EU đã phân bổ hết 6 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ người tị nạn
Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/12 cho biết đã phân bổ hết toàn bộ 6 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận đạt được hồi năm 2016 hỗ trợ người tị nạn ở nước này nhằm giảm đáng kể dòng người di cư qua Biển Aegean đến Hy Lạp.
Người tị nạn Syria tại thị trấn Kilis, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Đại sứ EU tại Thổ Nhĩ Kỳ Nikolaus Meyer-Landrut nêu rõ EU đã hoàn tất thỏa thuận phân bổ 6 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ người tị nạn, cũng như các trung tâm tiếp nhận người tị nạn. Ông nhấn mạnh EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được “dấu mốc quan trọng” và ưu tiên hiện tại là đảm bảo người tị nạn và các cơ sở tiếp nhận người tị nạn sẽ được hưởng lợi từ các dự án xã hội.
Thổ Nhĩ Kỳ được coi là điểm trung chuyển chính của những người di cư tìm đường đến châu Âu qua các đảo của Hy Lạp.
Theo thỏa thuận hồi tháng 3/2016, Ankara sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào EU qua Hy Lạp và Bulgaria. Đổi lại, EU chi 6 tỷ euro để giúp cải thiện điều kiện ăn ở tại các cơ sở tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Số tiền này được dùng để cấp ngân sách trực tiếp cho các dự án xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn "sang trang quan hệ" với EU, "giấc mơ ngôi nhà chung" vẫn xa vời
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (15/12) bày tỏ mong muốn một sự khởi đầu mới với Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh quan hệ hai bên đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên, điều mà Liên minh châu Âu mong muốn là những bước đi cụ thể từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không chỉ dừng lại ở những tuyên bố. Tuần trước, chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ chơi "trò mèo vờn chuột" ở Đông Địa Trung Hải, Liên minh châu Âu đã có động thái "cảnh báo" khi quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, khiến giấc mơ "gia nhập ngôi nhà chung châu Âu" của nước này ngày một trở nên xa vời.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Time
Tổng thống Tayyip Erdogan hôm qua đã có cuộc thảo luận qua điện đàm với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Đây cũng là cuộc thảo luận cấp cao nhất giữa hai bên sau quyết định hồi tuần trước của Liên minh châu Âu trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Thông cáo phát đi sau cuộc điện đàm nêu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ bất kỳ ý định nào hòng "kích động khủng hoảng", đồng thời kêu gọi cứu mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu khỏi vòng luẩn quẩn hiện nay. Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ mong muốn tái khởi động các cuộc thảo luận với Liên minh châu Âu trên tinh thần "hướng về đại cục" và "đôi bên cùng có lợi".
Tuần trước, Liên minh châu Âu đã nhất trí chuẩn bị cho các bước trừng phạt bổ sung đối với Ankara. Giới lãnh đạo khối này cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò "mèo vờn chuột" ở Đông Địa Trung Hải, đe dọa an ninh khu vực. Tổng thống Erdogan khi đó đã tỏ ra khá gay gắt khi cho rằng, Liên minh châu Âu nên đóng vai trò hòa giải chứ không phải tự biến mình thành "công cụ thù địch":
"Những quốc gia lý trí trong Liên minh châu Âu đã cho thấy một cách tiếp cận tích cực và tìm cách ngăn cản trò chơi chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. Tại cuộc họp tiếp theo của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vào tháng 3/2021, có những kỳ vọng về sự chuẩn bị mới và các cuộc thảo luận mới về vấn đề này. Các chính phủ ở Mỹ và châu Âu cần phải thoát khỏi ảnh hưởng của các nhóm vận động hành lang chống Thổ Nhĩ Kỳ, hướng tới các chính sách khách quan và bền vững".
Trên thực tế, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn là một trong những chủ đề gây chia rẽ giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu. Ngay tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tuần trước, trong khi Pháp, Hy Lạp và Cộng hòa Síp muốn Liên minh châu Âu trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, thì một số nước thành viên khác lại lo ngại những căng thẳng hiện nay có thể làm châu Âu trở lại "thời kỳ ám ảnh của cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015".
Đây cũng là lý do nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tiếp tục sử dụng nhập cư như một "con bài mặc cả" khi nhấn mạnh, thỏa thuận nhập cư năm 2015 có thể là điểm khởi đầu cho nỗ lực tái khởi động mối quan hệ giữa hai bên. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, "trở thành thành viên của ngôi nhà chung Liên minh châu Âu" vẫn là một mục tiêu dài hạn và nước này không muốn những bất đồng mới nảy sinh trở thành rào cản cho trong tiến trình gia nhập vốn đã nhiều trắc trở. Vì thế, "cây gậy" hay "củ cà rốt" vẫn là bài toán khó không chỉ đối với Liên minh châu Âu, mà cả Thổ Nhĩ Kỳ để tái khởi động các mối quan hệ./.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa pháo tự hành -155 Firtina hiện đại hóa vào trang bị T-155 Frtna có thể được coi là một mẫu khá tốt trong phân khúc của nó - một thiết kế khá hiện đại với tính năng cao và linh hoạt, đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại. T-155 Frtna - phiên bản cải biên pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc Cuối thế kỷ trước, giới chỉ huy quân...