EU xem xét gây áp lực về thương mại với Campuchia
Ngày 11/2, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu một tiến trình 18 tháng có thể dẫn đến việc đình chỉ cơ chế ưu đãi về tiếp cận thương mại miễn thuế của Campuchia vì lý do về nhân quyền và dân chủ.
Ủy viên Thương mại của EU Cecilia Malmstrom tại cuộc họp báo Brussels, Bỉ, ngày 18/1/2019 . Ảnh: AFP/TTXVN
Ủy ban châu Âu (EC), chịu trách nhiệm điều phối chính sách thương mại của EU và các nước thành viên, cho biết quyết định bắt đầu quá trình này sẽ được công bố trên công báo của EU, khởi động một tiến trình dự kiến kéo dài đến tháng 8/2020.
Tiến trình này bao gồm sáu tháng theo dõi và đàm phán với Chính phủ Campuchia, tiếp đó là một khoảng thời gian nửa năm để EC đưa ra báo cáo và sau đó là quyết định về việc có rút lại các ưu đãi thương mại hay không.
Campuchia được hưởng lợi từ cơ chế thương mại “Tất cả mọi thứ trừ vũ khí” (EBA) của EU, cho phép các nước nghèo nhất thế giới bán bất kỳ loại hàng hóa nào, trừ vũ khí, miễn thuế vào khối.
Vào tháng 7/2018, EU đã cảnh báo Campuchia rằng họ có thể bị mất ưu đãi đặc biệt này, sau cuộc bầu cử với kết quả Thủ tướng Hun Sen tiếp tục nắm quyền. Ông đã lãnh đạo “đất nước chùa Tháp” từ năm 1985.
Video đang HOT
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói rằng Campuchia cho quyết định của EU không nằm ngoài dự kiến và lấy làm tiếc về quyết định của phía châu Âu.
EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, chiếm tới 45% xuất khẩu của nước này trong năm 2018. Các nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Campuchia sử dụng khoảng 700.000 công nhân và đây là mặt hàng chiếm một phần lớn lượng hàng xuất khẩu sang EU với trị giá khoảng 4,9 tỷ euro.
Phòng Thương mại châu Âu tại Campuchia, đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu, cho rằng biện pháp này đi ngược lại với mục đích của các chương trình thương mại nhằm xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương, đồng thời cho rằng chỉ có đối thoại là công cụ hiệu quả nhất.
Campuchia là đối tác sử dụng ưu tiên EBA lớn thứ hai của châu Âu, chỉ sau Bangladesh. Các doanh nghiệp và công đoàn của nước này kêu gọi EU không rút lại các ưu đãi và cho rằng quyết định như vậy sẽ gây tổn hại cho hàng triệu công nhân cũng như gia đình họ.
EC cho biết mục tiêu của họ là đảm bảo Campuchia cải thiện tình hình cho người dân, và việc rút các ưu đãi về thương mại chỉ là biện pháp cuối cùng.
Trong một thông cáo, Cao ủy EU phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom tuyên bố cần nhận thức rõ ràng rằng động thái hôm nay không phải là quyết định cuối cùng và cũng không phải là kết thúc của tiến trình. Nhưng thời gian đã được tính toán và EU cần thấy một hành động cụ thể thực sự từ phía Campuchia./.
Theo TTXVN
Thủ tướng Hun Sen: Sự giúp đỡ của Việt Nam sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia
Sáng 7/1, tại Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, khẳng định công lao vĩ đại này sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia.
Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (07/1/1979 - 07/1/2019) đã được tổ chức trọng thể tại sân vận động Olympic, trung tâm Thủ đô Phnom Penh, với sự tham dự của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin cùng đông đủ các lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, Quốc hội, Thượng viện Campuchia, ngoại giao đoàn tại Campuchia và hàng chục nghìn người dân.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Hun Sen đã nêu bật vai trò to lớn của quân tình nguyện Việt Nam đã giúp Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu quốc Campuchia và toàn dân Campuchia lật đổ chế độ Pol Pot vào ngày 7/1/1979, chấm dứt thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử Campuchia, mở ra kỷ nguyên mới Độc lập, Tự do, Dân chủ và Tiến bộ xã hội.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen sáng 7/1 tại Thủ đô Phnom Penh.
"Chiến thắng 7/1/1979 dựa trên sự kết hợp giữa hai sức mạnh. Đó là sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia và sự giúp đỡ cao cả, kịp thời và hiệu quả của bộ đội tình nguyện Việt Nam. Nếu không có sự kết hợp hai nguồn sức mạnh này thì chắc chắn rằng sẽ không có chiến thắng ngày 7/1/1979", Thủ tướng Hun Sen nói.
Thủ tướng Hun Sen cũng nhấn mạnh rằng, lễ kỷ niệm ngày chiến thắng được Chính phủ Campuchia tổ chức hàng năm nhằm nhắc nhở cho thế hệ tương lai về công lao Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu quốc Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam, những người đã hy sinh biết bao xương máu của mình để đem lại sự hồi sinh cho đất nước Campuchia.
Quang cảnh buổi lễ ở Thủ đô Phnom Penh.
Nỗi thống khổ của nhân dân Campuchia chỉ chấm dứt khi lực lượng cách mạng yêu nước Campuchia thành lập Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu quốc với sự hỗ trợ của Quân đội Việt Nam đã đánh bại Pol Pot, giành được chính quyền vào ngày 7/1/1979.
Thủ tướng Hun Sencho biết: "Thay mặt cho nhân dân Campuchia, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đáp lời kêu gọi của mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu quốc Campuchia trong sự nghiệp giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và ngăn chặn chế độ này quay trở lại. Công lao vĩ đại này sẽ mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia".
Sau 40 năm tái thiết, xây dựng đất nước, Campuchia đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, tăng trưởng GDP của Campuchia duy trì ở mức 7%, mỗi năm thu hút hơn 6 triệu khách du lịch. Campuchia từ một nước nghèo, kém phát triển đã là một nước thu nhập trung bình thấp hiện nay và đang nỗ lực trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2030.
Nguồn: VOV.VN
Mặt trái của "làn sóng" du khách Trung Quốc ồ ạt đổ về Campuchia Lượng khách du lịch Trung Quốc đổ về Campuchia tăng mạnh trong năm qua, nhưng một số người dân địa phương tại các địa điểm tham quan dường như không mấy lạc quan với tình hình này do lo ngại những mặt trái nảy sinh từ làn sóng đó. Quần thể Angkor Wat của Campuchia (Ảnh: AFP) Trong 8 tháng đầu năm 2018,...