Elon Musk và ước mơ chinh phục vũ trụ
Từ ước mơ được sinh sống trên Sao Hỏa thuở nhỏ, Elon Musk đã xây dựng nên SpaceX và từng bước hiện thực hóa tham vọng chinh phục vũ trụ của mình.
Elon Musk sinh ngày 28/6/1971, tại Pretoria, Nam Phi. Ngay từ nhỏ, ông đã đam mê đọc sách và dành sự quan tâm đặc biệt cho những tác phẩm về vũ trụ. Năm 9 tuổi, ông đọc hết cuốn Bách khoa toàn thư Britannica và thường xuyên đọc tiểu thuyết khoa học viễn tưởng 10 tiếng mỗi ngày.
Một trong những bộ sách yêu thích của Elon Musk là “Foundation” của nhà văn Isaac Asimov, nói về sự hình thành và biến mất của những nền văn minh trong ngân hà. Trong thế giới của “Foundation”, con người đã trở thành một nền văn minh đa hành tinh và định cư khắp vũ trụ, nhưng thế giới này được dự báo sẽ sụp đổ trong tương lai và một đế chế mới sẽ trỗi dậy.
Một tác phẩm khác cũng ảnh hưởng lớn đến Elon Musk là tiểu thuyết “Lord of the Flies” của William Golding. Hai nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết này đã đánh thức chủ nghĩa anh hùng bên trong con người của Elon Musk. “Tôi luôn nghĩ rằng mình có nghĩa vụ phải giải cứu thế giới sau khi đọc tác phẩm này”, Elon Musk nói.
Cả hai cuốn sách kể trên đều có một luận điểm chung, đó là hành động của một cá nhân đơn lẻ đủ khả năng để thay đổi cả thế giới. Tinh thần của hai tác phẩm đó đã góp phần định hình nên con người của Elon Musk sau này. Tuy vậy, con đường hướng tới vũ trụ của Elon Musk chỉ thực sự diễn ra sau khi ông đã có được một nền tảng kinh tế vững chắc.
Khởi đầu khó khăn của SpaceX
Năm 2002, Elon Musk trở thành triệu phú ở tuổi 30. Tại thời điểm ấy, ông sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 200 triệu USD sau khi bán công ty Zip2 và Paypal. Elon Musk sau đó đã chi khoảng 100 triệu USD để thành lập SpaceX, với hy vọng thiết lập các chuyến du hành vũ trụ giá cả phải chăng và chinh phục Sao Hỏa.
Quyết định đó khiến nhiều người bất ngờ, bởi Elon Musk không được đào tạo bài bản về lĩnh vực tên lửa. Ông đã tìm đến nhà tư vấn hàng không vũ trụ Jim Cantrell để thảo luận về ý tưởng, đồng thời mượn toàn bộ sách về hàng không vũ trụ để đọc. “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi ông ấy mượn tất cả sách của mình. Elon thực sự muốn chế tạo tên lửa”, ông Cantrell nhớ lại.
Bản thân Elon Musk cũng hiểu rằng, mình đang bước vào một lĩnh vực có tỷ lệ rủi ro cao, và ước tính khả năng thành công dưới 1%. Sau này, ông tiết lộ đã không cho bạn bè đầu tư vào SpaceX vì sợ mọi người mất tiền.
Đúng như dự báo của nhiều người, những vụ phóng tên lửa đầu tiên của SpaceX liên tiếp gặp thất bại. Tháng 3/2006, tên lửa Falcon 1 lần đầu tiên được phóng vào không gian và đã phát nổ vì rò rỉ nhiên liệu. Hai lần phóng tiếp theo vào tháng 3/2007 và 8/2008 cũng cho kết quả tương tự.
Thất bại liên tiếp khiến Elon Musk mất ăn, mất ngủ. Nữ diễn viên Talulah Riley – bạn gái khi ấy của Elon Musk- tiết lộ rằng, tỷ phú người Mỹ thường xuyên thức giấc vào lúc nửa đêm, la hét như đang cố thoát khỏi điều gì đó.
