Facebook mưu đồ gì khi đầu tư 5,7 tỷ USD vào công ty Internet Ấn Độ?
Sở hữu cổ phần của nhà mạng lớn nhất Ấn Độ được xem là bệ phóng giúp Facebook tiếp cận thị trường 1,3 tỷ dân.
Lược dịch bài viết của tác giả Mike Isaac và Vindu Goel, trang tin The New York Times.
Trong thông báo công bố ngày 22/4, Facebook đạt được thoả thuận đầu tư trị giá 5,7 tỷ USD để sở hữu 9,9% cổ phẩn công ty Jio Platform của Ấn Độ.
Đây là một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất của Facebook, chứng minh sự quyết tâm đối với thị trường đất nước tỷ dân. Đồng thời là dấu hiệu cho thấy các ông lớn công nghệ bắt đầu hoạt động lại sau đại dịch.
Jio Platforms là công ty con của Reliance Industries, một trong những doanh nghiệp đa quốc gia lớn nhất Ấn Độ và là nhà cung cấp chính các dịch vụ di động, Internet tại đất nước này.
Jio có tham vọng lấn sân vào lĩnh vực thương mại điện tử, xây dựng data center, phát triển Internet cáp quang, phân phối dịch vụ y tế và giáo dục từ xa bằng các cải tiến công nghệ thông tin.
“Ấn Độ đang trong thời kỳ chuyển đổi kỹ thuật số, các công ty như Jio đóng vai trò lớn trong việc đưa hàng trăm triệu người dân và doanh nghiệp tiếp cận Internet”, Mark Zuckerberg, CEO Facebook viết trên trang cá nhân.
Các công ty như Jio đóng vai trò lớn trong việc đưa hàng trăm triệu người dân và doanh nghiệp tiếp cận Internet.
Tiềm năng của thị trường 1,3 tỷ dân
Facebook cho biết bước đi này là lời cam kết của họ với thị trường Ấn Độ. Đặc biệt khi Jio sở hữu lượng người dùng dịch vụ Internet lên tới con số 388 triệu người.
WhatsApp đã dành nhiều năm phát triển công cụ quản lý và hệ thống thanh toán cho các doanh nghiệp nhỏ. Facebook cũng đang xây dựng cửa hàng trực tuyến để người dùng thực hiện giao dịch trên nền tảng này.
“Đồng bộ hoá với JioMart, WhatsApp sẽ tạo ra một trải nghiệm liền mạch khi người dùng có thể kết nối với doanh nghiệp và mua hàng ngay trên ứng dụng”, David Fischer, Giám đốc Doanh thu và Ajit Mohan, Giám đốc Facebook tại thị trường Ấn Độ chia sẻ.
Có khoảng 400 triệu người dùng đang sử dụng WhatsApp và hàng chục triệu doanh nghiệp nhỏ lựa chọn ứng dụng này để liên lạc tại Ấn Độ. “Làm sao để giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp này tới lượng người dùng khổng lồ của Jio?”, Mohan đặt câu hỏi đồng thời đưa ra câu trả lời.
Video đang HOT
Thương vụ mang lại lợi ích cho đôi bên
Đây không phải lần đầu tiên Facebook tiếp cận thị trường Ấn Độ. Vài năm trước,Facebook từng muốn cung cấp Internet miễn phí với chương trình Free Basic.
Tuy nhiên, dự án phải dừng lại vào năm 2016 vì nhà quản lý lo lắng về yếu tố cạnh tranh không công bằng giữa các đơn vị cung cấp.
Gần đây, Facebook liên tục gặp vấn đề với Ấn Độ khi chính phủ quốc gia này yêu cầu WhatsApp mã hoá một số đoạn thông tin của người dùng và WhatsApp từ chối hợp tác. Ngược lại, các cơ quan quản lý được cho là trì hoãn việc cấp phép cho WhatsApp thực hiện dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Jio được thành lập vào năm 2016 bởi Mukesh Ambani, một nhà tài phiệt giàu có của Ấn Độ. Công ty này cung cấp các cuộc gọi miễn phí và dữ liệu 4G siêu tốc.
Từ đó, Jio trở thành nhà mạng lớn nhất Ấn Độ với khoảng 400 triệu người đăng ký. Sự phát triển của Jio giúp giảm chi phí Internet di động tại Ấn Độ xuống mức thấp nhất thế giới, với cước dữ liệu và cuộc gọi gần như không giới hạn mà chỉ tốn vài USD một tháng.
Tuy nhiên, ông Ambani phải chịu khoản nợ khổng lồ để xây dựng Jio như hôm nay. Những chi phí đó là gánh nặng cho các công ty khác của tập đoàn Reliance Industries.
