F0 ở vùng xanh tăng
Xét nghiệm RT-PCR vùng xanh, cận xanh, vàng những ngày gần đây ghi nhận tỷ lệ dương tính hơn 7%, trong khi hai đợt xét nghiệm trước tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh là 0,8%, vùng vàng 1,5%.
Theo số liệu của Sở Y tế TP HCM, trong khi tỷ lệ dương tính ở vùng xanh, cận xanh, vàng xu hướng tăng, thì tỷ lệ này ở vùng đỏ và cam đang giảm dần.
Ngày 15/9 xét nghiệm nhanh kháng nguyên 344.649 người tại vùng cam, đỏ, ghi nhận 3.912 người dương tính, tỷ lệ 1,1%. Những ngày trước đó, tỷ lệ này đạt khoảng 1,3%, giảm nhiều so với tuần cuối tháng 8. Đợt TP HCM triển khai xét nghiệm diện rộng từ ngày 23 đến 29/8, tỷ lệ dương tính ở vùng cam, đỏ là 3,6% và trong đợt hai (30/8 đến 5/9) giảm còn 2,7%.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM đã lấy khoảng 1,95 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó phát hiện hơn 320.000 ca dương tính (đa số cộng đồng), chiếm hơn 16%.
Chiến lược xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố được triển khai cao điểm từ ngày 23/8 – khi siết chặt giãn cách. Theo đó, toàn bộ người dân ở các “vùng cam và đỏ” (nguy cơ cao và rất cao) được test nhanh, người dân ở “vùng xanh và vàng” (nguy cơ thấp) lấy mẫu gộp 10 hoặc 5 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.
Họp báo chiều 16/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam giải thích số ca nhiễm tăng, dao động 4.000-6.000 mỗi ngày, dù giãn cách kéo dài là do chiến lược “thần tốc” xét nghiệm. Trong đó, nhiều vùng nguy cơ cao đã xét nghiệm tới 7-8 vòng, “vùng xanh” hầu hết đã xét nghiệm 3-4 vòng.
Các chuyên gia nhận định sở dĩ tỷ lệ dương tính vùng xanh cao là do dịch đã xâm nhập vào cộng đồng từ rất lâu , F0 có mặt khắp mọi nơi và định nghĩa vùng chưa đúng .
Video đang HOT
Bác sĩ Lương Trường Sơn (nguyên Phó viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM), cho rằng tất cả quận huyện đều có ca nhiễm. F0 cộng đồng có mặt khắp nơi, là một trong những nguyên nhân khiến vùng xanh, vùng vàng vẫn có ca nhiễm, thậm chí tăng. Nhiều vùng quy định là vùng xanh nhưng số ca vẫn nhiều còn do tình trạng “ngoài xanh, trong đỏ”.
Cùng quan điểm về “phân vùng chưa đúng” , bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng nhiều vùng được định nghĩa là xanh khi chưa xét nghiệm “vét” F0. Đến lúc xét nghiệm, nhiều ca nhiễm chưa ghi nhận trước đó được phát hiện ra.
“Người dân vùng xanh nếu tự do sinh hoạt, không tuân thủ giãn cách thì rất dễ lây nhiễm trở thành vùng đỏ”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Nhân viên y tế hướng dẫn test nhanh cho người dân tại vùng đỏ ở quận Bình Thạnh, ngày 23/8. Ảnh: Quỳnh Trần
Cả hai chuyên gia trên đều nhấn mạnh chiến lược là phủ vaccine, giảm quá tải khối điều trị . Trong đó, cần tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi, người mắc bệnh nền.
Bác sĩ Khanh cho rằng chiến lược xét nghiệm nhằm phát hiện và tách F0 vẫn cần thiết trong khi còn đang giãn cách và chưa chích ngừa đủ cho nhóm nguy cơ. Nếu chưa phủ được vaccine, không tách kịp thời F0 thì dịch sẽ tấn công nhóm nguy cơ, từ đó làm quá tải khối điều trị.
“Chỉ khi hơn 80% nhóm nguy cơ được chích đủ vaccine mới yên tâm khi mở cửa trở lại”, bác sĩ Khanh nói. Hiện, khoảng 970.000 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm vaccine, song chưa có thống kê cụ thể tỷ lệ % trên tổng số nhóm này.
