‘Em nào có tội’ – Sến kiểu Gen Z
Không quá đình đám, nhưng Em nào có tội (Thương Võ, ACV) lại có “ sức sống bền bỉ” trong bảng xếp hạng âm nhạc vốn đầy biến động.
Ra mắt công chúng vào ngày 20/7, ngay trong tuần đầu , Em nào có tội đã xuất hiện trong BXH #zingchart tuần 29 tính từ ngày 18 đến 25/7. Không chỉ vậy, Em nào có tội đã chiếm ngay vị trí quán quân BXH âm nhạc này và đẩy quán quân của tuần trước đó là Sầu tương tư (Nhật Phong) xuống vị trí thứ 5.
Em nào có tội tiếp tục đứng ở vị trí cao trong BXH #zingchart trong 2 tuần liên tiếp sau đó (thứ 2 và thứ 3). Kể từ tuần 32 (từ 9 – 15/8) cho tới tuần 37 (từ 13 đến 19/9) Em nào có tội liên tục có mặt trong top 10 dù vị trí loanh quanh từ thứ 5 trở xuống.
Trong đó, tuần 36 ca khúc này đứng ở vị trí thứ 10, tưởng chừng sẽ bị rớt, nhưng bất ngờ sang tuần 37 vừa qua lại nhích lên được 1 bậc và hiện đứng ở vị trí thứ 9.
Hình ảnh trong MV “Em nào có tội”
Giai điệu bắt tai
Em nào có tội được sáng tác với bố cục khá gọn gàng gồm 2 đoạn nhạc, mỗi đoạn có khuôn khổ là 2 câu nhạc cân phương. Tức là các câu nhạc có độ dài tương đồng nhau.
Tương tự như vậy, các đoạn nhạc cũng có độ dài tương đồng nhau. Trong khi đó, trong nội tại 1 đoạn nhạc câu nhạc thứ 2 là sự nhắc lại có thay đổi nét giai điệu trong khi tính chất âm nhạc vẫn giữ nguyên. Ở khuôn khổ lớn hơn, mối quan hệ về tính chất âm nhạc giữa 2 đoạn nhạc cũng có nét tương đồng. Đoạn nhạc thứ 2 giữ vai trò đoạn điệp khúc của ca khúc, chất liệu âm nhạc của đoạn này là sự phát triển chất liệu đã có ở đoạn nhạc đầu tiên.
Nói như vậy để thấy rằng, việc sáng tác các ca khúc có cấu trúc rõ ràng, cân phương, vuông vắn luôn tạo cho người nghe một cảm giác có trật tự về bố cục và điều đó khiến cho người nghe cảm thấy dễ chịu khi thưởng thức, chứ không có cảm giác rườm rà, vòng vo dẫn đến rối rắm như không ít trường hợp.
Ca khúc mang tính chất trữ tình, đượm buồn, là một bản pop sáng tác trên màu sắc của giọng thứ, điều này hoàn toàn dễ hiểu. Và cũng vì cái chất buồn mang tính tự sự nội tâm nên những giai điệu mở đầu ca khúc có tính bình ổn. Trong đó, ca khúc cũng có vòng hòa âm tương đối đơn giản, được xây dựng trên mối quan hệ với các giọng nằm trên bậc VI – VII – V – I của giọng chủ. Điều này tạo cho ca khúc tính bình ổn phù hợp với cấu trúc âm nhạc được áp dụng khi triển khai ca khúc này.
MV “Em nào có tội” của Thương Võ đang gây được sự chú ý của giới trẻ
Cuộc tình buồn
Chú ý nhất của Em nào có tội có lẽ là những giai điệu và lời ca mở đầu của đoạn điệp khúc, nghe khá bắt tai: “Anh ơi, anh ơi! Em nào có tội/ Mà sao anh nỡ, buông tay em rồi”. Đoạn lời ca kiểu như thế này dễ chiếm được tình cảm của người nghe, nhất là những người đang cùng trong tâm trạng.
