EU huy động thêm 20 tỷ euro cho kế hoạch giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga
Theo một thỏa thuận chính trị đạt được ngày 14/12, Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động thêm 20 tỷ euro (khoảng 21 tỷ USD) từ thị trường carbon để giúp tài trợ cho kế hoạch sớm chấm dứt sự phụ thuộc của khối này vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN
Các nhà đàm phán của các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã nhất trí 60% kinh phí trên được huy động từ Quỹ Đổi mới EU – một nguồn thu của thị trường carbon hiện được chi cho các công nghệ “xanh” mang tính đột phá. Trong khi đó, 40% còn lại sẽ được huy động từ việc bán giấy phép phát thải CO2 được cấp trước khi kế hoạch được triển khai.
Thị trường carbon của EU buộc các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải CO2. Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới tiết kiệm năng lượng và triển khai các dự án giúp ngành công nghiệp loại bỏ cacbon.
Những năm gần đây, giá của loại giấy phép này tăng mạnh, giúp các nước tăng nguồn thu nhờ bán giấy phép cho các công ty phát thải CO2. Ngày 14/12, giấy phép phát thải carbon tại EU được giao dịch ở mức 88 euro/tấn.
Thỏa thuận trên sẽ chính thức có hiệu lực vào năm tới. Các nhà đàm phán EU cũng dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần này để tiến hành cuộc cải cách lớn đối với thị trường carbon. Đây là trọng tâm trong mục tiêu của EU nhằm đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990.
Các nước đang phát triển cần 2.000 tỷ USD/năm để đối phó với biến đổi khí hậu
Các nước đang phát triển và mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư khoảng 2.000 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu.
Đây là nội dung trong báo cáo do chính phủ 2 nước Anh và Ai Cập cùng thực hiện và được công bố tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ngày 8/11.
Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông Pháp ngày 31/10/2018. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Báo cáo mang tên Tài trợ cho Hành động Khí hậu nêu rõ các nước phát triển, các nhà đầu tư và các ngân hàng phát triển đa phương nên đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, các nguồn qũy công và tư nhân tại các nước đang phát triển nên đóng góp số tiền còn lại - khoảng 1.400 tỷ USD.
Theo báo cáo dài 100 trang, các nước đang phát triển cần số tiền trên để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các công nghệ khác phát thải ít carbon, cũng như đối phó với tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc tài trợ cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp ở các nước đang phát triển sẽ giúp hàng tỷ người thoát nghèo, tạo việc làm và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Các nước đang phát triển cũng cần khoản đầu tư trên để thích ứng với tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, như thực hiện các biện pháp bảo vệ và xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc hơn bao gồm cả đê điều và hệ thống cảnh báo sớm. Đối với những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu mà các nước phải chịu thiệt hại, số tiền trên sẽ giúp cứu trợ nhóm người gặp rủi ro, sửa chữa cơ sở hạ tầng thiết yếu và phục hồi các dịch vụ như y tế và giáo dục tại các nước này.
Đây là một trong số những báo cáo đầu tiên vạch ra khoản đầu tư cần thiết vào 3 lĩnh vực lớn được đề cập tại COP27 gồm: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất nóng lên, thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai và bồi thường cho những nước nghèo và dễ bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Ông Nicholas Stern, chuyên gia kinh tế và là một trong những tác giả của báo cáo, cho rằng: "Các nước giàu nên nhận ra rằng việc đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi và đang phát triển là một vấn đề công bằng, vì lợi ích sống còn bởi lượng khí thải cao trước đây và hiện nay của họ gây tác động nghiêm trọng. Trong thập kỷ tới, cơ sở hạ tầng và việc tiêu thụ năng lượng được dự báo gia tăng chủ yếu tại các nước mới nổi và đang phát triển. Nếu các nước này tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và phát thải, thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm, gây thiệt hại cũng như hủy hoại hàng tỷ sinh mạng và sinh kế ở cả các nước giàu và nghèo".
Nhiều công ty lớn trên thế giới không đạt mục tiêu giảm phát thải khí CO2 Theo báo cáo mới về cam kết nỗ lực giảm phát thải carbon bằng 0 trong khu vực công và tư nhân do Net Zero Tracker thực hiện, các công ty lớn nhất thế giới vẫn chưa đạt được những mục tiêu cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu và tồn tại khoảng cách đáng kể trong kế hoạch cắt giảm...