EU và Qatar ký kết thỏa thuận hàng không
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 18/10, Liên minh châu Âu (EU) và Qatar đã ký một thỏa thuận vận tải hàng không toàn diện, nâng cấp các quy tắc và tiêu chuẩn cho các chuyến bay giữa hai bên.
Máy bay của Hãng hàng không Qatar Airways tại sân bay ở Doha, Qatar. Ảnh: AFP/TTXVN
Thỏa thuận đặt ra một chuẩn mực toàn cầu mới với việc cả hai bên cam kết cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ xã hội và môi trường. Thỏa thuận mở ra nhiều cơ hội mới cho người tiêu dùng, các hãng hàng không và sân bay ở Qatar và EU.
Theo Ủy viên châu Âu phụ trách giao thông vân tải Adina Vălean, thỏa thuận đầu tiên giữa EU và quốc gia Vùng Vịnh này là tiêu chuẩn toàn cầu cho các thỏa thuận hàng không trong tương lai. Đây là bằng chứng về cam kết của hai bên đối với các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường hàng không bền vững, dựa trên khuôn khổ hiện đại bao gồm cạnh tranh bình đẳng và hợp tác chặt chẽ hơn. Thỏa thuận này sẽ mang lại cơ hội mới, nhiều lựa chọn hơn và tiêu chuẩn cao hơn cho hành khách, ngành công nghiệp và nhân viên hàng không.
Thỏa thuận hàng không giữa EU và Qatar tạo ra một sân chơi bình đẳng được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội vận tải hàng không mới và những lợi ích kinh tế cho cả hai bên. Kể từ nay, tất cả các hãng hàng không của EU sẽ có thể khai thác các chuyến bay thẳng từ bất kỳ sân bay nào trong EU đến Qatar và ngược lại cho các hãng hàng không Qatar. Các sân bay của EU ở Đức, Pháp, Italy, Bỉ và Hà Lan sẽ được nâng dần công suất đến năm 2024.
Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc giữa người với người và mở rộng các cơ hội thương mại và giao thương. Ngoài quyền giao thông, thỏa thuận EU-Qatar sẽ cung cấp một bộ quy tắc thống nhất, tiêu chuẩn cao và là nền tảng cho sự hợp tác trong tương lai về một loạt các vấn đề hàng không.
Video đang HOT
Qatar là đối tác hàng không quan trọng của EU. Đây là thị trường ngoài khối lớn thứ 15 của EU vào năm 2019 với 6,3 triệu lượt hành khách đi lại giữa hai bên theo 26 hiệp định vận tải hàng không song phương Qatar hiện có với các nước thành viên EU trước đại dịch COVID-19. Do đó, việc đảm bảo cạnh tranh cởi mở và bình đẳng đối với các dịch vụ hàng không giữa hai bên rất quan trọng đối với các đường bay giữa EU và châu Á.
Mặc dù các chuyến bay trực tiếp giữa hầu hết các nước thành viên EU và Qatar đã được tự do hóa với các hiệp định song phương, nhưng không có hiệp định nào bao gồm các điều khoản về cạnh tranh bình đẳng, hoặc các vấn đề xã hội và môi trường mà Ủy ban châu Âu (EC) cho là cần thiết đối với một hiệp định hàng không hiện đại.
Đàm phán về thỏa thuận hàng không giữa EU và Qatar được khởi động vào ngày 4/3/2019. Mặc dù vẫn cần được các bên phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực, nhưng thỏa thuận này sẽ bắt đầu được áp dụng ngay sau khi hai bên ký kết hôm 18/10.
EU cũng đã ký kết các hiệp định vận tải hàng không toàn diện tương tự với các nước đối tác khác, đó là Mỹ, Canada, Maroc, Gruzia, Jordan, Moldova, Israel, Ukraine và khu vực Tây Balkan.
Hành trình ly kỳ rời khỏi Afghanistan của thông dịch viên từng giúp đỡ ông Biden
Thông dịch viên từng cứu giúp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong trận bão tuyết ở Afghanistan năm 2008 đã cùng gia đình rời khỏi Afghanistan sau nhiều tuần lẩn trốn Taliban.
Ông Joe Biden (đứng thứ 3 bên phải) chụp ảnh cùng Thượng nghị sĩ John Kerry (bên phải) và Chuck Hagel (bên trái) sau khi được giải cứu vào năm 2008 ở Afghanistan. Ảnh: Wall Street Journal
Theo hãng tin AFP, sáng ngày 11/10, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Aman Khalili và gia đình ông đã lên máy bay của Chính phủ Mỹ tới Doha, Qatar. Qatar là nơi hàng nghìn người tị nạn từ Afghanistan đang được các quan chức Mỹ xem xét hồ sơ nhập cư. Ông Khalili đã phải trốn nhiều tuần ở Afghanistan sau khi Taliban giành quyền kiểm soát.
Khalili là người từng tham gia vào nhóm hỗ trợ giải cứu ông Biden, khi đó vẫn là thượng nghị sĩ, trong một trận bão tuyết ở Afghanistan vào 13 năm trước. Vào thời điểm đó, trực thăng chở ông Biden buộc phải hạ cánh ở một thung lũng ở Afghanistan do bão tuyết. Đáng nói, đây lại là khu vực có nguy cơ bị Taliban tấn công. Khalili, khi đó là thông dịch viên cho Sư đoàn không vận số 82 của quân đội Mỹ, đã cùng lực lượng phản ứng nhanh di chuyển từ căn cứ Bagram tới khu vực đồi núi hiểm trở, để giúp đỡ ông Biden.