Video đang HOT
“Nếu chúng tôi thất bại lần thứ 4, mọi thứ sẽ chấm dứt”, Elon Musk nói năm 2007, khi SpaceX đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, lần này nỗ lực của ông đã được đền đáp. Tháng 9/2008, SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon 1 vào quỹ đạo từ đảo Omelek. Ba tháng sau, NASA trao cho công ty hợp đồng vận chuyển hàng hóa lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS trị giá 1,6 tỷ USD.
Những thành công liên tiếp
Sau thành công của Falcon 1, SpaceX bắt tay vào chế tạo Falcon 9 – tên lửa hai tầng đầu tiên của công ty. Falcon 9 cao 70m, rộng 3,7m, sử dụng động cơ đốt hỗn hợp ôxy lỏng và dầu Kerosene chuyên dụng (RP – 1). Tên lửa này sau đó được phóng thành công lần đầu vào ngày 7/6/2010 từ Trạm không quân Mũi Canaveral, Florida.
Với tải trọng lên tới hơn 13 tấn, Falcon 9 đã trở thành tên lửa đóng vai trò “bản lề” cho kế hoạch chinh phục vũ trụ của Elon Musk. Tháng 12/2010, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng một vật nặng lên quỹ đạo và đưa nó trở lại Trái Đất nguyên vẹn.
Tới tháng 5/2012, Falcon 9 lần đầu tiên vận chuyển thành công hàng hóa lên ISS. Sau đó 5 tháng, chuyến bay thương mại đầu tiên của Falcon 9 tới ISS đã diễn ra tốt đẹp. Tính từ khi được phát triển, Falcon 9 đã được phóng thành công tổng cộng 125 lần, hạ cánh an toàn 85 lần, và được tái sử dụng 67 lần.
Tái sử dụng tên lửa là một phát kiến thiên tài khác của Elon Musk, giúp giảm chi phí mỗi lần phóng đi rất nhiều. Ban đầu, SpaceX muốn tái sử dụng cả hai tầng của tên lửa, nhưng họ đã từ bỏ ý tưởng này để thiết kế một nguyên mẫu khác của Falcon 9, tập trung vào tầng 1 của tên lửa.
Quá trình thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn tên lửa đều phát nổ hoặc rơi thẳng xuống biển theo cách không thể kiểm soát. Tới lần thử thứ 9 vào ngày 18/4/2014, Falcon 9 mới có thể hạ cánh một cách có chủ đích. Sau đó một năm, tên lửa của SpaceX đã trở lại Trái Đất “nguyên vẹn” sau khi hoàn tất sứ mệnh không gian.
Khi đã thành công tạo ra tên lửa, SpaceX hướng tới mục tiêu tạo ra một tàu vũ trụ tư nhân mang tên Dragon. Việc phát triển tàu Dragon tương đối thuận lợi, khi thực hiện chuyến bay thành công đầu tiên vào tháng 12/2010. Tới tháng 5/2012, cuộc thử nghiệm cập bến trạm vũ trụ ISS tiếp tục diễn ra suôn sẻ.
Sau khi đã có tên lửa và tàu vũ trụ chở hàng, Elon Musk đã bắt tay vào bước cuối cùng trong công cuộc chinh phục không gian: Chế tạo tàu vũ trụ chở người.
Vào tháng 9/2015, SpaceX giới thiệu nguyên mẫu Crew Dragon, cho phép công chúng chiêm ngưỡng bên trong cabin của phi hành đoàn. Tháng 11/2020, Crew Dragon đã thành công mang theo 4 phi hành gia cập bến trạm ISS. Tháng 4/2021, SpaceX thành công đưa 4 phi hành gia khác lên trạm vũ trụ.
Ngày 18/9/2021 đánh dấu một thành tựu khác của SpaceX, khi tàu Crew Dragon chở theo 4 công dân (không phải phi hành gia) hạ cánh thành công ở ngoài khơi Florida, sau khi thực hiện chuyến bay kéo dài 3 ngày trên quỹ đạo Trái Đất.
