đều phụ thuộc vào Mayer.
Sheryl Sandberg - Giám đốc điều hành Facebook
Sheryl Sandberg là người phụ nữ quả cảm và tài năng. Sau cái chết của chồng năm 2015, Sandberg đã phải vật lộn với những giằng xé và mất mát. Mặc dù phải chịu đựng nỗi đau và nuôi 2 con nhỏ, bà vẫn đảm đương tốt vị trí CEO tại Facebook.
Sheryl Sandberg - CEO Facebook.
Sandberg còn là người đỡ đầu cho Globality, một công ty khởi nghiệp có sứ mệnh trợ giúp doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dễ dàng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Bà từng nói: "Làm mẹ là công việc quan trọng nhất và khó khăn nhất mà tôi từng trải qua".
Diane Bryant - Phó chủ tịch cao cấp kiêm Tổng giám đốc Bộ phận Trung tâm Dữ liệu Intel
Diane Bryant - hy vọng sống còn của Intel.
Trong bối cảnh thị trường PC tụt giảm không phanh, Bryant đã giữ cho Intel "sống sót" theo đúng nghĩa đen, khi lãnh đạo xuất sắc bộ phận trung tâm dữ liệu (DCG). DCG là đơn vị kiếm được nhiều tiền nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Intel. Chính bộ phận này đã làm ra các con chip cho xe hơi tự hành, mạng điện thông minh, thiết bị bay không người lái. Chỉ riêng năm ngoái, bộ phận này đã kiếm về 16 tỉ USD, tương đương với 30% tổng doanh thu của Intel.
Hướng đi sắp tới đây của Intel là Internet of Things (IoT), sẽ càng làm tăng thêm quyền lực cho Bryant, khi bà được xem là người không thể thay thế của công ty này.
Diane Greene - sáng lập công ty Bebop, Phó chủ tịch cao cấp bộ phận kinh doanh đám mây của Google
Diane Greene - sếp nữ phụ trách mảng kinh doanh đám mây của Google.
Khi công ty mẹ của Google là Alphabet mua lại Bebop với giá 380 triệu USD năm ngoái, Greene đã trở thành một nhân vật có tiếng tại Silicon Valley. Cách đây 8 tháng, bà được bổ nhiệm lãnh đạo bộ phận kinh doanh đám mây của Google.
Greene và đội của bà đã sáng tạo ra những cách thức mới giúp xử lý dữ liệu và cung cấp hiệu quả dịch vụ đám mây cho doanh nghiệp.
Meg Whitman - Chủ tịch kiêm CEO của Hewlett Packard Enterprise và HP Inc.
Sau nhiều năm làm ăn thất bát, sa thải nhân viên liên miên, Whitman đã quyết định tái cơ cấu HP để giành lại ánh hào quang ngày nào. HP bị tách làm 2 công ty: Hewlett Packard Enterprise (HPE) chuyên bán phần cứng (chẳng hạn máy chủ), còn HP Inc. chuyên về máy in và PC.
Meg Whitman - bóng hồng nắm giữ nhiều chức vụ nhất tại Silicon Valley.
Tháng 5 vừa rồi, Whitman lại chia tách công ty một lần nữa. Bà tách mảng dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh của HPE rồi sáp nhập với mảng Khoa học Máy tính (Computer Sciences), với hy vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Whitman hiện là CEO của HPE và có chân trong ban lãnh đạo của cả 3 công ty mới.
Gia Nguyễn
Theo Zing
Facebook đã đánh bại Google Plus như thế nào? Facebook đã phản ứng nhanh chóng với mạng xã hội từ Google, và toàn bộ công ty phải tận dụng hết sức lực nhằm đánh bại đối thủ. Zing.vn lược dịch bài viết của tác giả Antonio García Martínez đăng trên Vanity Fair về cuộc chiến giữa Facebook và Google Plus năm 2011. Mark Zuckerberg là một thiên tài. Nhưng Mark không thiên...