Nguồn tiền từ Facebook được dự đoán sẽ giúp Reliance giảm bớt một phần nợ và có thể tái đầu tư vào các dự án dài hạn khác.
Jio Platform được thành lập vào năm 2016 bởi Mukesh Ambani, một nhà tài phiệt giàu có của Ấn Độ.
Ông Ambani được biết là người có tiếng nói mạnh mẽ trong việc xây dựng đường lối phát triển của các cơ quan quản lý Ấn Độ.
Ông thể hiện quan điểm ủng hộ với các công ty địa phương và đề nghị áp đặt nhiều quy định lên công ty nước ngoài như Facebook, Amazon. Ông từng chia sẻ quan điểm dữ liệu người dùng Ấn Độ phải được thu thập và kiểm soát bởi người Ấn Độ.
“Các công ty có quan điểm khác nhau về một số vấn đề, nhưng điều đó không ngăn cản họ làm việc cùng nhau trong những lĩnh vực khác”, Anshuman Thakur, Giám đốc Chiến lược của Jio nói.
Thoả thuận đầu tư của Facebook có thể khiến thị trường viễn thông Ấn Độ trở thành cuộc đua song mã giữa Jio và Airtel. Khi nhà mạng Vodafone Idea đang đứng trước nguy cơ phá sản với quyết định truy thu hàng tỷ USD tiền thuế từ Toà án Tối cao Ấn Độ.
Kim Cang
Giải pháp cho vấn đề nhân viên không đến được công ty, không có PC đủ mạnh tại nhà
Trong thời đại Internet, khái niệm "Personal Computer" đang ngày một mờ nhạt.
Các thông tin thị trường cho thấy, khi nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng, nhu cầu mua mới laptop và PC để bàn cũng gia tăng lên các mức đáng ngạc nhiên. Nhưng với những người đã theo dõi thị trường điện toán trong nhiều năm, đó là một điều dễ hiểu: trong nhiều năm, chiếc PC (tại nhà) đã bị thay thế bởi smartphone, tablet và thậm chí là cả smart TV. Khi người dùng đã có rất nhiều những thiết bị để kết nối và giải trí tại nhà, và khi họ chỉ cần gói gọn việc làm quanh chiếc PC tại công ty, nhu cầu máy tính cá nhân chắc chắn sẽ giảm sút.
Và rồi, đến khi dịch bệnh ngăn nhân viên các công ty không thể ra khỏi nhà, người dùng cũng đổ xô đi mua PC với một suy nghĩ đơn giản: phải có PC (mới) thì mới làm việc được. Thực tế không hẳn là như vậy.
Đẩy sức mạnh tính toán ra khỏi thiết bị cá nhân
Khi bạn dùng Google để tìm kiếm, chiếc PC/điện thoại của bạn chỉ chịu trách nhiệm hiển thị một trang web rất "nhẹ ký"...
Sự trỗi dậy của các thiết bị di động đã góp phần tạo ra một xu thế chung cho thị trường điện toán: đám mây. Khi các thiết bị cá nhân ngày càng mỏng gọn và có sức mạnh tính toán giới hạn, các logic phức tạp, các phép xử lý khối lượng lớn nên được đưa lên máy chủ.
Xu thế này tưởng chừng rất xa vời nhưng thực chất đã thấm sâu vào trải nghiệm số hàng ngày. Khi bạn chơi một tựa game online, điện thoại của bạn chỉ hiển thị đồ họa và ghi nhận các nút bấm, cử chỉ, còn đám mây của nhà phát hành game mới phải xử lý "nặng": máy chủ liên tục phải tính toán kết quả từng đòn đánh, cùng lúc thay đổi thông số của hàng triệu tài khoản cùng lúc. Khi bạn đăng "tút" lên Facebook, những dòng chữ, bức ảnh của bạn sẽ được đưa lên đám mây có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu nhiều Petabyte (hàng triệu Gigabyte) mỗi ngày.
Hoặc, khi bạn tìm kiếm Google, thiết bị của bạn chỉ hiển thị một trang HTML có dung lượng nhỏ. Còn cỗ máy chính chịu trách nhiệm quét qua hàng triệu trang web để tìm ra thứ bạn muốn, dĩ nhiên là máy chủ "trên mây" của Google.
...còn nhiệm vụ lọc tìm hàng triệu trang web lại thuộc về máy chủ của Google.
Nguyên tắc nói chung rất đơn giản: thiết bị của người dùng chỉ chịu trách nhiệm hiển thị và nhận tương tác từ người dùng (gõ phím, click chuột, cử chỉ cảm ứng). Thành phần chịu trách nhiệm xử lý chính là đám mây.
