“F0″ không thiếu tiền
Ghi nhận từ các công ty chứng khoán cho thấy, kênh đầu tư chứng khoán tiếp tục thu hút dòng tiền, giao dịch diễn ra sôi động và tâm lý không ít nhà đầu tư mới (FO) vẫn rất “máu lửa”.
Nhiều nhóm ngành hút vốn
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam.
Dòng tiền trên thị trường tăng cao, dồi dào, một phần là nhờ các quỹ đầu tư đang giải ngân trở lại trên thị trường, thể hiện rõ ở việc quỹ ETF đang hút ròng. Tính riêng tuần từ ngày 21 – 25/9, các quỹ SSIAM VNFIN Lead, VFMVN Diamond ETF và X FTSE Vietnam thu hút 7 triệu USD.
Đồng thời, dòng tiền của các nhà đầu tư mới (F0) vẫn còn rất nhiều trên thị trường. Họ đã gặt hái được quả ngọt từ đó đến nay nhưng chưa có nhu cầu rút vốn, mà duy trì đầu tư, thậm chí rót thêm tiền vào tài khoản. Trong đó, có những nhà đầu tư có giá trị tài khoản lớn, giao dịch rất “máu lửa”.
Chính vì vậy, thanh khoản thị trường tăng cao nhưng dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) không hề bị “căng” bởi chủ yếu là “tiền tươi” của nhà đầu tư. Như ở KIS Việt Nam hiện vẫn còn dư nguồn nhiều, ghi nhận thông tin ở một số công ty chứng khoán khác cũng tương tự. Ước tính sơ bộ, margin trên thị trường hiện ở mức 70% năng lực cho vay của các công ty chứng khoán.
Dòng tiền trên thị trường luân chuyển nhanh qua các nhóm cổ phiếu quen thuộc. Ngân hàng, dầu khí, khu công nghiệp, bất động sản, đầu tư công là các nhóm hút tiền mạnh.
Sự luân chuyển không có nghĩa là rút hết khỏi nhóm này, chảy vào nhóm kia, mà vẫn giữ tiền ở một số mã và giải ngân mới vào nhóm ngành khác. Đây cũng là những nhóm được kỳ vọng hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.
Xét về xu hướng thị trường, hai phiên gần cuối tuần qua có sự điều chỉnh nhất định, tôi cho rằng thị trường sẽ khó giảm sâu hơn.
Lý do vẫn là dòng tiền cuồn cuộn đổ vào, các nhà đầu tư đang bị cuốn theo sức hấp dẫn của thị trường trong bối cảnh không có thêm kênh đầu tư nào có thanh khoản tốt và dễ tham gia hơn như chứng khoán, trong khi các thông tin bổ trợ cho các nhóm trên vẫn đang “túc tắc” được công bố.
Theo phân tích kỹ thuật thì thị trường đang trong xu hướng tăng, nhất là khối lượng giao dịch ổn định ở mức cao. Giả sử thị trường có điều chỉnh thì cũng khó có thể xuất hiện tình trạng bán tháo.
Thực tế cho thấy, những lúc thị trường sụt giảm thì lực cầu tham gia rất mạnh, ngăn chặn đà giảm. Chỉ tính riêng yếu tố tâm lý cũng đã đủ cho nhà đầu tư vững tin và để tiền lại thị trường.
Chứng khoán hấp dẫn trên diện rộng
Video đang HOT
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC).
Chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư phổ biến khác.
Thanh khoản duy trì ở mức cao do nhiều yếu tố, đặc biệt lãi suất có xu hướng giảm tạo sự hấp dẫn cho các kênh đầu tư, trong đó có chứng khoán, bao gồm cổ phiếu và trái phiếu.
Với trái phiếu, sau khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp siết chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực từ 1/9/2020, số lượng trái phiếu và giá trị phát hành trong tháng 9 giảm lần lượt 97% và 94% so với tháng 8. Giá trị phát hành tháng 9 là 500 tỷ đồng so với 85.000 tỷ đồng trong tháng 8.
Tuy nhiên, tỷ lệ mua/chào bán tăng từ 33,4% lên 100% cho thấy nhu cầu đầu tư vào các kênh đầu tư có chênh lệch lãi suất so với gửi tiết kiệm còn rất lớn.
Đây là thông tin tích cực đối với thị trường cổ phiếu, giúp thu hút dòng tiền. Ngoài ra, nhà đầu tư mới tham gia thị trường cổ phiếu giai đoạn tháng 3 và 4 gần đây sử dụng margin khi thị trường có diễn biến khả quan. Những yếu tố này hỗ trợ dòng tiền trên thị trường và hấp thu lực bán từ khối ngoại.
Đáng chú ý, dòng tiền cũng chảy vào các cổ phiếu mới niêm yết hoặc cổ phiếu trong danh sách không được cấp margin, cho thấy sức hấp dẫn trên diện rộng của thị trường chứng khoán. Nhiều khả năng thị trường sẽ đón nhận thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư mới trong thời gian tới.