Toàn bộ ca khúc nói về câu chuyện của một cô gái dành trọn trái tim cho một chàng trai nhưng không được đáp lại một cách trọn vẹn. Và cô gái chỉ biết giãi bày bằng những lời lẽ chừng như không còn gì đau khổ bằng: “Một đời không xứng, trăm vạn lần đau/ Em cố kìm nén đi bao u sầu/ Sai lầm phút chốc, anh có ân hận/ Nếu đã không cần, xin đừng bận tâm”. Tới đây, lý do khiến cô gái rơi vào tâm trạng buồn bã, u sầu được tiết lộ: “Anh thương thầm ai, vương vấn đêm ngày/ Chắc không phải em, có đúng như vậy/ Đôi tay nhỏ bé, không giữ anh được/ Khóc than cho một cuộc tình phải lìa tan”.
Sau những giai điệu và ca từ bắt tai mở đầu đoạn điệp khúc, cô gái bảo rằng mình đâu có tội và cũng sẵn sàng tha thứ nếu chàng trai quay trở lại, nhưng tại sao vẫn chỉ là: “Người từng thương nhất, nay lại thờ ơ”. Có lẽ giống như rất nhiều cô gái khác trong hoàn cảnh ấy, cô bị người mình yêu hững hờ đem ra so sánh: “Cô ta có tốt, như anh mong chờ” và “Xa em có chắc, anh hạnh phúc hơn”. Cuối cùng cô gái không quên nhắn nhủ: “Một mai họ chẳng, thương anh thật lòng” thì “Đừng quên em nhé, em vẫn chờ mong”.
“Em nào có tội” – Thương Võ:
Phá cách hay đơn giản hóa?
Trên kênh YouTube mang tên Thương Võ Official có sở hữu 511 nghìn lượt đăng ký, Em nào có tội đến nay thu hút được hơn 7,5 triệu lượt xem. Đó cũng là một con số khá ấn tượng với một gương mặt trẻ. Nhưng, điều khiến những khán giả tiếp cận kênh này và thưởng thức Em nào có tội ngạc nhiên nhất là phần hình ảnh.
Thông thường khi nghĩ đến MV, nhất là MV có nội dung gắn liền với câu chuyện yêu đương, thất tình của tuổi trẻ, thường khán giả sẽ nghĩ tới những nhân vật trai xinh, gái đẹp, những khung cảnh mộng mơ, những góc hình đầy ấn tượng, gợi lại hình ảnh ngày 2 người còn đang say đắm bên nhau. Thế rồi, có thêm nhân vật “người thứ 3″…
Nhưng ở Em nào có tội, không có nhân vật chàng trai, cũng không có nhân vật “người thứ 3″, cũng chẳng có câu chuyện nội dung cụ thể, không có bối cảnh lãng mạn. Em nào có tội chỉ có duy nhất một bối cảnh trong không gian hẹp là một gian phòng. Dù vậy, có tới 6 nhân vật, bao gồm cả cô gái – nhân vật chính mà ca sĩ hóa thân. Toàn bộ 6 nhân vật không di chuyển, xuất hiện từ đầu đến cuối trong một bối cảnh cũng không thay đổi. Sự thay đổi chỉ diễn ra ở các góc máy toàn, trung, cận và “bắt” vào nhân vật chính hoặc các nhân vật phụ.
Trong khi phần bối cảnh và kịch bản gần như là con số không thì MV Em nào có tội được xử lý phần màu khá bắt mắt, theo đúng “gu” của giới trẻ hiện nay.
Nguyễn Quang Long – Tác giả bài viết
Đòi “bình quyền”?
Đó là những suy nghĩ vui vui của tôi khi xem những hình ảnh trong MV Em nào có tội. Cái bối cảnh dựng lên kia phải chăng là một… bàn nhậu, một cuộc nhậu?
6 cô gái trẻ, vừa tròn xinh 1 mâm. Ngoại trừ nhân vật chính cầm micro và hát như kiểu buồn rồi, uống rồi, hơi hơi ngà ngà, rồi giãi bày. 5 nhân vật còn lại đóng vai các… “bợm nhậu”, tất nhiên, mức độ nhậu khá nhẹ nhàng vì không có hình ảnh say xỉn. Cuộc nhậu cũng có đầy đủ đồ uống, đồ ăn bày la liệt, những cô gái thi thoảng lại chạm ly với nhau như chia sẻ nỗi đau thất tình của cô gái bị người yêu lạnh nhạt.
