EU đi tìm tiếng nói chung về những vấn đề nóng
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 26 và 27/10 (giờ địa phương) để thảo luận về những ưu tiên chính sách trong nhiều vấn đề nhức nhối đang ảnh hưởng trực tiếp đến khối cả trong lẫn ngoài.
Trong đó phải kể đến căng thẳng giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga-Ukraine, nỗ lực hỗ trợ cho Kiev, cũng như các vấn đề kinh tế, di cư và an ninh, quốc phòng của EU.
Trước bối cảnh leo thang căng thẳng tại Trung Đông do cuộc xung đột Israel – Hamas đang đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của khối nên EU đang gấp rút tìm ra một giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, cho tới nay, các nước thành viên khối 27 vẫn đang trong tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Trong đó, chỉ riêng vấn đề viện trợ nhân đạo cho người dân Dải Gaza cũng đang gây tranh cãi trong nội bộ EU.
Sau chuyến thăm Israel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, cần phải tạm dừng viện trợ nhân đạo ở Gaza để giúp đỡ người dân, trong khi Đức kêu gọi thiết lập “các cửa sổ nhân đạo”, phía các nước như Ireland yêu cầu “lệnh ngừng bắn nhân đạo” hay như Austria, Cộng hòa Czech kiên quyết ủng hộ Israel. Mặc dù các khái niệm chỉ hơi khác biệt nhưng ở mức độ quốc gia, điều này có ý nghĩa to lớn khi thể hiện quan điểm của từng nước thành viên.
Bài toán lớn nhất của EU lúc này có lẽ không phải là việc tìm ra giải pháp cho vấn đề xung đột mà tập trung vào việc thống nhất ý kiến. Việc không thống nhất được một tiếng nói chung sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của khối 27 về cuộc xung đột nói riêng và trên các diễn đàn quốc tế nói chung.
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng phiên họp lần này sẽ đạt được sự thống nhất của EU về vấn đề cứu trợ nhân đạo tại Dải Gaza. Mặc dù còn tồn tại một số bất đồng nhưng nhìn một cách tổng thể, sự khác biệt trong khối 27 là không nhiều. Hơn thế nữa, vấn đề xung đột Israel – Hamas cũng là vấn đề nóng nhất có ảnh hưởng trực tiếp đến EU cũng như thu hút sự quan tâm của cả khối 27 trong thời gian gần đây.
Video đang HOT
Việc mở rộng khối và kết nạp thêm các thành viên mới cũng được lãnh đạo 27 quốc gia châu Âu đem ra thảo luận tại hội nghị lần này. Ukraine và Moldova đã trở thành ứng cử viên của EU từ hơn một năm nay. Do đó, đã đến lúc EU cần công bố một lộ trình cụ thể hoặc ít nhất là đưa ra một phương hướng xác thực cho quá trình kết nạp của 2 nước này vào khối.
Theo giới chuyên gia, nhiều khả năng việc kết nạp Ukraine và Moldova sẽ chỉ diễn ra trong thời gian vài năm tới. Bởi cho đến nay, cả 2 nước trên vẫn chưa đạt được yêu cầu của EU về vấn đề kinh tế và chính trị cũng như khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình trong hệ thống EU. Bất kể nội dung của cuộc thảo luận tại các phiên họp Hội đồng châu Âu sắp tới là gì, điều tốt nhất mà Ukraine và Moldova có thể mong chờ đó là một lộ trình cụ thể cho việc hội nhập.
Một vấn đề nổi trội không kém đó là các câu hỏi về ngân sách. Vào tháng 6 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các quốc gia thành viên đóng góp thêm tổng cộng 66 tỷ euro cho ngân sách khối. Đối với một số nước có thu nhập “thấp”, đây là con số không hề nhỏ. Tuy nhiên, những ưu tiên cấp bách cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở Dải Gaza và tăng cường viện trợ quân sự với Ukraine khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải thảo luận và điều chỉnh kế hoạch phân bổ ngân sách tài chính giai đoạn 2021 – 2027, qua đó đảm bảo việc duy trì sự thịnh vượng trong nội khối. Vấn đề viện trợ cho Ukraine có lẽ cũng cần phải thảo luận lại bởi tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết ông sẽ không cấp viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong thời gian tới.
Một điểm nóng khác của hội nghị là vấn đề về di cư. Tại Hội nghị Thượng đỉnh không chính thức của EU ngày 6/10 vừa qua, nội dung Hiệp định về di cư và tị nạn đã không được đưa vào tuyên bố chung do còn nhiều chia rẽ giữa các nước thành viên. Ba Lan và Hungary chỉ trích rằng, các quyết định về di cư giữa các nước EU được đưa ra bởi quy tắc đa số đủ điều kiện chứ không phải nguyên tắc đồng thuận.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả việc bắt buộc các quốc gia thành viên EU phải tiếp nhận một phần người di cư hoặc phải trả tiền là “hành động cưỡng bức hợp pháp”. Những phản ứng trên cho thấy, tuy Hiệp định về di cư và tị nạn được đánh giá hoàn hảo về mặt lý thuyết, song trên thực tế, các nước EU khó tìm được tiếng nói chung về chia sẻ gánh nặng, hay việc mở hành lang cho người nhập cư hợp pháp. Đó là lý do Ba Lan và Hungary vẫn phản đối và bỏ phiếu chống, trong khi Cộng hòa Czech, Slovakia và Austria bỏ phiếu trắng đối với Hiệp định.
