Em bé mắc COVID-19 bú sữa bình trong lòng nữ bác sĩ khiến nhiều người rơi lệ
Hình ảnh bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy – Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM – mặc đồ bảo hộ kín mít, một tay bế em bé F0, tay còn lại cho bé bú sữa khiến nhiều người xúc động. Ngoài bé, cha mẹ và một anh trai 25 tháng tuổi cũng mắc COVID-19.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy – khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương – cho em bé mắc COVID-19 mới 7 tháng tuổi uống sữa. Ảnh được đồng nghiệp chung êkip trực với bác sĩ Thúy chụp lại – Ảnh: Bác sĩ Thúy cung cấp
Dành một ít thời gian hiếm hoi trong giờ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 23-6, bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy – 30 tuổi, đang công tác tại khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương – cho biết chị là người bế em bé F0 và hình ảnh này được đồng nghiệp chụp lại.
Sau đó bác sĩ Thúy đăng hình ảnh này lên trang Facebook cá nhân cùng với dòng cảm xúc: “Có những điều tử tế nhỏ nhoi mang lại niềm vui đến người cho và người nhận”.
Trước đó, lúc 0h25 ngày 22-6, Bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận 3 cha con ngụ ở phường An Lạc, quận Bình Tân mắc COVID-19, trong 2 người con thì có một bé trai 25 tháng tuổi, bé gái 7 tháng tuổi. Thấy hoàn cảnh này, bác sĩ Thúy và đồng nghiệp rất xót thương nên sắp xếp một chỗ “ngon nhất” trong khoa để 3 cha con được nằm chung.
Bác sĩ Thúy được biết nguồn lây ban đầu là từ người mẹ khi chị đi chợ vô tình tiếp xúc với một ca mắc COVID-19, sau đó lây cho chồng và hai người con. Người mẹ suy hô hấp nặng, đang nằm điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Tại Bệnh viện Trưng Vương, hiện người cha vẫn đang thở oxy, mệt mỏi nhiều, thỉnh thoảng được bước xuống giường vươn vai tại chỗ rồi tiếp tục nằm thở oxy. May mắn hai đứa con của anh chị vẫn khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Thế nhưng hai bé vẫn còn quá nhỏ, bác sĩ Thúy và đồng nghiệp thay phiên pha sữa cho bé gái 7 tháng tuổi bú, cho bé trai 25 tháng tuổi ăn, rồi thay tã cho hai bé, pha trò chọc hai bé cười…
“Đồng nghiệp tôi vừa bế bé vừa bảo: về nhà đi, ở đây làm chi. Vậy mà bé con cười nhíu cả mắt, thật thương! Con bé mới 7 tháng tuổi mà ngoan lắm, bú no là nằm ngủ ngon lành dưới chân cha. Còn thằng anh thì cứ lăn lộn trên giường bên cạnh” – bác sĩ Thúy viết.
Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương đang nỗ lực điều trị người cha để không xảy ra diễn tiến xấu và tiếp tục thay phiên làm nhiệm vụ phụ huynh chăm sóc hai bé.
Video đang HOT
Bác sĩ Thúy chia sẻ thêm kể từ thời điểm Bệnh viện Trưng Vương được Sở Y tế TP.HCM chuyển đổi công năng thành nơi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân COVID-19, bản thân chị từ bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân bình thường thì nay là tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19. Và đây là lần đầu tiên trong đời bác sĩ Thúy tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 còn rất nhỏ.
Bác sĩ Thúy cũng có con nhỏ hơn 10 tháng chưa dứt sữa mẹ. Khi tiếp nhận nhiệm vụ này, trước mắt bác sĩ Thúy phải xa con một tháng và không biết chắc chắn ngày trở về khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày có đến hàng trăm ca.