Xưa nay, những hình ảnh ấy hầu như chỉ diễn ra với trường hợp ngược lại, đối tượng thất tình là chàng trai. Sau khi bị người yêu “đá”, để vơi đi nỗi buồn, chàng trai sẽ rủ hội bạn thân của mình đến tổ chức ăn uống, chén chú chén anh, mong trái tim được nguôi ngoai.
Vì vậy, việc tạo nên hình ảnh xem ra có vẻ như ngược ngược mắt này có khi lại là điểm nhấn hữu ý của ê-kíp sản xuất. Ngoài ra, nếu nhìn ở hướng tích cực, cũng có thể coi đây là thông điệp về sự bình đẳng giới của những cô gái trẻ trong thời điểm hiện nay – muốn bộc lộ mạnh mẽ cảm xúc của bản thân để được những người xung quanh chia sẻ.
Cộng thêm nữa, việc tối giản khi thực hiện MV dường như đang trở thành xu hướng xuất hiện trong 2 năm trở lại đây, khi mà dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong đó có sản xuất âm nhạc. Nếu đứng ở những góc độ như thế thì MV Em nào có tội cũng kha khá thú vị.
“Sến” đời mới
Thể hiện nỗi buồn tan nát về sự ăn ở 2 lòng của người mình yêu, trong một cuộc nhậu chừng như để quên đi tất cả… bản hòa âm khá đơn giản và cũng dễ nghe này khiến ta dễ hình dung đến dòng nhạc nhạc trữ tình bolero trước đây.
Cách thể hiện tậm trạng buồn của giọng ca vẫn ẩn chứa sự trong sáng của tuổi trẻ. Thương Võ có giọng hát ở mức khá, chất giọng có tình cảm, có xử lý giọng pha khá nhẹ nhàng. Thêm vào đó là các yếu tố đã đề cập ở phía trên, tất cả tạo cho người nghe cảm giác “bon lỗ tai” khi nghe Em nào có tội.
Những câu chuyện tình buồn vui là điều đương nhiên có trong cuộc sống của lớp trẻ. Thể hiện những cảm xúc yêu đương, những khoảnh khắc đẹp, kể cả đó là khoảnh khắc thất tình để rồi cho ra đời những bản nhạc tình buồn là điều thường thấy trong sáng tác. Sự khác biệt chỉ là dấu ấn âm nhạc, cách phối khí, cách thể hiện của giọng hát ở mỗi giai đoạn có những sự khác nhau. Người viết cho rằng, Em nào có tội là một trong những ca khúc có thể được xem là một dạng sến của giới trẻ hiện nay.
Điểm 6,7/10
MV 'Sầu tương tư' - vẫn có những ngách đi riêng
Bên cạnh bạt ngàn những cái tên đình đám, ta vẫn gặp những cái tên chưa thực sự quen với đại bộ phận công chúng nhưng lại chễm trệ trên các bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu hiện nay. Một trong số đó là Nhật Phong với MV Sầu tương tư.
Dẫu đã tìm nghe ngay sau khi phát hành, người viết vẫn sẽ không chú ý đến Sầu tương tư của ca sĩ Nhật Phong nếu không có chi tiết khá bất ngờ: Trong bảng xếp hạng #zingchart tuần thứ 25, ca khúc này đã lập tức lọt vào top 10 và đứng ở vị trí thứ 7. Đáng chú ý, đây là bảng xếp hạng tuần 25 được tính từ ngày 21 đến hết ngày 27/6 trong khi Sầu tương tư ra mắt ngày 26/6, tức là chỉ có một ngày để nghe nhưng cũng đủ lọt vào top 10.
Không dừng lại ở đó, ngay trong tuần thứ 26 tiếp theo (từ 28/6 đến 4/7) Sầu tương tư tiếp tục có cuộc bứt phá ngoạn mục khi giành vị trí thứ 2 vẫnở bảng xếp hạng này.
