Facebook bắt đầu kiểm soát quyền lực của Mark Zuckerberg
Các thành viên của hội đồng độc lập này có thể đảo ngược mọi quyết định của Facebook cũng như CEO Mark Zuckerberg.
Vào ngày 6/5, Facebook đã công bố danh sách 20 thành viên đầu tiên của Hội đồng giám sát nội dung. Đây là cơ quan độc lập có khả năng đảo ngược các quyết định của công ty và CEO Mark Zuckerberg về những nội dung cá nhân xuất hiện trên Facebook và mạng xã hội Instagram.
Những khủng hoảng liên tiếp cùng nhiều lần “vạ miệng” của Mark Zuckerberg khiến Facebook phải kiểm soát những phát ngôn của CEO này trên mạng xã hội.
Trước những lời chỉ trích về khả năng kiểm duyệt nội dung đăng tải trên mạng xã hội, nhất là sau khi tờ New York Times đăng báo cáo chi tiết về giai đoạn xử lý khủng hoảng can thiệp bầu cử năm 2018, Facebook tuyên bố sẽ thành lập một cơ quan độc lập nhằm siết chặt hoạt động của mình vào tháng 11/2018.
Hội đồng giám sát sẽ tiếp nhận các trường hợp thông qua hệ thống quản lý được liên kết với nền tảng riêng của Facebook. Sau đó, họ sẽ thảo luận và đưa ra các quyết định về việc nội dung đó có được phép tồn tại hay không. Ngoài ra, hội đồng còn có nhiệm vụ kiểm soát những đơn kháng cáo từ người dùng Facebook và Instagram, dường như là một trách nhiệm không hề dễ dàng với khối lượng công việc khổng lồ.
Những thành viên trong hội đồng này rất đa dạng, bao gồm luật sư, nhà báo, những người ủng hộ nhân quyền và các học giả. Có thể kể đến cựu tổng biên tập tờ Guardian Alan Rusbridger, cựu thẩm phán Toà án Nhân quyền Châu Âu András Sajó…
“Cho đến lúc này, Mark Zukerberg và đội ngũ Facebook chịu trách nhiệm trước những quyết định về kiểm duyệt nội dung. Tuy nhiên, Facebook sẽ dần thay đổi điều đó”, Helle Thorning-Schmidt – cựu Thủ tướng Đan Mạch, một trong bốn đồng chủ tịch Hội đồng giám sát cho biết.
Video đang HOT
Đồng thời, Hội đồng giám sát cũng cam kết minh bạch các báo cáo hàng năm và theo sát những gì Facebook thực hiện.
Bê bối can thiệp bầu cử, lộ dữ liệu khiến Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm 2016.
“Sẽ rất xấu hổ nếu Facebook không hành động hết mình vì điều này” – Đồng chủ tịch Hội đồng Thorning-Schmidt chia sẻ
Động thái này có thể giúp Facebook tránh các cáo buộc thiên vị các quan điểm chính trị.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp Facebook không trở thành một nơi để chia rẽ quan điểm và lôi kéo phe phái, mà sẽ là một mạng xã hội bình đẳng với tất cả người dùng” – Michael McConnell, đồng chủ tịch hội đồng trả lời các phóng viên.
Ngân sách dự kiến của hội đồng này là 130 triệu USD. Facebook cam kết số tiền sẽ giúp hội đồng có thể hoạt động trong vòng ít nhất 6 năm.
Đế chế Facebook và chiếc "vòng kim cô" tự sắm 130 triệu USD
Facebook là một đế chế mạng xã hội toàn cầu thì hẳn rồi. Nhưng điều lạ tại đế chế này hiện nay là, "vua" Mark Zuckerberg lại phải chấp nhận cho thành lập một Hội đồng Giám sát độc lập cơ cấu lên tới 40 thành viên để kiểm soát và cân bằng quyền lực với "vua" Mark.
Đó là một chuyện ít thấy nhưng lại được thấy ở thế giới tư bản trong đế chế Facebook của Mark Zuckerberg hiện nay. Nếu nói là Mark tự nguyện thắt chiếc "vòng kim cô" lên đầu mình thì cũng không hẳn. Mà đúng hơn, Hội đồng Giám sát độc lập là một tổ chức trong nội bộ được hình thành theo thỏa thuận với Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) trong vụ việc Facebook phải chấp nhận bị ủy ban quyền lực này phạt số tiền kỉ lục lên tới 5 tỉ USD tiền tươi thóc thật vì vụ để rò rỉ thông tin 87 triệu người dùng cho bên thứ ba là Cambridge Analytica vỡ lở hồi tháng 3/2018.
Bây giờ thì Facebook với sự đứng đầu là CEO Mark Zuckerberg phải thành lập nó. Chuyện lạ nữa là dù tự sắm chiếc "vòng kim cô" nhưng lại thắt một chiếc vòng đầy tốn kém chứ không chỉ nhằm bù nhìn: Hội đồng này sẽ được cơ cấu 40 thành viên với mỗi nhiệm kì 3 năm, sẽ hoạt động trong giai đoạn đầu trong 6 năm, với khoản ngân sách 130 triệu USD.