“Mẹ nghĩ sẽ dành thật nhiều thời gian bên cạnh con, nhưng chưa bao giờ nghĩ lại phải xa con thật nhanh và nhiều như thế này. Con trai lúc gặp lại mẹ chắc sẽ biết đi rồi, mẹ thật tiếc vì sẽ không được chứng kiến tận mắt những bước đi đầu đời của con” – bác sĩ Thúy viết trên trang cá nhân gửi gắm đến con trai.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Nữ bác sĩ mắc ung thư gan đăng ký hiến tạng sau khi qua đời
"Có quá nhiều người ra đi trong thời gian chờ ghép mô tạng. Nếu mình có thể cứu một ai đó, để họ sống lâu hơn với người thân, chẳng phải là điều quá tốt hay sao", bác sĩ Tú nói.
Gần 1 năm trước, bác sĩ Đào Anh Tú (Hà Nội) bất ngờ thấy đau tức liên tục ở vùng bụng, ngực. Ban đầu, cô nghĩ có thể do bệnh dạ dày thông thường, bởi bản thân hay bận nên sinh hoạt không điều độ.
Tới khi những cơn đau dữ dội ngày một nhiều, Tú tới Bệnh viện K khám tổng quát. Các đồng nghiệp phát hiện cô mắc ung thư gan giai đoạn 3C, gần chuyển sang giai đoạn 4. Tú trước đó không bị bệnh về gan, nhưng cô có một loại u hiếm gặp gây ung thư. Lúc này, bệnh đã di căn qua tử cung và phổi.
Tú ngồi thất thần tại bệnh viện, thấy đầu óc trống rỗng, vô định. "Mọi thứ ập đến quá nhanh khiến tôi choáng váng, ngập ngụa trong đau đớn. Tôi hiểu về căn bệnh, hiểu cái gì đang đợi mình và bao giờ thì nó đến. Biết được bao giờ mình sẽ chết là điều khủng khiếp nhất...", cô nói.
Cố gắng bước lên từ "đáy vực"
"Bạn sẽ không biết mình mạnh mẽ thế nào cho đến khi mạnh mẽ là sự lựa chọn duy nhất".
Đây là dòng đầu tiên Tú viết trong một bài chia sẻ rất dài trên trang cá nhân Facebook. Nữ bác sĩ trẻ đang sống ở những ngày "đau đớn" nhất cuộc đời, nhưng cô vẫn gắng gượng từng chút bước lên khỏi đáy vực.
Tú kể, thời gian đầu khi biết tin mắc ung thư, tóc cô rụng từng mảng lớn mỗi ngày dù chưa bước vào điều trị hóa chất. Cô dằn vặt trong rất nhiều suy nghĩ, 1 tuần liên tục không thể ngủ.
Nữ bác sĩ hóa trị 8 lần, xạ trị 2 lần trong 10 tháng đầu tiên. Sau mỗi đợt hóa trị, cả cơ thể mệt mỏi, rệu rã, không ăn uống được, không thể bước đi hay sinh hoạt bình thường. Tú giảm từ 47kg xuống còn 35kg.
Những cơn đau lan khắp cơ thể, hành hạ từng giờ, nhưng cô không được uống thuốc giảm đau như bệnh nhân khác. Thuốc này khi tích tụ có thể gây hại gan, bởi vậy tránh dùng với người mắc ung thư gan.
Tú cũng không đáp ứng với hóa chất. Điều trị từng ấy lần, kích thước khối u trong cơ thể vẫn không nhỏ lại. Hiện cô đã nhập viện một thời gian, chỉ có thể ăn qua sonde, chủ yếu là nước cháo loãng, kết hợp truyền dinh dưỡng. Tiểu cầu nữ bác sĩ giảm kịch đáy, thể trạng rất yếu ớt.
Phương án duy nhất giúp Tú có thể sống sót là ghép gan, tuy nhiên phải đáp ứng hai điều kiện, có tạng hiến và sức khỏe đủ điều kiện cho phép. Rất nhiều bệnh nhân cô biết đã ra đi trong thời gian chờ ghép tạng.
Ở thời điểm khó khăn nhất, Tú vẫn giữ được sự lạc quan. Cô nói, còn sống là còn tất cả, bởi vậy hãy cứ vui vẻ, cố gắng chiến thắng bệnh tật, giành lại sự sống. Tú thủ thỉ khoe về sức chịu đau đặc biệt của bản thân. Cô bảo, đau đớn như vậy, chắc chắn nhiều người không chịu nổi, nhưng cô vẫn gắng gượng được.
