EU cấm hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức
Ngày 23/4, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn các quy định cấm bán, nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Cờ EU tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo quy định mới, chính quyền quốc gia trong khối 27 nước này hoặc Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có thể điều tra các hàng hóa, chuỗi cung ứng và nhà sản xuất đáng ngờ. Điều tra sơ bộ phải được hoàn tất trong vòng 30 ngày làm việc. Nếu một sản phẩm bị cho là được sản xuất bằng cách sử dụng lao động cưỡng bức, sản phẩm đó sẽ không thể bán được ở thị trường Liên minh châu Âu (EU) nữa và các lô hàng sẽ bị chặn tại biên giới EU.
EP đã thông qua luật trên với đa số 555 phiếu ủng hộ, 6 phiếu chống và 45 phiếu trắng. Văn bản này vẫn cần sự chấp thuận của các nước thành viên trước khi có hiệu lực. Các nước EU sẽ phải bắt đầu áp dụng luật trong vòng 3 năm.
Trước đó, Mỹ đã ban hành đạo luật tương tự vào năm 2021 để bảo vệ thị trường của mình khỏi các sản phẩm có liên quan đến lao động cưỡng bức.
Tỷ trọng xuất khẩu trên GDP của Nga ở mức thấp kỷ lục
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2023 ở mức thấp kỷ lục kể từ năm 2011.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Rosstat cho biết, trong năm 2023, xuất khẩu của Nga chiếm 23,3% GDP nếu tính theo phương pháp thu nhập, so với 27,7% năm 2022. Tỷ lệ trung bình trong giai đoạn 2011-2022 là 27,5%. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này đạt 465,4 tỷ USD - thấp hơn 27% so với năm 2022. Trong số này, xuất khẩu hàng hóa chiếm 424 tỷ USD. "Quả thực, xuất khẩu so với GDP đã ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử đương đại, bằng chứng là số liệu của Rosstat," một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế (IEP) mang tên Gaidar, ông Dmitry Kuznetsov xác nhận.
Theo số liệu của Rosstat, xuất khẩu ròng (chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu) do nhập khẩu phục hồi một phần chiếm 4,3% GDP - mức thấp nhất kể từ năm 1997. Năm 2023, nhập khẩu phục hồi từ mức 15% năm 2022 (mức thấp lịch sử) lên 19%, dù chúng luôn ở mức trên 20% GDP trong giai đoạn 2011-2021.
Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng xuất khẩu hàng hóa năm 2023 giảm chủ yếu do giá trị nguồn cung nguyên liệu khoáng sản giảm trong bối cảnh môi trường giá cả quốc tế ngày càng xấu đi. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2023, giá dầu trung bình trên thị trường thế giới (giá giao ngay trung bình của các loại dầu Brent, WTI và Dubai Fateh) là 80,6 USD/thùng - thấp hơn 16% so với năm 2022 (tuy nhiên, vẫn cao hơn 1/4 so với những năm trước đại dịch COVID-19 2018-2019). Trong năm 2023, tỷ trọng các sản phẩm khoáng sản (chủ yếu là hydrocarbon) trong giá trị xuất khẩu của Nga giảm xuống còn 61% so với 66% năm 2022 (nhưng năm 2021 là 56%), theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Liên bang Nga.
Trong giai đoạn 2011-2014, tỷ trọng sản phẩm khoáng sản trong xuất khẩu của Nga là hơn 70%. Từ năm 2022, Tổng cục Hải quan Liên bang Nga đã không tiết lộ các thống kê ngoại thương theo mã sản phẩm, tức là chưa xác định được các chỉ số cụ thể về xuất khẩu dầu, sản phẩm dầu mỏ hoặc khí đốt tự nhiên.
Chuyên gia Kuznetsov nhận định tỷ lệ xuất khẩu trên GDP có thể rất biến động vì xuất khẩu của Nga phụ thuộc nhiều vào hydrocarbon. Ông Alexander Firanchuk, nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viên Hành chính công trực thuộc Tổng thống LB Nga (RANEPA), cho rằng việc giảm tỷ trọng xuất khẩu theo GDP xuống mức thấp kỷ lục là do những thay đổi bình thường của thị trường và các hạn chế trừng phạt. Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của họ sẽ bao gồm 61% hàng nhập khẩu của Nga vào EU vào năm 2021, tương đương 95 tỷ euro (khoảng 102 tỷ USD). "Các hạn chế từ bên ngoài đã dẫn đến nhu cầu chuyển hướng hàng hóa sang các thị trường trung lập và mất đi một số mặt hàng xuất khẩu. Việc chuyển hướng đòi hỏi phải có các khoản giảm giá, mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa hoàn toàn biến mất", chuyên gia Firanchuk chỉ ra.
ILO: Bóc lột tình dục làm tăng mạnh lợi nhuận từ lao động cưỡng bức Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết nạn lao động cưỡng bức trên thế giới thu lợi nhuận ngày càng nhiều, với 27 triệu người trên toàn cầu rơi vào bẫy nô lệ hiện đại. Cơ quan chức năng Malaysia kiểm tra giấy tờ của các lao động nhập cư trong đợt triệt phá nạn cưỡng bức lao động và buôn...