Nhìn từ một MV
Đây không phải lần đầu tiên Nhật Phong lọt top 10 tại một BXH đình đám về âm nhạc. Sở hữu kênh YouTube riêng với tên Nhật Phong, đạt mức 1,15 triệu lượt đăng ký, MV Sầu tương tư trên kênh này cũng đạt mức gần 1,63 triệu lượt xem.
Vậy Sầu tương tư có gì cần giải mã?
Trước hết, đây là một sản phẩm do Nhật Phong sáng tác và thể hiện. Về nội dung, câu chuyện được xây dựng theo kiểu cổ tích thời hiện đại, ở đó có một chàng trai trẻ đẹp trai kiếm sống bằng nghề đốn củi và một cô gái trẻ xinh xắn hàng ngày đi hái nấm. Và chàng trai đem lòng yêu cô gái. Chuyện tình đang đẹp như mơ với những hình ảnh núi đồi xanh mướt, những vạt rừng thông thơ mộng thì chàng trai quyết định xuống phố lập nghiệp, không quên hứa hẹn cô gái chờ ngày chàng quay trở về để cưới nhau.
Hình ảnh trong MV "Sầu tương tư"
Ở phố, chàng trai chăm chỉ làm việc, dành dụm và mong ngày trở về. Ở rừng, cô gái vẫn miệt mài với công việc hàng ngày và nhớ thương chàng trai. Nhưng rồi sự cố ngoài mong muốn xảy ra: Một chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh đang tác nghiệp ở nơi núi rừng đã kịp thời cứu giúp cô gái. Khi trở về, chàng trai tình cờ bắt gặp hình ảnh cô gái mình yêu đang đứng bên ân nhân nên lặng lẽ rời đi.
Đây là mô-típ quen thuộc khi xây dựng nội dung kịch bản cho một MV với độ dài chỉ hơn 4 phút. Đồng thời nội dung này phù hợp với chủ đề (cũng là tên gọi ca khúc) Sầu tương tư và các ca từ trong đó.
Phần hình ảnh, MV Sầu tương tư bám theo nội dung câu chuyện, trong đó có 3 nhân vật là chàng trai (chính là ca sĩ), cô gái và chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có thể nói, cả nội dung kịch bản, bố cục câu hình, tone màu chủ đạo... của MV không có gì khác biệt so với nhiều MV khác.
Về bố cục và ca từ, Sầu tương tư cũng tương đối gọn gàng và dễ hiểu. Ca khúc có cấu trúc gồm 2 đoạn ngắn gọn với ca từ cũng khá đơn giản, bắt đầu từ một câu cảm thán như một tâm sự chất chứa trong thế giới nội tâm của chàng trai: "Nhiều khi ta muốn tìm về chốn bình yên/ Một đời phiêu du mong tìm công danh đất khách" và ngay sau đó là sự xuất hiện của cô gái với: "Hỏi người con gái ấy giờ nàng sống sao rồi/ Hồn ta tan vỡ từ khi em bước cùng người" và đoạn điệp khúc cũng khá ngắn gọn: "Vì ai ta phải ôm sầu quá lâu rồi/ Tương tư mãi một người/ Hỏi mây núi làm sao ta có thể quên người/ Lòng ta như gió bên đồi, hắt hiu rồi/ Nào với tới mây trời, đành lòng ôm sầu tương tư một đời".
MV "Sầu tương tư" của Nhật Phong
Ca khúc có giai điệu khá dễ nghe, (đoạn giai điệu bắt tai nhất là ở phần mở đầu đoạn điệp khúc). Mở đầu ca khúc, giai điệu có nhiều nét hao hao giống nhạc Hoa. Điều này lại càng được củng cố thêm bởi bản hòa âm. Dù có vòng hòa âm tương đối đơn giản trong màu sắc của giọng thứ mang chất trữ tình, Sầu tương tư có bản hòa âm là khá dễ nghe.