Dòng tiền luân chuyển mạnh
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới, chi nhánh Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.
Thị trường chứng khoán khởi sắc trong giai đoạn cuối tháng 9 và VN-Index vượt ngưỡng 900 điểm nhờ nhiều yếu tố. Đó là sự hưởng lợi từ thời kỳ tiền rẻ (easy money), thời kỳ mà các loại tài sản như cổ phiếu sẽ thu hút sự quan tâm của giới đầu tư vì đặc tính biến động mạnh và thanh khoản cao. Hay nói cách khác, chu kỳ tiền rẻ tiếp tục là động lực đi lên của thị trường.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020, nhằm tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bên cạnh các gói hỗ trợ tài khóa để đối phó với tác động của dịch Covid-19.
Đây tiếp tục là trợ lực cho dòng tiền vẫn đang đang rất dồi dào trên thị trường chứng khoán hiện tại.
Kỳ vọng lãi suất thấp sẽ giúp tiết giảm chi phí đầu tư đã và đang nắn dòng tiền vào các lớp tài sản có thanh khoản cao là cổ phiếu và trái phiếu. Giá trị giao dịch duy trì từ 8.000 – 10.000 tỷ đồng/phiên trong 2 tuần qua cho thấy sức mạnh của dòng tiền này.
Thông tin bổ trợ là sự ấm lên của nền kinh tế nội địa và kỳ vọng Việt Nam trở thành trung điểm sản xuất và xuất khẩu của khu vực. Các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy điều đó.
Về margin, đợt này tăng không nhiều và đảo từ chỗ lãi suất cao sang chỗ lãi suất thấp, vì tính định hướng của dòng tiền mới khá chuyên nghiệp: hiểu câu chuyện cơ bản và ít sử dụng đòn bẩy tài chính.
Xét về xu hướng dòng tiền, các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ có xu hướng giao dịch nhanh và nhiều, nhưng hiệu suất đầu tư thấp, vì chi phí đầu tư cao và không ít lần ra/vào không đúng nhịp. Các nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp trong đợt này hạn chế vòng quay tài sản rất rõ, vì họ nhìn thấy triển vọng dài hạn của nền kinh tế nên tăng mua và nắm giữ.
Trong các con “sóng” kể từ tháng 4, nhóm bluechips tăng giá đầu tiên vì trước đó giảm sâu bởi đại dịch Covid-19, kế tiếp là nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ. Đây đơn thuần là kỳ vọng dòng tiền và định giá (P/E, P/B).
Từ đầu tháng 8 đến nay, dòng tiền luân chuyển mạnh giữa các nhóm ngành cho thấy định hướng của dòng tiền không còn neo vào tiêu chí định giá thu nhập hay sổ sách, mà hướng vào tiêu chí chính sách vĩ mô, định hướng ngành. Diễn biến của dòng cổ phiếu phân bón trong tháng qua hay dòng chứng khoán trong tuần qua thể hiện rất rõ điều đó.
Tâm lý được củng cố
Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS).
Với việc Chính phủ khống chế dịch Covid-19 thành công, không để bùng phát trên diện rộng, niềm tin của nhà đầu tư đã được củng cố. Theo đó, kỳ vọng của nhà đầu tư về kinh tế trong nước cũng như tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trở nên tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là sau những tín hiệu khả quan về sự phục hồi của nền kinh tế như kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng, xuất siêu lớn, chỉ số sản xuất công nghiệp khả quan, GDP bật tăng trở lại, lạm phát được kiểm soát.
Bên cạnh đó, dòng tiền của khối ngoại cũng có phản ứng tích cực khi đà bán ròng diễn ra liên tục kể từ tháng 3 đã có dấu hiệu tạm dừng kể từ trung tuần tháng 9, thậm chí quay trở lại mua ròng một số cổ phiếu. Lực bán của khối ngoại không còn cản trở đà đi lên của thị trường thì dòng tiền từ khối nội càng có động lực để gia tăng sự hiện diện và thực tế, thanh khoản tăng lên đáng kể.
Nhìn chung, dòng tiền của nhà đầu tư phân bổ trên diện rộng và tìm đến nhiều nhóm ngành và nhóm vốn hóa, chứ không chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu “trụ” đầu ngành có vốn hóa lớn như những năm trước.
Do vậy, trong giai đoạn tăng giá vừa qua của chỉ số chung, các nhóm cổ phiếu luân phiên nhau tăng điểm và dẫn dắt thị trường đi lên, cũng như tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư. Các đợt điều chỉnh chủ yếu là các nhịp rung lắc trong phiên.
Nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ tiếp tục có xu hướng tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm, nhất là khi lợi nhuận kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tập trung vào quý IV.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý, trong một năm mà thế giới có nhiều sự kiện địa chính trị lớn và diễn biến khó lường như năm nay, trạng thái tích cực của dòng tiền có thể bị đảo ngược bởi những biến động mạnh trên thị trường tài chính thế giới, trong đó đáng chú ý là tác động từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn.
