ECB hạ lãi suất: Được ít, mất nhiều
Ngân hàng Trung ương châu Âu ( ECB) vừa quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống còn đúng 0% và tăng mức lãi suất đối với tiền gửi của các ngân hàng ở ECB, còn gọi là lãi suất phạt, từ 0,3% lên 0,4%.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống còn đúng 0% – Ảnh: Reuters
Quyết định này cho thấy ECB kiên định tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm lãi suất, tăng mua nợ và tăng khối lượng tiền tệ trên thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, gần như ai cũng cho rằng ECB được ít nhưng mất thì nhiều.
Cái được là một chút danh, là sự công nhận rằng ECB rất quyết tâm dùng chính sách tiền tệ để mang lại tăng trưởng kinh tế. Nhưng cái mất lại nhiều hơn bởi ECB đã giảm lãi suất vài lần trước khi đưa xuống còn bằng 0 như bây giờ mà tăng trưởng kinh tế năng động cho khu vực sử dụng đồng euro vẫn chưa thấy đâu.
Khối lượng tiền tệ được ECB bơm vào hệ thống ngân hàng và thị trường rất lớn và sẽ còn lớn hơn nữa nhưng các ngân hàng đâu có tăng hoạt động cấp phát tín dụng. Cả tiêu dùng lẫn đầu tư đều cầm chừng.
Video đang HOT
Hậu quả của lãi suất cơ bản 0% thật tai hại đối với người có tiền gửi tiết kiệm và những quỹ lương hưu, bảo hiểm xã hội hoạt động nhờ lãi suất tiền gửi.
Ngoài ra, tình trạng tiền tệ như thế chỉ có lợi cho những ai cần tín dụng để mua nhà hay kinh doanh bất động sản. Nhưng không nhiều dân chúng ở châu Âu có nhà riêng và kinh doanh bất động sản. Điều này tiềm tàng nguy cơ bùng nổ từ bong bóng bất động sản thành khủng hoảng thực sự như đã từng xảy ra. ECB đang tự vô hiệu hóa những vũ khí lợi hại nhất của mình trong đối phó khủng hoảng.
La Phù
Theo Thanhnien
ECB hạ lãi suất xuống mức âm kỷ lục
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa nỗ lực một lần nữa để kích thích kinh tế châu Âu: hạ lãi suất chính xuống mức kỷ lục và tăng quy mô chương trình mua trái phiếu.
Lúc này, ECB đã hoàn tất chuyện hạ lãi suất để kích thích kinh tế châu Âu - Ảnh: Shutterstock
Theo CNN và Bloomberg, tại cuộc họp diễn ra ở thành phố Frankfurt (Đức) tối 10.3, Chủ tịch ECB Mario Draghi vừa thông báo giảm lãi suất trả cho khoản tiền mặt mà các ngân hàng thương mại gửi qua đêm tại ECB thêm 10 điểm cơ bản, xuống mức -0,4%. Lãi suất cơ bản thì xuống còn 0%.
Bắt đầu từ tháng 4, ECB sẽ mua 80 tỉ EUR, tương đương 87 tỉ USD, giá trị trái phiếu mỗi tháng, tăng kích thước chương trình mua trái phiếu lên từ mức 60 tỉ EUR hiện nay. Chương trình này sẽ chạy đến tháng 3.2017.
ECB còn cho hay ngân hàng có thể sẽ in thêm tiền trong nỗ lực cất cánh tình hình giảm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Các biện pháp trên sẽ làm giảm chi phí vay vốn, khuyến khích các nhà băng cho doanh nghiệp và hộ gia đình vay để đầu tư, chi tiêu.
Đồng euro giảm giá trị và chứng khoán châu Âu tăng mạnh sau thông báo của ECB. Trước đó, giới chuyên gia kinh tế đã dự đoán ECB hạ lãi suất và mua tài sản nhiều hơn, song Ngân hàng Trung ương châu Âu lại thực hiện nhiều hơn thế khi cho biết họ sẽ bắt đầu mua nợ của doanh nghiệp lẫn chính phủ.
Giải thích về quyết định táo bạo này, ông Draghi cho hay triển vọng không chắc chắn của kinh tế thế giới cũng như các rủi ro địa chính trị không xác định đã kìm hãm tốc độ phục hồi của kinh tế khu vực eurozone. ECB giảm dự báo tăng trưởng và lạm phát ở eurozone trong năm 2016 xuống còn lần lượt 1,4% và 0,1%.
Sau khi cho ra mắt chương trình kích thích kinh tế như trên, ông Mario Draghi nói rằng ECB có thể cắt giảm thêm lãi suất, nhưng việc này ít có khả năng xảy ra.
"Có một danh sách khá dài các biện pháp, và mỗi biện pháp trong số đó là rất quan trọng và được đưa ra để tạo tác động tối đa trong việc thúc đẩy kinh tế và sự ổn định trở lại của giá cả. Chúng ta đã cho thấy chúng ta không thiếu đạn dược. Từ quan điểm ngày hôm nay, chúng tôi không dự đoán chuyện giảm lãi suất thêm nữa là cần thiết", ông Draghi cho hay.
Thị trường lạc quan trước tin tức về gói kích thích tiền tệ ở châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng hơn 2% và đồng euro giảm hơn 1% so với đô la Mỹ.
"Các gói kích thích toàn diện vượt quá mong đợi, đủ để tạo ra tác động tích cực không chỉ lên thị trường tài chính mà còn lên niềm tin kinh doanh trong khu vực eurozone", chuyên gia Holger Schmieding ở ngân hàng Berenberg nhận định.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Cảnh báo nguy cơ từ lãi suất âm Các nhà kinh tế thế giới đang cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn từ chính sách lãi suất âm mà ngân hàng trung ương các nước như Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Điển đang áp dụng. Một người đàn ông đi bộ bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - Ảnh: Reuters Theo CNN hôm nay 7.3, giới...