Facebook đang đi vào “vết xe đổ” của Yahoo?
Nếu vụ đặt cược vào metaverse của Mark Zuckerberg không thành công, Meta có thể sẽ đi vào “vết xe đổ” của Yahoo.
Một gã khổng lồ Internet đang phải loay hoay với vấn đề tăng trưởng. Một vị CEO liều lĩnh tham gia vào ván đặt cược đầy tham vọng. Một lượng lớn nhân viên sợ hãi trước những yêu cầu ngày càng cao và làn sóng sa thải tại công ty.
Đây là những gì đang xảy ra bên trong Meta (công ty mẹ của Facebook) ngay lúc này. Và đó cũng là những điều đã từng xảy ra với Yahoo trong gần một thập kỷ trước.
Nội bộ của Meta đang gặp rất nhiều vấn đề, tương tự Yahoo trong gần một thập kỷ trước (Ảnh: Business Insider).
Cuối năm 2021, Facebook đã đổi tên thành Meta, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành “một công ty metaverse”. Tuy nhiên, những thay đổi này lại diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng người dùng bị đình trệ và doanh số bán quảng cáo sụt giảm.
Điều đó khiến cho không ít nhân viên của Meta cảm thấy hoài nghi về định hướng phát triển của công ty, đồng thời cảnh giác với các ưu tiên thay đổi của Mark Zuckerberg.
Mối quan tâm của họ dường như đang lặp lại chính những bất ổn nội bộ tại Yahoo dưới thời Marissa Mayer. Trang Business Insider nhận định nhiều năm sau sự thay đổi thất bại của Yahoo, Zuckerberg đang lặp lại những sai lầm của Mayer.
Metaverse là một vụ đánh cược đầy rủi ro của Mark Zuckerberg
Một năm trước, Zuckerberg đã đưa ra thông báo đổi tên Facebook và thay đổi trọng tâm phát triển của công ty tập trung vào metaverse. Vị CEO đánh cược rằng mọi người sẽ sống, làm việc và tương tác với nhau bằng các nhân vật đại diện trong vũ trụ ảo của công ty.
Theo Business Insider, đây là một vụ đánh cược đầy rủi ro.
Video đang HOT
Metaverse được xem là vụ đánh cược đầy rủi ro của Mark Zuckerberg (Ảnh: Bloomberg).
Những công ty khởi nghiệp có thể sẽ phải chấp nhận hàng tá rủi ro khác nhau để có thể phát triển thành công ty trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, Meta hiện đã là một gã khổng lồ và công ty không nhất thiết phải đối mặt với những rủi ro đó. Meta hiện có thể tạo ra kính thực tế ảo, sở hữu nhiều nền tảng truyền thông xã hội và thu tiền quảng cáo từ chúng.
Tuy nhiên, Meta lại đang đổ rất nhiều thời gian và nguồn lực vào phát triển metaverse. Công ty đã tiêu tốn hơn 10 tỷ USD từ khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Đây là một khoản tiền khổng lồ và Zuckerberg cho biết tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong khoảng 3-5 năm tới.
Nguồn tin từ Business Insider cho biết Zuckerberg nhận thức rõ ràng rằng metaverse là một cuộc chơi dài hạn. Tuy nhiên, vị CEO vẫn quyết tâm phải trở thành người chiến thắng trong cuộc đua này.
Marissa Mayer cũng từng có một tầm nhìn đầy tham vọng nhưng không thành công
Trong quá khứ, Yahoo cũng từng là một gã khổng lồ về quảng cáo. Năm 2004, công ty đạt doanh thu 3,5 tỷ USD và có giá trị vốn hóa thị trường lên đến 128 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động quảng cáo đã nhanh chóng sụt giảm khi sự cạnh tranh từ các đối thủ như eBay, Google và Facebook ngày càng lớn.
Marissa Mayer – cựu CEO của Yahoo (Ảnh: Business Insider).
Đến năm 2012, giá trị của Yahoo đã giảm xuống còn khoảng 20 tỷ USD. Lúc này, Marissa Mayer tham gia Yahoo với vai trò CEO, cùng nhiệm vụ đưa công ty trở lại thời kỳ hoàng kim và có thể sánh ngang với Google, Facebook, Apple và Amazon.