Hiện thực hóa ước mơ
“Người đàn ông này khao khát muốn cứu Trái Đất, tìm kiếm cho loài người một hành tinh mới để sinh sống. Đó là một người lập dị, một chú hề, và cũng là một thiên tài. Elon Musk là sự kết hợp giữa Thomas Edison, P.T. Barnum, Andrew Carnegie và Dr. Man- hattan trong truyện tranh Watchmen”, tờ Time mô tả Elon Musk trong bài viết vinh danh ông là “Nhân vật của năm 2021″.
Theo Elon Musk, cách duy nhất để thành công là “sự điên rồ” và “nhiều lần vấp ngã”. Tính cách có phần ngông cuồng của Elon Musk có thể không được lòng một số người, song những thành công của SpaceX đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp vũ trụ, biến những điều tưởng như viển vông trở nên khả thi.
Tháng 4/2021, Elon Musk đã sửa tiểu sử trên mạng xã hội X của mình thành “Hoàng đế sao Hỏa”, đồng thời tiết lộ về tham vọng sống trên “hành tinh đỏ” này. Ông muốn đảm bảo sự tồn tại cho con người trong trường hợp Trái Đất va chạm với thiên thạch hoặc xảy ra Thế chiến III. “Tôi muốn chết trên Sao Hỏa, nhưng không phải bằng cách đâm đầu vào đó”, Elon Musk nói.
Trước đó, vào tháng 5/2020, Elon Musk tuyên bố sẽ bán tất cả tài sản vật chất và “không sở hữu một ngôi nhà nào” cho tới khi hoàn thành việc xây dựng thành phố trên Sao Hỏa vào năm 2050. Tháng 6/2021, Elon Musk đã bán ngôi nhà cuối cùng ở Vịnh San Francisco để dồn tiền cho dự án. “Tôi muốn xây dựng một gia đình lớn trên Sao Hỏa, nơi đặc biệt mà con người có thể sinh sống”, Elon Musk nói.
Theo ông, việc xây dựng thành phố trên Sao Hỏa không đơn giản, có thể tiêu tốn từ 100 tỷ USD đến 10.000 tỷ USD. Tuy vậy, Elon Musk hy vọng rằng viễn cảnh định cư ngoài vũ trụ sẽ giúp con người tạo ra được những đột phá lớn về công nghệ.
“Tôi nghĩ chúng ta nên có một mục tiêu tích cực, đó là biến chương trình thuộc địa hóa Sao Hỏa trở thành chất xúc tác cho phép con người thực hiện những việc mà bình thường chúng ta sẽ không nghĩ tới. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho sự đổi mới và lòng dũng cảm của con người thông qua kế hoạch này”, Elon Musk chia sẻ.
Vào năm 2019, Elon Musk đã giới thiệu một phương tiện mang tên Starship. Đây là một tổ hợp tên lửa và tàu vũ trụ khổng lồ, được thiết kế để vận chuyển con người và hàng hóa lên Mặt Trăng, Sao Hỏa và xa hơn nữa. Trải qua nhiều lần thử thất bại, nguyên mẫu Starship SN15 đã có chuyến bay thử thành công đầu tiên vào ngày 5/5/2021.
Tới tháng 11/2023, Starship đã thử nghiệm thành công việc phân tách tầng tên lửa chính ra khỏi tầng thứ hai. Nếu không có gì thay đổi, Starship sẽ là phương tiện đưa các phi hành gia trở lại Mặt Trăng vào năm 2024, theo chương trình Artemis của NASA.
Sự thành công của SpaceX đã khiến nhiều người không còn hoài nghi về Elon Musk. Dù ước mơ chinh phục Sao Hỏa của ông vẫn chưa thành hiện thực, và không ai có thể biết trước được tương lai sẽ như thế nào.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng, chỉ trong khoảng hai thập kỷ, Elon Musk đã biến phần lớn những kế hoạch điên rồ của ông trở thành hiện thực.
Mặt Trăng co lại có thể gây ra nhiều trận động đất và lở đất trên bề mặt
Nghiên cứu cho thấy việc Mặt Trăng co lại tạo ra vết nứt trên bề mặt có thể gây nguy hiểm cho bất kỳ phi hành gia nào đặt chân lên Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ thông minh khảo sát Mặt Trăng (SLIM) của Nhật Bản đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng ngày 20/1, cách vị trí mục tiêu khoảng 55m. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Maryland (Mỹ), Mặt Trăng đang dần co lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nói thêm rằng mức độ co quá nhỏ nên không thể gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến chúng ta ở dưới Trái Đất, chẳng hạn như nhật thực, trăng tròn hoặc chu kỳ thủy triều.
