EU vẫn chia rẽ về “cơ chế thống nhất” trong việc tiếp nhận người di cư
Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini khẳng định nhiều nước thành viên EU dứt khoát phản đối kế hoạch xây dựng cơ chế thống nhất về việc xử lý dòng người di cư tràn vào châu Âu.
Đại diện các nước tham gia cuộc họp tại Helsinki. (Ảnh: Foreigner.fl)
Kế hoạch xây dựng một “ cơ chế thống nhất” trong cách thức xử lý những con tàu chở người di cư tới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) dường như đã không thể phá vỡ thế bế tắc tại cuộc họp cấp Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp các nước EU diễn ra ở Helsinki ( Phần Lan) ngày 18/7.
Trước đó, Pháp và Đức đã đề xuất thành lập một liên minh các nước sẵn sàng tiếp nhận người di cư một cách có hệ thống bất cứ thời điểm nào họ lên bờ sau khi được tàu cứu hộ giải cứu trong giai đoạn từ nay cho tới tháng 10.
Một số nước thành viên EU hy vọng các cuộc thảo luận trong bữa tiệc tại thủ đô Helsinki của Phần Lan có thể thuyết phục các nước như Italy ủng hộ sáng kiến trên.
Video đang HOT
Tuy nhiên, sáng 18/7, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini khẳng định “sự phản đối dứt khoát của các quốc gia khác” đối với đề xuất trên, trong đó có Italy.
Ông Salvini cho rằng những biện pháp trên vẫn khiến Italy trở thành một trong những điểm đến chủ chốt của người di cư, nhấn mạnh việc tái phân bổ hạn ngạch người tị nạn sẽ gây khó khăn cho việc trục xuất những người di cư bất hợp pháp ở các quốc gia tuyến đầu.
Trong khi đó, Ủy viên phụ trách vấn đề di cư của Liên minh châu Âu (EU) Dimitris Avramopoulos đã kêu gọi bộ trưởng các nước đoàn kết thay vì hành động đơn độc và có thể kéo theo những hệ lụy lớn.
Ông Avramopoulos cảnh báo “tất cả chúng ta sẽ bị công chúng châu Âu phán xét” nếu các nước thành viên không nhất trí được về cách thức đối phó với những nhóm người di cư mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner thừa nhận các nước vẫn còn nhiều chia rẽ, khi một số nước từ chối tiếp nhận người di cư dù số khác kêu gọi sự thống nhất. Ông Castaner cho biết nhiều quốc gia lo ngại cơ chế trên có thể càng thu hút một làn sóng người di cư mới tới EU.
Theo số liệu được Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu ( Frontex) công bố hồi tháng 2 vừa qua, số người di cư bất hợp pháp vào EU đã giảm mạnh trong năm 2018.
Tuy nhiên, hàng nghìn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn bất chấp nguy hiểm để vượt biển.
Làn sóng nhập cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư trên khắp châu lục./.
Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam )
Italy sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng với Pháp
Ngày 11/2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini bày tỏ sẵn sàng gặp Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner "trong tuần này" để thảo luận về những căng thẳng giữa hai nước vốn dẫn tới việc Pháp triệu hồi Đại sứ nước này ở Italy.
Phó Thủ tướng Salvini cho biết ông sẵn sàng chào đón ông Castaner tại thủ đô Rome của Italy, hoặc tới thủ đô Paris của Pháp trong tuần này để đàm phán. Theo ông Salvini, việc khôi phục các mối quan hệ tốt đẹp là "nguyên tắc cơ bản" và cần được thực hiện "càng sớm càng tốt".
Trước đó, Pháp triệu hồi đại sứ nước này tại Italy, một bước đi được cho là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Quyết định này được đưa ra nhằm phản ứng việc hai phó thủ tướng của Italy là Matteo Salvini và Luigi Di Maio đưa ra hàng loạt chỉ trích nhằm vào Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, những lời chỉ trích của quan chức Chính phủ Italy cũng là chưa từng có tiền lệ kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Quan hệ giữa Italy và Pháp trở nên căng thẳng hơn sau khi Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio ngày 5/2 đã gặp gỡ đại diện phong trào biểu tình "Áo vàng" ở ngoại ô thủ đô Paris của Pháp. Ông Di Maio cho biết mục đích cuộc gặp là nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới tại Nghị viện châu Âu (EP), song Chính phủ Pháp cho rằng cuộc gặp này là "một sự khiêu khích không thể chấp nhận" và là hành động "đổ thêm dầu vào lửa".
Tháng trước, Pháp đã triệu Đại sứ Italy tại nước này để phản đối chỉ trích của Phó Thủ tướng Italy Di Maio về chính sách của Pháp ở châu Phi, trong đó kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Pháp vì đẩy người dân châu lục nghèo đói này từ bỏ quê hương để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn ở châu Âu. Ngày 22/1, Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini nhằm trực tiếp vào Tổng thống Pháp Macron khi bày tỏ hy vọng cử tri Pháp sớm thoát khỏi một "vị tổng thống khủng khiếp". Ông Maio và ông Salvini thậm chí còn có những tuyên bố ủng hộ người biểu tình "Áo vàng" vốn xuống đường phản đối chính phủ của Tổng thống Macron trong thời gian qua.
Thùy An (TTXVN)
Theo Tintuc
EU vẫn chia rẽ về 'cơ chế thống nhất' trong việc tiếp nhận người di cư Kế hoạch xây dựng một "cơ chế thống nhất" trong cách thức xử lý những con tàu chở người di cư tới các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Dường như đã không thể phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề gai góc này tại cuộc họp của Bộ trưởng nội vụ các nước EU diễn ra ở Helsinki (Phần Lan)...