Cỗ máy của riêng bạn, phần cứng của chung
Dần dần, trào lưu đám mây đã đi đến một mức độ mới: tại sao không đưa phần lớn sức mạnh tính toán của chiếc PC lên mây? Chỉ cần một chiếc ChromeBook hay iPad để làm cầu nối, bạn có thể điều khiển một cỗ máy PC Windows nằm ở "trên mây". Chip, RAM, GPU, ổ cứng của cỗ máy này đều ở một trung tâm dữ liệu nào đó của Microsoft, Google hay Amazon. Thiết bị mà bạn đang dùng chỉ đơn giản là cầu nối hiển thị/nhận cử chỉ điều khiển cho cỗ máy xa xôi ấy mà thôi.
Nói nôm na, trải nghiệm này giống như là khi bạn "teamview" vào một cỗ máy khác. Nhưng thay vì teamview vào một chiếc PC do chính bạn sở hữu và quản lý, bạn sẽ "teamview" vào một PHẦN NHỎ của một cỗ máy chủ ở trên mây...
Desktop as a Service: Biến cỗ máy mà bạn đang có trong tay trở thành cỗ máy hiển thị cho một cỗ máy nào đó "trên mây".
Ông chủ của Windows là Microsoft đã ra mắt dịch vụ này từ năm ngoái. Với tên gọi "Windows Virtual Desktop", dịch vụ của Microsoft cho phép các công ty thiết lập máy ảo chạy Windows 7/10 Enterprise, cài đặt sẵn các ứng dụng Office 365 và nhiều ứng dụng x86 quen thuộc. Một trải nghiệm Windows đầy đủ và sẵn sàng cho công việc có thể được thiết lập chỉ bằng vài cú click chuột.
Hiển nhiên, Windows Virtual Desktop không phải là sản phẩm đầu tiên của Microsoft nhằm đưa đến trải nghiệm desktop đầy đủ thông qua sức mạnh đám mây. Và các công ty khác cũng không để dành miếng ngon cho một mình Microsoft. Từ ông lớn của đám mây mà Amazon cho đến các công ty vốn chuyên về ảo hóa như VMWare hoặc Citrix, tất cả đều có sản phẩm ảo hóa riêng. Và đó là còn chưa kể đến các tên tuổi nhỏ, chỉ dành riêng cho giới enterprise (doanh nghiệp).
Đường mạng đổi lấy nhiều lợi ích
Dĩ nhiên, muốn có trải nghiệm desktop từ xa như mong muốn, bạn phải có một đường mạng tốt. Nhưng điều khiển một chiếc PC Windows 10 có "màn hình" 1080p từ xa cũng sẽ chỉ đòi hỏi đường mạng ngang ngửa với trải nghiệm xem phim Full HD trên YouTube hoặc Netflix mà thôi. Với hạ tầng mạng ngày nay, đó là một yêu cầu không còn quá cao nữa.
Truy cập toàn bộ không gian làm việc từ bất cứ đâu, miễn là có Internet.
Thay vì quản lý phần cứng, các công ty có thể chuyển sang quản lý phần mềm.
Những lợi ích đổi lại là vô cùng to lớn. Thay vì phải mua, lắp ráp và quản lý những cỗ máy công sở, các công ty giờ chỉ cần phải trả tiền cho các ông lớn đám mây. Phần lớn những công việc cài đặt, cập nhật, tùy chỉnh, bảo mật phức tạp... giờ trở thành trách nhiệm của đám mây.
Còn với người dùng, một chiếc PC "trên mây" là một chiếc PC mà họ có thể mang đi bất cứ nơi đâu. Dùng iPad, dùng ChromeBook, dùng những chiếc PC từ cả 10 năm trước... chúng ta vẫn có thể truy cập vào đầy đủ không gian làm việc của mình, với những tài liệu, những phần mềm mà chúng ta cần. Chúng ta vẫn sẽ truy cập được vào hệ điều hành đầy đủ mà chúng ta sử dụng cho công việc hàng ngày, thông qua một trình duyệt (hoặc một ứng dụng client nhẹ ký). Với Desktop as a Service, trải nghiệm làm việc tại nhà và trải nghiệm làm việc tại công ty chỉ còn khác biệt duy nhất về chỗ ngồi mà thôi.
Lê Hoàng
Séc sẽ áp thuế lên các công ty internet toàn cầu Chính phủ Séc vừa thông qua kế hoạch áp thuế lên các tập đoàn internet toàn cầu đang hoạt động ở nước này như Google, Facebook, Amazon hay Apple. Theo kế hoạch này, mức thuế 7% sẽ được áp dụng cho các công ty có doanh thu hàng năm đạt trên 830 triệu USD trên phạm vi toàn cầu và 4,3 triệu USD...