EU thúc đẩy các nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, sẽ tới Mỹ vào ngày 7/2 tới để họp song phương với Ngoại trưởng nước chủ nhà Antony Blinken nhằm thảo luận các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự quốc tế.
Đồng thời tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương tại thời điểm quan trọng đối với ngoại giao toàn cầu.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kế hoạch, tại Washington, ông Borrell sẽ cùng Ngoại trưởng Blinken đồng chủ trì cuộc họp Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ. Tham dự cuộc họp còn có Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simon và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm.
Video đang HOT
Hội đồng Năng lượng EU-Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác về an ninh năng lượng và cam kết chung nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sang công bằng và trung lập với khí hậu cho các công dân của EU, Mỹ và trên toàn cầu. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng trong bối cảnh giá cả biến động mạnh.
Cũng theo chương trình làm việc, vào ngày 8/2, Đại diện cấp cao EU Borrell sẽ phát biểu tại sự kiện khai mạc chuỗi Cuộc trò chuyện Jean Monnet, do Phái đoàn EU, Đại sứ quán Pháp và Đại Tây Dương đồng tổ chức. Ông Borrell cũng sẽ gặp các thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Trong diễn biến liên quan tới vấn đề năng lượng, ngày 4/2, một phái đoàn của EU đã tới Azerbaijan nhằm thúc đẩy đa dạng hóa các nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng. Tại thủ đô Baku, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Ủy viên EU phụ trách năng lượng Kadri Simson đã đồng chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng thường niên của các nước tham gia Hành lang khí đốt phía Nam (SGC).
Đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân, Ủy viên năng lượng EU bày tỏ sự cảm ơn Azerbaijan vì nỗ lực tăng nguồn cung cấp khí đốt cho EU thông qua SGC. Bà nhấn mạnh SGC là chiến lược đối với chính sách đa dạng hóa năng lượng của EU và an ninh nguồn cung cấp, đồng thời khẳng định hành lang này là “thành công lớn”.
SGC là một tổ hợp gồm ba đường ống dẫn khí đốt nối Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Albania và cuối cùng là biển Adriatic, đến Italy. Hoàn thành vào năm 2020, mạng lưới này nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Baku bắt đầu vận chuyển khí đốt đến châu Âu vào cuối năm 2021, từ mỏ Shah Deniz khổng lồ.
Tại cuộc gặp song phương sau đó với Tổng thống Aliyev, Ủy viên EU Simson đã hoan nghênh sự “tăng cường đối thoại về tăng cường cung cấp khí đốt và hợp tác về năng lượng tái tạo và chuyển đổi năng lượng”. Về phần mình, Tổng thống Aliyev bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa Azerbaijan và EU về một thỏa thuận mới sẽ sớm được hoàn tất.
Thông thường, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Tuy nhiên, các quốc gia phương Tây quan ngại căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang sẽ dẫn đến việc Moskva ngừng cung cấp khí đốt tới “Lục địa Già”. Việc giảm nguồn cung trong nhiều tháng qua cũng đã khiến giá cả nguồn nhiên liệu này tăng phi mã. Trước tình hình đó, phương Tây đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế, đặc biệt là bằng cách tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).
EU đánh giá tích cực về vòng đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 14/1 nói rằng việc nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran vẫn "khả thi" trong bối cảnh các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) đã tiến triển trong một "bầu không khí tốt hơn".
Quang cảnh vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 27/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu sau một hội nghị không chính thức của các ngoại trưởng EU, ông Josep Borrell nói: "Chúng tôi đang đi đến chặng cuối của một quá trình dài... có một bầu không khí tốt hơn kể từ Giáng Sinh - dù trước đó, tôi đã rất bi quan. Giờ thì tôi tin rằng việc đạt được thỏa thuận là khả thi".
Trong khi đó, một nguồn thạo tin tiết lộ rằng nhiều vấn đề liên quan đến một loạt nội dung vẫn chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran và Mỹ về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Nguồn tin này cho biết ở tất cả các phần của dự thảo thỏa thuận "đều có những vấn đề vẫn đang được xem xét" đồng thời đánh giá thêm rằng mặc dù các cuộc đàm phán đang diễn ra đúng hướng, nhưng thách thức lớn nhất là các bên không có đủ thời gian cho các bất đồng.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5 1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt Iran được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, sau đó Iran bắt đầu thu hẹp các cam kết của nước này trong thỏa thuận.
Các bên đã tiến hành đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận. Các cuộc đàm phán mới đây nhất được tiến hành vào cuối tháng 11/2021. Mỹ chỉ tham gia gián tiếp vào các cuộc đàm phán này. Ngày 9/1 vừa qua, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhận định các cuộc đàm phán đang tiến gần tới một "thỏa thuận tốt", nhưng việc sớm đạt được thỏa thuận phụ thuộc vào các bên còn lại. Ngoại trưởng Abdollahian cho biết Iran không muốn kéo dài đàm phán, đồng thời nhấn mạnh "điều quan trọng là chúng tôi phải bảo vệ các quyền và lợi ích của đất nước mình".
Tìm đáp án cho bài toán an ninh năng lượng Nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng vào đúng thời điểm nhạy cảm khi mùa Đông lạnh giá tới gần và các nền kinh tế đang mở cửa trở lại, kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng nhiều hơn, đang là mối lo chung của nhiều chính phủ, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt ở châu Âu và châu Á....