ECB chưa tính tới việc giảm các chương trình hỗ trợ đại dịch COVID- 19
Nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) đang đứng trước bước ngoặt song sự phục hồi của khu vực này phải đảm bảo vững chắc và bền vững trước khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể thảo luận về việc rút lại các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp.
Đây là phát biểu của Chủ tịch ECB Christine Lagarde đưa ra trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Politico.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde trong cuộc họp báo thông báo chính sách của ngân hàng tại Frankfurt, Đức ngày 16/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Trong cuộc phỏng vấn, bà Lagarde nêu rõ: “Tôi không cho rằng chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) sẽ kết thúc vào ngày 31/3/2022″ và “còn quá sớm để thảo luận về những vấn đề này”. Mặc dù nói rằng ECB sẽ điều chỉnh linh hoạt, song Chủ tịch Lagarde nhận định nền kinh tế Eurozone đang đi đúng hướng và đang phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19.
Trước đó, trong cuộc họp diễn ra ngày 10/6, ECB đã quyết định giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục và không điều chỉnh chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) theo chương trình khẩn cấp trong đại dịch (PEPP), nhằm giữ chi phí đi vay ở mức thấp, qua đó thúc đẩy chi tiêu và đầu tư. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ làm giảm tốc độ phục hồi của Eurozone. Sau cuộc họp, Chủ tịch Lagarde cũng cho rằng vẫn còn “quá sớm” để thảo luận về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục hỗ trợ để củng cố đà phục hồi kinh tế, nhấn mạnh duy trì dòng tiền “rẻ” trong suốt cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 vẫn là điều cần thiết để giảm bớt sự bất ổn kinh tế và củng cố lòng tin.
Triển vọng tăng trưởng tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã sáng sủa hơn đáng kể nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mở rộng và nhu cầu bùng nổ khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Bà Lagarde dự báo hoạt động kinh tế sẽ “tăng tốc” trong nửa cuối năm nay, giữa bối cảnh sự gia tăng chi tiêu dùng và nhu cầu toàn cầu cùng với gói kích thích tài chính-tiền tệ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho đà phục hồi. Mặc dù vậy, người đứng đầu ECB cho rằng đà phục hồi kinh tế vẫn còn mong manh và phụ thuộc nhiều vào diễn biến của đại dịch. Trong dự báo mới cập nhật, ECB dự đoán kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, cao hơn so với con số 4% đưa ra trước đó.
Kinh tế Eurozone, EU tiếp tục suy giảm
Trong quý I/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 0,3%, trong khi GDP của Liên minh châu Âu (EU) giảm 0,1% so với quý trước.
Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Theo báo cáo công bố ngày 8/6 của Cơ quan Thống kê E(Eurostat), so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Eurozone giảm 1,3% còn kinh tế EU giảm 1,2%. Với mức giảm 0,6% tại Eurozone và 0,4% tại EU trong quý IV/2020, đây là quý thứ hai liên tiếp GDP của cả hai khu vực trên giảm, ngược với đà phục hồi mạnh mẽ trong quý III/2020.
Trong khi đó, trong quý đầu tiên của năm nay, kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6% so với quý trước và tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 0,6% so với quý IV/2020 và 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà phục hồi chậm chạp tại châu Âu được lý giải là do đợt dịch COVID-19 thứ 3 đã bùng phát ở châu lục này vào đầu năm nay, với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và các đợt đóng cửa sau đó. Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao tại ING, nhận định Eurozone đã trải qua cuộc suy thoái kỹ thuật thứ hai trong thời kỳ đại dịch. Theo ông, tình trạng "sức khỏe" của kinh tế Eurozone đang kém hơn so với kinh tế Mỹ, khi rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật khác, tiến triển của chương trình tiêm chủng cũng như mở cửa nền kinh tế chậm chạp, trong khi chương trình hỗ trợ tài chính cho năm 2021 yếu hơn.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Colijn vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong thời gian còn lại của năm, với lưu ý khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, nhu cầu sẽ tăng cao và thúc đẩy đà phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, các nước châu Âu cũng đang dần dỡ bỏ chính sách hạn chế, với các chiến dịch tiêm chủng. Chứng chỉ COVID-19 trên toàn EU sẽ được bắt đầu sử dụng từ tháng 7 tới, qua đó tái khởi động ngành du lịch đang bị đình trệ.
Anh lo ngại sắp xuất hiện làn sóng COVID-19 mới Số ca mắc COVID-19 mới tại Anh đã tăng lên mức cao nhất trong gần hai tháng qua. Một cơ sở xét nghiệm COVID-19 tạm thời tại Bolton, Anh. Ảnh: AP Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), đang có nhiều lo ngại rằng biến thể Ấn Độ có thể khiến chính phủ Anh trì hoãn kế hoạch nới lỏng hạn chế. Dữ liệu...