Cho đến nay, rào cản lớn nhất để đạt được tiếng nói chung về vấn đề di cư của EU nằm ở hai vấn đề chính. Thứ nhất, đây là một vấn đề nhạy cảm rất khó mở lời. Người dân các quốc gia đang gặp khó khăn về kinh tế cảm thấy lo ngại về việc phải tiếp nhận và chi trả hàng đống tiền cho người di cư. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đóng góp nhiều hơn và nhận lại ít hơn trong bối cảnh giá cả leo thang. Mặt khác, vị trí địa lý của các quốc gia thành viên khác nhau khiến gánh nặng di cư đối với từng nước là khác nhau. Các quốc gia cửa ngõ của Liên minh châu Âu sẽ luôn phải chịu áp lực đến từ dòng người di cư, cụ thể là các nước liên quan đến Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp hay các cửa ngõ phía đông như Ba Lan, Romania hay Bulgaria. Trong khi các quốc gia còn lại sẽ nhẹ gánh hơn khi chỉ phải tiếp đón dòng người di cư đã qua chọn lọc hoặc chỉ phải đóng góp một khoản tiền mà không cần chịu bất cứ vấn đề nào liên quan đến di cư hay tị nạn như bất ổn an ninh, áp lực xã hội…
Trên thực tế, vấn đề di cư đã là ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu trong hơn một thập niên qua nhưng không thể áp dụng được do tầm nhìn khác nhau của các quốc gia trong việc kiểm soát tình trạng này. Vấn đề di cư có lẽ sẽ không có quá nhiều đột phá bởi thứ nhất là do các bất đồng về mặt địa lý, sẽ luôn có quốc gia phải chịu thiệt hoặc cảm thấy không công bằng về những chính sách của khối. Ngoài ra, nội bộ EU hiện vẫn còn một số bất đồng liên quan đến vấn đề này như trường hợp của Italy và Đức hồi tháng 9 vừa qua, thế nên nhìn một cách tổng thể, chưa có bất cứ tín hiệu nào báo hiệu sẽ có sự đột phá trong lần gặp mặt này. Nếu tân Thủ tướng Slovakia cũng ủng hộ chính sách của khối về di cư thì nhiều khả năng EU sẽ có thể rút ngắn khá nhiều thời gian trong việc phê duyệt Hiệp định về tị nạn và di cư của khối
Mỹ không kích kho vũ khí của lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Syria
Hai máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công các cơ sở vũ khí và đạn dược ở Syria ngày 27/10 để trả đũa các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, trong bối cảnh lo ngại rằng xung đột Israel-Hamas có thể lan rộng ở Trung Đông.
Theo đó, các cuộc không kích của Mỹ diễn ra vào khoảng 4 giờ 30 sáng 27/10 (giờ địa phương), gần Abu Kamal, một thị trấn của Syria giáp với Iraq và được thực hiện bởi hai máy bay chiến đấu F-16.
Lầu Năm Góc cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh tấn công hai cơ sở được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và các nhóm dân quân mà nước này hậu thuẫn sử dụng, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp bổ sung nếu các cuộc tấn công của lực lượng ủy nhiệm của Iran tiếp tục.
Quân đội Mỹ và liên minh đã bị các lực lượng được Iran hậu thuẫn tấn công ít nhất 19 lần ở Iraq và Syria trong tuần qua. Các nhóm như Hamas, Jihad Hồi giáo và Hezbollah tại Lebanon đều bị Mỹ coi là được Tehran hậu thuẫn.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian phát biểu tại Liên hợp quốc ngày 26/10 nhấn mạnh, nếu cuộc tấn công của Israel chống lại Hamas không dừng lại, Mỹ sẽ "không thoát khỏi ngọn lửa".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định: "Những cuộc tấn công tự vệ của Mỹ là đáp lại một loạt các cuộc tấn công đang diễn ra và hầu hết không thành công nhằm vào quân nhân Mỹ ở Iraq và Syria bởi các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn bắt đầu vào ngày 17/10".
Ông cũng nhấn mạnh, "những cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn chống lại lực lượng Mỹ là không thể chấp nhận được và phải dừng lại".
Trước đó trong ngày 26/10, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã gửi một thông điệp hiếm hoi tới Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, cảnh báo Tehran không nhắm mục tiêu vào nhân viên Mỹ ở Trung Đông.
Mỹ đã gửi tàu chiến và máy bay chiến đấu tới khu vực Trung Đông trong ba tuần qua. Lầu Năm Góc thông tin cho biết thêm khoảng 900 lính Mỹ đã đến Trung Đông hoặc sẽ được huy động tới khu vực để tăng cường phòng không cho quân nhân Mỹ.
Israel ngày 26/10 tuyên bố các cuộc tấn công quân sự vào Gaza đang chuẩn bị cho "giai đoạn tiếp theo của chiến dịch", trong bối cảnh lo ngại rằng một cuộc tấn công trên bộ vào vùng đất của người Palestine có thể gây ra một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông.
Israel đã bắn phá Dải Gaza sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10, khiến khoảng 1.400 người bao gồm cả trẻ em thiệt mạng và bắt hơn 200 con tin.
Bộ Y tế Palestine ngày 27/10 cập nhật số người chết do các cuộc tấn công của Israel đã lên đến 7.028 người, trong đó có 2.913 trẻ em
Liên Hợp Quốc họp bàn giải pháp cho Trung Đông, Iran phản ứng với Mỹ về xung đột Cuộc họp hàng tháng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dành riêng cho cuộc xung đột Israel-Hamas sẽ được tổ chức vào hôm nay (24/10) và một số Bộ trưởng các nước sẽ tham dự, bao gồm cả các Bộ trưởng Ngoại giao của Israel và Palestine. RIA Novosti đưa tin, cuộc họp sẽ được tổ chức theo hình thức "tranh...