Thời gian qua, công tác phòng chống Covid-19 của TP HCM đã đạt được một số kết quả tích cực. Việc giãn cách đã được thực hiện nghiêm, tỷ lệ “vùng đỏ” được thu hẹp, F0 được tiếp cận thuốc, hỗ trợ y tế kịp thời, độ phủ vaccine tăng nhanh từng ngày. Ngày 15/9, thành phố ghi nhận 160 ca tử vong, thấp nhất trong gần một tháng qua, tính từ ngày 22/8 – trước thời điểm thành phố thực hiện tăng cường giãn cách.
Kế hoạch 'thần tốc' xét nghiệm ở TP HCM tới 30/9
Các "vùng đỏ, cam" sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp hoặc RT-PCR mẫu gộp.
Đây là một trong những nội dung được đề cập trong văn bản tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay đến ngày 30/9 do Phó chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu vừa gửi các quận, huyện.
Theo đó, để phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng, đồng thời thực hiện lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, Ban chỉ đạo đề nghị các đơn vị thần tốc lấy mẫu xét nghiệm liên tục, cách ly ngay nguồn lây và điều trị kịp thời theo các kế hoạch trước đó. Căn cứ kết quả đánh giá, thành phố sẽ phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9 để thực hiện lấy mẫu.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho shipper tại quận Gò Vấp, ngày 31/8. Ảnh: Quỳnh Trần
Cụ thể, tại các vùng đỏ và cam (nguy cơ rất cao và cao) sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong một hộ test một mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh.
Tại các vùng vàng (nguy cơ), vùng xanh và cận xanh (ít nguy cơ), làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc nhiều người khác.
Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại 5-7 ngày một lần.
Thành phố khuyến khích người dân tự lấy mẫu; có sự tham gia của tổ dân phố hoặc tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp; chia nhỏ điểm lấy mẫu phải phù hợp, có thể lấy tại hộ gia đình. Đối với người dân tự lấy mẫu test nhanh, địa phương phải thu nhận đánh giá kết quả, tránh trường hợp chỉ thu khay kết quả dương, không thu khay kết quả âm.
Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM đề nghị Sở Y tế thành phố chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về hóa chất, sinh phẩm, vật tư liên quan để đảm bảo công tác xét nghiệm đạt tiến độ và mục tiêu. Sở cần tổng hợp báo cáo kết quả xét nghiệm vào ngày 29/9.
Từ ngày 27/4 đến 15/9, TP HCM lấy được tổng cộng gần 2 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR và hơn 9,5 triệu mẫu test nhanh kháng nguyên. Hiện thành phố ghi nhận hơn 320.800 ca nhiễm, hơn 12.700 ca tử vong do Covid-19.
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 chiều qua, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết hiện nhiều vùng nguy cơ cao đã xét nghiệm tới 7 - 8 vòng, "vùng xanh" hầu hết đã xét nghiệm 3 vòng, có nơi làm tới 4 vòng. Thời gian qua, việc xét nghiệm tầm soát diện rộng khiến số ca nhiễm vẫn tăng, dao động 4.000-6.000 mỗi ngày.
Sau khi xét nghiệm, Sở Y tế thành phố đánh giá tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể. Cụ thể, đợt 1 từ 23/8 đến 27/8, tỷ lệ dương tính ở "vùng đỏ và cam" là 3,6%. Nhưng đến đợt 2 còn 2,7% và sau khi kết thúc đợt 3 chỉ còn 1,1%. "Tức là dù số tuyệt đối lớn nhưng tỷ lệ giảm rất đáng kể và số ca dương tính vẫn còn", ông Nam nói và cho biết sắp tới thành phố tiếp tục rà soát và làm đi làm lại tối thiểu 2-3 lần xét nghiệm nhằm tách hoàn toàn F0 trong cộng đồng.
Thanh Hóa cho mở ki ốt bán bánh trung thu khi đang thực hiện Chỉ thị 16 Nhiều phường trên địa bàn TP Thanh Hóa không có lực lượng trực chốt kiểm soát người và phương tiện qua lại; cho mở ki ốt bán bánh trung thu giữa lúc thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Thanh Hóa cho biết, thành phố đã có thông...