Điều đáng lo ngại là việc Mặt Trăng đang co lại dường như gây ra nhiều hơn các trận động đất trên Mặt Trăng, có thể gây nguy hiểm cho bất kỳ phi hành gia nào cố gắng hạ cánh hoặc sống trên đó trong tương lai.
Theo thông cáo báo chí của Đại học Maryland về phát hiện này, tình trạng co lại đã dẫn đến sự cong vênh bề mặt đáng chú ý ở vùng cực nam của Mặt Trăng, bao gồm cả những khu vực mà NASA đề xuất cho phi hành đoàn hạ cánh với sứ mệnh Artemis III.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng lõi nóng bên trong của Mặt Trăng đang dần nguội đi, tạo ra các đường đứt gãy hoặc vết nứt trên bề mặt Mặt Trăng khi hành tinh này co lại.
Nhà khoa học Tom Watters của Viện Smithsonian - người đứng đầu nghiên cứu trên - cho biết: "Có rất nhiều hoạt động đang diễn ra trên Mặt Trăng. Đó chỉ là điều mà chúng tôi phải ghi nhớ khi lập kế hoạch, đặc biệt là khi đóng các căn cứ lâu dài trên Mặt Trăng".
Các nhà khoa học cho biết Mặt Trăng đang co lại và xuất hiện những vết nứt vỡ. Ảnh: NASA
Nghiên cứu cũng đã xem xét cụ thể cực nam Mặt Trăng, một địa điểm có thể hạ cánh cho các sứ mệnh của Artemis. Ông Watters cho biết: "Chúng tôi cũng biết từ dữ liệu địa chấn của Apollo rằng trận động đất mạnh nhất trên Mặt Trăng là một trận động đất nông xảy ra gần cực nam đã được các máy đo địa chấn ghi lại".
Ông Watters cho biết, những trận động đất đó có thể khiến các sườn dốc ở cùng khu vực Mặt Trăng dễ bị lở đất, đồng thời có thể gây nguy hiểm cho các địa điểm hạ cánh trên bề mặt.
Theo ông Watters, do lực hấp dẫn tương đối thấp của Mặt Trăng, ngay cả một trận động đất có độ lớn 5 trên Mặt Trăng cũng sẽ mạnh hơn nhiều so với trên Trái Đất. Sự khác biệt về trọng lực cũng có thể khiến các trận động đất ở Mặt Trăng kéo dài hơn nhiều. Trên Trái Đất, những trận động đất kéo dài cũng chỉ diễn ra trong vài phút, nhưng trên Mặt Trăng, chúng có thể tồn tại hàng giờ.
Mặc dù các trận động đất trên Mặt Trăng không có khả năng ảnh hưởng đến các sứ mệnh của Artemis đã được lên kế hoạch từ sớm, nhưng các sứ mệnh nhằm thiết lập tiền đồn trên Mặt Trăng có thể bị ảnh hưởng.
"Trong một sứ mệnh ngắn hạn như Artemis, chúng ta sẽ khó gặp phải một trận động đất. Nhưng nếu chúng ta đặt một căn cứ lâu dài trên Mặt Trăng thì khả năng chúng sẽ phải hứng chịu một trận động đất mạnh hơn nhiều", ông Watters nói.
Bỉ tham gia Hiệp định Artemis về hợp tác dân sự không gian vì mục đích hòa bình Bỉ chính thức tham gia Hiệp định Artemis để hợp tác trong việc khám phá dân sự Mặt trăng, Sao Hỏa, Sao Chổi và tiểu hành tinh vì mục đích hòa bình. Trái đất nhìn từ Mặt trăng. Ảnh minh họa: NASA Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Bộ trưởng Ngoại giao, Các vấn đề châu Âu và Ngoại thương Bỉ Hadja Lahbib,...