"Một số người trong hoàn cảnh này có lẽ sẽ lựa chọn kết thúc cuộc đời, nhưng tôi chọn nỗ lực. Theo ngành y, tôi đã được dạy rằng, người thầy thuốc phải chữa bệnh cho đến khoảnh khắc cuối cùng. Tôi được đào tạo chỉ để làm việc ấy. Là bệnh nhân, tôi cũng sẽ cố gắng đến khoảnh khắc cuối cùng", cô nói.
Bác sĩ Đào Anh Tú - Ảnh: NVCC
Nữ bác sĩ tâm sự, động lực lớn nhất giúp cô mạnh mẽ là hai con ở nhà.
Tú là mẹ đơn thân. Khi cô mắc bệnh, không còn sức khỏe, con gái lớn mới 9 tuổi phải thay mẹ gánh vác rất nhiều thứ, trong đó có chăm lo cho đứa em út gần 3 tuổi. Từ khi mẹ ốm, cô bé tự đạp xe đi học, tự nấu nướng, cho em ăn, cho em ngủ. Bé luôn giành làm việc nhà, để mẹ có thời gian nghỉ ngơi.
Tú không dám nói với con căn bệnh của mình. Nhưng nhiều lần có người quen đến thăm, dặn đừng làm mẹ buồn vì mẹ ốm nặng, con gái đã hiểu được phần nào. "Thỉnh thoảng, con lại khóc, nói rằng sợ mẹ chết. Con bé còn nhỏ nhưng luôn tỏ ra tự lập, kiên cường vì sợ mẹ phiền lòng. Nhìn thấy con như vậy, tôi tự nhủ, phải gắng sống để tụi trẻ có chỗ dựa", nữ bác sĩ nói.
"Cho đi là còn mãi"
Trong những ngày chống chọi với căn bệnh ung thư, bác sĩ Đào Anh Tú đã đưa ra quyết định đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời. Nguyện vọng của cô là tất cả bộ phận trên cơ thể, phần nào còn nguyên vẹn sẽ tặng lại cho những bệnh nhân đang mòn mỏi chờ được ghép tạng.
"Có quá nhiều người ra đi trong thời gian chờ ghép mô tạng. Nếu mình có thể cứu một ai đó, để họ sống lâu hơn với người thân, chẳng phải là điều quá tốt hay sao? Sau này các con tôi lớn lên, chúng hẳn cũng sẽ rất hạnh phúc khi biết mẹ đã làm điều có ích cho cuộc đời", Tú chia sẻ.
Thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng của bác sĩ Tú - Ảnh: NVCC
Làm trong ngành y, Tú biết Ngân hàng tạng của Việt Nam hiện vô cùng thiếu thốn. Nước ta có mấy nghìn ca chờ ghép tạng, nhưng số người đăng ký hiến lại rất ít do đa số vẫn giữ quan niệm chết phải "toàn thây".
"Mong rằng sau này khi ra đi, một phần nào đó của tôi vẫn sống với cuộc đời này, trong cơ thể những bệnh nhân từng kém may mắn như tôi", cô nói.
Tú cũng tình nguyện hiến xác cho y học để nghiên cứu về mặt bệnh u gan hiếm gặp. Cô hy vọng sẽ sớm có thêm nhiều phương pháp điều trị cho người mắc bệnh này.
Sáng 31/5: Thêm 61 ca mắc COVID-19 trong nước, Việt Nam hiện có 7.168 bệnh nhân Bản tin sáng 31/5 của Bộ Y tế cho biết có thêm 61 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Giang 43 ca, Hà Nội 15 ca và Lạng Sơn có 3 ca. Việt Nam hiện có 7.168 ca mắc. Đến sáng nay, thế giới đã vưọt mốc 170 triệu ca mắc COVID-19. Thông tin diễn biến dịch COVID-19 ở Việt Nam: Tính...