Về thể hiện, giọng hát không có đoạn nào phô trương kỹ thuật thanh nhạc, không có đoạn tạo nên cao trào một cách mãnh liệt mà chỉ như một lời tự sự, nhẹ nhàng, có đoạn những cảm xúc được nâng lên nhưng chưa tới mức bùng nổ. Có thể nói, phần thể hiện giọng hát vẫn giữ ở chừng mực của sự vừa phải.
Riêng và chung
Với cảm nhận của người viết, Sầu tương tư ở chừng mực vừa phải, chưa có dấu ấn khiến khi nghe xong phải nhớ mãi. Song, Sầu tương tư cũng có nét riêng khiến nó không bị lạc vào "đại gia đình" nhạc giải trí hiện nay.
Nét riêng ở ca khúc này được tạo nên ở nhiều yếu tố từ màu nhạc, bản hòa âm, đến giai điệu, ca từ, cách thể hiện rồi cả một chút chất nhạc Hoa ở trong đó... Rất nhiều những thứ đó tạo cho người nghe một cảm giác không mới nhưng khá thân quen với khán giả 8X trở lên, giống như thời kỳ nhạc thị trường của những năm thập niên 1990, đầu những năm 2000. Có lẽ điều này là một trong những lý do tạo cho Sầu tương tư được khán giả của Nhật Phong đón nhận ở giai đoạn hiện nay.
Thực tế, nhìn vào các bảng xếp hạng âm nhạc và nghe âm nhạc mà chủ nhân của những bản nhạc nằm trong top 10 mang tới, thi thoảng vẫn có sự xuất hiện của những màu sắc âm nhạc tương tự như Sầu tương tư .
Trước và sau khi phát hành Sầu tương tư , trên fanpage cá nhân, Nhật Phong thường xuyên "thả thính" và đón nhận "cơm mưa" lượt thích. Chẳng hạn có 4,2k thíchdành cho chia sẻ này của anh: "Cảm giác buồn nhất, đau khổ nhất là khi có ai đó xuất hiện, rồi trở nên thân thiết với mình, trở thành một điều ý nghĩa trong cuộc đời của mình. Nhưng sau đó, lại rời đi như chưa từng có chuyện gì xảy ra vậy". Trong khi với chia sẻ: "Đau lòng nhất là khi bạn yêu một người bằng cả trái tim mà chỉ nhận lại đau khổ cho riêng mình" có tới 9,1k. "Yêu thôi là chưa đủ, đôi khi cần nhiều hơn một chữ yêu" đạt 16k thích. "Buồn nhất không phải là không có ai ở bên cạnh, mà buồn nhất là khi có người bước vào cuộc đời mình và lại bước ra đi" có tới 32k thích. Rõ ràng, khán giả của anh nói riêng, khán giả trẻ nói chung đang rất chú ý đến những cảm xúc và những câu từ đầy chất ngôn tình như vậy. Và với Sầu tương tư, Nhật Phong đã chiều được lòng khán giả của mình ở khía cạnh này.
Tên thật Nguyễn Thế Bình, Nhật Phong sở hữu gương mặt khá điển trai, kiểu hiền hiền, thương thương theo mô-típ thần tượng Hàn Quốc. Trên fanpage với tên nghệ danh và Facebook cá nhân với tên thật, nam ca sĩ thường xuyên đăng những tấm hình bắt mắt.
Bên cạnh kênh YouTube, Nhật Phong sở hữu lượng khán giả theo dõi đông đảo trên trên các nền tảng mạng xã hội khác như fanpage với 351 nghìn lượt theo dõi, facebook cá nhân với 251 nghìn lượt theo dõi.
Như vậy, Sầu tương tư chứa đựng những yếu tố nằm trong cái chung cần có của một sản phẩm âm nhạc đại chúng khi ra mắt khán giả giai đoạn hiện nay: Có giai điệu dễ nghe, có câu chuyện tình đẹp mang hơi hướm ngôn tình, hình ảnh dễ thương, giọng hát dễ chịu, ngoại hình bắt mắt, đồng thời có một cộng đồng khán giả trên các trang cá nhân và có khán giả của riêng mình trên một hoặc nhiều trang nghe nhạc trực tuyến hàng đầu.
