EU khẳng định nỗ lực ngăn chặn các biện pháp thuế quan của Mỹ
Châu Âu sẽ đấu tranh đến cùng nhằm ngăn cản các biện pháp thuế quan của Mỹ nhằm vào hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) liên quan chính sách trợ cấp trái phép mà khối liên minh này dành cho Airbus.
Ủy viên phụ trách thương mại của Liên minh châu Âu Cecilia Malmstrom. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố trên được đưa ra ngày 14/10 sau khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cùng ngày chính thức chấp thuận cho phép Washington có động thái đáp trả đối với EU.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom khẳng định EU sẽ duy trì sức ép đối với Mỹ cho đến giây phút cuối cùng để xem liệu Washington có thể ngừng việc áp thuế hay không. Dự kiến, các biện pháp thuế của Mỹ nhằm vào hàng hóa EU sẽ có hiệu lực vào ngày 18/10 tới.
Bà Malmstrom kỳ vọng trong bối cảnh còn 4 ngày nữa các biện pháp thuế của Mỹ mới có hiệu lực, EU không từ bỏ hy vọng cuối cùng để thuyết phục Washington “đình chiến”. Quan chức châu Âu này cho biết thêm trong bức gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, bà tái khẳng định cho dù Mỹ được quyền áp thuế đối với hàng hóa của EU, song không có nghĩa là Washington buộc phải thực thi điều đó.
Video đang HOT
Theo chính sách thuế mới của Mỹ, máy bay Airbus của châu Âu sẽ phải chịu mức thuế bổ sung là 10% kể từ ngày 18/10. Riêng rượu vang của Pháp, Đức và Anh sẽ phải chịu mức thuế là 25%. Mức thuế này cũng được áp dụng với các sản phẩm pho mai của các nước châu Âu và các mặt hàng may mặc của Anh như com-lê, áo len cashmere hay bộ đồ ngủ.
Phía EU đang muốn sử dụng các cuộc đàm phán như biện pháp tối ưu nhằm giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ, qua đó tránh căng thẳng thương mại leo thang hai bên, gây ảnh hưởng đến kinh tế các nước khác. Tuy nhiên, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, EU sẽ có cơ hội áp thuế đáp trả đối với hàng hóa của Mỹ vì Brussels đã có động thái pháp lý tương tự tại WTO với cáo buộc Boeing cũng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp trái phép của Chính phủ Mỹ.
WTO cho rằng cả Airbus và Boeing đều đã nhận được hàng tỷ USD trợ cấp trong vụ tranh cãi thương mại lớn nhất trên thế giới ở cấp độ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Washington được phép đánh thuế trước vì Mỹ khởi kiện trước 9 tháng. Dự kiến, WTO sẽ đưa ra quyết định về quyền trả đũa của EU liên quan đến trợ cấp của Mỹ dành cho Boeing vào đầu năm 2020.
Theo Thanh Hương (TTXVN)
Anh bày tỏ thất vọng trước kế hoạch đánh thuế mới của Mỹ
Anh đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy một giải pháp thông qua đàm phán cho tranh cãi giữa Airbus và Boeing và ngăn những khoản thuế mới được triển khai.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trả lời phỏng vấn báo chí tại thành phố Manchester ngày 29/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 3/10, Anh đã bày tỏ thất vọng trước kế hoạch của chính quyền Mỹ đánh thuế máy bay Airbus được sản xuất ở châu Âu và rượu whisky của Scotland.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết: "Chúng tôi thất vọng về việc Mỹ đã công bố danh sách này. Chọn giải pháp thuế quan không có lợi ích cho bất kỳ ai."
Quan chức này cũng cho biết Anh đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy một giải pháp thông qua đàm phán cho tranh cãi giữa Airbus và Boeing và ngăn những khoản thuế mới được triển khai.
Cùng ngày, chính quyền Scotland thuộc Anh cho biết việc Mỹ tăng thuế với nhiều mặt hàng, trong đó có rượu whisky Scotland, cho thấy việc đạt được một thỏa thuận thương mại với Tổng thống Mỹ Donald Trump khó có thể giúp Anh bù đắp được những thiệt hại từ việc rời khỏi EU (còn gọi là Brexit).
Trong phát biểu của mình, người phát ngôn của chính quyền Scotland nêu rõ: "Việc áp những khoản thuế này làm suy yếu nghiêm trọng những lập luận của Chính phủ Anh về một thỏa thuận thương mại tự do tiềm năng với Mỹ có thể dễ dàng hoặc nhanh chóng bù đắp thiệt hại do Brexit gây ra."
Theo quan chức này, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với rượu whisky của Scotland, do đó kế hoạch áp thuế mới của Mỹ gây quan ngại sâu sắc.
Tuy nhiên, Scotland vẫn hy vọng hoạt động xuất khẩu sẽ không hứng chịu thiệt hại trong cuộc tranh chấp thương mại này, đồng thời ủng hộ những nỗ lực hiện nay của EU hướng tới một giải pháp với Mỹ thông qua đàm phán.
Người phát ngôn này nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nêu rõ những lo lắng của mình với các bộ trưởng Anh về tác động đối với rượu whisky và các sản phẩm khác của Scotland và hy vọng họ nỗ lực hết sức để bảo vệ hoạt động xuất khẩu của Scotland. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác chủ chốt, trong đó có Hiệp hội Whisky Scotland, để hỗ trợ ngành này và giảm thiểu những khoản thuế tiềm tàng."
Mỹ vừa thông báo từ ngày 8/10 tới sẽ áp thuế 10% đối với các loại máy bay Airbus sản xuất tại châu Âu, và mức thuế 25% đối với rượu vang Pháp, rượu whisky của Scotland và Ireland, cũng như các loại pho mát trên toàn châu lục.
Trước đó, Tổ chức Thương mại thế giới đã "bật đèn xanh" cho Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU trị giá 7,5 tỷ USD nhằm trả đũa việc khối này đã trợ giá cho hãng sản xuất máy bay Airbus một cách trái luật./.
Theo Phương Oanh (TTXVN/Vietnam )
Nguy cơ bùng phát cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương Từ ngày 18/10 tới, Mỹ sẽ chính thức áp đặt thuế trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) với khối hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD. Quyết định của Mỹ đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bật đèn xanh, với phán quyết ủng hộ Mỹ trong việc kiện các nước châu Âu trợ cấp trái phép cho...