Mayer cũng đặt ra tham vọng rất lớn khi muốn biến Yahoo trở thành một siêu ứng dụng. Đồng thời, vị CEO cũng tích cực tạo ra những chương trình giống như Netflix hay mua lại nền tảng blog Tumblr với giá 1,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, tất cả những vụ đặt cược trên đều không đạt được thành công và doanh thu công ty vẫn trì trệ. Năm 2016, Verizon đã mua lại Yahoo với giá 5 tỷ USD và sáp nhập công ty với AOL. Mayer cũng từ chức Giám đốc điều hành.
Nhiều điểm tương đồng giữa Zuckerberg và Mayer
Trao đổi với trang NyTimes, nhiều nhân viên của Meta phàn nàn về doanh thu và sự xáo trộn nhân viên thường xuyên khi các ưu tiên của Zuckerberg thay đổi. Thậm chí, một số nhân viên còn gọi các dự án metaverse là M.M.H, một từ viết tắt của “Make Mark Happy” (tạm dịch: làm cho Mark vui vẻ).
Tương tự, tại Yahoo, Mayer được mô tả là thường đưa ra quyết định bằng cảm tính của bản thân thay vì sử dụng các con số báo cáo hoặc dữ liệu.
Nếu vụ đặt cược của Zuckerberg không thành công, Meta sẽ đi vào “vết xe đổ” của Yahoo (Ảnh: The Verge).
Tiếp đến là văn hóa công ty. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Mayer đã triển khai một hệ thống xếp hạng hiệu suất nhằm mục đích tạo động lực làm việc chăm chỉ và phát hiện ra những nhân viên kém hiệu quả. Tuy nhiên, nó lại phản tác dụng và ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên.
Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Meta khi Zuckerberg đang tích cực loại bỏ những nhân viên có hiệu suất thấp và không phù hợp với tầm nhìn dài hạn của công ty. Meta cũng đang thay đổi kỳ vọng về hiệu suất và thúc đẩy các nhà quản lý sa thải nhân viên.
Dù vậy, nếu Zuckerberg đúng và metaverse là tương lai, những động thái này sẽ giúp thúc đẩy Meta vượt lên trước các đối thủ. Tuy nhiên, nếu vụ đặt cược của Zuckerberg không thành công, Meta sẽ đi vào “vết xe đổ” của Yahoo.
Facebook đang đi vào "vết xe đổ" của Google?
Các cuộc đánh cược kinh doanh của Google đã khiến công ty thất thoát hàng tỷ USD, Meta dường như đang lặp lại điều này với các dự án metaverse.
Facebook đang đi vào vết xe đổ của Google?
Vào năm 2015, Google tuyên bố sẽ đổi tên thành Alphabet để mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực quảng cáo. Ban lãnh đạo Google cho biết quyết định này nhằm tạo ra một hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh. Khi đó, động thái này được các nhà đầu tư ủng hộ, khiến cổ phiếu công ty tăng 4%.
Alphabet gồm hai phân khúc chính: Google (bao gồm các mảng kinh doanh quảng cáo như YouTube và phần cứng mang thương hiệu Google) và Other Bets (bao gồm các dự án "moonshot" như startup xe tự lái Waymo, nhằm giải quyết các vấn đề lớn nhất của thế giới).
Các nhà đầu tư đã hình dung ra Google sẽ trở thành một "gã khổng lồ" công nghệ thống trị một loạt các ngành ngoài lĩnh vực tìm kiếm. Tuy nhiên, hy vọng đó đã không thành hiện thực. Vào năm 2021, bộ phận Other Bets của Google lỗ 5,3 tỷ USD trên doanh thu 753 triệu USD.
Trong sáu năm qua, kể từ khi Google đổi tên thành Alphabet, công ty lỗ tổng cộng 23,4 tỷ USD cho Other Bets và chưa có bất kỳ thành công đột phá nào.
Theo hãng tài chính Morgan Stanley, trong thời kỳ đỉnh cao của chu kỳ quảng cáo xe hơi tự lái, Waymo được định giá 175 tỷ USD, tuy nhiên giảm chỉ còn hơn 30 tỷ USD vào năm 2021.
