EU hoan nghênh Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút lui
Ngày 31/8, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đã hoan nghênh việc Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút lui.
Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini. (Nguồn: TTXVN phát)
Phát biểu trước báo giới sau các cuộc họp với các ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU, bà Mogherini nhận định việc Iran vẫn đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 là một tin tốt lành khi EU cũng đang tiếp tục nỗ lực để duy trì thỏa thuận này.
Bà Mogherini khẳng định các quốc gia thành viên EU vẫn đang hợp tác với các quốc gia ngoại khối khác để đảm bảo người dân Iran hưởng lợi từ các mối quan hệ kinh tế.
Trước đó, ngày 30/8, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố báo cáo khẳng định Iran vẫn đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung (JCPOA).
Thỏa thuận này đang trên bờ vực đổ vỡ sau khi Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận này, đồng thời tái áp dụng một loạt đòn trừng phạt đơn phương nghiêm ngặt đối với Iran, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này.
Video đang HOT
Hồi tuần trước, EU đã nhất trí cung cấp một gói hỗ trợ trị giá 18 triệu euro cho “các dự án phát triển xã hội và kinh tế bền vững” của Iran, một phần của gói hỗ trợ lớn trị giá 50 triệu euro. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các nỗ lực này có hiệu quả đến đâu khi phần lớn các công ty nước ngoài đã lựa chọn từ bỏ các dự án đầu tư tại Iran do lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bên cạnh đó, gói trừng phạt thứ hai của Washington dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 11 tới, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và dầu mỏ quan trọng của Iran, chắc chắc sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.
Cũng trong cuộc họp báo này, bà Mogherini khẳng định quan hệ với Mỹ vẫn là trụ cột trong chính sách ngoại giao của EU và là mối quan hệ đối tác và hữu nghị thân thiết nhất, sẽ không bao giờ thay đổi. Dù thừa nhận hai bên vẫn tồn tại những khác biệt nhưng quan hệ hợp tác song phương vẫn tiếp tục duy trì “một cách tuyệt vời.”
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, không ít người hoài nghi mối quan hệ Mỹ và EU trong các lĩnh vực thương mại, hợp tác an ninh…/
Theo vietnamplus
EU "dốc hầu bao" chứng minh đủ sức cứu rỗi thỏa thuận hạt nhân Iran
Liên minh Châu Âu đồng ý chi 18 triệu euro viện trợ phát triển cho Tehran trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của việc Mỹ tái cấm vận với Iran và cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Federica Mogherini. Ảnh: AM.
Các biện pháp được công bố trong tuyên bố hôm 23.8 của Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Federica Mogherini. Bà một lần nữa khẳng định lại cam kết của Châu Âu trong nỗ lực chung với Iran để duy trì thỏa thuận mà không có Mỹ.
Gói viện trợ ngày 23.8 là một phần trong gói 50 triệu euro dành cho Tehran trong ngân sách EU.
Trong tuyên bố, bà Mogherini nói: "Gói mới này sẽ mở rộng quan hệ trong lĩnh vực kinh tế và có lợi ích trực tiếp cho công dân của chúng tôi".
Trong biện pháp mới này, EU phân bổ tám triệu euro cho khu vực tư nhân của Iran, bao gồm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tổ chức xúc tiến thương mại của Iran.
Khoản 8 triệu euro khác dự kiến sẽ chi cho các dự án môi trường trong khi khoảng 2 triệu euro sẽ chi cho khắc phục những tác động của ma túy.
Động thái này là bước tiến mới nhất trong một loạt các biện pháp của EU nhằm đáp ứng yêu cầu của Iran về những bước đi thực tế của Châu Âu để duy trì thỏa thuận này.
Trong tháng 5, khi Washington đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, các đối tác khác trong đó có Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc đã cam kết sẽ bảo vệ thỏa thuận có tên gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).
EU hiện đang có các động thái nhằm duy trì quan hệ thương mại với Iran. Tehran từng cho biết sẽ chỉ duy trì thỏa thuận này khi đạt được các lợi ích kinh tế như thỏa thuận JCPOA.
Ngày 6.8 - cùng ngày đợt lệnh cấm đầu tiên của Mỹ với Iran, EU kích hoạt bản cập nhật Đạo luật Ngăn chặn (Blocking Statute) nhằm ngăn chặn các công ty Châu Âu tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.
EU cũng cảnh báo có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt với các công ty ngừng kinh doanh với Iran theo lệnh cấm của Mỹ.
Liên minh Châu Âu đã lên kế hoạch mở các tài khoản ngân hàng cho Iran để tạo điều kiện giao dịch trực tiếp với nước này và không phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ. Đầu tuần này, Đức cho biết các nước Châu Âu cần áp dụng các hệ thống thanh toán độc lập với Mỹ nếu muốn duy trì JCPOA. Anh đã mở lại một tài khoản ngân hàng của Đại sứ quán Iran tại nước này vốn bị đóng theo các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran từ năm 2009.
Giai đoạn đầu trong lệnh tái trừng phạt của Mỹ sau khi rút khỏi JCPOA nhắm mục tiêu vào sự tiếp cận của Iran với đồng USD, việc kinh doanh kim loại, than đá, phần mềm công nghiệp và lĩnh vực ôtô. Giai đoạn thứ hai, sẽ bắt đầu từ đầu tháng 11, nhằm tác động vào lĩnh vực giao thương dầu mỏ và Ngân hàng Trung ương của Iran.
H.LIÊN
Theo LĐO
Ngoại trưởng Mỹ-Iran "nguội ngắt" giữa bất đồng song phương Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết đến nay ông chưa có cuộc họp nào được lên kế hoạch với các quan chức Mỹ, kể cả với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, hãng tin bán chính thức Tasnim đưa tin ngày 11-8. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh Reuters Khi được hỏi về...