Nhưng những yếu tố này chỉ đủ để sản phẩm âm nhạc đến được với công chúng và ở lại trong một thời gian nhất định, thường là không quá lâu. Muốn để ca khúc sống mãi trong lòng khán giả, yếu tố về chất lượng nghệ thuật với những tiêu chí "xưa như trái đất" vẫn phải nhắc tới: Giai điệu và lời ca phải có giá trị nghệ thuật đủ để tiếp tục "ở lại" sau khi sự háo hức mang tính thời điểm đã đi qua.
Điều này, từ góc nhìn cá nhân, người viết chưa thấy có trong Sầu tương tư .
Bước ra từ mạng xã hội
Thật ra, Nhật Phong đã là "người của công chúng" trên mạng xã hội từ nhiều năm trước. Anh thường xuyên livestream giao lưu trò chuyện và hát cover dành tặng khán giả. Lượng khán giả theo dõi trực tiếp của anh luôn ở mức cao. Tầm ảnh hưởng của Nhật Phong đủ để kéo những cái tên hoàn toàn xa lạ trở thành tên quen thông qua những buổi livestream chung, có chia sẻ trên cả trang cá nhân của bạn diễn. Trường hợp Hoa Vinh đình đám một thời là một ví dụ: Trước lúc nổi như cồn trên mạng xã hội, Hoa Vinh xuất hiện một thời gian tương đối dài trong các buổi livestream của Nhật Phong.
Nam ca sĩ này cũng khá mát tay khi còn là nhân tố tạo chất xúc, tác đẩy được thêm cái tên đáng chú ý nữa vào làng giải trí, như trường hợp ca sĩ, nhạc sĩ Đình Dũng. Với Đình Dũng, sự kết hợp mang tính chuyên nghiệp và đường dài hơn khi họ cùng bắt tay giới thiệu sản phẩm chung trên kênh YouTube chung, nổi bật nhất là 2 MV Thằng hầu và Tướng quân . Nhưng không lâu sau đó cả 2 đã tách ra hoạt động riêng biệt trước sự luyến tiếc của khán giả. Song, sự kết hợp này tạo đà cho cả 2: Đình Dũng rộng bước vào làng giải trí, Nhật Phong tiến thêm một bước trong sự nghiệp, bước dài hơn từ mạng xã hội đến với sân khấu thực.
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết
Nói như vậy để thấy, con đường đi đến với khán giả của Nhật Phong là rất bài bản, chứ không phải tự nhiên. Anh có đầy đủ tố chất để tiến thêm những bước nữa trong hoạt động âm nhạc của mình, nhưng phải có những dấu ấn thật sự khác biệt thông qua sản phẩm. Và thời điểm để bứt phá đã đến. Nói cách khác, Nhật Phong đang ở "đỉnh" của một giai đoạn hoạt động của chính mình. Anh chỉ có 2 sự lựa chọn: Một là hài lòng và tiếp tục với những gì đã đạt được để rồi dần giảm đi độ hấp dẫn trong lòng khán giả; hai là có sự thay đổi mạnh mẽ - có thể tiếp tục bằng sản phẩm do chính mình sáng tác, cũng có thể là sự hợp tác với một tên tuổi nào đó.
Sự lựa chọn thứ 2, nếu thành công, sẽ giúp Nhật Phong tiếp tục bước tới một "đỉnh" tiếp theo trên con đường âm nhạc của mình.
MV "Sầu tương tư":
Chuyện cũ kể lại: Bằng Kiều từng đi hát đám cưới từ năm 9 tuổi, mức cát xê cách đây 40 năm "rất gì và này nọ" Nam ca sĩ Bằng Kiều từng tiết lộ hình ảnh đi diễn của mình từ năm 9 tuổi khiến cho nhiều nghệ sĩ cũng phải thích thú. Những khán giả thuộc thế hệ 8x-9x hay thậm chí là Gen Z hẳn đã không còn quá xa lạ với tên tuổi của nam ca sĩ Bằng Kiều. Sở hữu giọng hát cao vút và...