Trong khi việc đổi tên thương hiệu thành Alphabet nhằm mục đích để công ty phát triển sang các lĩnh vực khác, hiện tại hoạt động kinh doanh của Google vẫn được thúc đẩy rõ ràng bởi quảng cáo, chiếm hơn 80% doanh thu vào năm 2021.
Vào tháng 10/2021, Facebook thông báo đổi tên thành Meta, báo hiệu ý định "lấn sân" sang các mảng khác ngoài truyền thông xã hội. Tham vọng rõ ràng nhất của công ty là trở thành người đi đầu trong vũ trụ ảo (metaverse).
Tuy nhiên, Reality Labs - bộ phận phụ trách nghiên cứu metaverse của công ty - đã lỗ 10,2 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến con số này sẽ còn tăng lên vào năm 2022. Khoản lỗ này gấp đôi những gì Alphabet đang trải qua với Other Bets và Meta dường như chỉ mới bắt đầu.
Bài học từ Google
Xây dựng một doanh nghiệp mới luôn là một thách thức khó khăn, nhưng Alphabet là một trong những công ty lớn nhất thế giới với thị phần mảng tìm kiếm chiếm ưu thế ở hầu hết thế giới và mang lại lợi nhuận khổng lồ. Điều đó làm tiền đề để công ty mạnh dạn xuống tiền vào các cuộc đánh cược kinh doanh, nhưng nhìn chung sẽ tốt hơn nếu Google tập trung sức lực vào lợi nhuận thay vì "ném tiền qua cửa sổ" như vậy.
Điều này cũng có vẻ đúng với Facebook. Việc đi quá xa so với sức mạnh cốt lõi của Facebook trong mạng xã hội có thể gây tốn kém, đặc biệt là khi số tiền bỏ ra cho các phòng thí nghiệm thực tế ảo đang tăng lên nhanh chóng.
Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa Meta và Alphabet, có một điểm khác biệt chính: công ty mẹ Facebook không tung ra một loạt các công ty khởi nghiệp với nhiều mục tiêu khác nhau, nó đặc biệt tập trung vào metaverse. Facebook không phải là "gã khổng lồ" công nghệ duy nhất chú ý đến xu hướng này. Microsoft đã mua lại Activision Blizzard, một phần để đưa nó vào metaverse. Apple để mắt đến không gian thực tế ảo, còn "đại gia" chip Nvidia cũng tập trung vào việc xây dựng phần mềm cho vũ trụ ảo.
Thay vì cho rằng Meta đang chơi một trò đánh cược, hãy nghĩ nó giống như Internet đang ở giai đoạn phát triển sơ khai vào năm 1994 hoặc 1995. Việc sử dụng Internet khi đó chỉ bằng một phần nhỏ so với ngày nay, nhưng tiện ích của nó đã tăng lên rất nhiều với sự ra đời của các mạng di động và smartphone. Các công ty như Amazon bắt đầu các hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ và các nhà đầu tư tăng cường rót hàng tỷ USD vào lĩnh vực này.
Metaverse có trở phiên bản tiếp theo của Internet hay không, đó là một điều cần phải chờ đợi. Điều chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất ở hiện tại là ý định đầu tư mạnh mẽ vào các phòng thí nghiệm thực tế của Facebook, cùng với những thách thức trong kinh doanh quảng cáo sẽ kìm hãm sự tăng trưởng lợi nhuận của Facebook trong ít nhất một hoặc hai năm tới.
Tuy vậy, nếu metaverse thực sự là Internet tiếp theo, ván bài lớn của Meta chắc chắn sẽ được đền đáp
Facebook 'thanh lọc' tin giả Kể từ 9.3, mạng xã hội Facebook bắt đầu triển khai tính năng thanh lọc tin giả đăng tải trong các hội nhóm, từ đó loại bỏ các nội dung sai lệch. Theo bà Maria Smith, Phó giám đốc phụ trách cộng đồng nền tảng Facebook, quản trị viên của các nhóm trên mạng xã hội này đã có thể sử dụng phần...