Sau khi Tổng thống Biden quyết định rút quân khỏi Afghanistan và lực lượng Mỹ thực hiện chiến dịch sơ tán quy mô lớn hồi tháng 8, ông Khalili đã liên hệ với phía Mỹ để có thể sơ tán khỏi Afghanistan. Gia đình ông đã ra sân bay Kabul vào cuối tháng 8 và cố gắng lên những chuyến bay cuối cùng của Mỹ để rời khỏi đất nước.
Tuy nhiên, chỉ một mình ông được lên máy bay và các thành viên trong gia đình ông phải ở lại vì thiếu giấy tờ. Một ngày sau, chiến dịch sơ tán binh sĩ cùng công dân Mỹ và người nước ngoài của Chính phủ Mỹ kết thúc. Ông Khalili và gia đình bị bỏ lại ở Afghanistan.
Những người sơ tán từ Afghanistan đến sân bay quốc tế Hamad ở Doha, Qatar. Ảnh: AFP
Vì vậy, ông đã quyết định sẽ ở lại Afghanistan và chờ cơ hội khác. Ông đã cầu cứu Tổng thống Biden: "Ngài Tổng thống, xin hãy cứu tôi và gia đình tôi. Đừng bỏ quên tôi ở đây". Đáp lại, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Chính phủ Mỹ sẽ giúp đỡ ông bằng mọi giá: "Chúng tôi sẽ đưa ông rời khỏi Afghanistan".
Sau đó, ông Khalili cùng gia đình được đưa tới một nơi trú ẩn an toàn ở Kabul trong nhiều ngày. Họ ẩn náu trong một ngôi nhà với sự giúp đỡ của những người Mỹ gốc Afghanistan và các cựu binh Mỹ. Một nhà thầu tư nhân cho biết để đưa một gia đình tới nơi trú ẩn thường mất chi phí khoảng 11.000 USD, mỗi đêm ở lại đây tốn 900 USD và chi phí để đưa cả gia đình ra sân bay là 11.000 USD. Tuy nhiên, phía giúp ông Khalili nói họ đã đưa gia đình này tới nơi trú ẩn mà không lấy tiền, trong lúc đó họ lên phương án để đưa gia đình ông đi.
Phía hỗ trợ ông Khalili đã nhận được nhiều lời trợ giúp từ các bên sau khi truyền thông đưa tin về trường hợp của ông. Một số nghị sĩ Mỹ tìm cách giúp ông Khalili có thể lên chuyến bay tới Qatar. Người sáng lập nhà thầu quân sự Blackwater Erik Prince cũng đề xuất một mở một chiến dịch nhằm hỗ trợ ông Khalili rời khỏi Afghanistan.
Nhưng trở ngại lớn nhất là vợ Khalili và 4 trong 5 đứa con của ông chưa có hộ chiếu Afghanistan, điều kiện bắt buộc để Taliban cho phép họ rời khỏi quốc gia Trung Nam Á. Trong nhiều tuần lẩn trốn, họ đã trải qua những ngày hy vọng rồi thất vọng liên tiếp. Các kế hoạch giải cứu đã được đưa ra, sau đó bị hủy bỏ. Trong lúc đó, ông Khalili đã vô cùng lo lắng khi nghe được tin đồn rằng Taliban tới từng nhà để truy tìm những người từng làm việc cho Mỹ.
Cuối cùng, gia đình Khalili đã phải di chuyển gần 1.000 km và tới được Pakistan vào hôm 5/10 bằng biên giới đường bộ. Theo Wall Street Journal, hành trình rời Afghanistan của Khalili và gia đình ông đến Pakistan vô cùng khó khăn. Phía Mỹ cho biết các lệnh hạn chế do Taliban đặt ra là nguyên nhân khiến các nỗ lực giúp đỡ Khalili gặp trở ngại trong một thời gian dài.
"Sau 144 giờ đồng hồ lái xe cả ngày lẫn đêm và phải di chuyển qua hàng loạt các trạm kiểm soát, gia đình tôi đã vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên, giờ đã là thiên đường với chúng tôi", ông nói.
Trong chuyến thăm tới Pakistan, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đưa ra đề nghị với Islamabad cho phép Washington đón gia đình Khalili và đã được đồng ý.
Cũng theo Wall Street Journal, Nhà Trắng đã đề nghị thân tín của Ngoại trưởng Antony Blinken là Chánh văn phòng Suzy George đích thân thu xếp cho trường hợp của ông Khalili. Theo đó, bà George đã hỗ trợ giúp yêu cầu xin thị thực đặc biệt của Mỹ đối với gia đình ông Khalili được giải quyết nhanh chóng.
Sau hành trình sơ tán gian nan, Khalili cho biết ông muốn gửi lời cảm ơn tới mọi người, đặc biệt là nhóm cựu chiến binh Mỹ và các tổ chức đã giúp ông rời khỏi Afghanistan an toàn: "Nếu có cơ hội, tôi muốn gặp ông Biden và cảm ơn ông ấy vì sự trợ giúp và những cam kết. Tôi rất biết ơn vì Mỹ đã thực hiện lời hứa".
Tình hình Afghanistan: Taliban tìm kiếm các mối quan hệ tích cực với EU Ngày 11/10, quyền Ngoại trưởng của chính phủ lâm thời mới thành lập tại Afghanistan, ông Amir Khan Muttaqi, cho biết Taliban sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực ngoại giao tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Ngoại trưởng Chính phủ mới do Taliban thiết lập tại Afghanistan,...