Tính ra, mỗi năm ngân sách chi tiêu của hội đồng tương ứng 21,6 triệu USD, chia trên mỗi đầu thành viên là khoảng 541.000USD/người.
Nếu đó là lương, thì các vị hội đồng này được hưởng một khoản lương rất cao.
Còn nếu đó gồm cả công tác phí, thì cả lương và công tác phí cũng khá là "xông xênh".
Như đã nói, nhiệm vụ của hội đồng là tạo hệ thống kiểm soát, cân bằng trong nội bộ. Giả dụ CEO Mark muốn đưa ra một quyết định nào đó liên quan tới người dùng, dữ liệu, bảo mật, quyền riêng tư..., hội đồng có thẩm quyền xem xét, phản bác hoặc ngăn chặn nhằm tránh hậu quả xấu xảy ra.
Thậm chí, hội đồng còn là phía có thẩm quyền đưa ra quyết định trong nhiều vụ việc, trên cả hội đồng quản trị công ty.
Nghe thì thấy Hội đồng Giám sát độc lập oách quá, vị thế cao vời vợi, nhưng kì thực tất cả đều chỉ nhằm phục vụ cho sự phát triển lành mạnh, ổn định của Facebook tránh các hệ lụy xấu xảy ra như vụ động trời với Cambridge Analytica. Doanh nghiệp phát triển ổn định, tăng trưởng đều, doanh thu và lợi nhuận tốt thì sẽ được cho tất cả - từ CEO Mark đến Hội đồng Giám sát độc lập, các nhà đầu tư, người dùng và cả thị trường nữa...
Chính vì vậy, những tưởng hội đồng là phía đối lập hay một nửa xung đột quyền lợi, quyền lực với Mark và hội đồng quản trị nhưng kì thực bản chất là một cả thôi. Nếu chi tiền ra cho một hội đồng chỉ để chống lại lãnh đạo công ty thì chả có cái hội đồng nào có thể tồn tại và phát huy vai trò cho được, và cũng chẳng có ai lại dại dột cấp nguồn kinh phí hoạt động lên tới hơn 100 triệu USD cho một hội đồng như thế. Bản chất tư bản là thế, có thể là Mark hoặc những CEO khác, chi tiền ra để công ty hoạt động ổn định và tốt hơn, làm ra được nhiều lợi nhuận hơn. Các bên không hẹn mà gặp cùng ở điểm đó, cùng ở cái đích, vì mục tiêu đó mà sẵn sàng bỏ qua những thứ có tính cơ cấu tổ chức, ban bệ mang tính hình thức và mị dân nhất định nào đó.
Sự hình thành của Hội đồng Giám sát độc lập trong nội bộ Facebook tạo ra một cơ cấu "kiềng ba chân" giống thể chế chính trị "tam quyền phân lập" của nước Mỹ vậy, luôn kiểm soát, điều tiết, cân bằng quyền lực với nhau nhưng cũng luôn thúc đẩy quốc gia phát triển.
Con đường của Facebook và của CEO Mark cũng còn rất dài ở phía trước. Một hội đồng như thế còn giúp can ngăn và cảnh tỉnh trước những quyết định thiếu hợp lí dễ đưa đến thảm họa.
Hãy xem Mark Zuckerberg viết về hội đồng giám định này trong lá thư: " Nếu người nào không đồng ý với quyết định mà công ty đưa ra, họ có thể khiếu nại đến chúng tôi trước rồi sau đó có thể kiến nghị lên hội đồng giám sát. Quyết định của hội đồng sẽ có giá trị ràng buộc với tôi hoặc bất kỳ ai. Hội đồng sẽ giải thích các vấn đề theo cách cởi mở và bảo vệ sự riêng tư cho mọi người".
Mark nói về chiếc "vòng kim cô" mà mình tự chụp lên đầu dường như với một tâm thế khá bình thản, như chuyện bình thường đã đến cho dù chính bản thân mình bị hội đồng đó điều chỉnh, giám sát.
Có thể nói rằng, dù Mark lãnh đạo Facebook đã để xảy ra không ít chuyện điều tiếng nhưng đến thời điểm này Mark vẫn là người Facebook đang rất cần cho việc cầm chèo lèo lái con thuyền mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. Nhưng vì có tài thì cũng hay sinh tật cho nên một "ông lớn" như Facebook cũng cần có cơ chế với một cơ cấu đặc biệt là hội đồng giám sát nhiều khi có quyền quyết định còn cao hơn cả người cầm chèo lèo lái con thuyền.
Đặc biệt và lạ đời như vậy mới là Facebook, khác biệt như vậy mới là một "ông lớn" tư bản đầy tham vọng dù tuổi đời còn khá trẻ.
Theo VN Review
Dự án trị giá 130 triệu USD của Facebook để kìm hãm Mark Zuckerberg Hội đồng Giám sát Độc lập sẽ xem xét cân nhắc những quyết định có liên quan đến chính sách của công ty theo cách độc lập, tách biệt và có quyền phản bác ý kiến của CEO Facebook. Cuối năm 2018, CEO Facebook Mark Zuckerberg cho biết sau hàng loạt bê bối trước đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới giờ...