Giảm 30% thuế TNDN: Chia sẻ khó khăn nhưng chưa thiết thực
'Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc cân đối thu chi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.'
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội, theo đó doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng sẽ được hưởng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp ( TNDN) cho kỳ tính thuế năm 2020.
Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc chi nhánh Bà Triệu, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam: "Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc cân đối thu chi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)."
Tạo động lực cho những công ty kinh doanh có lãi
Ông Tuyến phân tích về góc độ kinh tế, việc miễn giảm thuế này được cho là một trong những chính sách đúng đắn của Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn trong giai đoạn COVID-19, bởi trong ngắn hạn việc này có thể gây áp lực lên thu ngân sách Nhà nước, ước tính giảm thu khoảng 23.000 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên về trung dài hạn, việc làm này sẽ góp phần cho việc tăng doanh thu thuế ở các năm sau khi mà những doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách có quá trình hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại khi nhận được sự hỗ trợ trên.
"Đối với các doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận, việc giảm thuế sẽ giúp họ có thêm động lực phát triển đồng thời có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí lãi vay, hạ giá thành sản phẩm, các chi phí khác... qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người làm động," ông Tuyến nói.
Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng những sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ tạo tiền đề "cứu sống" cho hàng nghìn doanh nghiệp đang gặp những khó khăn về tài chính do tác động bởi dịch COVID-19.
Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC nhấn mạnh Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt với việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian qua, trong đó có gói chính sách giãn, giảm thuế.
"Song trên thực tế, gói chính sách hỗ trợ tác động đến doanh nghiệp chưa nhiều, bởi chủ trương thì hoàn toàn đúng nhưng từ chủ trương đến doanh nghiệp vẫn còn một khoảng cách. Thời gian qua, các gói vay ưu đãi giải ngân được chưa nhiều, trong khi có khoảng 70.000 doanh nghiệp và hộ doanh nghiệp đã phải tạm dừng kinh doanh hoặc đóng cửa, kéo theo khoảng 31 triệu lao động đang không có việc làm, cho thấy sự ảnh hưởng ghê gớm của COVID-19 lên nền kinh tế," ông Khanh nói.
Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC chia sẻ:
Doanh thu dự báo sụt giảm 4,3% so với năm 2019
Theo báo cáo của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Trong đó, việc giao thương với các đối tác nước ngoài chính là những nguyên nhân chính gây nên sự sụt giảm về doanh thu, đặc biệt tại các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nghề xuất khẩu, thương mại quốc tế, dịch vụ, du lịch...
Ông Tuyến cho biết, doanh thu các công ty niêm yết (ngoại trừ nhóm ngân hàng) sẽ bị sụt giảm đáng kể, dự báo giảm 4,3% so với năm 2019 và đây mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 đến nay. Theo đó, lợi nhuận sau thuế được dự báo là giảm trên 20%.
"Nếu đúng như các dự báo về doanh thu và lợi nhuận ở trên, thì đây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2012 - năm cuối cùng trong chu kỳ khủng hoảng kinh tế," ông Tuyến nhận định.
Trước tình hình kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp, ông Khanh cũng tỏ ra băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách. Ông Khanh cho rằng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp về ý tưởng thì rất tốt nhưng khi đi vào cuộc sống thực tế, doanh nghiệp được hưởng lợi chưa nhiều và điều này thực sự không phù hợp với các doanh nghiệp không có nguồn thu.
Về điều này, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc cho biết: Chính phủ giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp là một biện pháp chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần dòng tiền, do đó nếu chính sách thuế cho phép doanh nghiệp chậm nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) thì sẽ hiệu quả hơn nhiều.
"Như doanh nghiệp của chúng tối, nếu doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/tháng và được hoãn, chậm nộp thuế VAT 10% tương ứng 200 triệu đồng, thì điều này rất quý, đây chính là việc hỗ trợ dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh doanh thu bị sụt giảm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19," bà Thắm nói.
Ông Khanh nhấn mạnh hàng hóa không xuất được, doanh nghiệp không kinh doanh được sẽ không có cả tiền trả lương cho nhân viên, vì vậy nhiều doanh nghiệp đang cần "sống" và họ chưa cần miễn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, chính sách kéo dài thời gian nộp thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ thiết thực hơn đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh "cạn kiệt" dòng tiền.
"Bên cạnh đó, Chính phủ cần có sự đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các gói chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, địa phương, mà đặc biệt cần quan tâm thực chất hơn nữa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì họ đang quá khó khăn," ông Khanh nói./.
Hơn 45% doanh nghiệp niêm yết thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ công bố thông tin Đây là cuộc khảo sát được thực hiện bởi Vietstock và Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE) thực hiện. Top 3 doanh nghiệp niêm yết (nhóm Large cap) có hoạt động IR được định chế tài chính đánh giá cao nhất 2020 Cụ thể, kết quả cuộc khảo sát toàn diện trong giai đoạn 12 tháng (1/5/2019 -...