EU nhất trí kiềm chế sự thống trị của các ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ
Ngày 24/3, Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được nhất trí về hai đạo luật mới nhằm chấm dứt việc lạm dụng vị trí thống trị của các tập đoàn kỹ thuật số lớn.
Theo đó, trong thời gian tới, các “ông lớn” công nghệ như Google, Apple, Meta ( Facebook), Amazon và Microsoft có thể buộc phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh cốt lõi tại châu lục này.
Biểu tượng Google. Ảnh: AFP/TTXVN
Hai luật mới bao gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (Digital Markets Act) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Cả hai đạo luật này đã EP thông qua vào giữa tháng 12/2021 trước khi đặt lên bàn đàm phán với các nước thành viên EU. Trong khi DMA sẽ trao cho EU các quyền hạn chưa từng có để nhanh chóng hành động đối với các công ty công nghệ lớn nói trên, đồng thời đề ra quy định nghiêm ngặt về những điều “Được làm” và “Không được làm” trên các nền tảng mà các công ty này quản lý, DSA bao gồm các quy định đảm bảo rằng các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm về các thuật toán của mình, đồng thời có nghĩa vụ kiểm duyệt nội dung tốt hơn. Quy định cũng sẽ buộc các tập đoàn công nghệ phải chia sẻ dữ liệu quan trọng với khách hàng doanh nghiệp và bắt buộc phải có sự đồng ý của người dùng đối với dữ liệu tham khảo chéo từ nhiều dịch vụ cho mục đích lập hồ sơ quảng cáo.
Các khoản tiền phạt có thể lên đến 10% doanh số kinh doanh toàn cầu sẽ được đưa ra trong trường hợp vi phạm và EP muốn tăng cường phương tiện ngăn chặn hơn nữa trong trường hợp tái phạm.
Pháp chủ trương hoàn tất các cuộc đàm phán và ưu tiên đưa DMA và DSA trở thành luật chính thức trong 6 tháng nước này đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU.
Hai đạo luật của EU được cho là có thể thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của các “ông lớn” công nghệ tại châu Âu, bởi những điều khoản của hai đạo luật này hướng tới giải quyết hiệu quả nạn tin giả và phát ngôn thù địch trên mạng, cũng như ngăn cản các công ty này bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh. Theo đánh giá của Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu, hai đạo luật này sẽ mang lại cho người tiêu dùng lợi ích lớn hơn từ các dịch vụ kỹ thuật số.
EU dự định mở rộng quy định thiết lập chứng chỉ COVID kỹ thuật số
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 11/3, Ủy ban đại diện thường trực (COREPER) đã chính thức phê duyệt nhiệm vụ đàm phán của Hội đồng châu Âu với Nghị viện châu Âu (EP) nhằm mở rộng quy định thiết lập chứng chỉ COVID kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU).
Hộ chiếu và Chứng chỉ COVID-19 của EU. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên thực tế, công cụ này đã đóng góp phần lớn vào việc tạo điều kiện cho người dân tự do đi lại trong thời kỳ đại dịch. Ngoài ra, nguyên tắc dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại nếu tình hình dịch tễ học cho phép vẫn được áp dụng.
Trước đó, vào ngày 3/2 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gia hạn thêm một năm, tức là cho đến ngày 30/6/2023, quy định về chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU. EC cũng đưa ra những thay đổi có mục tiêu khác để mở rộng phạm vi xét nghiệm kháng nguyên được phép và cho phép cấp giấy chứng nhận tiêm chủng cho những người tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Những thay đổi chính do Hội đồng thực hiện đối với các đề xuất của EC bao gồm việc yêu cầu EC gửi báo cáo chi tiết trước ngày 1/2/2023. Báo cáo này, nếu thích hợp, có thể kèm theo các đề xuất lập pháp để có thể đánh giá lại nhu cầu bãi bỏ hoặc gia hạn chứng chỉ khi có những thay đổi về tình hình dịch bệnh.
Quy định hiện tại về thiết lập chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU đã được thông qua vào ngày 14/6/2021 và được áp dụng ngay từ tháng 7/2021. Quy định này sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2022. Để việc gia hạn được thông qua kịp thời trước ngày hết hạn, Hội đồng châu Âu và EP phải đạt được thỏa thuận theo thủ tục lập pháp thông thường trước thời hạn đó.
Gruzia, Moldova chính thức nộp đơn xin gia nhập EU Thủ tướng Gruzia, ông Irakli Garibashvili, cho biết ngày 3/3, nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau khi Nghị viện châu Âu bày tỏ sự ủng hộ đối với một động thái tương tự của Ukraine, đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels (Bỉ). Ảnh:...